Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Ninh Thuận sẽ được lợi gì khi có nhà máy thép "tỷ đô"?

Tuệ Minh | 

Ninh Thuận sẽ được lợi gì khi có nhà máy thép "tỷ đô"?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Ảnh: Vietnamplus)

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nếu dự án Thép Cà Ná của Hoa Sen Group được triển khai ở tỉnh Ninh Thuận, tỉnh này sẽ có 3 cái lợi.

Trong những ngày qua tuyên bố của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) rằng sẽ đầu tư 10,6 tỉ USD để xây dựng một siêu nhà máy thép với công suất 16 triệu tấn/năm tại khu vực ven biển Cà Ná, Ninh Thuận đã làm "nóng" dư luận.
Nếu được duyệt, Thép Cà Ná sẽ được ưu đãi không kém DN FDI
Liên quan đến những điều "lợi" mà Ninh Thuận sẽ được hưởng nếu dự án thép Cà Ná được triển khai tại tỉnh này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: "Có một cái lợi mà ai cũng có thể nhìn thấy đó là dự án đi vào hoạt động, có lãi và thu thuế thì ngân sách của tỉnh sẽ được nâng lên.
Thứ hai là số lượng việc làm của lao động của tỉnh có thể được nhiều hơn do công ty đó tuyển dụng. Thứ ba là góp phần cải thiện cơ cấu kinh tế của tỉnh đó theo hướng sản xuất công nghiệp nhiều hơn".
Nhưng ông Phong cũng cho rằng: Các tác động mặt trái của nó cũng sẽ như những dự án khác nếu quán lý không tốt.
Vị chuyên gia kinh tế này cũng nói thêm: "Bất kỳ một tỉnh nào đều muốn tăng thu ngân sách tỉnh... Chính Nhà nước cũng mong muốn có những nguồn thu mới đặc biệt là từ những cơ sở sản xuất công nghiệp mang tên thương hiệu Việt".
Khác với những dự án khác đến từ doanh nghiệp FDI vốn được hưởng rất nhiều ưu đãi khi vào Việt Nam, dự án thép Cà Ná là của một doanh nghiệp Việt Nam.
Ninh Thuận sẽ được lợi gì khi có nhà máy thép tỷ đô? - Ảnh 1.
Phối cảnh dự án Tổ hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận
Và ông Nguyễn Minh Phong tin tưởng rằng chắc chắn nếu dự án đi vào thực tế, doanh nghiệp của ông lê Phước Vũ cũng sẽ được những chính sách ưu đãi, khuyến khích. Thậm chí những sự ưu đãi cũng không thua kém so với các dự án của các doanh nghiệp FDI.
Bởi vì môi trường đầu tư hiện nay đã là môi trường đầu tư chung. Hơn nữa, với quy mô của dự án thép Cà Ná như báo chí thông tin thì dự án này có không kém gì dự án thép của Formosa Hà Tĩnh.
"Vì thế tôi tin là những ưu đãi mà họ sẽ nhận được không thua kém gì các doanh nghiệp FDI khác. Còn nếu thua kém, họ có quyền khiếu nại tiếp hoặc xin tiếp", ông Phong nói.
Khi được hỏi về mức độ tin tưởng vào sự thành công của dự án, vị chuyên gia kinh tế này nói: "Kỳ vọng thôi bởi tin tưởng thì khó. Bởi có hai yếu tố phải xét đến. Thứ nhất là phụ thuộc vào thực lực tài chính của doanh nghiệp.
Thứ hai là thị trường tiêu thụ không phải là dễ trong bối cảnh thị trường đang ứ thừa ở trên thế giới, đặc biệt ở Trung Quốc, thép đang dư thừa và một trong số đó đang tìm cách vào Việt Nam.
Việc cạnh tranh sẽ gây khó cho Hoa Sen group nếu triển khai dự án nếu không có những sản phẩm phù hợp để cạnh tranh hoặc không thể cạnh tranh.
Tất cả còn ở phía trước, còn khả thi đến đâu thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố cũng như sự hỗ trợ của những bên liên quan".
Dự án mới chỉ dừng lại ở chủ trương
Trao đổi với chúng tôi về thông tin của dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận, ông Lê Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: UBND tỉnh này chưa chấp thuận và dự án mới chỉ dừng lại ở chủ trương, mọi việc còn phải chờ sự chấp thuận của Chính phủ.
Ninh Thuận sẽ được lợi gì khi có nhà máy thép tỷ đô? - Ảnh 2.
Ông Lê Văn Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Ninh Hải, Ninh Thuận)
"Cũng còn phải xin ý kiến các bộ, ngành nữa", ông Bình khẳng định.
Khi chúng tôi hỏi về thông tin UBND tỉnh Ninh Thuận có chỉ đạo về việc xây dựng hệ thống nước để cấp nước cho dự án, ông Bình đã phủ nhận điều này.
Trước đó, báo giới cũng đã thông tin về vấn đề này. Cụ thể, ngày 1/8/2016, Hoa Sen gửi văn bản cho UBND Ninh Thuận đề cập đến nguồn nước cho siêu dự án thép Cà Ná.
Giai đoạn đầu, nhà máy cần 33.000 mét khối nước sạch/ngày. Đến khi vận hành tất cả các hạng mục, lượng nước tiêu thụ là 180.000 mét khối/ngày. Hoa Sen đề nghị Ninh Thuận chuẩn bị và cung cấp đủ nguồn nước để đáp ứng tiến độ và quy mô của dự án.
Nửa tháng sau, UBND Ninh Thuận chỉ đạo Sở Xây dựng chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước tận nơi cho Hoa Sen, đấu nối từ nguồn nước của Nhà máy nước Phước Nam dù nhà máy này chỉ có công suất 30.000 mét khối/ngày, lại đang cung cấp cho các khu vực khác nữa.
Được biết mấy năm gần đây, hạn hán ở Ninh Thuận ngày càng khốc liệt. Nhiều hồ chứa nước ngọt cạn trơ đáy. Lượng nước tích trữ chỉ còn 15,6% dung tích thiết kế. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại hàng trăm tỉ đồng vì hạn hán trong năm 2015. Hàng nghìn người thiếu nước sinh hoạt và vì hạn hán, đã có tới hơn 2.000 con cừu bị chết đói và khát.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: