Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Hé lộ về 'quỹ đen trăm tỉ' thời ông Trịnh Xuân Thanh; Ông Lê Phước Thọ: Bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang...sai hết, sai hết; Ban Bí thư và Thủ tướng yêu cầu thanh tra vụ MobiFone mua AVG

Kết quả kiểm tra cho biết, trong giai đoạn PVC-ME dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh đã lập 'quỹ đen trăm tỉ' để sử dụng vào việc tiếp khách, biếu xén hoặc đi 'đối ngoại'. 
Từ năm 2012, các cơ quan chức năng và bản thân Tập đoàn dầu khí VN đã phát hiện Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) buông lỏng quản lý ở một số đơn vị thành viên gây thua lỗ và tham nhũng. Trách nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh thời điểm đó đã được chỉ rất rõ, thế nhưng ông này vẫn thoát để leo lên những vị trí cao hơn.



Một trong những đơn vị điển hình cho tình trạng này là Công ty CP thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME). Năm 2009, sau khi đã yên vị ở chức vụ Chủ tịch HĐQT PVC, ông Trịnh Xuân Thanh và các thành viên HĐQT lúc đó đã chủ trương thành lập PVC-ME với số vốn điều lệ 500 tỉ đồng, trong đó PVC giữ vị trí cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 40% và giao ông Trịnh Văn Thảo làm giám đốc. Ngành nghề chính của công ty này là xây dựng hạ tầng, làm nền móng, gia công cơ khí. Trong giai đoạn 2009 - 2012, PVC-ME đã ký được hàng chục hợp đồng kinh tế trị giá lên tới 2.700 tỉ đồng, trong đó có những dự án lớn như nhiên liệu sinh học ethanol ở Phú Thọ, xơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng, Tổng kho dầu khí Đà Nẵng... Điều đáng chú ý, hầu hết các hợp đồng quy mô hàng trăm tỉ đồng này đều liên quan đến ngành dầu khí và do PVC nhận về rồi chỉ định cho PVC-ME thi công.
Do năng lực yếu kém nên PVC-ME chỉ nhận công trình sau đó đi thuê nhà thầu phụ thi công, còn mình đứng giữa ăn phần trăm nên đã xảy ra hàng loạt bê bối. Trong đó, những dự án như nêu trên phải tạm dừng thi công vì chậm tiến độ, thất thoát, thậm chí là thua lỗ lớn, nhiều báo cáo của cơ quan chức năng cho biết đến giữa năm 2012, PVC-ME bị thua lỗ hơn 576 tỉ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chưa kể những khoản nợ khổng lồ lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Lái xe chi tiền tiếp khách gần 1,2 tỉ đồng
Trong giai đoạn 2009 - 2012, lương bình quân của người lao động ở PVC- ME chỉ từ 4 - 8 triệu đồng và nhiều lần xảy ra tình trạng chậm, nợ lương, trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp này vung tiền không tiếc tay. Sự bất công này đã dẫn đến mâu thuẫn nội bộ và đơn thư tố cáo được gửi đến nhiều cơ quan chức năng cũng như Tập đoàn dầu khí VN. Kết quả kiểm tra xác minh của nhiều cơ quan chức năng cho biết, trong giai đoạn này PVC-ME đã lập “quỹ đen” với khoản tiền lên tới hơn 80 tỉ đồng để sử dụng vào việc tiếp khách, biếu xén hoặc đưa cho giám đốc Trịnh Văn Thảo đi “đối ngoại”. Cụ thể, trong năm 2011, tổng chi cho bộ máy PVC-ME 47,8 tỉ đồng thì có tới 10 tỉ đồng là chi để “tiếp khách”. Cũng trong năm này, ông Hoàng Vĩnh Thắng, lái xe cho Giám đốc Trịnh Văn Thảo, đã chi tiền “tiếp khách” cho sếp lên tới 1,12 tỉ đồng. Trước đó, năm 2010, khoản tiền ông Thắng chi tiếp khách cho sếp cũng gần 730 triệu đồng.
Theo nhiều tài liệu mà Thanh Niên có được, kế toán trưởng, nhân viên PVC-ME đã rút từ “quỹ đen” này nhiều lần, mỗi lần từ vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng để ông Trịnh Văn Thảo đi đối ngoại hoặc tiếp khách, đồng thời đưa hàng trăm triệu đồng khác cho các lãnh đạo của PVC-ME tiếp khách hoặc đi nước ngoài. Đơn cử, ngày 7.7.2011, ông Nguyễn Tuấn Sơn, trợ lý giám đốc, ứng từ quỹ đen hơn 205 triệu đồng để ông Thảo tiếp khách. 5 ngày sau đó (ngày 11.7.2011), ông Sơn ứng tiếp 206 triệu đồng để ông Thảo sử dụng. Đến ngày 26.7.2011, Sơn rút tiếp 206 triệu đồng cho “sếp” đi công tác. Nhiều lần khác, các “sếp” PVC-ME đi nước ngoài, kế toán công ty này rút hàng trăm triệu đồng để “bắn” vào tài khoản cho “sếp” chi tiêu. Chưa hết, nhiều khoản chi khác với mỗi khoản hàng chục triệu đồng được ghi là “phong bì” cho lãnh đạo của PVC hoặc làm việc với một số ngành chức năng.
“Chi sinh nhật bố sếp Thanh” hơn nửa tỉ đồng
Trong các khoản chi từ “quỹ đen” PVC-ME có không ít những khoản chi vô lý đến mức khó tin. Cụ thể, ngày 7.7.2011, bộ phận văn phòng đã rút 350 triệu đồng để mua... bộ đồ đánh golf cho “sếp”. Chỉ trong ngày 15.8.2011, Nguyễn Tuấn Sơn đã 4 lần rút tiền từ quỹ với tổng cộng hơn 750 triệu đồng. Khoản tiền này sau đó được giải trình là đã sử dụng gần 550 triệu đồng để chi cho việc “sinh nhật bố sếp Thanh ở tổng công ty”.
Trong giai đoạn PVC-ME thua lỗ, nợ nần đầm đìa thì ông Vũ Duy Thành, Chủ tịch HĐQT, đã bất ngờ rời chức vụ để chuyển lên làm Chủ tịch Công đoàn của PVC.
Trung tuần tháng 7.2012, thanh tra của Tập đoàn dầu khí VN tiến hành kiểm tra tại PVC thì ngày 31.7.2012, Giám đốc Trịnh Văn Thảo bất ngờ xuất cảnh đi Mỹ và không trở về. Chuyến đi này sau đó được báo cáo là ông Thảo đã đi mà không xin phép Tập đoàn dầu khí VN và PVC.
Ngày 12.9.2012, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, sau đó khởi tố 15 bị can liên quan, trong đó có 13 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ của PVC-ME về các tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cuối năm 2012, những sự vụ bê bối xảy ra tại PVC-ME đã được Tập đoàn dầu khí VN chỉ rõ, đồng thời yêu cầu PVC phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc để PVC-ME xảy ra thua lỗ, thất thoát. Chỉ đạo của Tập đoàn dầu khí VN thời điểm đó cũng nêu rõ lãnh đạo PVC phải tự đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp với mức độ sai phạm. Thua lỗ thất thoát tại PVC-ME góp phần tích cực vào việc thua lỗ hơn 3.300 tỉ đồng tại PVC.
Trong khi câu chuyện về trách nhiệm đang dở dang thì tháng 9.2013, ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời ghế Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PVC về làm Phó chánh văn phòng Bộ Công thương.



Ngày 11.8.2015, TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC-ME. Đến đầu tháng 2.2016, vụ án được TAND tối cao tại TP.Hà Nội xử phúc thẩm. Trong vụ án này có 13 bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái thì có tới 11 bị cáo thuộc PVC-ME, trong đó có Phó giám đốc Bùi Trọng Chinh (36 tuổi), kế toán trưởng Đinh Bá Lượng (36 tuổi), thủ quỹ Phạm Thị Hải Hà (27 tuổi) và các bị can thuộc các đội thi công của PVC-ME. Hai bị cáo Vũ Duy Thành (54 tuổi, Chủ tịch HĐQT PVC-ME) và Trần Xuân Tình (39 tuổi, Phó giám đốc PVC-ME) bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cùng với 2 bị cáo khác là người ngoài PVC-ME. Các cơ quan tố tụng xác định PVC-ME đã lập quỹ trái phép với khoản tiền 85 tỉ đồng để sử dụng cho hoạt động đối ngoại, tiếp khách. HĐXX xác định hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVC-ME gần 47 tỉ đồng, gây thiệt hại ngân sách hơn 1,1 tỉ đồng và gây thiệt hại tới một doanh nghiệp khác 4 tỉ đồng. HĐXX đã tuyên phạt Bùi Trọng Chinh 15 năm tù, các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 1 - 3 năm tù và án treo. Riêng Trịnh Văn Thảo bỏ trốn hiện đang bị truy nã quốc tế.
Ai sai trong việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh đều sẽ bị xử lý nghiêm
Liên quan đến việc quy trình bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, tại cuộc họp báo Chính phủ hôm qua (2.8), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá vụ việc này là điển hình cho những bất cập, tồn tại kéo dài trong công tác cán bộ. Những bất cập, tồn tại này cần được xử lý, chấn chỉnh, đặc biệt cần điều tra, xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Từ vụ việc trên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo, giao Ủy ban Kiểm tra T.Ư thông báo 26.7.2016. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao trực tiếp Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan kiểm tra để kết luận đúng - sai theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Đồng thời giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra T.Ư trong việc kiểm tra, kiểm điểm, xử lý vi phạm theo chỉ đạo của Tổng bí thư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.8.2016.
Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Bộ Nội vụ đang tiến hành triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Bộ Nội vụ đang tiến hành kiểm điểm, xem xét quy trình thực hiện đối với công tác cán bộ. Sau khi có kết quả xác minh chính xác sẽ thông báo cho các cơ quan báo chí. “Công tác cán bộ phải được xử lý nghiêm minh, xem xét rất kỹ, nếu ai, cá nhân nào, tổ chức nào vi phạm, lợi dụng công tác đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Dũng nói.
Trường Sơn
Thái Sơn

Bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh: Uỷ ban Kiểm tra Trung ương 'chưa dám nói sai phạm đó thuộc về ai'

Ông Lê Phước Thọ, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vẫn còn “chưa dám nói sai phạm đó thuộc về ai”.

Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh đã được Nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ. Trên cơ sở Kết luận này, các ngành chức năng đã vào cuộc tích cực để làm rõ những cá nhân, tổ chức liên quan tới những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN, ông Lê Phước Thọ, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vẫn còn “chưa dám nói sai phạm đó thuộc về ai”.

ban to chuc tu cung co trach nhiem trong vu ong trinh xuan thanh? hinh 0

Ông Lê Phước Thọ, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương

-  Thưa ông, việc ông Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Tỉnh uỷ viên trên cơ sở Quyết định thuyên chuyển của Bộ Công thương và Quyết định tiếp nhận của tỉnh Hậu Giang. Đó là một Quyết định sai nguyên tắc?


Đúng la sai nguyên tắc. Công tác này phải là của Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương. Ông Vũ Huy Hoàng chỉ có thể làm trong nội bộ đơn vị ông ấy; đưa đi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Tỉnh uỷ viên không phải thẩm quyền của ông ấy. Làm như vậy là sai nguyên tắc. Ông Vũ Huy Hoàng có khuyết điểm.
Vừa qua, trong cả nước, luân chuyển cán bộ, đưa đi làm Phó Chủ tịch, Phó Bí thư là Ban Tổ chức Trung ương, đâu có cơ quan nào khác được.
Nhưng các cơ quan quản lý cán bộ cấp này đều đã có ý kiến ở những khâu trước và sau Quyết định thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang, thưa ông?
Sai hết, sai về nguyên tắc bố trí cán bộ. Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương không nắm được cán bộ; bố trí, sử dụng cán bộ không đúng. Tỉnh uỷ viên và Phó Chủ tịch UBND tỉnh do Ban Bí thư quản lý mà sao không biết? Không biết, vậy tại sao anh lại công nhận?
Mới đây, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận kịp thời về vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh. Nhân dân cả nước rất ủng hộ. Cá nhân ông thấy Kết luận này đã phản ánh đầy đủ được tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vụ việc này chưa?
Xử lý như thế chưa phải là dám nói sai phạm đó thuộc về ai. Tôi nói thật, tôi thấy không ổn
Ông Lê Phước Thọ
Tôi đã đọc hết các kết luận đó rồi, không nói tới Ban Tổ chức chữ nào. Xử lý như thế chưa phải là dám nói sai phạm đó thuộc về ai. Tôi nói thật, tôi thấy không ổn, vì chỉ tập chung nói ông Vũ Huy Hoàng, Bộ Nội vụ, tỉnh Hậu Giang, không nói gì tới Ban Tổ chức.
Về nguyên tắc, nếu cán bộ như Bộ Trưởng, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ…  sai phạm thì trách nhiệm chủ yếu là Bộ Chính trị; Ban Tổ chức Trung ương tham mưu. Còn nếu đối tượng mà Ban Bí thư quản lý như Thường vụ, Tỉnh uỷ viên… thì sai phạm trong đề bạt, cất nhắc là trách nhiệm của Ban Bí thư. Cơ quan tham mưu cũng là Ban Tổ chức Trung ương. Ông Trịnh Xuân Thanh là Phó Chủ tịch, Tỉnh uỷ viên, đó là người do Ban Bí thư quản lý. Cho nên xử lý vụ việc này, tôi đòi hỏi phải làm rõ.
Muốn làm rõ thêm, phải kiểm điểm chỗ dầu khí; tìm ra nguyên nhân vì sao, vụ việc như vậy mà trước đây kiểm tra không ra? Trách nhiệm thuộc về ai?
Nhưng mấu chốt vẫn là cơ quan quản lý cán bộ này, không thể bỏ lọt được. Anh không biết, tại sao anh thừa nhận, duyệt? Tại sao lại để ông Vũ Huy Hoàng phê duyệt? Ông Vũ Huy Hoàng có thẩm quyền gì mà làm việc đó!
Xin cảm ơn ông!
Video: Xe sang Lexus liều lĩnh chạy ngược chiều

Nguồn: VOV


Ban Bí thư và Thủ tướng yêu cầu thanh tra vụ MobiFone mua AVG

Ảnh minh họa
   Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 2.8, trả lời về việc thực hiện thanh tra toàn diện MobiFone về thương vụ mua 95% cổ phần của AVG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc thanh tra là thực hiện theo yêu cầu của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ và do chưa có kết quả thanh tra nên chưa thể công bố thông tin cụ thể về vấn đề này.

Giải thích lý do việc chưa thông tin cho báo chí, ông Mai Tiến Dũng cho rằng MobiFone là doanh nghiệp nhà nước hàng đầu Việt Nam và cũng là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên thực hiện quá trình cổ phần hóa. Việc mua cổ phần nêu trên tại Công ty AVG là hoạt động đầu tư lớn của doanh nghiệp, cho nên rất cần có sự cẩn trọng.
Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản số 1621 ban hành ngày 22.7, thông báo ý kiến của Thường trực Ban Bí thư, giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.
Theo đó, Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký văn bản giao Thanh tra Chính phủ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư. “Việc thanh tra việc mua cổ phần của MobiFone với AVG là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Đảng và Thủ tướng Chính phủ” – Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, trước câu hỏi đặt ra là dự án này được thanh tra về điều gì và thanh tra thế nào, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đây là chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng, nên sau này có kết quả thanh tra thì mới công bố. Do đó, các nội dung cụ thể trong quá trình thanh tra và thời gian thanh tra khi nào kết thúc mới có thể công bố.
Về thông tin thương vụ MobiFone mua AVG có mức giá lên tới gần 8.000 tỉ đồng, trong khi giá thực chỉ hơn 2.500 tỉ, ông Trương Minh Tuấn - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói giá bao nhiêu phải thông qua cơ quan thẩm định giá được pháp luật cho phép, rồi việc mua còn cơ quan đàm phán giữa các đối tác với nhau. Cho nên, hiện tại chưa thể kết luận được gì.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ phát đi văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).


Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Văn bản số 1621-CV/VPTW ngày 22.7.2016 của Văn phòng Trung ương về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc mua 95% cổ phần của AVG, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện về dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 8.1.2016, Tổng công ty Viễn thông MobiFone chính thức có thông cáo báo chí về việc đã mua cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) để phục vụ cho việc kinh doanh truyền hình - một trong 4 lĩnh vực chiến lược của MobiFone (cùng với di động, bán lẻ và đa phương tiện).

MobiFone cho biết tháng 12.2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định chính thức phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone.
Trí Lâm

Không có nhận xét nào: