Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Lo ngại an ninh quốc gia, các nước hủy hàng loạt dự án với Trung Quốc; Người Nga bất an vì làn sóng đổ bộ của nông dân Trung Quốc; Sách trắng quốc phòng Nhật tố Trung Quốc; CP Việt Nam: Sẽ rà soát việc sử dụng thiết bị Trung Quốc; Lộ diện gián điệp Trung Quốc ở FBI, Mỹ lại “đau đầu” tìm cách đối phó

Việc nông dân Trung Quốc ồ ạt kéo sang đất Nga đang tạo nên nhiều mối lo lắng cho giới chức và người dân nước này.

nguoi-nga-bat-an-vi-lan-song-do-bo-cua-nong-dan-trung-quoc
Li Chengbin (trái) và con trai Li Xin đang làm việc trên cánh đồng mà họ thuê tại ngôi làng thuộc vùng Opytnoe, Nga. Ảnh: New York Times
Ngồi trong cabin chiếc máy kéo thương hiệu Nga, ông Li Chengbin, một nông dân 62 tuổi đến từ Trung Quốc, đang xới tung các lớp đất để chuẩn bị cho đợt canh tác mới. Ông tỏ ra hứng khởi với cơ hội được sử dụng những mảnh đất màu mỡ thuộc vùng Viễn Đông của Nga hầu như không có người sinh sống này, theo New York Times.
Li cho hay hồi ở Trung Quốc, cha con ông chưa bao giờ sở hữu một khu đất rộng tới hơn 300.000 m2 như tại Nga. Hầu hết những người nông dân Trung Quốc chỉ trồng trọt, chăn nuôi, trên các thửa đất rộng nhất là 8.100 m2. Khu đất ruộng của ông Li tại Trung Quốc thậm chí còn không được như vậy.
"Ở Trung Quốc, nếu nắm trong tay mảnh đất rộng thế này thì tôi đã trở thành người nông dân có trang trại lớn nhất nước rồi", Li chia sẻ.
Hai cha con ông mua máy kéo cùng nông cụ từ một hợp tác xã thời Liên Xô. Họ đã đàm phán thuê đất với một người phụ nữ địa phương chuyên kinh doanh bất động sản. Theo thỏa thuận, ông Li và con trai phải trả phí cho mọi hoạt động canh tác.
Nỗi ám ảnh khôn nguôi
Đối với những người Nga ở thủ đô Moscow và các thành phố phía tây, sự xuất hiện của nông dân Trung Quốc trên lãnh thổ nước này ở vùng Viễn Đông đang làm dấy lên những quan ngại về sự thống trị của Trung Quốc. Nỗi ám ảnh đó vẫn hiện hữu trong tâm trí rất nhiều người dân Nga dù mối quan hệ tổng thể giữa hai quốc gia đang nồng ấm lên, giới chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, người dân và quan chức xứ Viễn Đông lại nhìn nhận xu hướng trên như một cơ hội tốt để phát triển những khu vực còn yếu kém mà chính quyền trung ương không chú ý‎ đến.
"Người dân của chúng tôi vướng vào nhiều tệ nạn", bà Lyudmilla Voron, chủ tịch hội đồng địa phương vùng Opytnoe và các ngôi làng thuộc khu tự trị của người Do Thái, cho biết. "Họ uống rượu quá nhiều và rất lười nhác". Bà thừa nhận người dân Nga phải học hỏi rất nhiều từ nông dân Trung Quốc.
nguoi-nga-bat-an-vi-lan-song-do-bo-cua-nong-dan-trung-quoc-1
Vị trí vùng Opytnoe. Đồ họa: New York Times
Theo Voron, không có thống kê thực tế về số người Trung Quốc làm công toàn thời gian cho người Nga cũng như số người làm thời vụ hay số người làm việc trên chính nông trại do họ thuê. Nhưng một điều hiển nhiên chắc chắn là "số người Trung Quốc có mặt ở đây nhiều hơn người Do Thái", bà khẳng định.
Với dân số vỏn vẹn 1.716 người, khu vực bà Voron quản lý chỉ còn lại hai gia đình Do Thái bởi rất nhiều người đã di cư đến Israel. Trong khi đó, hàng trăm người Trung Quốc đang sinh sống tại đây.
Cô Maria, con gái bà Voron, phàn nàn rằng hiện có rất nhiều người Trung Quốc làm việc phi pháp và ngủ lại trên những cánh đồng. Song cô cũng phải ca ngợi tinh thần lao động của họ.
"Người Trung Quốc làm việc một cách điên cuồng", cô nhận xét. Maria ấn tượng vì họ biết cách biến những vùng đất hoang thành khu canh tác màu mỡ.
Song những người dân Nga khác ở địa phương, hầu hết làm nghề nấu rượu, tỏ ra kém nhiệt tình hơn và thường quở trách người Trung Quốc vì thức dậy quá sớm, dùng quá nhiều phân bón và lạm dụng canh tác.
Chính quyền quận gần đây nhận được một clip do người dân ghi lại, quay cảnh một cánh đồng do nông dân Trung Quốc canh tác bị bao phủ bởi lớp chất hóa học màu đen. Maria cho hay nhà chức trách đã gửi đoạn clip trên đến văn phòng công tố để điều tra.
Người Trung Quốc bắt đầu đổ đến các khu vực Viễn Đông dọc sông Hắc Long Giang để canh tác kể từ khi Liên Xô tan rã hồi năm 1991. Những dòng người di cư ồ ạt, thiếu kiểm soát đã làm dấy lên nhiều phong trào phản đối bắt nguồn từ các nhà hoạt động chính trị có tư tưởng dân tộc ở Moscow.
Vladimir Zhirinovsky, một người dân sống trong vùng, đã yêu cầu trục xuất tất cả người nhập cư Trung Quốc khỏi khu vực Viễn Đông của Nga. Stanislav Govorukhin, một nhà làm phim, còn thực hiện hẳn một đoạn video với nội dung khuyến cáo rằng người Trung Quốc đang đổ bộ ồ ạt vào lãnh thổ Nga. Ông cũng viết một cuốn sách miêu tả viễn cảnh người Trung Quốc lấn át người Nga ở khu vực Viễn Đông.
Tâm lý bài Trung Quốc
Dù Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn nỗ lực để xoa dịu làn sóng giận dữ của dân chúng, tâm lý bài Trung Quốc vẫn tồn tại trong một bộ phận người Nga, theo New York Times.
Khi chính quyền vùng Trans-Baikal dọc biên giới Trung Quốc tuyên bố sẽ cho một công ty Trung Quốc thuê 285.000 ha đất không sử dụng để trồng lúa mỳ, làn sóng biểu tình phản đối đã bùng lên ở hầu hết các khu vực Viễn Đông. Kế hoạch này sau đó phải ngừng lại.
Dưới thời Tổng thống Putin, nước Nga khá thành công trong việc kiểm soát dòng người di cư từ Trung Quốc sang. Họ sử dụng hệ thống hạn mức visa đối với lao động Trung Quốc và giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia qua các tổ chức do nhà nước điều hành.
Song tình trạng tham nhũng khiến quá trình thực thi quy định trên gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, nỗi lo về việc người Trung Quốc thâu tóm những vùng đất Viễn Đông đã ăn sâu vào tiềm thức của dân chúng Nga, ông Ivan Zuenko, nhà nghiên cứu tại Đại học Liên bang Viễn Đông thuộc khu vực Vladivostok, nhận xét.
Ông Li và con trai thường xuyên thuê người Nga làm việc trong nông trại, trả lương tương đương 15 USD/ngày. Họ cho biết người dân ở đây chỉ làm việc chăm khi bị ép buộc và thường đến muộn.
Lý do khiến nông dân Trung Quốc đổ xô sang vùng Viễn Đông bắt nguồn từ một thực tế là khu vực này còn rất nhiều đất canh tác. Vùng Viễn Đông thuộc Nga rộng bằng 2/3 diện tích nước Mỹ nhưng chỉ có khoảng 6,1 triệu người. Việc nhiều người dân Nga bỏ xứ đi tìm kiếm cơ hội việc làm ở nơi khác cũng góp phần tạo ra tình trạng nhiều mảnh đất màu mỡ nhưng không có ai canh tác.
Dọc biên giới phía Trung Quốc là một quang cảnh hoàn toàn trái ngược. Tất cả các mảnh đất, dù không có tiềm năng, vẫn được đưa vào canh tác. Dân số tăng nhanh khiến vấn đề khát đất nông nghiệp càng trở nên trầm trọng.
Li Xin, con trai ông Li Chengbin, cho biết anh di cư đến Nga cách đây hơn một thập kỷ. Anh học tiếng Nga và thành lập trang trại nuôi lợn cùng một phụ nữ địa phương tên Nelya Zarutskaya.
Theo nhà chức trách, Li Xin và Zarutskaya đã kết hôn. Đây được cho là cách để họ né những rào cản về luật pháp quy định việc cho phép người nước ngoài sở hữu đất đai ở Nga.
"Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều đám cưới giả", bà Voron tiết lộ. Song, Li Xin phủ nhận việc này.
Ngành kinh doanh lợn từng rất phát đạt. Nhưng khi giá lợn giảm, Li Xin chuyển sang trồng đậu nành, loại cây dễ chăm bón và có nhu cầu cao ở Trung Quốc. Cha của Li Xin đã phải chuyển đến cùng anh sau quãng thời gian chật vật sinh tồn trên mảnh đất nông trang nhỏ ở tỉnh Hắc Long Giang.
Nga là một mảnh đất "không dễ sống", đặc biệt vào mùa đông, Li nói. Tuy nhiên, mảnh đất này mang đến cho gia đình anh nhiều cơ hội hơn so với Trung Quốc.
"Ở Trung Quốc có quá nhiều người thế nên chẳng còn gì cho những người như tôi tại đó", anh Li chia sẻ.
Trần Việt

Lộ diện gián điệp Trung Quốc ở FBI, Mỹ lại “đau đầu” tìm cách đối phó

VOV.VN - Việc phát hiện ra một “gián điệp” Trung Quốc làm việc ở FBI (một trong những cơ quan an ninh quan trọng nhất của Mỹ) đã gây rúng động khắp nước này.
Cựu nhân viên FBI “nhận tội danh”
Ngày 1/8, Kun Shan Chun (46 tuổi), một cựu nhân viên kĩ thuật của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), đã thừa nhận tại Tòa án liên bang ở Manhattan về việc làm “gián điệp” cho Trung Quốc.
Kun Shan Chun, hay còn gọi là Joey Chun, sinh năm 1969 tại Quảng Đông (Trung Quốc). Chun đến Mỹ vào năm 1980, và nhập tịch Mỹ vào năm 1985. Từ năm 1997, ông Chun bắt đầu làm việc cho FBI tại văn phòng ở New York. Ông bị bắt hồi tháng 3 nhưng đến ngày 1/8, báo chí mới có thông tin về vụ việc này. 
lo dien gian diep trung quoc o fbi, my lai "dau dau" tim cach doi pho hinh 0
Ông Kun Shan Chun sau khi rời tòa án liên bang Manhattan (New York, Mỹ) ngày 1/8. (Ảnh: NYDN)
Ông Chun khai báo tại tòa rằng, từ năm 2011- 2016, ông đã nhiều lần chuyển giao thông tin nhạy cảm cho một quan chức Trung Quốc. Ông nói: “Tôi biết tôi đã làm việc sai trái, tôi rất hối hận về những hành động của mình”.
Các công tố viên cho rằng ông Chun đã tiết lộ danh tính và lịch trình công tác của một đặc vụ FBI, đồng thời chụp lại các tài liệu trong khu vực hạn chế có chứa những thông tin chi tiết về công nghệ giám sát của FBI, rồi chuyển giao các tài liệu này bằng điện thoại cá nhân. Bên cạnh đó, Chun còn chuyển cả biểu đồ cơ cấu tổ chức nhân sự của FBI.
Các công tố viên còn cáo buộc rằng Chun đã nhiều lần nói dối với FBI về mối quan hệ của ông với các quan chức Trung Quốc và những công dân Trung Quốc khác.        
Theo cáo trạng, khi đến châu Âu vào năm 2011, ông Chun đã gặp một quan chức Trung Quốc, người yêu cầu ông cung cấp "thông tin nhạy cảm, không công bố của FBI". Với tội danh làm gián điệp, ông Chun có thể phải ngồi tù 10 năm, nhưng khi thừa nhận thì có thể chỉ phải nhận án từ 21 đến 27 tháng.
Rung lên hồi chuông cảnh báo
Thời gian gần đây, số lượng “gián điệp Trung Quốc” bị phát hiện trên đất Mỹ ngày càng nhiều, trở thành hiện tượng đáng báo động ở đất nước này, các chuyên gia Mỹ cho biết trong một cuộc điều trần của Chính quyền Washington vào đầu tháng 6 vừa qua.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã thu thập được hàng loạt thông tin quan trọng trên thế giới từ các hoạt động gián điệp và tấn công mạng. Gián điệp Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc “đánh cắp” các thông tin bí mật trong thương mại và công nghệ cao. 
lo dien gian diep trung quoc o fbi, my lai "dau dau" tim cach doi pho hinh 1
Mỹ đã công bố lệnh truy nã vào năm 2014 đối với 5 hacker của quân đội Trung Quốc với tội ăn cắp bí mật thương mại của các công ty Mỹ. (ảnh: atimes.com).
Trong một bài viết đăng tải trên tờ Observer Politics, chuyên gia về an ninh John Schindler, cựu giới chức của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cho rằng, mức độ ảnh hưởng từ những thông tin mà Chun cung cấp cho phía Trung Quốc hiện nay vẫn chưa rõ ràng.
Nhưng với vị trí mà Chun đã từng làm, bao gồm cả việc Chun có cơ hội tiếp cận các tài liệu mật trong thời gian công tác lâu dài ở FBI, tác động này có thể sẽ rất nghiêm trọng, ông Schindler nhận định.
Chuyên gia John Schindle cho biết thêm, đây không phải là lần đầu tiên, FBI bị qua mặt bởi gián điệp Trung Quốc. Trước đó, có một trường hợp là Edward Lin, thiếu tá Hải quân Mỹ, đã bị bắt vào năm ngoái với cáo buộc ba lần cố gắng chuyển tài liệu ra nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.
Ông Schindle nhận xét: “Việc gia tăng số lượng gián điệp Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng đối với nước Mỹ… Chính quyền Bắc Kinh thường sử dụng công dân của mình ở nước ngoài để làm nhiệm vụ gián điệp cho họ, và nhiều người trong số đó khá sẵn sàng làm việc này, đặc biệt nếu chính quyền Bắc Kinh cung cấp cho họ các ưu đãi về tài chính”.  
Trung tâm nghiên cứu phản gián CI đã thống kê cho thấy có 160 gián điệp Trung Quốc bị phát hiện ở Mỹ từ năm 1985 đến năm 2016. Cựu đặc nhiệm FBI, hiện là Giám đốc của Trung tâm CI Centre David Major nhận định, Trung Quốc là mối đe dọa tình báo lớn nhất đối với Mỹ. 
Trung Quốc thường kết hợp sử dụng các cuộc tấn công mạng với tình báo “chân rết” của mình ở nước ngoài để ăn cắp các thông tin bí mật.
“Số vụ mà FBI điều tra và bắt giữ nhằm vào các gián điệp công nghiệp và những vụ vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, chủ yếu các vụ này đều liên quan đến chính phủ Trung Quốc”, Michele Van Cleave, cựu Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh và Chống khủng bố Quốc gia cho hay.
Đặc biệt từ năm 2014 - 2015, các vụ gián điệp kinh tế mà FBI phát hiện tăng 53%, và số lượng các vụ gián điệp đang trong quá trình điều tra nằm ở con số hàng trăm vụ.
Nước Mỹ “đau đầu” đối phó
Việc Mỹ để mất danh sách gồm 22 triệu nhân viên chính phủ, trong số đó có cả những người có quyền truy cập vào các thông tin mật, có thể đã trở thành “mỏ vàng” cho quân đội Trung Quốc khai thác nhằm tiếp cận những người này.
Cựu Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh và Chống khủng bố Quốc gia Van Cleave nói, Trung Quốc hiện đang có một danh sách chi tiết của hầu hết, nếu không phải là tất cả, về những người làm việc cho chính phủ Mỹ có thể tiếp cận thông tin mật. Họ có thể ép buộc, đe dọa, hoặc tuyển dụng chính những viên chức này làm gián điệp.
Ngoài ra, bằng cách phân tích các dữ liệu bị đánh cắp về việc cư trú ở nước ngoài và việc đi lại của các quan chức Mỹ, Trung Quốc có thể xác định và phá vỡ mạng lưới tình báo của Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài.
Để đối phó với gián điệp Trung Quốc, nhà báo mảng an ninh và quốc phòng Mỹ Bill Gertz gợi ý, cần nâng cao nhận thức về các hoạt động tình báo của Trung Quốc và tiến hành phản gián mạnh mẽ. Các hoạt động phản gián nên bao gồm cả chiến lược tuyển dụng chính những nhân viên tình báo Trung Quốc để xác định các hoạt động gián điệp của đối phương và phá vỡ chúng./. 

Phương Chi/VOV.VN
(Quốc tế) - Tư lệnh hải quân Ngô Thắng Lợi chỉ đạo cuộc tập trận trên biển Hoa Đông. Trong khi dư luận quốc tế đang tập trung chú ý đến biển Đông thì đột ngột hải quân Trung Quốc (TQ) tập trận trên biển Hoa Đông.

Đài truyền hình RT (Nga) đưa tin trong cuộc tập trận bắn đạn thật hôm 1-8, hải quân TQ đã bắn hàng chục tên lửa và ngư lôi.
Ba hạm đội gồm hạm đội Đông Hải, hạm đội Bắc Hải và hạm đội Nam Hải tham gia tập trận. Tổng cộng có khoảng 300 tàu, hàng chục máy bay và các đơn vị phụ trách radar ven biển, thông tin và chiến tranh điện tử tham gia.
Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh hải quân Ngô Thắng Lợi chỉ đạo cuộc tập trận.
Các đơn vị tham gia được chia thành quân xanh và quân đỏ. Quân đỏ tấn công quân xanh và quân xanh sử dụng tên lửa và ngư lôi phản công.

Hải quân TQ tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông. Ảnh: THX
Nội dung tập trận bao gồm vừa tấn công vừa phòng thủ với nhiều kịch bản chiến đấu.
Như thường lệ, Bộ Quốc phòng TQ tuyên bố đây là cuộc tập trận thường lệ và không nhắm vào bên thứ ba nào.
Mục đích tập trận “nhằm hoàn thiện cường độ tấn công, độ chuẩn xác, tính ổn định và tốc độ của quân đội trong môi trường ảnh hưởng điện từ phức tạp”.
Tuyên bố biện bạch chiến tranh dựa trên công nghệ thông tin trên biển sẽ xảy ra đột ngột, tàn khốc và nhanh chóng, do đó quân đội TQ cần phải có bước chuyển nhanh chóng sang tình trạng chiến đấu, chuẩn bị nhanh chóng và hiệu quả tấn công cao.
Hãng tin AP nhận định TQ đánh giá tầm quan trọng của huấn luyện phối thuộc trong điều kiện thực tế, do đó quy tụ nhiều đơn vị tàu chiến, tàu ngầm, máy bay và cảnh sát biển.
AP đánh giá sự kiện này chứng minh TQ vẫn khăng khăng bám yêu sách chủ quyền và sẵn sàng sử dụng vũ lực khi cần thiết.
Trong khi đó ngày 2-8, nội các Nhật đã thông qua Sách trắng quốc phòng thường niên 2016 của Nhật. Sách trắng quốc phòng gồm các điểm chính như sau:
. CHDCND Triều Tiên: Bình Nhưỡng có thể đạt được khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và sản xuất tên lửa bắn xa đến 10.000 km. Hoạt động quân sự của Triều Tiên đã làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và trở thành mối đe dọa tiềm tàng nghiêm trọng đối với Nhật, khu vực và cộng đồng quốc tế.
. TQ: Hoạt động trên không và trên biển mang tính chất hung hăng và bành trướng nhanh chóng của TQ cùng với tình trạng thiếu minh bạch trong tăng cường quân sự của TQ đã gây bất ổn cân bằng quân sự trong khu vực. Một số hành động của TQ trong yêu sách hàng hải mâu thuẫn là hành động nguy hiểm có thể dẫn tới tình hình ngoài dự kiến.
. Biển Đông: Hành động bồi đắp và xây dựng của TQ ở biển Đông là khiêu khích. TQ đã thúc đẩy sử dụng các đảo tôn tạo nhằm mục đích quân sự, đồng thời vừa tiếp tục mở rộng sang Ấn Độ Dương. Bắc Kinh phải chấp nhận phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài nhằm giải quyết tranh chấp hàng hải với Philippines.
. Biển Hoa Đông: TQ đã gia tăng hoạt động xung quanh các đảo do Nhật kiểm soát mà cả hai đang tranh chấp. Một tàu chiến TQ đã đi vào vùng biển Nhật ngay bên ngoài khu vực tranh chấp. Tình hình gia tăng hoạt động trên biển Hoa Đông đến mức Nhật đã phải đuổi các máy bay TQ hơn 570 lần hồi năm ngoái.
Tân Hoa xã đưa tin ngày 2-8, Đại sứ TQ tại Campuchia Bố Kiến Quốc đã khen ngợi quan điểm trung lập của Campuchia về tranh chấp ở biển Đông. Phát biểu tại lễ khánh thành con đường mới xây dựng tại tỉnh Kampong Speu do TQ đầu tư, Đại sứ Bố Kiến Quốc đánh giá quan điểm trung lập của Campuchia “đã góp phần quan trọng bảo vệ quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa TQ và ASEAN”. Thủ tướng Hun Sen có mặt tham dự lễ khánh thành.
(Theo Pháp Luật)

Lo ngại an ninh quốc gia, các nước hủy hàng loạt dự án với Trung Quốc

Lo ngại các vấn đề an ninh quốc gia và gián điệp từ Trung Quốc… nhiều nước đã quyết định hủy các dự án liên doanh với quốc gia 1,3 tỷ dân này.



hủy dự án với Trung Quốc,
Hôm 29/7, tân Thủ tướng Anh Theresa May vừa quyết định dừng phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point do lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia khi dự án có nguồn đầu tư từ Trung Quốc.
Dự án xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân trên có đối tác chính là Tập đoàn Năng lượng Pháp EDF và đầu tư từ Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN). Nó từng được xem là một thành tựu của cựu Thủ tướng Anh David Cameron trong việc mở cửa nước Anh đối với các nguồn đầu tư từ nước ngoài.
Anh và EDF đạt được thỏa thuận thương mại về dự án Hinlley Point trong năm 2013. Hai năm sau đó, Trung Quốc mới tham gia dự án trong bối cảnh ông Cameron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tâm xây dựng “Kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, hôm 29/7, chỉ vài giờ trước khi lễ kí kết diễn ra, chính phủ của bà May đã tuyên bố sẽ xem xét lại sự án.
Quyết định hoãn dự án trên được cho là một cú huých mạnh vào những nỗ lực tăng cường mối quan hệ với nước Anh của Bắc Kinh.
Động thái từ chính phủ mới của Anh đã nối dài thêm danh sách các quốc gia ngưng dự án của Trung Quốc trong thời gian qua.
Đầu tháng 6/2016, Công ty XpressWest của Mỹ thông báo hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas-Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRI).
Thông báo hủy bỏ được đưa ra chỉ 9 tháng sau khi thỏa thuận đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc tại Mỹ này được thông qua.
Phía XpressWest nói rằng quyết định chấm dứt quan hệ với CRI chủ yếu do những khó khăn liên quan tới thi công và thách thức CRI phải đối mặt trong việc đáp ứng những yêu cầu cần thiết về ủy quyền hoạt động. Công ty tư nhân này của Mỹ cũng tiết lộ thêm rằng thách thức lớn nhất của họ là những yêu cầu của chính quyền liên bang đòi hỏi các tàu cao tốc phải được sản xuất trong nước để đảm bảo sự phê chuẩn.
Trước đó, tháng 3/2016, Thủ tướng Thái Lan quyết định sẽ tự đầu tư thực hiện dự án đường sắt cao tốc từ Bangkok lên tỉnh Nakhon Ratchasima thay vì vay vốn từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Indonesia vào cuối tháng 1 năm nay cũng thông báo tạm dừng thi công dự án đường sắt cao tốc giữa nước này với Trung Quốc.
Năm ngoái, Sri Lanka thông báo ngưng dự án bất động sản 1,5 tỷ USD và xem xét xử phạt Tổng công ty xây dựng công trình giao thông Trung Quốc (CCCC) vì các cáo buộc vi phạm luật pháp và gây tổn hại môi trường.
Dự án bị điều tra là dự án phát triển thành phố cảng Colombo với thiết kế có các trung tâm mua sắm, khu thể thao dưới nước, sân golf, khách sạn, căn hộ và bến du thuyền.
Tháng 2/2015, Bộ trưởng Năng lượng Philippines tuyên bố sẽ ngừng dự án Trung Quốc tham gia vận hành kinh doanh mạng lưới điện quốc gia của nước này do nguyên nhân an ninh quốc gia. Các kỹ sư Trung Quốc hiện đang làm việc tại mạng lưới điện quốc gia Philippines sẽ phải về nước.
Hiện tượng nhiều dự án Trung Quốc bị ngưng trong một thời gian ngắn chỉ là sự ngẫu nhiên, tuy nhiên, có lẽ các quốc gia đã cân nhắc kỹ giữa cái được và cái mất, lợi nhuận và rủi ro trước khi đưa ra quyết định.
Tổng hợp

Sẽ rà soát việc sử dụng thiết bị Trung Quốc

03/08/2016 07:08 GMT+7
TTO - Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 2-8, các thông tin liên quan vụ hai sân bay bị hacker tấn công, vụ thanh tra MobiFone mua AVG... đã được báo chí đặt ra.
Sẽ rà soát việc sử dụng thiết bị Trung Quốc
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời họp báo - Ảnh: VIỆT DŨNG
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và nhiều lãnh đạo bộ ngành đã trả lời các câu hỏi của báo chí.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết việc Bộ Tài nguyên - môi trường vừa quyết định thanh tra toàn diện dự án Núi Pháo (Thái Nguyên) cũng một phần vì người dân xã Hà Thượng, Đại Từ, Thái Nguyên có khiếu kiện, phản đối tình trạng ô nhiễm.
Kết quả thanh tra 
vụ MobiFone mua AVG 
sẽ được công bố
VNExpress: Việc Chính phủ chỉ đạo thanh tra MobiFone mua AVG dựa trên cơ sở nào? Việc thanh tra sẽ tập trung vấn đề gì và tiến hành trong bao lâu?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: MobiFone là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu, cũng là doanh nghiệp viễn thông lớn đầu tiên thực hiện cổ phần hóa. Việc mua cổ phần AVG nêu trên là hoạt động đầu tư lớn của doanh nghiệp.
Ngày 22-7, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản thông báo ý kiến của Thường trực Ban Bí thư giao Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Từ đó Thủ tướng đã giao cho Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ký văn bản giao Thanh tra Chính phủ vào cuộc thực hiện đúng chỉ đạo của Ban Bí thư. Đây là chỉ đạo của Đảng. Tuy nhiên, thanh tra cái gì, thế nào, sau khi có kết quả thanh tra sẽ được công bố.
Tuổi Trẻ: Có thông tin AVG có giá chỉ khoảng 2.000 tỉ nhưng MobiFone đã mua với giá trên 8.000 tỉ. Xin bộ trưởng cho thông tin chính thức?
Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn: Giá cụ thể là bao nhiêu sẽ có cơ quan thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép định giá cụ thể.
Không thể áng mức giá là bao nhiêu. Việc mua đó cũng còn liên quan việc đàm phán giữa các đối tác với nhau.
Nguy cơ bị tấn công mạng ngày càng cao
Tuổi Trẻ: Trong vụ tin tặc tấn công hệ thống thông tin sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vừa qua, thông điệp của nhóm tấn công tự xưng là 1937cn mang màu sắc chính trị. Bộ trưởng đánh giá thế nào và có khuyến cáo gì?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Thông điệp mang màu sắc chính trị là của hacker lúc đầu xưng là nhóm 1937cn đến từ Trung Quốc, nhưng sau đó nhóm hacker này đã bác bỏ.
Ta phải tìm thủ phạm với đầy đủ bằng chứng buộc tội. Để kết luận cuối cùng về nguồn gốc vụ tấn công, cần điều tra kỹ về kỹ thuật.
Khi các cơ quan chức năng đang tìm kiếm thủ phạm, tôi đề nghị cộng đồng mạng VN cần phải tuân thủ pháp luật, tránh khiêu khích, có hành động không cần thiết, như dùng hacker VN tấn công các nhóm nước ngoài khác.
Nó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia. Ta cần tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đến nay ta đã đảm bảo an toàn thông tin nhưng cũng cần phải tăng cường năng lực để đối phó.
Thanh Niên: Hạ tầng viễn thông ở VN trang bị nhiều thiết bị của Trung Quốc, nhất là từ Hãng Huawei, trong khi doanh nghiệp này bị nhiều nước tẩy chay. Bộ có chủ trương gì để đảm bảo an toàn thông tin trước thiết bị Trung Quốc?
- Có nước công khai cáo buộc hãng của Trung Quốc. Cần nhấn mạnh rằng sẽ không thể đảm bảo an toàn thông tin nếu phụ thuộc vào một công nghệ, một doanh nghiệp cụ thể. Không có thiết bị nào đảm bảo tin tưởng hoàn toàn.
Thực trạng hiện nay đúng là có nhà mạng lớn dùng công nghệ Trung Quốc và có khả năng có lỗ hổng. Có nhiều lý do cho việc sử dụng thiết bị Trung Quốc: do hoàn cảnh lịch sử, luật đấu thầu có hạn chế, nhất là cách tiếp cận của Trung Quốc rất linh hoạt...
Luật của ta không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ rà soát, có yêu cầu cụ thể đảm bảo an ninh với mua sắm thiết bị quan trọng.
* Dân Trí: Thủ tướng đã chỉ đạo không tăng thêm phó chủ tịch cho Hậu Giang. Bộ Nội vụ có cát cứ, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ?
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Vụ ông Trịnh Xuân Thanh được dư luận rất quan tâm, từ đó có thể thấy đây là điển hình bất cập, tồn tại kéo dài trong công tác cán bộ. Tổng bí thư đã trực tiếp chỉ đạo, giao cho Ủy ban Kiểm tra trung ương. 
Thủ tướng cũng giao Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Nội vụ cùng các bộ ngành kiểm tra, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-8. Hiện Bộ Nội vụ đang kiểm điểm quy trình công tác cán bộ của bộ. Công tác cán bộ sẽ được xem xét xử lý nghiêm minh. Ai vi phạm, lợi dụng đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Không để 
tình trạng báo chí 
hỏi mà bộ trưởng không biết
“Đây là phiên họp đầu tiên nhiệm kỳ Chính phủ mới. Chính phủ quyết tâm tạo dựng Chính phủ kiến tạo. Tinh thần của Thủ tướng là phấn đấu xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, không để xảy ra tham ô, tiêu cực, không gây mất niềm tin trong dân... Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng không đùn đẩy trách nhiệm, phải đi sâu đi sát, chủ động thông tin, nhất là với các cơ quan báo chí. Không được để tình trạng báo chí hỏi mà bộ trưởng không biết...” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.
CẦM VĂN KÌNH Ghi


Không có nhận xét nào: