Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam – cơ quan đã chuốc tiếng nhơ vô liêm sỉ khi quy kết nguyên nhân cá chết miền Trung là do “thủy triều đỏ”, cũng như đã hầu như chẳng làm gì để xử lý ô nhiễm biển – vừa dũng cảm ban hành quyết định thanh tra toàn diện về môi trường Công ty Mỏ Núi Pháo của Tập đoàn Masan.
Vào năm 2015, một phóng viên nhà nước khi định viết về nạn ô nhiễm môi trường ở mỏ Núi Pháo đã bị côn đồ đánh đến mức phải nhập viện. Nhưng sau đó, sự việc như thể chìm xuồng, còn Hội Nhà báo Việt Nam đã không có bất kỳ một động tác can đảm tối thiểu nào để bảo vệ hội viên của mình.
Đã từ lâu, nhiều người biết rằng mỏ Núi Pháo thành hình là do sự “se duyên” của bà Nguyễn Thanh Phượng – Ngân hàng Bản Việt. Bà Phượng đã đứng ra tư vấn để Masan nắm được mỏ Vonfram có trữ lượng đứng thứ hai trên thế giới này.
Bà Nguyễn Thanh Phượng lại được biết đến là con gái của người mà vào năm ngoái còn là thủ tướng Việt Nam – ông Nguyễn Tấn Dũng.
Lẽ nào Bộ Tài nguyên và Môi trường dám “đụng” đến sếp cũ của họ?
Có lẽ chẳng mấy ai hoài nghi về tinh thần co rụt của cơ quan bộ trên, nếu không phải là họ nhận lệnh sai khiến từ một cấp trên cao hơn nhiều.
Nếu quả chiến dịch thanh tra môi trường mỏ Núi Pháo là muốn nhắm vào vai trò của bà Nguyễn Thanh Phượng đứng phía sau Masan và ông Nguyễn Đăng Quang, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng bí thư Trọng đang phát triển một bước dài đáng kể.
Tính từ thời điểm tung ra “việc cần làm ngay” để xử lý vụ “ruồi” Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang, cho đến nay thời gian mới chỉ trôi qua gần hai tháng. Tuy nhiên sau Trịnh Xuân Thanh, “mặt trận” đã liên tục mở rộng đến cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng ở Hà Nội và nay đến mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên.
Đáng chú ý, ông Trịnh Xuân Thanh là “lính” của ông Vũ Huy Hoàng, còn ông Vũ Huy Hoàng lại là “lính” của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tất cả đều móc xích với nhau, và “quy trình xử lý” đều có vẻ logic.
Nếu quy trình trên diễn tiến một cách không thể ngăn chặn, sau “ruồi” Trịnh Xuân Thanh là “hổ nhỏ” Vũ Huy Hoàng. Và sau “hổ nhỏ”, logic đương nhiên sẽ phải là “hổ lớn”.
Ai là “hổ lớn”? Và khoảng thời gian nào thì “hổ lớn” sẽ được công khai trên bình diện thông tin đại chúng với tư cách trong diện “việc cần làm ngay”?
Những câu hỏi trên đang vấp phải vài biến số từ các “đối tượng”. Ít ngày sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra môi trường mỏ Núi Pháo, Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đã có thông báo “phản pháo”, cho rằng mỏ Núi Pháo luôn giữ tiêu chuẩn về môi trường. Thậm chí một tờ báo nhà nước còn rút tít “Núi Pháo bảo đảm tiêu chuẩn môi trường quốc tế”.
Ai sẽ thắng ai?
Lê Dung
Sẽ thanh tra và xử lý nghiêm vụ Mobifone mua AVG;
Chính phủ Việt Nam quyết định thanh tra toàn diện việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), theo sau chỉ đạo của lãnh đạo Đảng Cộng sản.