(Kinh tế) - Sau Khánh Hòa, Đà Nẵng… Bạc Liêu đã nói “không” với dự án tiềm ẩn rủi ro hủy diệt môi trường biển.
Ngày 20/9, trong một cuộc họp với Chính Phủ, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất với Thủ tướng cho rút dự án Nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh ra khỏi quy hoạch điện VII nhằm bảo đảm môi trường cho nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh tỉnh có nguồn phát triển điện gió.
Và thay cho dự án Nhiệt điện Cái Cùng, Bạc Liêu chủ trương thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm của tỉnh.
Quyết định này đã được Thủ tướng hoan nghênh, người dân ủng hộ vì lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chọn môi trường, chọn tôm cá chứ không chọn điện.
Tỉnh nghèo chọn làm nông
Bạc Liêu là một tỉnh nghèo, thuần nông. Ngân sách thu hàng năm vẫn dưới 2.000 tỷ đồng, còn bội chi ngân sách là 1.600 tỷ. Trong thời gian gần đây, Bạc Liêu cũng đang phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, là một trong những tỉnh khó khăn nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do đó, tỉnh này luôn nằm ở vị trí đầu các địa phương phải nhận hỗ trợ từ Trung ương.
Dù khó khăn bủa vây tứ phía, tỉnh này vẫn quyết tâm tìm bằng được lối đi cho mình nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Khác với một số địa phương tìm đường ra bằng cách “rộng cửa” cho những dự án công nghiệp có rủi ro cao về môi trường, Bạc Liêu tìm về nông nghiệp, với con tôm, con cá.
Thực ra, cách đây 1 năm, ngày 11/2/2015, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã làm việc với công ty Kyushu và công ty Sojitz về dự án Nhà máy điện Cái Cùng. Dự án này được đánh giá là sẽ cung cấp một lượng điện lớn, góp phần làm thay đổi diện mạo của Bạc Liêu nói riêng và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung.
Trong những bàn thảo trước đó giữa hai bên, phía Nhật Bản đã có những cam kết ban đầu về lựa chọn công nghệ, đảm bảo yếu tố môi trường từ khi xây dựng đến khi vận hành. Theo đó, không chỉ môi trường biển mà cả rừng đước tự nhiên của Bạc Liêu cũng sẽ được an toàn.
Tuy nhiên, sau thời gian tính toán, cân nhắc, lãnh đạo tỉnh nhận định dù cam kết thế nào thì rủi ro, nguy cơ cũng có thể xảy ra, tại sao không chọn thế mạnh tiềm năng thủy hải sản sẵn có của địa phương để phát triển.
Cụ thể, Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy hải sản lớn nhất khu vực ĐBSCL, khoảng 1.280 km2, chiếm một nửa diện tích tự nhiên trên toàn tỉnh. Năm nay, dù tác động xấu từ biến đổi khí hậu, nhưng xuất khẩu thủy sản dự tính vẫn đạt khoảng 3,2 tỷ USD.
Sản lượng tôm hàng năm của Bạc Liêu là 105.000 tấn, đứng thứ 2 cả nước, giá trị kinh tế vào khoảng 11,5 ngàn tỷ đồng với nhiều mô hình nuôi tôm côngn ghệ cao hang đầu quốc gia và có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á.
Bạc Liêu cũng là một trong những trung tâm sản xuất tôm giống của ĐBSCL và cả nước với sản lượng sản xuất 25 tỷ con giống/năm, chiếm 50% của vùng ĐBSCL và 19,23% cả nước.
Với những lợi thế sẵn có, Bạc Liêu quyết tâm chọn hướng đi kinh tế là xây dựng trung tâm sản xuất tôm Việt Nam, tạo ra một thương hiệu tôm Việt từ nguồn tôm mà thiên nhiên đã ưu đãi cho tỉnh.
Tỉnh đã định hướng phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đã dự kiến quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” với diện tích giai đoạn I là 200ha.
Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận về chủ trương cho tỉnh xúc tiến các thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt thành lập Khu nông nghiệp theo cơ chế riêng để xúc tiến, mời gọi đầu tư.
“Lấy mũi nhọn” là tôm của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã nhận được sự đánh giá cao từ phía Chính phủ lẫn người dân. Bởi Bạc Liêu đã nỗ lực tìm một hướng đi khác, đã tìm cách để bảo vệ môi trường sống của người dân, chọn tôm chứ không chọn điện, nhất là dự án Nhiệt điện Cái Cùng lại nằm ven biển, dù cam kết thế nào thì rủi ro là điều không tránh khỏi.
(Theo CafeF)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét