Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

ĐÂY CÓ PHẢI LÀ "1 NHÁT DAO"...ĐÂM SAU LƯNG ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG?

Lời dẫn của Phạm Viết Đào:

ÔNG DƯƠNG ĐỨC QUẢNG ĐƯA BÀI NÀY LẺN FB CỦA MÌNH PHẢI CHĂNG NGẦM CHỈ TRÍCH: AI CÓ KHUYNH HƯỚNG NGẢ THEO MỸ ĐỂ ĐỐI PHÓ TÀU LÀ NGƯỢC VỚI LÊ DUẨN TRONG QUAN HỆ VỚI MỸ? ĐỔ CÔNG LAO CỦA ÔNG LÊ DUẨN XUÔNG SÔNG, XUỐNG BỂ...

ÔNG LÊ DUẨN TÌM MỌI CÁCH ĐÁNH ĐUỔI MỸ ĐI CÒN BÂY GIỜ ÔNG TRỌNG LẠI TÌM CÁCH CẦU THÂN VỚI MỸ...TRONG BÀI ĐÁNH GIÁ ÔNG DUẨN ĐÃ CHÊ ÔNG GIÁP NHÁT SỢ MỸ ...

THEO CHỦ THỚT: BÀI VIẾT LÀ "1 NHÁT DAO" ĐÂM ÔNG TRỌNG SAU LƯNG?
CÒN NHỚ KHI ÔNG TRỌNG PHÁT ĐỘNG NQTW4 DƯ LUẬN CHO LÀ NHẮM TRIỆT PHÁ TẤN CÔNG PHE BA DŨNG THÌ TRÊN BLOG CỦA DƯƠNG ĐỨC QUẢNG BUÔNG 1 CÂU ĐẠI Ý:" MUỐN CHỐNG THAM.NHŨNG PHẢI CÓ BÀN TAY SẠCH"...CÂU NÀY HÀM Ý GÌ CÁC VỊ THỬ SUY ĐOÁN...
NQTW 4 KHÓ THÀNH VÌ TÌM ĐÂU RA BÀN TAY SẠCH?
ÔNG DƯƠNG ĐỨC QUẢNG LÀ BẠN CỦA ÔNG TRỌNG HAY...ONG TRONG TAY ÁO ÔNG TRỌNG?

Dương Đc Qung

"TA THẮNG MỸ VÌ ĐẢNG TA BIẾT DÙNG NGƯỜI"
Trong hình ảnh có thể có: 4 người

Tôi vừa viết xong cuốn Hồi ký "Từ hè phố đến cung đình", kể lại cuộc đời của tôi từ khi là một cậu bé mồ côi mẹ lúc mới được hơn 4 tháng tuổi, lớn lên với tuổi thơ vất vả, đói nghèo, từng lang thang bán sách báo dạo trên các hè phố Hà Nội, rồi thành sinh viên một trường đại học danh tiếng ở thủ đô, ra trường trở thành phóng viên chiến tranh, có gần 8 năm lăn lộn trên các chiến trường miền Bắc, miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ; sau đó đi làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc đúng vào thời điểm nước Tiệp Khắc xã hội chủ nghĩa sụp đổ, tận mắt chứng kiến cuộc "cách mạng nhung" nơi đây. Về nước, ở tuổi gần 50 tôi được bước chân vào chốn “cung đình” với trên 10 năm làm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí rồi Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ, Tổng Biên tập đầu tiên của Trang tin điện tử (Website) Chính phủ (nay là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ); được tiếp cận và trực tiếp phục vụ hầu hết các vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Chính phủ trong một thời gian dài.


Trong cuốn Hồi ký này tôi đã kể lại những kỷ niệm và ghi nhận của mình trong những năm tháng được làm Phóng viên Đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam chuyên trách đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh. Tôi cũng ghi lại những kỷ niệm của tôi trong thời gian làm việc tại Văn phòng Chính phủ; được trực tiếp phục vụ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải và nhiều vị lãnh đạo khác của Chính phủ trong lĩnh vực thông tin báo chí. Tôi cũng đã kể lại những điều “tai nghe, mắt thấy” qua những lần được làm việc trực tiếp với một số vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước, thời kỳ Tổng Bí thư Trường Chinh khi đang còn là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Tổng Bí thư Đỗ Mười khi đang còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng…Tôi cũng không thể không kể lại những kỷ niệm và hiểu biết của tôi đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, hai vị lãnh đạo cao cấp nhưng lại là những người bạn học cùng thời đại học và phổ thông với tôi... Tất cả những điều tôi biết và kể lại chỉ với một mong muốn là mang đến cho những người đọc tập Hồi ký này những thông tin mới và một cái nhìn đa chiều về các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà không phải ai cũng biết một cách tường tận.
Biết tôi đã viết xong Hồi ký, một số bạn bè thân quý của tôi đề nghị tôi đưa lên fb này một số đoạn trong cuốn Hồi ký, nhất là những đoạn tôi kể lại một vài sự kiện và sự việc "nhạy cảm" mà tôi được chứng kiến, trong đó có những chuyện liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hôm nay tôi xin đưa lên một đoạn trong cuốn Hồi ký đó:

"TA THẮNG MỸ VÌ ĐẢNG TA BIẾT DÙNG NGƯỜI"

Đó là câu nói của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi ông đến thăm và chúc Tết báo Nhân Dân năm 1984.
Trong hơn ba năm, từ đầu năm 1981 đến giữa năm 1984, trước khi được cử đi học tập trung tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc rồi đi làm nghiên cứu sinh tại Trường Chính trị Cao cấp trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, tôi là Phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam chuyên trách đưa tin về hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Trong lần tháp tùng Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm quê Quảng Trị năm 1983, lần đầu tiên tôi được nghe Tổng Bí thư đề cập, dù chỉ là thoáng qua về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tổng Bí thư nói: “Chúng ta thắng Mỹ vì chúng ta không sợ Mỹ như Võ Nguyên Giáp và một số người khác!...”
Chỉ đến dịp Tết Nguyên đán đầu năm 1984, khi đến thăm và chúc Tết báo Nhân Dân Tổng Bí thư Lê Duẩn mới nói rõ hơn về chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp “sợ Mỹ”.
Hôm ấy, nói chuyện với Ban Biên tập và các lãnh đạo chủ chốt của báo Nhân Dân, Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi:
- Các đồng chí biết vì sao ta thắng Mỹ không?
Sau khi nghe một cán bộ lãnh đạo báo Nhân Dân nói ta thắng Mỹ nhờ có đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, sự đoàn kết, quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta cùng với sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân dân các nước trên thế giới... Tổng Bí thư Lê Duẩn ngắt lời:
- Đồng chí nói đúng, nhưng không chỉ có vậy. Ta thắng Mỹ còn có một nguyên nhân quan trọng khác là Đảng ta biết dùng người!
Lần đầu tiên sau nhiều chuyến được tháp tùng Tổng Bí thư Lê Duẩn đi thăm các nơi tôi mới được nghe Tổng Bí thư nói ta thắng Mỹ vì "Đảng ta biết dùng người"!
Tổng Bí thư Lê Duẩn kể lại quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược trong hai năm 1975 và 1976 Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tổng Bí thư nói:
- Sau cuộc tổng tiến công giải phóng thị xã Quảng Trị và nhiều nơi khác ở miền Nam vào mùa hè 1972, tôi chủ trương tiếp tục củng cố lực lượng, duy trì đà tiến công trên toàn miền Nam, buộc quân Mỹ và bọn tay sai lâm vào thế bị động, phải xuống thang chiến tranh. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lúc đó nói rằng nhân dân miền Bắc đã dốc hết sức chi viện cho chiến trường trong đợt tổng tiến công vừa qua nên đề nghị tôi dành thời gian cho quân đội và nhân dân nghỉ ngơi, khi lấy lại sức và bổ sung đầy đủ quân số thì tiếp tục tiến công. Đó là một đề nghị rất lạ lùng, không thể chấp nhận. Tại sao lại đặt vấn đề để quân và dân miền Bắc nghỉ ngơi trong khi ở chiến trường miền Nam con em chúng ta, trong đó có nhiều con em quê ở miền Bắc cùng con em đồng bào miền Nam đang tiếp tục chiến đấu và hy sinh? Vì thế, không có chuyện nghỉ ngơi mà phải tiếp tục phát triển đà tiến công trên khắp các chiến trường miền Nam buộc Mỹ đầu năm 1973 phải ký Hiệp định Pa-ri, rút quân về nước, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau Hiệp định Pa-ri thế và lực của quân và dân ta ngày càng lớn mạnh.
Một câu hỏi được đặt ra lúc đó: Mỹ đã ký Hiệp định Pa-ri, rút quân về nước nhưng nếu ta đánh lớn thì Mỹ có trở lại cứu nguy cho quân ngụy Sài Gòn không? Nếu trở lại thì trở lại bằng cách nào? Bởi vì sau khi rút quân về nước, để trấn an Nguyễn Văn Thiệu, người lúc đầu không chịu ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã hứa với Thiệu nếu ta đánh lớn thì Mỹ sẽ quay trở lại bảo vệ ngụy quyền Sài Gòn.
Trong năm 1973 Bộ Chính trị yêu cầu Bộ Quốc phòng và các cơ quan tham mưu, tác chiến phải trả lời được câu hỏi đó. Tin tức tình báo của ta từ Sài Gòn gửi ra nói rằng khả năng Mỹ trở lại Việt Nam bằng quân sự là rất ít. Tôi yêu cầu phải trả lời cho dứt khoát là có hay không việc Mỹ quay trở lại chứ không phải ít hay nhiều? Võ Nguyên Giáp thì run sợ trước đế quốc Mỹ. Võ Nguyên Giáp sợ Mỹ từ lâu. Vì thế năm 1968 trước khi ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân tôi đề nghị đưa Võ Nguyên Giáp đi nghỉ ở Hung-ga-ri, ở nhà Bộ Chính trị họp, báo cáo với Bác tiến hành cuộc Tổng tiến công này, Võ Nguyên Giáp không biết.
Về điều này, sau này tôi được đọc thư của bà Bảy Vân, vợ sau của Tổng Bí thư Lê Duẩn gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, kể lại chuyện ông Lê Duẩn cho bà biết, trong năm 1974 Bộ Chính trị họp nhiều lần bàn kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Bộ Chính trị đặt câu hỏi nếu ta đánh lớn Mỹ có quay trở lại can thiệp vào miền Nam như Nich-xơn đã hứa với Nguyễn Văn Thiệu khi buộc chính quyền Sài Gòn ký hiệp định Pa-ri hay không? Ông Võ Nguyên Giáp nói là theo tin tình báo của ta Mỹ sẽ quay lại và không loại trừ dùng cả bom nguyên tử để cứu chính quyền Sài Gòn. Sau này ông Lê Duẩn cho kiểm tra lại thì Cục Quân báo (sau này đổi tên thành Cục Tình báo Quân đội – Cục 2, rồi được nâng lên thành Tổng cục 2) báo cáo không hề có tin tình báo như thế!
Tổng Bí thư Lê Duẩn dừng lại một lát rồi nói tiếp:
- Để thử phản ứng của Mỹ, tôi yêu cầu anh Văn Tiến Dũng vào chiến trường miền Nam, đưa xe tăng đánh thẳng vào thị xã Phước Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Quân ta đã giải phóng hoàn toàn thị xã Phước Long, chiếm giữ thị xã dài ngày, song phía Mỹ và quân Sài Gòn phản ứng yếu ớt. Sau trận Phước Long, tình báo của ta đã tiếp cận được nhiều nguồn tin từ Mỹ và từ ngụy quyền cao cấp Sài Gòn báo cáo ra là nếu ta đánh lớn Mỹ sẽ không quay trở lại. Điều này đã củng cố thêm quyết tâm của Bộ Chính trị là giao cho Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu soạn thảo kế hoạch tác chiến 2 năm 1975-1976, Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột, quân ngụy Sài Gòn tháo chạy khỏi Tây Nguyên thì xuất hiện thời cơ mới, có thể rút ngắn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong một năm. Tôi chỉ thị cho Bộ Quốc phòng thừa thắng xốc tới, dốc toàn lực tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Võ Nguyên Giáp hỏi lại tôi vì sao Bộ Chính trị đã có quyết định giải phóng miền Nam trong 2 năm, nay anh lại rút xuống còn một năm? Sau khi ta giải phóng thành phố Huế rồi Đà Nẵng, khiến quân địch hoang mang cực độ, tôi yêu cầu anh Lê Đức Thọ vào chiến trường cùng anh Văn Tiến Dũng và các anh trong Trung ương Cục mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng thành phố Sài Gòn trong thời gian ngắn nhất. Với phương châm "táo bạo, bất ngờ, thần tốc và quyết thắng" ngày 30-4-1975 chúng ta đã giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước kéo dài trong 20 năm. Đấy, các đồng chí thấy, tôi nói có một nguyên nhân dẫn đến chiến thắng là Đảng ta biết dùng người là như thế!
Tuy đã nghe Tổng Bí thư Lê Duẩn nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần tháp tùng Tổng Bí thư về thăm quê, nhưng quả thật lần này tôi mới thấy Tổng Bí thư nói về Đại tướng rõ như thế và cũng là lần đầu tiên được nghe Tổng Bí thư nói về một nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ là "Đảng ta biết dùng người"! Còn Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị mà Tổng Bí thư Lê Duẩn không nói rõ tên trong cuộc nói chuyện của mình đó chính là Trung tướng Song Hào, sau này mất chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hôi.
Kết thúc buổi đến thăm và chúc Tết của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại báo Nhân Dân, theo thông lệ của các chuyến đi tôi sẽ là người viết tin về hoạt động của Tổng Bí thư để TTXVN phát cho các báo, đài sử dụng chung, anh Hà Đăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân (sau này là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương) cũng bảo tôi: “Cậu viết tin nhé!”, nhưng tôi lại nói với anh Hà Đăng:
- Thường các chuyến thăm khác của Tổng Bí thư em viết tin nhưng hôm nay Tổng Bí thư đến thăm báo Đảng, các anh đều là các nhà báo lớn, em xin đề nghị các anh viết tin riêng cho báo còn em sẽ viết tin để TTXVN phát cho các báo, đài khác sử dụng!
Tôi về, lên gặp ông Đỗ Phượng, Phó Tổng Giám đốc TTXVN, người trực tiếp phụ trách Ban Biên tập Tin trong nước chúng tôi để báo cáo nội dung chuyến thăm và chúc Tết của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại báo Nhân Dân, nhất là những điều Tổng Bí thư nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe tôi báo cáo xong, ông Đỗ Phượng trầm ngâm một lát rồi nói:
- Cậu nghe vậy thì biết vậy. Sau này lịch sử sẽ làm sáng tỏ mọi chuyện…
Sau này một điều hết sức ngẫu nhiên đã xảy ra. Cách đây hai năm, trong lần lên thắp hương nhân ngày giỗ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà Đại tướng, ông Đỗ Phượng đã lên cơn đau tim đột ngột và mất tại đây!
Sau cuộc đến thăm và chúc Tết báo Nhân Dân dịp Tết năm 1984, chuyện Tổng Bí thư Lê Duẩn nói “Đại tướng Võ Nguyên Giáp sợ Mỹ” không được đưa công khai trên báo nhưng nội dung cuộc nói chuyện của Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn bị lộ ra ngoài, dư luận lâu nay vẫn âm ỉ chuyện “thất sủng” của Đại tướng thì nay lại được dịp xôn xao bàn tán. Năm 1984 cũng là năm kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên dư luận lại càng quan tâm hơn.
Đầu tháng 5-1984, chuẩn bị kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được nhận một nhiệm vụ khá đặc biệt liên quan đến sự kiện này. Hôm đó, tôi dự cuộc hội nghị tổng kết công tác của ngành thương nghiệp ở Hội trường Giảng Võ, đang nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười nói chuyện thì một phóng viên thuộc Ban Biên tập tin Trong nước TTXVN đi xe đạp từ cơ quan lên báo cho biết Bộ Biên tập gọi tôi về ngay cơ quan có việc gấp. Hồi đó làm gì có điện thoại cầm tay để gọi như bây giờ nên mọi chỉ thị, mệnh lệnh đột xuất đều cử người báo trực tiếp và phương tiện đi lại chỉ bằng xe đạp nên nhiều khi cả tiếng đồng hồ mới đến người nhận. Tôi vội về ngay cơ quan, lúc đó cũng đã gần hết giờ làm việc nên lên gặp trực tiếp ông Đỗ Phượng, Phó Tổng Giám đốc TTXVN để nhận nhiệm vụ. Ông Đỗ Phượng nói ngay với tôi:
- Cậu xuống Phòng hành chính lấy giấy đi đường, qua Phòng Quản trị nhận mấy cân tem gạo rồi về nhà chuẩn bị quần áo và những thứ cần thiết, khi nào anh Huyên, Thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo lại giờ lên đường vào sáng mai thì cậu đi cùng Đại tướng lên thăm Điện Biên Phủ, viết tin về chuyến đi này. Tin của cậu sẽ là tin rất quan trọng mà dư luận trong nước và nước ngoài đang rất quan tâm…
Tôi về nhà chuẩn bị mọi thứ nhưng suốt cả buổi tối hôm đó chờ mãi mà không thấy cơ quan báo lại ngày giờ lên đường cùng Đại tướng thăm Điện Biên Phủ. Sáng hôm sau lên cơ quan tôi được biết đến giờ chót, Đại tá Huyên, Thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cho biết Đại tướng hoãn, không đi thăm Điện Biên Phủ nữa. Sau đó tôi được tin Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lên thăm Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên. Chính vì điều này mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp không lên Điện Biên nữa!
Đúng ngày 7-5-1984 tôi được giao nhiệm vụ viết tin buổi lễ trọng thể tại Hội trường Ba Đình kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Buổi lễ ấy có Tổng Bí thư Lê Duẩn và tất cả các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự. Dự buổi lễ còn có Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hẳn, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và nhiều vị khách quốc tế khác. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đọc diễn văn tại buổi lễ long trọng này.
Điều đáng chú ý là trên Đoàn Chủ tịch buổi lễ có bốn vị Đại tướng mặc đại lễ phục tham dự là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Lê Trọng Tấn, nhưng trong danh sách Đoàn Chủ tịch buổi lễ mà tôi nhận được chỉ có ba người ghi rõ là Đại tướng, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp không có, chỉ ghi: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tôi đã được lãnh đạo TTXVN dặn rằng khi đưa tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ bao giờ cũng phải ghi rõ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” trước các chức vụ khác. Vì thế tôi đem thắc mắc này gặp ông Dương Văn Phúc, con rể của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, khi đó là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, trong Ban tổ chức buổi Lễ tại Hội trường Ba Đình, để hỏi. Ông Phúc không trả lời ngay mà nói tôi đợi để ông hỏi lãnh đạo cấp cao rồi sẽ trả lời tôi sau. Một lúc sau ông Phúc ra nói với tôi:
- Đồng chí cứ đưa đúng chức danh theo danh sách Đoàn Chủ tịch đã được phát cho báo chí.
Đầu năm 1993 tôi được điều động công tác từ TTXVN lên Văn phòng Chính phủ (VPCP) và từ đầu năm 1994 được cử làm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí của VPCP. Mười lăm năm sau chuyến đi hụt cùng Đại tướng lên thăm Điện Biên Phủ, ngày 7-5-1999 tôi được tháp tùng Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm lên dự lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại thị xã Điện Biên mới được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Điện Biên sau nhiều năm xa cách!
Năm 2001, lần đầu tiên VPCP tổ chức kỷ niệm 56 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (28-8-1945/28-8-2001). Tôi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP giao việc biên soạn cuốn Kỷ yếu 56 năm ngày truyền thống của VPCP và làm bộ phim tài liệu về sự kiện lịch sử này. Một trong những nhiệm vụ mà tôi thực hiện là xin gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để xin Đại tướng, với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ khóa đầu tiên, biết rõ việc thành lập VPCP năm 1945 có ít dòng viết cho cuốn Kỷ yếu và xin Đại tướng trả lời phỏng vấn trong cuốn phim do chúng tôi làm. Đại tướng đã vui vẻ nhận lời.
Mấy năm sau tôi còn có một số dịp được gặp Đại tướng khi cùng Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo VPCP đến thăm và chúc thọ Đại tướng, trong đó có hai lần được tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm và chúc thọ Đại tướng 85 và 90 tuổi.
Ngày 3-10-2013 Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Tôi đã hòa vào dòng người đông đảo của thủ đô Hà Nội và từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng 5 Trần Thánh Tông viếng và tiễn đưa Đại tướng về nơi yên nghỉ cuối cùng tại quê nhà Quảng Bình. Những lần có dịp qua Quảng Bình, mảnh đất tôi từng gắn bó suốt bốn năm trong thời kỳ chống cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ trên miền Bắc, tôi đều đến đây thắp hương trên phần mộ của Đại tướng.
Chú thích ảnh:
1. Nhà báo Dương Đức Quảng (ngoài cùng, trái) trong lần tháp tùng Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng
2. Nhà báo Dương Đức Quảng (hàng sau, thứ nhất, trái sang) trong lần tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải (hàng đầu, thứ tư, trái sang) và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Lê Xuân Trinh (hàng đầu. thứ nhất, trái sang) đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 90 tuổi.

Không có nhận xét nào: