Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Việt Nam: Trên có chính sách thì dưới có ngay đối sách

TRƯƠNG KHẮC TRÀ

(GDVN) - Việc xuất hiện đối sách để “điều chỉnh” chính sách không nằm ngoài bàn tay của “lợi ích nhóm”. Tại sao “nhóm lợi ích” muốn bẻ cong chính sách?
Chính sách là tập hợp các chủ trương và biện pháp về một lĩnh vực nào đó của Chính phủ, nó bao gồm các mục tiêu mà Chính phủ muốn đạt được và cách thức để thực hiện các mục tiêu đó.
Những mục tiêu này bao gồm sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…
Chuyện quốc gia “no ở giữa” ngày xưa và “quốc nạn” tham nhũng ngày nay (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).
Đối sách là cách thức, biện pháp để đối phó lại với một vấn đề nào đó.
Chính sách vạch ra con đường dài hơi cho một hoặc một nhóm vấn đề cần được giải quyết, còn đối sách chỉ là biện pháp tạm thời để giải quyết vấn đề mang tính cấp bách theo kiểu “nóng tay bắt lỗ tai”.

"Hoàng hôn nhiệm kỳ là bình minh lợi ích"

Ở Việt Nam, từ lâu người ta thường hay lấy cụm từ “trên bảo dưới không nghe” để ví von cho tình trạng thiếu hiệu quả, hiệu lực trong các mệnh lệnh chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới.
Ví dụ như nhờn luật, phớt lờ chỉ đạo của cấp trên, hành xử kiểu cát cứ, “ông vua con”…
Những lỗ hổng to bự trong công tác nhân sự, quản lý tài sản công hay trong cải cách hành chính… gần đây cho thấy một mẫu số chung rằng: Rất nhiều chính sách ở Trung ương đúng đắn, phù hợp nhưng khi về tới địa phương thì trở thành méo mó một cách khó hiểu!
Việc xuất hiện đối sách để điều chỉnh chính sách không nằm ngoài bàn tay của lợi ích nhóm. Tại sao “nhóm lợi ích” muốn bẻ cong chính sách?
Mục đích cuối cùng là lợi ích. Cốt lõi của vấn đề là việc một khi thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước lại là hòn đá tảng ghè chân “nhóm lợi ích”.
Nên bộ phận không nhỏ này tìm mọi cách lèo lái chính sách sao cho đẻ ra càng nhiều bổng lộc càng tốt.
Xào nấu, điều chỉnh lại chính sách là một trong những biểu hiện và là vũ khí lợi hại của “nhóm lợi ích”, là trở lực lớn nhất khiến ý đảng không gặp được lòng dân.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh chống “lợi ích nhóm”.
Bởi vì, “lợi ích nhóm” (theo nghĩa tiêu cực) sẽ làm cho sự phát triển của đất nước và lợi ích quốc gia, dân tộc suy yếu và tổn thất nghiêm trọng; nhân dân bị tước đoạt quyền lực và lợi ích; thành quả cách mạng và chế độ chính trị - xã hội không được bảo vệ, dẫn đến đổ vỡ.
Câu chuyện xe công, xe tư xảy ra hồi đầu năm nay là một ví dụ điển hình, rõ ràng Chính phủ đã có Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg, ngày 4/8/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước.
Nhưng khi về địa phương những bàn tay vô hình, những bộ óc sáng tạo đã ngang nhiên phớt lờ chỉ đạo theo tinh thần của Quyết định này, và hậu quả là có đến 7.000 chiếc xe công nằm “trùm mền” vì dư thừa.

Ba vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế quốc dân

Câu hỏi đặt ra ở đây tại sao các địa phương muốn mua thêm nhiều xe trong khi nhu cầu đã đủ?
Phải chăng việc mua xe và những chữ ký duyệt chi là bút sa… hoa hồng nở?
Hậu quả của việc “phá” chính sách không chỉ dừng lại ở việc mấy nghìn tỷ đồng bốc hơi mà nguy hiểm hơn là nó tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, kích hoạt sự bất công, chênh lệch giàu nghèo.
Trước nhất, nó làm cho đất nước bị tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư, bị kìm hãm không thể phát triển nhanh, thậm chí không thể phát triển bình thường, mất sức sống, nền kinh tế sẽ bị khiếm khuyết, dị tật
Chệch hướng khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính đất nước đi theo một con đường khác. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của các giá trị nhân cách thì “nhóm lợi ích” lại thúc đẩy đồng tiền cộng với quyền lực chiếm địa vị thống trị.
Phải ngăn chặn sự thao túng của các nhóm lợi ích (Ảnh: tienphong.vn).
Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu “chúng ta tìm người tài chứ không tìm người nhà”. [1]
Yêu cầu của Thủ tướng cũng là chính sách quan trọng và cần thiết cho công tác nhân sự trong bộ máy Nhà nước, tuy nhiên sự thật cho thấy, rất nhiều địa phương đã có đối sách vê công tác nhân sự cho riêng mình đó là vấn nạn “tìm người nhà” bỏ qua người tài.
Năm 2015 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam gây xôn xao dư luận vì một quy định về ưu tiên con cháu trong tuyển dụng:
“Đối tượng ưu tiên là: con cán bộ hiện đang công tác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc Trụ sở chính của Agribank chưa có người con nào làm việc tại Agribank (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp) được cộng 30 điểm (thang điểm 100)”. [2]
Rất may sự việc sau đó đã được ngăn chặn, nhưng quá rõ ràng đây là một đối sách để tìm người nhà chứ không phải tìm người tài, bởi chẳng có chính sách nào có những quy định “thân hữu” như vậy!

Chính phủ mới và những vấn đề cũ

Luật cán bộ, công chức vẫn có quy định ưu tiên con thương binh, liệt sỹ nhưng không phải quá ngang nhiên vi phạm đến mức đó.
Ở một xã nọ, có câu chuyện thật như đùa rằng mỗi khi nhà Chủ tịch có việc hiếu, hỷ,  ma chay thì cả ủy ban đóng cửa mấy ngày, hỏi ra mới biết vì cán bộ, công chức của cả xã này… cùng gia phả!
Kiểu bố của Chủ tịch là cậu của anh A, vợ Chủ tịch là cô của chị B.
Mấy hôm nay, ông Cục trưởng Cục thuế Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị bổ nhiệm vợ mình vào vị trí Cục phó đã gây ì xèo trong dư luận.
Xét khách quan việc bổ nhiệm đề bạt nếu tuân thủ nguyên tắc đúng năng lực, đủ phẩm chất để hoàn thành nhiệm vụ được giao là hoàn toàn xứng đáng, bất kể đó là ai.
Nhưng dư luận cũng có lý do để đặt câu hỏi: Phải chăng không còn ai tài giỏi hơn vợ Cục trưởng?
Hơn nữa có nhiều thân nhân ông Cục trưởng nắm giữ các vị trí lãnh đạo khác nhau trong cơ quan Cục thuế khiến người ta có lý do để bàn tán xôn xao.

Tiền có cánh, đất có chân và những thứ đúng quy trình!

Làm sao để chính sách, chủ trương của Đảng có thể đi vào cuộc sống?
Một trong những biện pháp hàng đầu là triệt tiêu đối sách của “nhóm lợi ích”. Đến khi nào vẫn còn đối sách để chống lại chính sách thì lúc đó vẫn còn đầy rẫy tiêu cực.
Đừng để công tác chỉ đạo điều hành của cấp trên với cấp dưới như cái cây, chỉ có phần “ngọn” xôn xao chuyển động còn phần “gốc” luôn im ỉm chẳng lung lay.
Gốc nào không chịu chuyển động nên đánh bật loại bỏ như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo: “Kỷ luật theo quy trình thì lâu lắm, tốt nhất là cho nghỉ việc”. [3]
Tài liệu tham khảo:
[3] http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Pho-thu-tuong-Vuong-Dinh-Hue-Nhac-nho-sai-pham-khong-xong-thi-ky-luat-post170385.gd 
Trương Khắc Trà

Không có nhận xét nào: