(VTC News) - Ngoài những khoản lỗ khủng, nợ đầm đìa, thời kỳ hậu ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC còn lộ thêm bất ngờ đáng sợ mới.
Sau những lùm xùm xung quanh ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam – PVC, những vấn đề nghiêm trọng của PVC như lỗ khủng, nợ đầm đìa được mổ xẻ nhiều hơn.
Nhưng ngoài những khoản lỗ khủng, nợ đầm đìa này, PVC còn lộ thêm bất ngờ đáng sợ mới. Đó là nợ xấu. Dù phải đi vay hàng ngàn tỷ đồng để gánh chịu chi phí lãi vay rất lớn, PVC lại hào phóng tới mức mang tiền vay ngân hàng đi cho vay. Kết quả là PVC đang đối mặt với những khoản nợ khó đòi lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý 2/2016, tổng các khoản nợ nợ xấu chủ yếu của Tổng công ty là hơn 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó, theo tính toán của PVC, giá trị nợ có thể thu hồi chỉ là khoảng 370 tỷ đồng.
Trong các khoản nợ xấu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG) “vô địch” với gần 300 tỷ đồng. PVC tính toán, giá trị nợ có thể thu hồi từ PSG chỉ là hơn 50 tỷ đồng. Trên thực tế, không dễ để PVC đòi nợ PSG vì PSG đang trong tình trạng bết bát hơn cả PVC.
Những năm gần đây, PSG liên tục đối mặt với những khoản lỗ khủng. Lợi nhuận sau thuế của PSG trong các năm 2011, 2012, 2013 và 2015 lần lượt là âm 87 tỷ đồng, 2552 tỷ đồng, 223 tỷ đồng và 19 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2015, PSG âm vốn chủ sở hữu lên tới 311 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền của PSG chỉ là hơn 16 tỷ đồng. Với những số liệu bết bát như vậy, cổ phiếu PSG đã buộc phải rời xuống giao dịch ở Upcom. Vì vậy, 50 tỷ giá trị nợ có thể thu hồi được ở PSG mà PVC đưa ra có thể là quá lạc quan.
Ngoài PSG, một vài công ty tạo nợ xấu “tiêu biểu” cho PVC có thể kể đến như công ty cổ phần khách sạn Lam Kinh (222 tỷ đồng), công ty cổ phần xây lắp dầu khí Hà Nội (156 tỷ đồng), công ty cổ phần đâu tư xây dựng thương mại dầu khí – Idico (116 tỷ đồng),…
Không chỉ có vậy, khoản tiền mà PVC bị các doanh nghiệp “sử dụng hộ” rất cao. Chỉ tiêu phải thu ngắn hạn của khách hàng lên tới 2.174 tỷ đồng và phải thu khác là 1.358 tỷ đồng. Trong đó phải thu về lãi cho vay, hỗ trợ vốn, lãi phạt chậm thanh toán, chậm trả là 151 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa công ty ôm tiền đi cho vay nhưng chậm thu hồi cả vốn lẫn lãi.
Điều đáng nói, công ty ôm cả ngàn tỷ đồng đi cho vay trong khi phải đi vay 2.575 tỷ đồng. Khoản vay lớn khiến chi phí tài chính của PVC luôn ở mức cao ngất ngưởng. Riêng trong 2 quý đầu năm 2016, chi phí lãi vay của PVC đã lên tới 75 tỷ đồng.
Còn nếu tính theo năm, chi phí lãi vay của PVC trong các năm 2012, 2013, 2014 và 2015 lần lượt là 476 tỷ đồng, 454 tỷ đồng, 131 tỷ đồng và 137 tỷ đồng. Như vậy, PVC làm bao nhiêu không đủ “nuôi” tiền lãi vay ngân hàng.
Với cách quản lý dòng tiền như vậy, PVC kinh doanh bết bát là điều dễ hiểu. Và hiện tại, những nhiều lãnh đạo PVC đang dần phải trả giá cho những sai phạm của mình. Mới đây, 4 lãnh đạo của PVC là ông Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc, Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc và Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC đã bị bắt.
Sau đó, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC bị khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự. Xác định bị can đã bỏ trốn, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh.
Thanh Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét