Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ cuối: Ngày lịch sử

04/10/2019 09:07 GMT+7

TTO - 'Thưa đại tướng, về chính trị là quyền của đại tướng. Riêng về quân sự, đại tướng phải quyết định gấp. Tình hình quá nguy ngập không cho phép chúng ta chần chừ nữa…'.

Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ cuối: Ngày lịch sử - Ảnh 1.
Từ trái sang: ông Nguyễn Văn Binh, ông Nguyễn Hữu Hạnh, ông Dương Văn Minh, ông Nguyễn Văn Hảo (đứng phía sau ông Minh) và ông Vũ Văn Mẫu nói chuyện với đại diện quân giải phóng trưa 30-4-1975 - Ảnh tư liệu
Mờ sáng 30-4, trước khi về gặp ông Dương Văn Minh, tôi đã trình bày tình hình quân sự với trung tướng Vĩnh Lộc và trung tướng Nguyễn Hữu Có.
Chỉ còn ít giờ nữa
"Phía sân bay Tân Sơn Nhứt, quân của Biệt khu thủ đô đang chạm súng với Việt cộng. Có thể họ sẽ giữ nổi nhưng phải chịu nhiều thiệt hại về người và vật chất. Tuy nhiên phía Biên Hòa và Thủ Dầu Một, Quân đoàn 3 không còn để chỉ huy các đơn vị của họ.
Trung tướng Toàn đã di tản ra nước ngoài. Sư đoàn 18 và Lữ đoàn 5 thiết giáp kẹt ở tuyến sông Đồng Nai. Hướng Thủ Dầu Một bị bỏ ngỏ.
Một đoàn chiến xa của Việt cộng đang tiến về Sài Gòn và đã đi qua Búng. Mặt trận phía này chúng ta không có quân xung kích mà chỉ có lực lượng phòng thủ. Tôi e trong thời gian ngắn nữa chúng ta không thể đỡ gạt nổi…", tôi nói.

Nghe xong, trung tướng Vĩnh Lộc biến đổi sắc mặt, vội cầm lấy điện thoại báo cáo với ông Dương Văn Minh. Sau đó Vĩnh Lộc bắt tay khi tôi đi gặp ông Minh. Đó là cái bắt tay cuối cùng.
8h sáng 30-4, ông tướng dòng dõi hoàng tộc này cùng gia đình di tản bằng đường thủy.
Tôi và tướng Có chạy đi tìm xe. Tài xế đã bỏ đi mất. Tướng Có phải gọi điện về nhà đưa xe riêng đón chúng tôi đến nhà ông Dương Văn Minh lúc 6h sáng.
Gặp ông Minh, tướng Có trình bày lại toàn bộ tình hình quân sự như tôi đã nói. Ông Minh trầm ngâm suy nghĩ, nhân lúc đó tôi nói thêm: "Tình hình hết sức nguy ngập, xin đại tướng quyết định gấp. Chúng ta không thể trì hoãn, sẽ có hại".
Ông Minh vội quay lại hỏi tôi: "Bây giờ 'toa' muốn gì?".
Tôi nghĩ đầu hàng sớm là tốt nhất, nhưng chưa nói thẳng điều đó. Tôi nói thêm: "Thưa đại tướng, về chính trị là quyền của đại tướng. Riêng về quân sự, đại tướng phải quyết định gấp. Tình hình quá nguy ngập không cho phép chúng ta chần chừ nữa".
Ông Minh suy nghĩ trầm ngâm một hồi rồi nói: "Để tôi đi bàn với ông Huyền và ông Mẫu. Các 'toa' ngồi đây đợi". Tôi đề nghị được đi theo, ông Minh đồng ý.
Chúng tôi đến Phủ thủ tướng, số 7 đường Thống Nhất (giờ là đường Lê Duẩn - PV), trên đường đi thấy dân chúng khăn gói, hối hả lên xuống tấp nập. Ngang qua đại sứ Mỹ thấy nhiều kẻ xấu đang hôi của.
Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ cuối: Ngày lịch sử - Ảnh 2.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh (trái) tại cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc TP.HCM năm 1976 - Ảnh: LAM ĐIỀN chụp lại
Ngưng bắn
8h sáng 30-4, trước tình hình mỗi phút mỗi nguy thêm, các ông Minh, Huyền và Mẫu quyết định đơn phương tuyên bố bàn giao chính quyền lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Ông Mẫu ngồi soạn lời tuyên bố, mất khoảng một tiếng đồng hồ.
9h, ông Minh đọc vào máy ghi âm.
Trong lúc ông Minh thâu băng lời tuyên bố, tôi gọi điện cho tướng Nguyễn Khoa Nam và yêu cầu tướng Nam cố gắng thi hành lệnh tổng thống sẽ phát trên Đài phát thanh. Cùng lúc đó, tướng Có gọi điện thoại cho Vĩnh Lộc và Đỗ Ngọc Nhân nhưng không ai trả lời.
Ông Có lại gọi điện thoại về cho gia đình, gương mặt ông tái nhợt đi vì cũng không có người trả lời. Ông Có quay lại bảo tôi cùng ông về nhà thay thường phục, nhưng tôi trả lời: "Ông về một mình đi, tôi ở lại đây với đại tướng".
Thâu băng xong, nhân viên phát thanh cho phát đi tại Đài phát thanh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi cũng đến Đài phát thanh để ra nhật lệnh cho quân đội và các lực lượng vũ trang buông súng thi hành lệnh của tổng thống.
Không có xe, tôi phải mượn Phủ thủ tướng chiếc xe Jeep để đến đài, đi với tài xế lạ và không có bảo vệ.
Thu băng và phát xong, được biết đài chỉ phát một lần, tôi đã yêu cầu đài sử dụng loại băng tự động để phát liên tục.
Nhật lệnh của tướng Nguyễn Hữu Hạnh
"Tôi, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá tổng tham mưu trưởng, thay mặt trung tướng Vĩnh Lộc (tổng tham mưu trưởng, vắng mặt), yêu cầu tất cả quí vị tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về ngưng bắn.
Các cấp chỉ huy Quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để thực hiện ngưng bắn một cách không đổ máu".
Tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh
"Tôi, Tổng thống Dương Văn Minh. Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sanh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam.
Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu (thì) ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng.
Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào".
9h30 ngày 30-4-1975
Xe tăng đã đến
Tuyên bố của ông Dương Văn Minh, nhật lệnh của tôi được truyền đi trên Đài phát thanh Sài Gòn hồi 9h30.
Tôi trở về Phủ thủ tướng, nơi đây im vắng không còn ai dù mới sáng nay có nhiều nhân vật trong chính phủ cũ và mới lần lượt đến để chuẩn bị ra mắt nội các Vũ Văn Mẫu dự kiến tổ chức lúc 10h ngày 30-4-1975 tại dinh Độc Lập.
Tất nhiên nó sẽ không bao giờ diễn ra nữa mà đã trở thành lễ tiếp đón lực lượng quân giải phóng.
Tôi quay xe đến nhà ông Dương Văn Minh ở số 3 Trần Quí Cáp (giờ là đường Võ Văn Tần - PV) thì được biết ông Minh và gia đình đã vào dinh Độc Lập.
Tôi đến dinh. Suốt trên mấy con đường đều im phăng phắc không một bóng người. Không khí kỳ lạ.
Tôi vào dinh Độc Lập bằng cửa chính, lúc đó cửa mở toang không lính gác (ông Minh đã cho giải tán hết lính gác dinh).
Đến thềm dinh thì thấy có một xe Jeep và một xe GMC đầy lính vũ trang. Gặp một trung úy, tôi hỏi thì biết một thiếu tá tiểu đoàn Lôi Hổ đang gặp ông Minh ở tầng 1. Tiểu đoàn này phụ trách phòng thủ sân bay Tân Sơn Nhứt.
Tôi lên gặp ông Minh, xin xe đưa tôi về Bộ tổng tham mưu nhưng ông Minh không cho, giữ tôi lại dinh.
Điện thoại tại phòng làm việc của chánh văn phòng tổng thống reng. Thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Lôi Hổ phụ trách phòng thủ Bộ tổng tham mưu xin gặp tôi.
Anh hỏi: "Chuẩn tướng bảo chúng tôi buông súng làm sao? Tôi không đầu hàng đâu. Tôi đã bắn cháy 3 xe tăng". Tôi giải thích và khuyên: "Thiếu tá không nên để máu đổ ở giờ thứ 25".
Anh ta yêu cầu tôi cho nói chuyện với tổng thống, tôi mời ông Minh đến nói chuyện. Câu chuyện chưa xong thì ở cổng trước, xe tăng đã vào dinh Độc Lập. Ông Minh nói: "Quân giải phóng đã vào tới dinh rồi. Thôi. Cúp".
Lúc đó là 11h30. Quân thiết giáp vào dinh Độc Lập và ủi sập cổng chính. Tôi cũng không biết ai đã đóng cửa lại. Có thể những anh em tiểu đoàn Lôi Hổ đã đóng khi họ ra khỏi dinh.
Đoàn xe tăng của quân giải phóng bắn súng chỉ thiên liên tục. Anh Nguyễn Văn Diệp mặc quần áo dạ, đón anh em ở dưới lầu, có cầm một miếng vải trắng.
Anh Diệp dẫn những người cầm cờ lên lầu 1 gặp tôi (tôi mặc quân phục) tại cầu thang. Tôi không nhớ có bao nhiêu người nhưng dường như có hai người cầm cờ và một người mặc quần bộ đội, áo thun trắng.
Tôi nói với anh bộ đội: "Các anh có nghe tôi tuyên bố trên Đài phát thanh không?". Anh bộ đội trả lời: "Có".
Tôi yêu cầu anh nói lại với anh em không nên bắn súng nhiều như vậy, lúc đó tiểu đoàn Lôi Hổ mới ra không lâu, sợ họ phản ứng thì rất nguy hiểm.
Anh bộ đội trả lời: "Chúng tôi bắn để mừng, không sao đâu. Đưa chúng tôi đi cắm cờ". Tôi yêu cầu đại tá Chiêm, người đã ở lâu trong dinh, hướng dẫn bộ đội đi thay cờ trên nóc dinh Độc Lập.
Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ cuối: Ngày lịch sử - Ảnh 5.
Nội các Dương Văn Minh trong thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975 - Ảnh tư liệu
Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chánh quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Cộng hòa hạ vũ khí, đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chánh quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn.
Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống DƯƠNG VĂN MINH phát trên đài phát thanh 13h30 ngày 30-4-1975
Không có kẻ thua người thắng
Ông Dương Văn Minh cùng nội các Vũ Văn Mẫu và những người có mặt tập trung tại phòng Khánh tiết. Tại đây có các anh bộ đội và một số người mặc thường phục mà tôi đoán là anh em sinh viên học sinh hoặc cán bộ thành.
Sau đó, ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu cùng các anh em cán bộ, bộ đội giải phóng đến Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Chúng tôi ở dinh Độc Lập ba ngày.
Đêm 2-5-1975, sau khi chúng tôi họp làm việc với ông Cao Đăng Chiếm, thượng tướng Trần Văn Trà tiếp các ông Minh, Huyền, Mẫu và Hảo, ông Minh kể lại rằng thượng tướng Trần Văn Trà đã nói một câu chứa chan tình nghĩa mà chúng tôi không sao quên được: "Đối với chúng ta không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam thắng Mỹ".
Sau buổi tiếp xúc, tướng Trà cho cán bộ quân sự ngồi xe đưa chúng tôi mỗi người về tận nhà riêng.
Ngoài đường phố, dân chúng reo mừng…
28 năm sau chiến tranh, Trung ương Đảng đã tiếp cận để đánh giá hiện tượng Dương Văn Minh:
"...Tuyên bố của Dương Văn Minh và nhật lệnh của Nguyễn Hữu Hạnh cũng đã có tác dụng nhất định làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân ngụy vào những giờ chót của chiến tranh, tạo thuận lợi để đại quân ta tiến vào Sài Gòn.
Thúc đẩy Dương Văn Minh ngừng bắn thức thời, đó là một thành công của công tác binh địch vận đã chọn đúng đối tượng để tác động vào đúng thời điểm. Đó là một đóng góp quan trọng của mũi binh địch vận trong thời điểm kết thúc chiến tranh".
Lịch sử Nam bộ kháng chiến
Người anh hùng thầm lặngNgười anh hùng thầm lặng
TTO - "Kính viếng tướng Nguyễn Hữu Hạnh - Người anh hùng nhân dân thầm lặng trong trái tim chúng tôi".
NGUYỄN HỮU HẠNH

Không có nhận xét nào: