Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

RFI: Donald Trump và Vladimir Putin : đồng cân nhưng không đồng lượng; Hai vị nguyên thủ Nga - Mỹ gặp nhau bên lề G 20; Đức: Đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát bên lề thượng đỉnh G20; Lãnh đạo Nga - Mỹ vô cùng vui vẻ trong lần đầu đối mặt




Tú Anh


mediaẢnh ghép: Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump.REUTERS
Căng thẳng tột độ tại G20. Donald Trump-Vladimir Putin, cuộc diện kiến bốc lửa. Tổng thống Mỹ dọa « trả đũa » Bắc Triều Tiên trước giờ gặp chủ tịch Trung Quốc. Nhật-Châu Âu đạt đồng thuận tự do hóa mậu dịch. Chiến lược «tất cả cho năng lượng sạch» của Pháp là một số chủ đề trên báo Pháp ngày 07/07/2017.
« Putin ở thế mạnh »
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chiếm trung tâm điểm thời sự quốc tế trong khuôn khổ G20 tại Hambourg, Đức Quốc, mà nóng bỏng nhất là cuộc gặp lần đầu tiên với tổng thống Nga Vladimir Putin. Căng thẳng vì « nếu không thành công thì Donald Trump bị chê là không có tài thương lượng, nhưng nếu đạt được thỏa hiệp nào đó thì chủ nhân Nhà Trắng sẽ bị lên án phản bội quyền lợi nước Mỹ ». Đó là nhận định của Iouri Rogoulev, chuyên gia Nga đại học nhà nước MGU ở Matxcơva với Le Figaro, trong bài « Putin ở thế mạnh ».
Cũng cùng nhận định « cuộc gặp đầu tiên trong căng thẳng tột độ », nhà báo Philippe Gélie của Le Figaro cảnh báo : sau khi biểu dương tình thân hữu với « hồn châu Âu » tại Vacxava, tổng thống Mỹ đến khu mìn bẫy tại Hambourg.
Cuộc thảo luận giữa Donald Trump và Tập Cận Bình được Le Figaro dự báo là « bế tắc » : Mỹ không chấp thuận đề nghị có qua có lại của Bắc Kinh : Bình Nhưỡng ngưng thử tên lửa và hạt nhân, Mỹ và Hàn Quốc ngưng tập trận. Theo chuyên gia Even Medeiros của Eurogroup, Washington không quan tâm đến đề nghị này. Trong sáu tháng tới, Mỹ sẽ tăng cường áp lực lên Bình Nhưỡng. Hồi mùa xuân năm nay, khi tiếp Tập Cận Bình ở Mar-al-Lago, Florida, Donald Trump đã quạt một cơn gió lạnh trong lúc ăn tráng miệng bằng một tràng Tomahawk vào Syria. Chủ tịch Trung Quốc ngồi tĩnh lặng. Lần này, viễn cảnh Mỹ oanh kích Bắc Triều Tiên, sát cạnh Trung Quốc, sẽ làm cho bầu không khí nặng nề thêm và chắc chắn Tập Cận Bình sẽ không im lặng.
Bên cạnh những cuộc thảo luận bên lề với thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây là lần đầu tiên Donald Trump gặp Vladimir Putin trong bối cảnh xung khắc nặng nề. Cả hai đều có cùng tâm tính vũ phu và tự phụ. Tuy gần đây, sau khi oanh kích Syria, Trump cho là mối quan hệ với Nga đã xuống thấp đến mức lịch sử, ông vẫn tiếp tục ngưỡng mộ Putin và muốn hợp tác thay vì đối đầu với Nga, và thất bại, như ba vị tiền nhiệm.
Vấn đề là tổng thống Trump đang bị một cuộc điều tra liên bang nghi ngờ « thông đồng » với điện Kremlin nên ông ít nhiều bị trói tay. Tổng thống Mỹ không thể tuyên bố « Nga là bạn còn kẻ thù là báo chí, là công luận ».
Giúp Donald Trump tránh sơ hở ở G20
Giới chức Mỹ xem « tâm lý thích làm bạn với Putin » của Donald Trump là dấu hiệu của sự yếu đuối cộng với nhược điểm không nắm vững hồ sơ và thích được tán dương, tổng thống Mỹ sẽ sụp bẫy một cách dễ dàng một nhân vật đa mưu túc trí như Putin. Do vậy, chính quyền Mỹ chuẩn bị cho cuộc hội kiến Trump-Putin thật kỹ càng : một tập hồ sơ « dầy cộm » phân tích từng điểm tâm lý của cựu điệp viên KGB, do tình báo Mỹ cung cấp.
Nhiều chuyên gia Mỹ, cựu viên chức trong bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng như John Herbst và Evelyn Farkas lo ngại tổng thống Trump sẽ bị Putin đánh lừa bằng những luận điểm trấn an nào là « nước Nga không phải là mối đe dọa » nào là « NATO không quan trọng ». Đề phòng mọi tình huống, bà Fiona Hill, một nữ chuyên gia Mỹ đặc trách hồ sơ nước Nga trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, tháp tùng phái đoàn tổng thống với nhiệm vụ mỗi ngày thuyết trình cho vị tổng thống có tiếng thích nghe nhưng lười đọc.
Lời tuyên bố hôm thứ Năm tại Ba Lan lên án « thái độ gây bất ổn định » của Matxcơva được xem là đáng khích lệ. Quốc Hội Mỹ đang chờ lãnh đạo hành pháp nói thẳng với Putin về chuyện Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ .
Bên cạnh đó, Nga-Mỹ còn nhiều điểm nóng khác từ Ukraina cho đến Syria nơi mà nguy cơ chạm trán trực diện trên không đang đe dọa và cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Putin bắt tay ủng hộ Tập Cận Bình.
Theo Le Figaro, sau nhiều tháng lời qua tiếng lại trên các hồ sơ nóng bỏng, G20 là cơ hội để hai tổng thống Mỹ và Nga trực tiếp đọ sức.
Le Monde trong bài « Giờ sự thật giữa Trump và Putin » cũng lưu ý tổng thống Mỹ không đơn độc hội kiến tay đôi với tổng thống Nga mà được một phái đoàn bao bọc. Câu hỏi đặt ra là liệu Doanld Trump có nêu lên hồ sơ gây bất hoà là chuyện Nga nhúng tay vào bầu cử Mỹ năm 2016 ? Đó cũng là câu hỏi của nhật báo Công Giáo La Croix.
JEFTA : Bruxelles cám ơn Donald Trump
Trong lĩnh vực thương mại, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản đạt thỏa thuận nguyên tắc về mậu dịch tự do JEFTA hôm 06/07/2017 là thông tin được Le Monde và La Croix phân tích sâu rộng.
Theo Le Monde, Bruxelles, muốn xây dựng một hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản để chứng minh với thế giới, trước tiên là với nước Mỹ của Donald Trump, là Liên Hiệp Châu Âu từ chối chính sách bảo hộ mậu dịch và tiếp tục theo con đường tự do thương mại. Chính động lực chính trị và địa chính trị đã làm tăng tốc tiến trình đàm phán bắt đầu từ năm 2013.
Tokyo, thất vọng vì lập trường của Donald Trump đơn phương bỏ Hiệp định TPP, vội vàng tăng tốc ngả theo châu Âu với Hiệp Định JEFTA.
Nhật báo Công Giáo chú ý đến những nhượng bộ đôi bên : thỏa thuận nguyên tắc là cơ sở của một hiệp định chiến lược thương mại tương lai giữa hai đại cường kinh tế, giảm hàng rào thuế quan bao trùm đến 99% trao đổi song phương.
Libération cũng nhập trận với nhận định : khi chọn thời điểm một ngày trước khi G20 khai mạc để thông báo thỏa thuận mậu dịch tự do JEFTA , Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản gửi thông điệp thách thức Donald Trump. Một nhà ngoại giao châu Âu « cám ơn » tổng thống Mỹ, nhờ chính sách « nước Mỹ trên hết » mà Bruxelles và Tokyo đạt được thỏa thuận chiến lược JAFTA. Tháng 11/2016, một ngày sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, thủ tướng Shinzo Abe đã bắn tin với Bruxelles là Nhật Bản muốn khẩn cấp đạt thỏa thuận mậu dịch tự do với bạn hàng thứ ba, chấp nhận điều chỉnh một số tiêu chuẩn sao cho hài hoà với châu Âu, nhất là trong ngành xe hơi.
Ukraina : tượng Lênin lăn lóc
Nhật báo Libération cánh tả - đưa độc giả sang hai vùng đất nóng, nóng vì chiến tranh : Ukraina và Irak.
Trong số đặc biệt về Lênin, phóng viên ảnh Niels Ackermann đi khắp cùng đất nước Ukraina kể cả ở vùng Donbas, trong vòng ba năm, mang về cho độc giả những tấm ảnh chụp các bức tượng của Lênin bị hạ bệ, rỉ sét, bị vất bỏ đó đây. Những bức tượng này vừa là biểu tượng của một thời Liên Xô sụp đổ vừa là biểu tượng của bàn tay can thiệp của Nga vào Ukraina.
Mossul : có một thiên đường sau địa ngục
Cũng với hình ảnh, phóng sự, các đặc phái viên của Libération đưa về từ trận Mossul. Một thanh niên Irak mô tả tình hình mỗi ngày mỗi sáng sủa. Tuy đầu óc của anh « căng cứng »nhưng hạnh phúc được sống và thoát nạn « như từ địa ngục về đến thiên đường ».
Quân đội càng tiến gần tuyến phòng thủ sau cùng của Daech, giao tranh càng dữ dội. Từng đàn trẻ con kêu khóc, phụ nữ vật vã, đàn ông thất thần là khung cảnh thấy hàng ngày. Mỗi sáng, khi thấy quân đội tiến đến, mọi người ra đường tay xách nách mang, bồng bế, dìu dắt thân nhân bị thương đi ngược lại để được cứu trợ.
Trong khi đó, Le Monde và La Croix nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh : Qatar bác tối hậu thư của các anh em thù địch. La Croix tìm hiểu thêm vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không bỏ rơi Qatar. Les Echos chú ý đến khủng hoảng tại Nam Mỹ : Venezuela lún sâu vào vòng bạo lực. Phe tổng thống Maduro tấn công vào Quốc Hội. Một triệu người đã chạy sang Colombia lánh nạn.
Pháp : thời của « cán bộ khung », của chuyên viên giỏi …
Thời sự không phải chỉ có chiến tranh và xung đột. Les Echos và Le Figaro cùng đưa hai tin phấn khởi : Tuyển dụng nhân viên có khả năng chuyên môn đạt kỷ lục. 215 000 trong năm nay tăng hơn 5% so với năm 2016. Dự kiến 237 000 cho năm tới 2019. Trên đây là số liệu cho Hiệp Hội Việc Làm của Chuyên Viên Apec loan báo.
Theo Le Figaro, không khí lạc quan có được là nhờ kinh tế tăng trưởng tốt và lãnh vực dịch vụ phát triển mạnh.
Les Echos cho biết mọi ngành nghề từ xây dựng cho đến vi tính đều phất lên. Nhưng điều này cũng bắt đầu gây tác dụng ngược, là mặt trái của chiếc huy chương : nhiều công ty không tìm ra được chuyên viên trong các ngành điện toán, nghiên cứu mà kể cả trong lãnh vực dịch vụ thương mại cũng thiếu.
Hệ quả tích cực là nhiều chủ nhân quay sang tuyển chọn các sinh viên mới ra trường hoặc những người sắp đến tuổi về hưu, thành phần bị xao lãng mỗi khi kinh tế bị khó khăn.
…và năng lượng sạch
Hồ sơ môi trường khí hậu nổi cộm với kế hoạch gây « sốc » của bộ trưởng Môi Trường Nicolas Hulot thông báo hôm thứ Năm : Hulot muốn dẹp xe chạy xăng và dầu cặn. Chương trình hành động lâu dài cải cách năng lượng từ nay đến năm 2040, les Echos ghi nhận.
Trong khi đó, Le Figaro đặt nghi vấn : liệu kế hoạch không dùng xăng dầu có thực tế hay không ? Bộ trưởng Pháp táo bạo nhưng giới kỹ nghệ gia tuyên bố sẵn sàng ủng hộ, chấp nhận thử thách.

Hai vị nguyên thủ Nga - Mỹ gặp nhau bên lề G 20

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức vào ngày 7 tháng 7 năm 2017.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức vào ngày 7 tháng 7 năm 2017.
 AFP photo

Hội nghị lãnh đạo các quốc gia thuộc nhóm G-20 khai mạc vào ngày 7 tháng 7 tại Hamburg, Đức với các chủ đề chính trong chương trình nghị sự gồm chống khủng bố, thương mại toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nước chủ nhà, bà Angela Merkel, bày tỏ hy vọng lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển tham dự hai ngày hội nghị tìm được những tương nhượng và giải đáp cho một loạt các vấn đề như vừa nêu.
Tin cho hay lãnh đạo nhiều quốc gia tăng cường áp lực đối với tổng thống Donald Trump trong việc tương nhượng về hai chủ đề biến đổi khí hậu và mậu dịch toàn cầu.
Trong một thông cáo chung được đưa ra nhóm bốn nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc kêu gọi đẩy mạnh công tác thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tổng thống Donald Trump vào tháng qua rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận này.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, cho rằng Thỏa thuận Paris là một đồng thuận quan trọng không phải dễ dàng gì đạt được nên không thể dễ dàng từ bỏ nó.
Tại kỳ họp năm nay ở Đức, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với người tương nhiệm Nga, Vladimir Putin.
Cuộc gặp này được theo dõi sát sao trong bối cảnh những cáo buộc từ phía tình báo Hoa Kỳ về việc Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử để ứng viên Donald Trump giành được thắng lợi.
Ngay trước cuộc gặp, hai vị nguyên thủ Nga- Mỹ khi được hỏi đều cho rằng họ mong đợi được gặp nhau vì có nhiều vấn đề để bàn thảo.
Vào khi hội nghị G-20 khai mạc, nhiều cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại thành phố cảng Hamburg của Đức.
Cảnh sát cho biết có ít nhất 111 viên chức của họ bị thương trong những cuộc đụng độ với người biểu tình chống G-20. Có gần 30 người bị bắt và 15 người khác bị tạm câu lưu.
Cảnh sát thành phố Hamburg được tăng cường với lực lượng hỗ trợ từ cả nước đưa đến. Hai chục ngàn cảnh sát trực để tuần tra trong thành phố và cả trên không, trên biển.


Đức: Đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát bên lề thượng đỉnh G20


mediaXe cảnh sát bị người biểu tình đốt cháy ở Hambourg, Đức, bên lề thượng đỉnh G20. Ảnh ngày 07/07/2017.Reuters
Hôm nay, 07/07/2017, hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 khai mạc tại thành phố Hambourg của Đức dưới sự bảo vệ an ninh chặt chẽ. Khoảng 20.000 cảnh sát từ khắp nước Đức đã được điều động đến thành phố cảng này để đối phó với nguy cơ khủng bố và bạo động.
Các vụ đụng độ lại nổ ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Những người biểu tình đã đốt nhiều xe của cảnh sát. Theo hãng tin DPA, cảnh sát Đức vừa công bố bản tổng kết mới về các vụ đụng độ đêm qua, với 111 người bị thương bên phía cảnh sát. Tổng cộng đã có 29 người biểu tình bị câu lưu và 15 người bị tạm giam.
Theo nhà chức trách Đức, sẽ có đến 100 ngàn người biểu tình trong nhiều ngày tới. Hôm nay, những người biểu tình lại cố làm rối loạn buổi khai mạc thượng đỉnh bằng cách chặn đường các phái đoàn dự hội nghị. Cảnh sát Đức đã dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán các đoàn biểu tình.
Nghiệp đoàn cảnh sát GdP hôm nay đã lên án các vụ tấn công của những nhóm cực đoan hung dữ, đã cố tình nhắm vào cảnh sát, làm ảnh hưởng đến các cuộc tuần hành ôn hòa của hàng chục ngàn người khác. Các vụ bạo động của những nhóm cự đoan này có nguy cơ làm rối loạn thượng đỉnh G20.
Từ Hambourg, thông tín viên Pascal Thibault gởi về bài tường trình :
« Khoảng 20 000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ thượng đỉnh G20. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố này, lực lượng an ninh được huy động nhiều như thế. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi vì sao mà một hội nghị thượng đỉnh lớn như thế lại được tổ chức ngay giữa một thành phố nổi tiếng là nơi có một phe cực tả rất mạnh.
Ông Andreas Blechschmidt, người phát ngôn dự án "Rote Flora" (Thực vật đỏ), biểu tượng của phong trào này, cho biết : « Phong trào cực tả vẫn khẳng định từ những năm 1970 rằng chúng tôi đã không công nhận độc quyền của Nhà nước về bạo lực, rằng chúng tôi vẫn có phương án sử dụng bạo lực như là phương tiện đấu tranh. »
Đó là những hành động bạo lực mà cảnh sát đã dự trù sẽ đối phó. Nhóm thành viên cực tả tại Hambourg có sự tiếp sức của những thành phần cực đoan khác từ khắp nước Đức và từ nước ngoài.
Ông Timo Zill, phát ngôn viên của cảnh sát Hambourg nói rằng : « Chúng tôi ước tính số người biểu tình bạo động là khoảng từ 7 đến 8 nghìn người. Đó là lý do tại sao chúng tôi mở một trại giam với sức chứa lên tới 400 người trong thời gian diễn ra thượng đỉnh G20. Những thẩm phán có mặt tại chỗ và có thể đưa ra quyết định ngay lập tức ».
Thách thức là rất lớn. Sự thành công của thượng đỉnh G20 đang bị đe dọa. Những vụ bạo động quy mô lớn có nguy cơ phủ bóng đen lên kết quả hội nghị »


Lãnh đạo Nga - Mỹ vô cùng vui vẻ trong lần đầu đối mặt

In bài viết
Tổng thống Trump xoa lưng ông Putin - Ảnh: AP
   Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã dành cho nhau những nụ cười thật sự thoải mái trong lần đầu gặp mặt khi cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg (Đức).


Cuộc gặp lịch sử diễn ra vào đúng lúc Mỹ phẫn nộ chuyện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, cùng những nghi vấn về chuyện nhóm tranh cử của ông Trump với các quan chức Nga.
Trước cuộc hội đàm chính thức, hai ông Putin - Trump còn nói giỡn với nhau. Khi các quan chức đứng quanh bàn, Tổng thống Trump bắt tay ông Putin, rồi huých vai và cả hai lãnh đạo Nga - Mỹ cùng cười. Có lúc ông Trump xoa lưng ông Putin khi hai người đứng cạnh nhau.
Đấy là lần đầu tiên hai lãnh đạo Nga - Mỹ  gặp nhau, kể từ sau cuộc nói chuyện điện thoại từ khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1.2017.
Hai ông Putin - Trump dự tính sẽ nói chuyện với nhau lâu hơn về nội chiến Syria cùng các vấn đề khác. Nhà Trắng đã lên kế hoạch cuộc nói chuyện trong 35 phút. 
Các chủ đề nói chuyện gồm Syria, Iran, Ukraine, CHDCND Triều Tiên. Ông Trump muốn Nga có chút nhượng bộ, phục hồi quan hệ tích cực Mỹ - Nga, trong khi ông Putin muốn một số điều cụ thể như Mỹ trả lại hai cơ sở ngoại giao của Nga ở New York và Maryland vốn từng bị chính phủ Barack Obama tịch thu hồi cuối năm 2016 vì lý do Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tiếp đó là Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận Nga với cớ Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và Nga chống lưng quân ly khai ở đông Ukraine.
Mỹ cũng muốn nối lại chương trình cha mẹ Mỹ nhận con nuôi Nga vốn bị Nga cấm từ năm 2012.
Kim Hương (theo AP

Không có nhận xét nào: