Một chuyên gia nghiên cứu về chiến lược nhận định rằng việc Trung Quốc đưa tàu vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam (EEZ) nhiều tuần qua nhằm mục đích “bào mòn quyết tâm” của Hà Nội, trong bối cảnh xuất hiện tin nói rằng tàu được trang bị cần cẩu thuộc loại lớn nhất thế giới “hiện diện trong vùng lãnh hải của Việt Nam”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2017. |
Ông Brahma Chellaney từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi nói rằng giống như Ấn Độ, Việt Nam “không có đồng minh quân sự và buộc phải một mình đối đầu với sự xâm lược của Trung Quốc”.
“Bài học chính cho Việt Nam là phải chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ vì mục tiêu của Trung Quốc là bào mòn quyết tâm của Việt Nam thông qua việc gây áp lực từ nhiều hướng”, ông Chellaney nói, khi được hỏi về điều Hà Nội có thể học được từ kinh nghiệm đương đầu với Bắc Kinh của chính quyền New Delhi.
Nhận định của chuyên gia Ấn Độ được đưa ra trong khi có tin nói hôm 3/9 rằng tàu được trang bị cần cẩu của Trung Quốc là Lam Kình xuất hiện trong vùng EEZ của Việt Nam, trong khi tàu thăm dò Hải Dương 8 đã rời khu vực gần Bãi Tư Chính và tới thả neo ở Đá Chữ Thập. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận, và VOA cũng không thể kiểm chứng độc lập các thông tin này.
Ông Chellaney cho rằng tham vọng bành trướng của Trung Quốc “rốt cuộc sẽ buộc Việt Nam phải thay đổi ‘chính sách ba không’” một cách “từ từ và tinh tế”. Việt Nam lâu nay vẫn tuyên bố “không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tháng trước đã cùng bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, cam kết “tăng cường tham gia bảo đảm tự do hàng hải, hàng không” cũng như “đối phó với các thách thức” trên Biển Đông. Còn phía Mỹ nói rằng Washington “phối hợp đa phương”, nhất là với Việt Nam, trong khi đương đầu với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước.
Mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar đã lên tiếng về vụ “đối đầu” giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc nhiều ngày qua, nói rằng New Delhi “kiên quyết ủng hộ quyền tự do hàng hải và bay ngang” ở Biển Đông.
Khi được hỏi về tầm quan trọng của Việt Nam trong các chiến lược ngoại giao của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, ông Chellaney nói rằng mối quan hệ giữa Hà Nội và New Delhi “đang phát triển nhanh chóng”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu từng xuất bản sách về sự trỗi dậy của Trung Quốc này nói rằng hai nước “cần thêm nội dung chiến lược” trong khi củng cố quan hệ song phương.
Ấn Độ năm 2016 từng có ý định trang bị tên lửa BrahMos cho các đơn vị đóng trên biên giới với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền, khiến Bắc Kinh phản ứng. Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi cũng từng lệnh cho công ty liên doanh với Nga, vốn sản xuất tên lửa tối tân này, tăng cường bán BrahMos sang năm nước tiềm năng mà đứng đầu là Việt Nam.
Hindustan Times hôm 3/9 đưa tin rằng Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ có ý định xin gia hạn thêm hai năm thăm dò Lô 128 của Việt Nam ở Biển Đông. “Việt Nam muốn một công ty Ấn Độ để đương đầu với sự can thiệp của Trung Quốc ở các vùng lãnh hải tranh chấp”, tờ báo nhận định.
Mới đây, một chuyên gia của Mỹ nói với VOA tiếng Việt rằng sự liên quan của công ty Nga và Nhật trong vụ “đối đầu” giữa tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã “gây phức tạp” cho quyết sách của chính quyền Bắc Kinh.
(VOA)
Biển Đông: Xung quanh tin về đường đi của tàu cần cẩu Lam Kình
Lam Kình, một trong những tàu cần cẩu lớn nhất, mà có tin cho là của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, được cho là đã tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 4/9 trong khi hải quân Việt Nam cùng ASEAN và Mỹ đang tập trận chung.
Lam Kình với tải trọng hơn 6400 tấn, có thể được sử đụng để đặt một dàn khoan.
Thông tin về sự hiện diện của Lam Kình được trang South China Sea News đăng trên Twitter chiều 3/9 giờ Việt Nam. Sau đó được tài khoản Pham Thang Nam đăng trên Twitter cá nhân với các thông số kỹ thuật của tàu cần cẩu này kèm hình ảnh chụp vệ tinh.
Tin này sau đó được lan truyền rộng rãi trên cộng đồng người sử dụng Twitter.
Tuy nhiên có nguồn tin khác cho rằng tàu Lam Kình đã về Trung Quốc từ trước đó.
BBC chưa có điều kiện kiểm chứng tính xác thực của những tin này, báo chí Việt Nam cũng chưa đưa tin.
Trong một diễn biến liên quan, cũng tin từ tài khoản Pham Thang Nam cho hay hôm 3/9, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã rời Bãi Tư Chính và hiện đang ở Đá Chữ Thập để tiếp dầu và thực phẩm.
Đây là lần thứ hai tàu này dừng đỗ tại Đá Chữ Thập kể từ khi tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính trên Biển Đông, cách đây hơn 2 tháng.
Trước khi rời Bãi Tư Chính và dừng ở Đá Chữ Thập, Hải Dương Địa chất 8 đã tiến sâu vào vùng biển của Việt Nam, vào hôm 24/8 chỉ cách bờ biển Phan Thiết khoảng 180km.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 lần đầu tiên vào khu vực dưới sự hộ tống của lực lượng hải cảnh Trung Quốc hồi đầu tháng Bảy. Có vẻ như tàu đã tiến hành một cuộc khảo sát địa chất tại vùng biển vốn là điểm nóng trong khu vực từ nhiều năm nay.
Hải quân ASEAN và Mỹ tập trận
Trong khi đó, Hoa Kỳ và khối ASEAN đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung lần đầu tiên ngoài khơi Vịnh Thái Lan.
10 thành viên Asean và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận chung tại khu vực ngoài khơi Vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới vùng Cà Mau ở cực nam của Việt Nam hôm 2/9, trước khi nó kết thúc tại Singapore.
Trước khi tiến hành tập trận chung với Mỹ, Philippines, Brunei và Việt Nam, ba trong số bốn thành viên ASEAN có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đã tập trận chung ở vùng biển gần Hòn Khoai, điểm cực nam của Việt Nam và gần Biển Đông, theo Inquirer.
BRP Ramon Alcaraz (PS-16) của Hải quân Philippines, một tàu tuần tra xa bờ, cùng KDB Darulaman của Hải quân Hoàng gia Brunei và tàu HQ-18 của Hải quân Nhân dân Việt Nam tập trận chung trên đường tới khu vực tập trận với Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét