“Nhà nước cần chấm dứt việc góp phần vào tình trạng gia tăng bệnh ung thư và trò chơi may rủi với nhân dân thông qua việc nắm giữ cổ phần tại hai lĩnh vực này,” PGS-TS. Võ Trí Hảo nói.
Trao đổi với Infonet, PGS-TS. Võ Trí Hảo - Phó Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh – cho rằng gần đây Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc bán vốn nhà nước cũng như thúc ép các “ông lớn” nhà nước như Habeco và Sabeco lên sàn. Tuy nhiên, hai lĩnh vực mặc dù đem lại nguồn thu khổng lồ nhưng lại gây tác hại đến xã hội là thuốc lá và xổ số, nhà nước cần thoái vốn toàn bộ khỏi hai lĩnh vực này.
Nhà nước có cần tham gia vào thuốc lá và xổ số?
Tại phiên họp của Thường trưc Chính phủ ngày 29/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “tinh thần bán vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, đưa lên sàn chứng khoán, đấu giá quốc tế trong nước, công khai cả nhà đầu tư để chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước”.
Tại Habeco, cổ đông nhà nước nắm giữ 81,79% vốn điều lệ, còn tại Sabeco, cổ phần do Nhà nước hiện nắm giữ là 89,59% vốn điều lệ. Thủ tướng giao Bộ Công Thương xây dựng phương án bán tiếp cổ phần tại Habeco và Sabeco, bảo đảm hiệu quả cao nhất, từ đó rút bài học kinh nghiệm cho việc bán vốn tại các doanh nghiệp khác..
PGS-TS. Võ Trí Hảo cho rằng chính sách đẩy mạnh bán vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước của Chính phủ là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Đây không phải là chủ trương hoàn toàn mới, mà đã có từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải, nhưng cái mới ở đây là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ rõ quyết tâm thực sự và chỉ rõ phương thức thực hiện.
“Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chủ trương thúc ép các doanh nghiệp nhà nước phải tiến hành IPO, phải lên sàn trước rồi mới bán phần vốn còn lại do nhà nước nắm giữ, ví dụ đối với Sabeco và Habeco đã được Thủ tướng chỉ đạo đích danh. Nếu làm được điều này sẽ tránh được tình trạng định giá tài sản DNNN quá rẻ; các nhóm lợi ích cấu kết mua rẻ DNNN như đã từng xảy ra trong 2 thập niên vừa qua,” PGS-TS. Võ Trí Hảo nhận định.
Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS-TS. Võ Trí Hảo, sau rượu bia, nhà nước cũng nên thoái vốn ra khỏi hai ngành nhạy cảm là thuốc lá và xổ số. Đây là hai lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước nhưng mặt trái của hai ngành này đối với sức khỏe và đời sống xã hội là điều không cần phải bàn cãi.
“Nhà nước cần chấm dứt việc góp phần vào tình trạng gia tăng bệnh ung thư và trò chơi may rủi với nhân dân thông qua việc nắm giữ cổ phần tại hai lĩnh vực này,” PGS-TS. Võ Trí Hảo nói.
Cần tránh cổ phần hóa nửa vời
Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, 7 tháng đầu năm 2016 đã có 58 DNNN được cổ phần hóa, thu về cho nhà nước 5.291 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số đợt IPO gần đây cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư như IPO đối với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Dược Việt Nam, Tổng Công ty Viglacera, và Tổng Công ty Chăn nuôi…
Giá trị cổ phần bán được trong 8 tháng đầu năm 2016 cũng tăng hơn 60% so với thực hiện của cả năm 2015 nhờ vào giá trị lớn của các Tổng công ty này.
Mặc dù vậy, tiến trình tái cơ cấu DNNN chưa đáp ứng kỳ vọng của NĐT ở 3 yếu tố: Tốc độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ở những doanh nghiệp lớn và có vị thế trong ngành kinh doanh; Sự minh bạch và cải tiến của doanh nghiệp sau cổ phần hóa; Sở hữu nhà nước không thực sự thu hẹp.
Điểm nổi bật nhất trong thời gian qua là việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk, bước đầu cho việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp số 1 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không thay đổi phương thức tiến hành và tốc độ hiện tại, việc bán vốn nhà nước tại Vinamilk được các chuyên gia cho rằng có thể sẽ mất thêm một vài năm nữa.
Cuối cùng, PGS-TS. Võ Trí Hảo cho rằng để thực hiện thành công lộ trình thoái vốn nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cần phải vượt qua được lực cản của các nhóm lợi ích liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét