Quy định 205-QĐ/TW là giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng
08:42 09/10/2019
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này là phương thức, giải pháp, bộ công cụ để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng Đảng, công tác cán bộ.
- Cử tri Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ
- Công tác cán bộ là then chốt trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
- Quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền
- Ban Bí thư: Chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự khóa mới
Để thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, giải quyết vấn đề từ gốc, làm tốt công tác cán bộ, Quy định kiểm soát quyền lực về công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền nêu rõ 6 quy định đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; 6 quy định đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; 6 quy định đối với người đứng đầu…
Ngoài ra, Quy định nêu 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; những trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chạy chức, chạy quyền, quy định xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho hành vi chạy chức, chạy quyền.
Đây là những quy định hết sức cụ thể, chi tiết. Kiểm soát quyền lực là một phương thức lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, giải pháp thực hiện để kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền. Nhiều người nhận thức chưa đầy đủ cho rằng, trong điều kiện đã có Quy định 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017, của Ban Chấp hành Trung ương quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thì việc ban hành Quy định này là không cần thiết hay các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lợi dung xuyên tạc, gia tăng hoạt động chống phá.
Quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền được ban hành và đi vào đời sống trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền và hệ thống chính trị đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình, tạo được niềm tin, đáp ứng được mong mỏi của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác cán bộ hiện nay. Vì sao vậy?
Cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, đây là nhân tố tiên quyết quyết định thắng lợi trong mọi thời kỳ cách mạng, trong công việc lớn, nhỏ hằng ngày cơ quan, đơn vị.
Ngay từ khi chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, Bác Hồ đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện, bồi dưỡng, sử dụng nhiều thế hệ lãnh đạo cho Đảng và hệ thống chính trị.
Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liên, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Vì theo Người: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém… vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, trong sạch để Đảng ta xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, hệ thống chính trị đáp ứng cơ đồ và địa vị của đất nước chưa bao giờ có được như ngày hôm nay.
Trong công cuộc đổi mới đặt ra rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Những nhiệm vụ đó đòi hỏi Ðảng phải không ngừng bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng. Nhà nước phải hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị. Cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có đủ phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, uy tín và năng lực mới có thể hoàn thành trách nhiệm và quyền hạn được giao.
Thực thi quyền lực và kiểm soát quyền lực một cách đúng đắn, không chỉ phòng ngừa tiêu cực, lạm quyền trong công tác cán bộ mà còn bảo đảm cho sự lãnh đạo, quản lý vận hành có hiệu lực, hiệu quả. Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ban hành Quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là hết sức cần thiết trong quá trình nâng cao năng lực của Đảng cầm quyền, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Trước tác động mặt trái của cơ chế thị trường, một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm bổn phẩn của mình trước Đảng, trước dân.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn…
Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường”. Thực tế này đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo các cấp. Mặt khác việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ; một số cơ chế chính sách đề bạt, bổ nhiệm chưa công bằng, chưa đầy đủ…
Quy định được ban hành góp phần giải quyết vấn đề then chốt của công tác cán bộ, khắc phục tình trạng lạm quyền, tham ô, tham nhũng, thao túm trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thu vén cá nhân, vi phạm nguyên tắc, cục bộ, bè phái, kèn cựa, tranh chức, tranh quyền; hay hiện tượng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, thăng tiến “thần tốc”, “ngồi nhầm chỗ”… như một số trường hợp xảy ra trong thời gian vừa qua.
Để Quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đi vào đời sống trong tổ chức đảng các cấp, nhất là ở cơ sở, theo chúng tôi cần quán triệt, lưu ý và làm tốt một số vấn đề sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các quy định kiểm soát quyền lực về công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền trong Quy định này.
Thống nhất trong tư tưởng, quyết liệt trong hành động để thực hiện theo đúng quan điểm của Đảng: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả; đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.
Hai là, thực hiện Quy định bằng các hình thức sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình trên cơ sở giữ nghiêm kỷ luật đảng. Qua sinh hoạt đảng, các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là trong các cơ quan nhà nước kiểm soát thường xuyên lẫn nhau việc thực hiện quy định. Thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng vì “Đảng mạnh là do mỗi chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do đảng viên đều tốt”.
Ba là, bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu, làm tốt quy định trách nhiệm nêu gương, nêu cao trách nhiệm chính trị, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ, nâng cao sức chiến đấu, vai trò của cán bộ, đảng viên trong phê bình và tự phê bình.
Bốn là, để chống “chạy chức”, “chạy quyền” trong công tác cán bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động, thường xuyên rà soát, thực hiện nghiêm Quy địnhvề kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn về công tác cán bộ, thực hiện nghiêm những chế tài đối với hành vi vi phạm.
Năm là, tập trung giải quyết tình trạng mất đoàn kết nội bộ hoặc đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định. Xây dựng, thực hiện đoàn kết thống nhất trong đảng, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đề cao pháp luật của Nhà nước; ngăn chặn tình trạng chia rẽ, bè phái, “cánh hẩu”, cục bộ, nể nang, né trách, làm tốt phê bình, tự phê bình trong công tác cán bộ.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Cấp ủy cấp trên tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình, nhất là những nơi có biểu hiện nội bộ mất đoàn kết, có biểu hiện sai phạm; có vấn đề phức tạp nảy sinh, những bức xúc mà đảng viên và nhân dân phản ánh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định kiểm soát quyền lực, chạy chức, chạy quyền.
TS Lê Thế Cương (Học viện Chính trị CAND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét