Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

TQ cảnh báo các địa phương gắng cầm cự và ngăn chặn “dân chúng nổi dậy”

Đăng bởi: Kiên Phạm on Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019 | 7.9.19

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn. Trong sáu ngày qua, Bắc Kinh đã tổ chức ba cuộc họp lớn để thảo luận về cách cứu nền kinh tế. Ông Lưu Hạc, Phó Thủ tướng và Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển Ổn định Tài chính của Trung Quốc cảnh báo, các chính quyền địa phương phải giữ vững ranh giới không xảy ra “rủi ro tài chính”, nhưng quan trọng hơn nữa là không để “dân chúng nổi dậy”.

Hôm 5/9 lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh các chính quyền địa phương phải giữ vững ranh giới không xảy ra “rủi ro tài chính”, quan trọng hơn nữa là phòng ngừa “dân chúng nổi dậy”. (Ảnh: Getty Images)
ĐCSTQ đẩy mạnh giải cứu nền kinh tế

Trong “Hội nghị báo cáo tình hình tài chính quốc gia” được tổ chức ở Bắc Kinh hôm 5/9, ông Lưu Hạc nhắc lại rằng nền kinh tế và tài chính của Trung Quốc đang phải đối mặt tình huống mới. Áp lực nền kinh tế đang gia tăng nên phải nâng cao nhận thức về tình hình khốn khó, các tổ chức tài chính phải tăng cường hỗ trợ hệ thống kinh tế, chính quyền các địa phương phải giữ điểm giới hạn không xảy ra rủi ro tài chính khu vực.

Trong 6 ngày qua, chính quyền Trung Quốc đã liên tiếp tổ chức ba cuộc họp quan trọng: Ngày 31/8, Ủy ban Phát triển Ổn định Tài chính đã tổ chức cuộc họp lần thứ 7 để nghiên cứu hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế; Ngày 4/9, Ủy ban Thường vụ Chính phủ cho biết phải thúc đẩy làm tốt “6 ổn định”; Ngày 5/9, TQ tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình tài chính và trao đổi kinh nghiệm, nhấn mạnh sự ổn định tài chính.

Giới quan sát chú ý đến việc cả ba cuộc họp này Chính phủ của ĐCSTQ đều đề cập đến “điều chỉnh chu kỳ ngược”, phát tín hiệu chính phủ sẽ tăng cường “giải cứu nền kinh tế”. Nói đơn giản là chính phủ sẽ can thiệp vào nền kinh tế để ngăn chặn sự sụp đổ lao dốc, bùng phát khủng hoảng tài chính. Điều này cũng phản ánh những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt hiện tại là rất bất thường.

Suy thoái kinh tế tư nhân gây nguy cơ tồn vong về chính trị

Ông Lưu Hạc cũng nhấn mạnh rằng các tổ chức tài chính nên tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, phải “đứng chung con thuyền” với các thực thể kinh tế. Xưa nay ĐCSTQ chú trọng chính sách “đẩy mạnh kinh tế nhà nước”, liên tục chèn ép khu vực kinh tế tư nhân, trong khi khu vực này mới là xương sống của nền kinh tế và là nền tảng cho sự ổn định của chế độ Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, với sự leo thang toàn diện cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến nền kinh tế Trung Quốc không ngừng suy thoái, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh thoái vốn, còn doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện nay không chỉ nhiều doanh nghiệp nhỏ âm thầm biến mất, mà ngay cả các doanh nghiệp lớn, có lịch sử lâu đời, có hạng ngôi sao cũng thay nhau bỏ cuộc. Tình trạng khủng hoảng lớn khu vực kinh tế tư nhân cũng đã trở thành nguy cơ tồn vong đối với ĐCSTQ.

Ngày 27/8, doanh nghiệp xương sống ở tỉnh Sơn Đông là hãng đóng tàu Rushan đã chính thức bị tòa án quyết định cho phá sản, nguyên nhân vì bị đứt dòng vốn vận hành.

Ngày 26/8, Công ty Khoa học Quốc Vĩ, nhà cung cấp của nhà máy động cơ chính xe hơi tại Đại Lục, do bị mất nguồn cung vốn, sau thời gian nợ lương khoảng 5.000 nhân viên kéo dài 6 tháng cũng tuyên bố phá sản.

Cùng ngày, vua giày Trung Quốc Fuguiniao cũng tuyên bố phá sản sau hai lần tự giải cứu thất bại, ôm khoản nợ 3 tỷ Nhân dân tệ. Công ty giày nổi tiếng Daphne trong nửa năm cũng đã đóng cửa 612 cửa hàng và sa thải 1.900 người.

Doanh nghiệp Let’s Soup Party cung cấp dịch vụ ăn uống nổi tiếng ở Thâm Quyến cũng do sự phá vỡ chuỗi vốn khiến 38/42 cửa hàng ở Thâm Quyến và Quảng Châu rơi vào trạng thái đình chỉ hoạt động.

Lĩnh vực bất động sản thì càng gay go. Theo thông báo của tòa án Trung Quốc cho thấy, trong ngày 22/8 có 32 công ty nhà đất phá sản, hầu hết trong số đó là các công ty bất động sản nổi tiếng từng làm mưa làm gió tại các địa phương; đáng kể như: Công ty TNHH Yuetai Quảng Châu (có lịch sử lâu đời), Tập đoàn Cổ phần Zhenxing (lớn nhất An Huy), và Công ty TNHH Bất động sản Huafang Thượng Hải.

Ngành IT cũng chung số phận. Theo dữ liệu về hoạt động đầu tư và khởi nghiệp từ trang IT Itjuzi của Trung Quốc, tính đến ngày 7/8 năm nay, 15 nền tảng Internet hàng đầu của công ty kinh tế mới của Trung Quốc sau khi chi hết số tiền hơn 15 tỷ Nhân dân tệ nhưng cuối cùng vẫn sụp đổ.


Cỗ xe tam mã rệu rã gây lo lắng khủng hoảng xã hội

Ngoài ra, ông Lưu Hạc cũng cảnh báo các chính quyền địa phương phải tăng cường tính ổn định và phòng ngừa các tình huống “dân chúng nổi dậy” thu hút sự chú ý từ quốc tế. Có phân tích cho rằng những động thái này phản ánh chính quyền Bắc Kinh có thể đang cảnh giác tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài đến mức độ nhất định sẽ kéo theo khủng hoảng xã hội, vì vậy trước tiên họ “tiêm phòng” đối với chính quyền các địa phương, nhằm tăng cường ổn định.

Hôm 1/9, Mỹ chính thức tuyên bố tăng thuế bổ sung từ 10% lên 15% đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ trị giá 300 tỷ USD. Đồng thời “cỗ xe tam mã” đại diện cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều rơi vào tình trạng lao dốc.

Hãng tin BBC (Anh) có nhận định, trong “cỗ xe tam mã” của kinh tế của Trung Quốc gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, có hai lĩnh vực hoạt động bị ngưng trệ. Xuất khẩu ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại, còn đầu tư tư nhân thì càng suy thoái mạnh hơn, nền kinh tế tồi tệ hơn tưởng tượng của nhiều người.

Số liệu của nhà nước Trung Quốc cho thấy, trong 31 chính quyền tỉnh và thành phố ở Trung Quốc Đại Lục thì có đến 30 nơi bị thâm hụt tài khóa trong nửa đầu năm nay.

Kênh truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) tại Mỹ chia sẻ thông tin của phóng viên điều tra độc lập Trung Quốc Đại Lục Hoàng Kim Thu cho biết, vì thỏa thuận Mỹ-Trung thất bại, cộng thêm tình hình quốc tế đang ngày càng bất lợi, doanh giới nước ngoài không vào đầu tư, còn doanh giới nước ngoài đã đầu tư thì thoái vốn, cho nên cỗ xe thứ nhất là đầu tư đã thảm bại; cỗ xe thứ hai là xuất khẩu cũng chung số phận vì cuộc chiến thương mại. Còn tình trạng lạm dụng cho vay mua bất động sản cũng như tài chính P2P khiến đa số người dân ngày càng nghèo túng, khó khăn tiêu dùng, khiến cỗ xe thứ ba là tiêu thụ cũng sụp đổ. Làn sóng tiếp theo của việc đóng cửa doanh nghiệp là tình trạng thất nghiệp bùng nổ và giá cả tăng cao, đây là viễn cảnh không khó tưởng tượng.

Trước những khó khăn kinh tế của Trung Quốc, gần đây Thủ tướng Lý Khắc Cường đã liên tục đưa ra 20 chính sách, bao gồm kích thích tiêu thụ xe hơi, chuyển hướng tiêu thụ từ xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước, kích thích tiêu dùng vùng nông thôn. Tuy nhiên có học giả chỉ ra, trong 1,4 tỷ người của Trung Quốc có 1,05 tỷ người GDP bình quân đầu người 4.500 USD trở xuống, nếu không giải quyết được khoảng cách giàu nghèo thì hiệu quả của việc kích thích tiêu dùng cũng khó khả quan.

Hôm 31/8, Cục Thống kê Quốc gia và Hội Liên hiệp Mua sắm của ĐCSTQ đã cùng tuyên bố, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) đã giảm xuống 49,5 trong tháng Tám, thấp hơn dự báo thị trường (49,7), một lần nữa ở dưới mức triển vọng 50.

Chỉ số nhân sự theo lĩnh vực sản xuất trong tháng Tám là 46,9, giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước. Cũng trong tháng Tám, chỉ số phân loại đơn hàng xuất khẩu vào tháng thứ 15 liên tiếp thấp hơn mức triển vọng, chỉ tăng lên mức 47,2 so với mức 46,9 trong tháng Bảy.

Theo dữ liệu khác, chỉ số đau khổ Trung Quốc, tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 6,11% trong quý Hai năm nay, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quan chức ĐCSTQ: Thời kỳ gian khổ đã đến

ĐCSTQ hiện đang trong cảnh khốn đốn cả trong và ngoài nước, nền kinh tế đang đứng trước viễn cảnh sụp đổ, chế độ chìm vào khủng hoảng chưa từng có. Gần đây cư dân mạng Internet Trung Quốc chia sẻ nóng một đoạn ghi âm được cho là của một quan chức cấp cao, theo đó quan chức này tiết lộ cuộc chiến thương mại đã gây ra nguy cơ chính trị của ĐCSTQ. Với việc doanh nghiệp nước ngoài bỏ chạy và sụp đổ nguồn vốn của Trung Quốc có thể làm hơn 80 triệu người thất nghiệp, đằng sau bức tranh này liên quan đến khủng hoảng tài chính và khủng hoảng bất động sản, hai cuộc khủng hoảng này kéo theo khủng hoảng vị thế chính trị của ĐCSTQ. Cho nên có thể nói, nguy cơ sụp đổ nền kinh tế sẽ kéo theo những thay đổi to lớn ở Trung Quốc.

Quan chức này chỉ ra rằng, hiện nay trong đảng ĐCSTQ có ba thế lực đang quyết đấu sinh tử, họ không quan tâm đến cuộc sống của người dân. Quan chức này nhắc nhở rằng thời kỳ gian khó đang đến, ai có khả năng bỏ trốn ra nước khác thì hãy sớm hành động.

Mặc dù bản ghi âm kể trên không có nguồn gốc rõ ràng, nhưng nội dung phù hợp với tình hình Trung Quốc Đại Lục hiện nay. Trước mắt thì cuộc sống của đông đảo người dân bắt đầu khó khăn hơn, giá thịt lợn và trái cây đã tăng vọt. Do tình trạng thiếu thịt lợn nghiêm trọng nên gần đây một số vùng đã bắt đầu phát hành “tem phiếu” hạn chế mua thịt lợn, thậm chí phải trình giấy chứng minh nhân thân mới mua được thịt.

Giáo sư Tạ Điền thuộc Trường Kinh doanh Aiken Đại học Nam Carolina Mỹ dự đoán rằng ĐCSTQ sẽ áp dụng biện pháp tăng cường in tiền, chuyển khó khăn cho đông đảo người dân gánh chịu.

Huệ Anh 

(Trí thức VN)

Không có nhận xét nào: