Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Biển Đông: Tổng thống Pháp « đi dây » giữa Bắc Kinh và Hà Nội

Thụy My

mediaTổng thống Pháp François Hollande và chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Hà Nội ngày 06/09/2016.REUTERS/Luong Thai Linh/Pool
Viết về chuyến công du Việt Nam của nguyên thủ Pháp vừa kết thúc hôm 07/09/2016, đặc phái viên Le Monde tại Hà Nội nhận định « Giữa Bắc Kinh và Hà Nội, ông Hollande duy trì một thế thăng bằng nhạy cảm ». Tổng thống Pháp ủng hộ một Việt Nam đang lo lắng trước tham vọng lãnh thổ trên biển của Bắc Kinh, nhưng thận trọng không muốn làm mích lòng người khổng lồ Trung Quốc.





Đến Hà Nội sau khi tham dự thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc, tổng thống François Hollande hôm thứ Ba 06/09/2016 đã biết chọn lựa ngôn từ để làm hài lòng cử tọa Việt Nam đang lo ngại trước sức mạnh đang lên của Bắc Kinh tại Biển Đông. « Chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc giữ an ninh không gian hàng hải quân sự » - tổng thống Pháp đã tuyên bố như trên trước các giảng viên và sinh viên trường đại học Hà Nội.
Báo chí Việt Nam đã đưa lời tuyên bố này làm một trong những tựa chính trên trang nhất tối hôm đó. Đối với Hà Nội, tất cả ủng hộ từ những quốc gia có trọng lượng đều quý giá, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.
Sau khi hội đàm với chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, ông François Hollande, nguyên thủ Pháp đầu tiên thăm Việt Nam từ 12 năm qua, cũng nhắc lại rằng Pháp muốn « tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong lãnh vực quốc phòng để đảm bảo tự do hàng hải (tại Biển Đông) và tôn trọng Luật Biển ».
Trung Quốc vốn tiếp tục bồi đắp tại các đảo chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, đã bị lãnh trọn một cái tát hồi tháng Bảy. Xem xét đơn kiện của Philippines, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye đã nhận định việc xây lên các đảo nhân tạo trong vùng này là vi phạm Luật Biển, và yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc là bất hợp pháp.
Dù vậy ê-kíp của ông François Hollande muốn giảm nhẹ các phát biểu của nguyên thủ Pháp, nói rằng cần đặt vào bối cảnh bao quát hơn của quan hệ Pháp-Việt, kể cả trong lãnh vực hợp tác quân sự thường kỳ, nhất là việc huấn luyện các quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Hồi tháng Sáu, bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhân Đối thoại Shangri-La ở Singapore đã không ngần ngại đề nghị các nước châu Âu tham gia tuần tra Biển Đông. Ông nói : « Tình hình Biển Đông có quan hệ trực tiếp với Liên hiệp Châu Âu (EU), tự do hàng hải phải được tôn trọng, không chỉ vì lợi ích kinh tế. Ngay từ lúc này, tại sao lại không nghĩ đến việc phối hợp các lực lượng Hải quân châu Âu để bảo đảm một sự hiện diện thường xuyên và công nhiên trên vùng biển châu Á ? »
Nhưng đối với Bruxelles, có những hồ sơ khác có vẻ khẩn cấp hơn, mà hàng đầu là « Brexit ».Và không nên làm mích lòng Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại chính của châu Âu.
Những người thân cận với tổng thống Pháp khẳng định Việt Nam không đòi hỏi gì hơn, so với những ủng hộ về ngoại giao lâu nay của Paris. Nguồn tin này nói thêm, Hà Nội không hề có ảo tưởng là Pháp sẽ có quan điểm cứng rắn hơn trước Bắc Kinh.
Ý kiến này không được phía Việt Nam hoàn toàn đồng tình. Theo ông Nguyễn Quý Bình, cựu đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và phó khoa Quan hệ Quốc tế của trường đại học Hà Nội, thì Việt Nam vẫn hy vọng được Paris hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Ông nói : « Tất nhiên chúng tôi biết rằng Pháp không thể để mất mối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng nếu cho rằng Việt Nam không hề chờ đợi gì ở nước Pháp, thì đó là sai lầm. Pháp có tiếng nói trong châu Âu. Nếu Paris tỏ ra kiên quyết hơn trong việc bảo vệ các nguyên tắc an ninh tại Biển Đông, tôi nghĩ các nước châu Âu khác sẽ theo chân. Việt Nam cần đến các bạn ». Theo ông Nguyễn Quý Bình, « Paris và Hà Nội cần phải vượt lên trên giai đoạn hợp tác văn hóa đơn thuần 

Không có nhận xét nào: