Tác giả Ben Shapiro của báo Real Clear Politics (RCP) ngày 28/8 đã đưa ra bài phân tích nhận định về đối sách đúng đắn, kịp thời của Tổng thống Trump trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Mở đầu bài báo, RCP đề cập đến cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đang diễn ra và phần đông giới phê bình đều chỉ trích Tổng thống Trump đang hủy hoại nền kinh tế toàn cầu với hàng loạt các lý lẽ khác nhau: rằng ông Trump không hề có một chiến lược dài hạn; rằng thương chiến sẽ không “tốt đẹp và dễ dàng” như ông Trump vẫn thường khẳng định; rằng ông Trump liên tục gửi đi những tín hiệu gây bối rối, ngay khi vừa tuyên bố Trung Quốc đang phải “đau đầu” với chính sách thuế quan nặng nề mà ông áp đặt thì ông cũng lại liên tục hối thúc Chủ tịch Cục Dự Trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell hạ lãi suất.
RCP nhận định ông Trump đã hoàn toàn đúng về một điều: “Trung Quốc là mối đe dọa ngoan cố số một không chỉ của Mỹ mà còn là toàn cầu”, và “Hoa Kỳ nên xem xét một chiến lược dài hạn để kiềm chế và áp đảo sự thống trị của chế độ cộng sản toàn trị”.
Ông Trump là tổng thống duy nhất trong số những tổng thống gần đây hiểu được sự thực đơn giản này, theo RCP. Chính quyền Trung Quốc đang gia cường chế độ toàn trị; các tác động từ thị trường vẫn không hề khiến chế độ chính trị Trung Quốc cởi mở hơn. Trung Quốc nỗ lực tăng cường sự kìm hãm đối với Hồng Kông, phá hoại quan hệ chính trị vốn đã rất phức tạp Ấn Độ – Pakistan, đe dọa trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ khi bán máy bay phản lực cho Đài Loan – tất cả đều phản ánh ý đồ chính trị của chính quyền Trung Quốc vốn dựa trên nền tảng triết lý của chủ nghĩa phục thù chính trị (người theo chủ nghĩa này tin rằng có thể đạt được mục tiêu thông qua đấu tranh – một đặc tính của chủ nghĩa cộng sản lấy đấu tranh làm nền tảng tư tưởng).
Hệ tư tưởng lý luận Đặng Tiểu Bình – trên cơ sở hiện thực hoá học thuyết chủ nghĩa Mác – đang nhanh chóng bị đảo ngược, đặt kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào sự trị vì của giới lãnh đạo chính trị. Phương Tây đã từng lạc quan thái quá về hệ tư tưởng của họ Đặng, thiết tưởng chế độ nhà nước này sẽ giúp hòa hoãn mối quan hệ với Trung Quốc nên đâu ngờ đến việc bị ăn cắp hàng trăm tỷ tài sản trí tuệ trong nhiều năm qua trong khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường xây dựng sức mạnh quân sự của mình. Chính quyền ông Tập hiện đã ngày càng xa định hướng “mở cửa” mà phương Tây mong đợi.
Hai dự án quan trọng của Trung Quốc trong những năm gần đây đã cho thấy rõ quy mô tham vọng của nước này. Đầu tiên phải kể đến là Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong đó Trung Quốc trợ cấp xây dựng cơ sở hạ tầng cho một loạt các quốc gia trên thế giới. Có tới 68 quốc gia đã tham gia dự án này. Thiết kế dự án này nhằm đặt các quốc gia vào vòng kìm tỏa của chính phủ Trung Quốc, đồng thời giúp tối ưu hoá sức mạnh của hải quân Trung Quốc trong khu vực.
Sau đó Trung Quốc tập trung cao độ vào việc xây dựng công nghệ 5G do chính phủ tài trợ, sử dụng tập đoàn Huawei làm mũi công phá. Trung Quốc cung cấp công nghệ 5G giá rẻ cho các nước đang phát triển, khao khát công nghệ đã khiến các nước này chấp nhận đánh đổi bằng chính sự riêng tư và an ninh của quốc gia mình. Và mục tiêu thì vẫn như vậy: tối đa hoá phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Thương mại tự do không phải là giải pháp cho vấn đề này. Theo RCP, tuy chính phủ Trung Quốc sẵn sàng sử dụng thương nghiệp để thúc đẩy tham vọng bá chủ của mình nhưng chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khiến Trung Quốc “cởi mở” về mặt chính trị. Tự do thương mại thực sự đã mang lại lợi ích cho người dân Trung Quốc, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo nhưng chính phủ Trung Quốc đã trả ơn sự khoan nhượng của thế giới bằng tăng cường kìm hãm và đàn áp cưỡng bức. Tất cả những điều này có nghĩa rằng Hoa Kỳ cần có một chiến lược toàn diện nhằm triệt để đối đầu với tham vọng của Trung Quốc.
Ông Trump dường như hiểu thấu đáo vấn đề này. Nhưng nếu ông không biểu đạt rõ ràng với người Mỹ, thì ông sẽ thất bại trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Bởi vì người Mỹ nhất định sẽ phản kháng và không chấp nhận chia sẻ gánh nặng kinh tế ấy mà không rõ nguyên nhân hoặc cái giá phải trả. Tổng thống Trump chưa từng nói rõ rằng gánh nặng ấy tồn tại và chưa từng giải thích rõ ràng cho người Mỹ rằng việc hi sinh này là cần thiết vì nước Mỹ và vì đại cục.
Tuy nhiên, ít nhất ông Trump đã thực sự nhận ra mối đe doạ Trung Quốc, RCP nhận định. Điều mặc dù không phải quá mới mẻ nhưng các cuộc nghị luận từ rất lâu đã lờ đi mối đe doạ này, và chính điều này có thể gây phương hại cho Hoa Kỳ và các đồng minh.