Bãi Chuối. Khu vực Bãi Chuối có hình dạng giống như một cái âu tàu tự nhiên khổng lồ – một bãi biển hoang sơ nằm lọt thỏm giữa hai dải núi hai bên.
Cuối năm 2014, giữa lúc dư luận xôn xao trước thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp gần 200ha đất ở khu vực đèo Hải Vân cho Cty CP Thế Diệu (thuộc Cty TNHH World Shine Hong Kong, TQ) thực hiện dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, người ta mới phát hiện ra rằng, ngay từ năm 2009 tỉnh này cũng đã cấp 100ha đất ở khu vực Bãi Chuối (thị trấn Lăng Cô) cho Cty TNHH MTV Bãi Chuối để xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Bãi Chuối nằm kế bên khu vực được cấp cho Cty CP Thế Diệu; cả hai đều thuộc khu vực đèo Hải Vân, một khu vực đặc biệt trọng yếu về an ninh – quốc phòng. Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Bãi Chuối là ông Lim Kam Lo, một người dân tộc Hoa. Dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối có vốn đầu tư 102 triệu USD, thời hạn thực hiện 50 năm.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phải tạm dừng thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng World Shine. Tuy nhiên, không hiểu sao, dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối lại không hề hấn gì và vẫn đang trong quá trình triển khai.
Khu vực Bãi Chuối có hình dạng giống như một cái âu tàu tự nhiên khổng lồ – một bãi biển hoang sơ nằm lọt thỏm giữa hai dải núi hai bên. Nhờ địa hình đặc biệt như vậy nên Bãi Chuối rất kín gió. Đây là nơi tránh trú bão rất an toàn và tiện lợi cho tàu thuyền đánh cá của ngư dân quanh vùng. Trước kia, đây là khu vực tập kết của những người Việt Nam vượt biên trước khi lên đường đi tìm tự do trên những con thuyền mong manh giữa đại dương.
Đường dẫn xuống Bãi Chuối đang trong quá trình thi công
Rõ ràng, Bãi Chuối là vị trí mà người Trung Quốc vốn đầy toan tính đã nhắm đến từ lâu. Đây là địa điểm hết sức lý tưởng cho tàu bè đổ bộ và neo đậu. Khi có biến, đội quân nằm vùng và lực lượng đổ bộ có thể nhanh chóng cơ động về hướng quốc lộ 1A, gây ách tắc giao thông Bắc Nam, khống chế các cao điểm quân sự trên đèo Hải Vân và chia cắt Việt Nam thành hai phần.
Với một dự án như thế thì cho dù do ai đầu tư đi nữa thì cuối cùng nó cũng khó lòng thoát khỏi tay các “nhà đầu tư” Trung Quốc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (nguyên Tư lệnh Quân khu 5) từng cho hay: “Trước đây tôi chịu trách nhiệm với Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ phòng thủ khu vực đèo Hải Vân, Sơn Trà và Phước Tường. Không thể để mất một trong ba điểm này. Nếu Đà Nẵng mất Sơn Trà mà giữ được Hải Vân thì còn có thể lấy lại được Sơn Trà. Nhưng nếu Đà Nẵng mất Hải Vân thì coi như thua chắc, khó lấy lại được.”
Giới quan chức Việt Nam thường loá mắt trước những khoản “lại quả” của các nhà đầu tư, bất chấp những hệ luỵ tai hại mà đất nước và người dân phải gánh chịu, còn người Trung Quốc thì xưa nay luôn biết cách làm hài lòng các quan chức sở tại, không chỉ ở Việt Nam mà bất cứ ở đâu họ đặt chân đến.
Tuy nhiên, những dự án đầu tư nước ngoài lên đến hàng trăm triệu dollar lại liên quan đến an ninh – quốc phòng chắc chắn phải có ý kiến từ các bộ ngành liên quan và lãnh đạo chính phủ.
Câu hỏi đặt ra ở đây là ai đã chỉ đạo hay nhắm mắt làm ngơ cho một dự án đặc biệt nhạy cảm về an ninh – quốc phòng như dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối ở Hải Vân?
*Ảnh trong bài: Lê Anh Hùng & Nguyễn Đức Quốc
*Bài liên quan:
- Báo động: Người Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Quảng Trị (VOA)
- Lào Cai: ‘Tử huyệt’ của phòng tuyến biên giới phía bắc? (VOA)
- Trục đường cửa ngõ chiến lược Móng Cái - Hạ Long sẽ rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc? (VOA)
- Formosa Hà Tĩnh đã trở thành đặc khu của Trung Quốc? (VOA)
- Bauxite Việt Nam đã công khai lên tiếng về vụ PTT Tàu Hoàng Trung Hải (Bauxite Việt Nam)
- Trung Nam Hải đang toan tính gì với con bài Nguyễn Tấn Dũng?(VOA)
- Vì sao TQ cấm làm đường gần biên giới, còn VN lại mở toang cửa ngõ biên giới với TQ? (VOA)
- Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm họa mất nước (VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét