Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Thái Lai
Như báo Lao Động đã thông tin trong số báo trước, dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang và nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai - người được ông Quang ủy quyền ký giấy phép cho phép Formosa xả nước thải ra biển. Kỳ quặc hơn, chính giấy phép quan trọng này được ông Thái Lai ký chỉ chưa đầy 3 tuần trước khi nghỉ hưu lại có dấu hiệu vi phạm Luật Tài nguyên nước và Nghị định 201/2013 NĐ-CP.
- Khởi tố vụ án chất thải Formosa chôn lấp trái phép ở trang trại
- Khởi tố hình sự vụ chôn lấp trái phép chất thải Formosa
- NÓNG 24H: Xyanua vượt ngưỡng trong rác thải Formosa, điều chỉnh LTT tăng 7,3%
- Không có vùng cấm trong xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm trong vụ Formosa
Ký xong, nghỉ hưu và…không ai giám sát
Ông Nguyễn Thái Lai sinh năm 1955 có quê là Mai Đình, Hiệp Hòa, Hà Tĩnh. Trước khi được Thủ tướng Chính phủ lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thì ông Lai là Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ TNMT.
Ngày 17.7.2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 1026/QĐ-TTg bổ nhiệm ông Thái Lai làm Thứ trưởng Bộ TNMT. Ngày 10.6.2015, tại văn bản số 818/TTg-TCCV, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian giữ chức Thứ trưởng Bộ TNMT đối với ông Nguyễn Thái Lai đến hết ngày 31.12.2015 sẽ nghỉ hưu.
Trước khi nghỉ hưu khoảng 20 ngày, ông Nguyễn Thái Lai ký thay Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang văn bản cho phép Formosa xả thải ra biển.
Theo giấy phép này, Formosa được xả nước thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải công suất 45.000m3/ngày đêm của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Nước thải sau xử lý được bơm và dẫn theo đường ống thép không gỉ ra đến đập quan trắc nước thải, sau đó chảy ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương theo phương thức tự chảy, xả giữa dòng. Chế độ nước xả thải liên tục 24 giờ/ngày đêm.
Có 2 vị trí quan trắc nguồn nước tiếp nhận tại vịnh Sơn Dương: Vị trí cách vị trí xả nước thải sau xử lý 250m về phía bờ và vị trí cách vị trí xả nước thải sau xử lý 250m ở ngoài khơi. Tần suất quan trắc 3 tháng/1 lần.
Ngoài ra, Formosa cũng phải chịu kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước và môi trường ở Trung ương và địa phương; chuẩn bị nhân lực, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố gây ô nhiễm nguồn nước. Giấy phép này chính là căn cứ để sau này cả Bộ TNMT và Formosa Hà Tĩnh khẳng định là: “Đường ống xả thải ra biển của Formosa được cấp phép chứ không phải lắp đặt lén lút” (trả lời báo chí của Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân bên lề cuộc họp của lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung với liên Bộ NNPTNT, TNMT).
Cũng trong cuộc họp trên, ông Nhân thừa nhận: “Chưa rõ số liệu quan trắc đã được đấu nối với Sở TNMT của tỉnh hay chưa”, còn Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh Đặng Bá Lục thì chắc chắn: “Trạm quan trắc tự động của Công ty Formosa lại chưa kết nối và truyền số liệu về Sở TNMT Hà Tĩnh. Ngoài trạm quan trắc tự động của Formosa, ở thời điểm hiện tại không có trạm quan trắc nào của Bộ TNMT ở Khu công nghiệp Vũng Áng”.
Như vậy có thể hiểu ngay một vấn đề: Sau khi cấp giấy phép cho Formosa xả thải, người ký là Thứ trưởng Lai đã nghỉ hưu thì Bộ TNMT đã buông lỏng, không có ai giám sát xem việc quan trắc được thực hiện thế nào, cũng không ai kiểm tra cho đến khi cá chết nổi trắng biển miền Trung vì chính đường ống được Bộ TNMT cấp phép.
Giấy phép cho phép Formosa xả thải vào nguồn nước. Ảnh: T.L |
Có dấu hiệu vi phạm Luật Tài nguyên nước
Xung quanh giấy phép cho phép Formosa xả thải do Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai ký ngày 11.12.2015 thì giấy phép này đã vi phạm Điều 20 Nghị định 201/2013 NĐ-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 27.11.2013 là đã “không lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Cụ thể, Điều 20: Điều kiện cấp phép ghi rõ: “Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây: 1. Đã thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Nghị định này; 2. Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực…
Điều 2 Nghị định 201/2013 NĐ-CP và Điều 6 Luật Tài nguyên nước có quy định rất rõ: Công trình xả nước thải vào nguồn nước có lưu lượng từ 10.000m3/ngày đêm trở lên buộc phải lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Khi cấp phép cho Formosa, cả UBND tỉnh Hà Tĩnh lẫn Bộ TNMT đã “quên mất người dân” và không người dân hay đại diện dân cư nào được hỏi ý kiến xung quanh câu chuyện xả thải ra môi trường của dự án Formosa ngay cả khi cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng như hiện nay.
Vụ chôn chất thải Formosa: Những đối tượng nào bị xem xét hình sự?
Liên quan vụ chôn chất thải Formosa, CSĐT cho biết sẽ xem xét hình sự hoặc phạt hành chính đối với các cá nhân, đơn vị vi phạm.
Như tin đã đưa, sau khi có kết luận của Bộ TN - MT, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án Chôn chất thải độc hại Formosa tại trang trại của ông Lê Quang Hoà (phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh). Ông Hoà là Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh.
Chiều nay (2/8), Cơ quan CSĐT đã công bố quyết định khởi tố, công bố một số thông tin ban đầu về vụ án nghiêm trọng này. Trong lúc chờ CQĐT khởi tố các bị can, nhiều người dân muốn biết về nhóm đối tượng (chủ thể tội phạm) sẽ bị xem xét hình sự trong vụ án này.
Đại tá Bùi Đình Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, quá trình điều tra CQĐT hoạt động theo luật; điều tra độc lập; không chịu sức ép nào ngoài chuyên môn, nghiệp vụ. CQĐT sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá chứng cứ; cá thể hóa trách nhiệm để xử phạt hành chính, xem xét xử lí hình sự; khởi tố bị can, bắt giữ, tạm giam các đối tượng liên quan, kể cả đối tượng quản lí nhà nước.
Qua kết luận của Bộ TN-MT, chúng ta thấy, có 2 nhóm vi phạm pháp luật trong vụ việc này. Nhóm thứ nhất có hành vi vi phạm hành chính là Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa đã vi quản lý chất thải sơ sài, thiếu phân loại, gây ra các hậu quả môi trường, tạo dư luận xấu trong xã hội. Hành vi của Formosa sẽ bị Bộ TN-MT xử lý hành chính (có thể phạt tiền, điều chỉnh/thu hồi giấy phép...).
Đại tá Bùi Đình Quang chủ trì, công bố quyết định khởi tố
|
Nhóm vi phạm pháp luật thứ 2, bao gồm các hành vi liên quan việc chôn chất thải trái phép tại trang trại của ông Lê Quang Hoà, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh. Hành vi này đã được Bộ TN-MT kết luận, chuyển CQĐT xem xét xử lý hình sự. Qua đó, chiều ngày 2/8, CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, như tin đã đưa.
Như vậy, nhóm vi phạm pháp luật hình sự bao gồm: Đối tượng cung cấp nguồn thải (Formosa); thực hiện việc chôn chất thải (Cty Môi trường đô thị); quản lý nhà nước về nguồn thải (Chi cục BVMT, Sở TN-MT...) trong hoạt động này.
Theo đó, ngoài những thành viên thuộc Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh trực tiếp chỉ đạo, thực hiện chôn chất thải, còn có các cá nhân thuộc Formosa đã tham gia ký kết hợp đồng xử lý chất thải trái luật với phía ông Hòa cũng bị xem xét hình sự. Cá nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc theo dõi, giám sát và tiếp tay cho các hành vi trên cũng bị xem xét.
Những đối tượng vi phạm pháp luật trong vụ Chôn chất thải Formosa trái phép sẽ bị xử lí.
|
Điều 182a, tội Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại ghi rõ:
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 182 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
|
Nhóm PVMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét