Đức Thọ - 10:01 16/08/2020
(VNF) - Để có vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từng đề xuất nhượng, bán sân bay, cảng biển nhằm hút vốn tư nhân... Điển hình là dự án sân bay Vân Đồn đã được Tập đoàn Sun Group xây dựng vận hành trong thời gian qua. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã "tuýt còi" việc bán, nhượng quyền khai thác cảng biển, sân bay cho tư nhân.
Sân bay, cảng biển nào từng được "rao bán"?
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tính đến thời điểm này, Chính phủ chỉ cho phép khởi động dưới hai hình thức: nhượng quyền khai thác các dự án và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Còn việc bán các dự án hạ tầng là chưa từng xảy ra.
Tuy nhiên, ngay cả việc nhượng quyền thai thác thu phí cũng đã "biến tướng", để xảy ra thất thoát nghiêm trọng tại dự án cao tốc TP. HCM - Trung Lương và sai phạm trong nhượng quyền thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam) đều cho công ty Yên Khánh (sân sau của Đinh Ngọc Hệ - tức "Út trọc"). Điều này gây tiền lệ xấu đã và đang được cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an vào cuộc làm rõ.
Tuy nhiên, song hành với các dự án trên, ngành giao thông từng đề xuất nhượng, bán dự án lớn khác cho tư nhân.
Ví dụ vào tháng 10/2014, Bộ GTVT đã "bật đèn xanh" cho Tổng công ty Phát triển đầu tư hạ tầng và Tài chính Việt Nam (VIDIFI) - "ông chủ" đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ký hợp đồng ghi nhớ bán 70% cổ phần cho nhóm các nhà đầu tư gồm IL& FS Transportation Networks Limited (ITNL), Strategic Alliance Holdings (SAHI) và Tung Shing Groups (Tung Shing).
Trong lĩnh vực hàng hải, tháng 3/2014, cảng Cái Mép - Thị Vải cũng được Bộ đồng ý cho liên danh cảng Sài Gòn – PTSC – PM – Commodities thuê lại từ Cục Hàng Hải để khai thác trong thời hạn 30 năm với giá là 130 triệu USD.
Ngay sau đó là thương vụ "tai tiếng" khi Tập đoàn T&T Group của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã thâu tóm và nắm giữ 98% cổ phần của cảng Quảng Ninh. Liên quan đến cảng biển này, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã bị đề nghị kỷ luật vì có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại cảng Quảng Ninh trái với kết luận của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, với lý do hút vốn xây dựng hạ tầng hàng không, Bộ GTVT từng có chủ trương thí điểm bán 100% vốn nhà nước tại sân bay Phú Quốc; bán quyền khai thác nhà ga T1, Nội Bài; bán một phần sân bay Cam Ranh, sân bay Đà Nẵng và nhiều sân bay khác.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) đã được Tập đoàn Changi - Singapore ngỏ ý mong muốn đầu tư. Tập đoàn ADC&HAS (Mỹ) cũng sẵn sàng rót vốn vào sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa).
Gần đây nhất là Công ty Cổ phần đầu tư Việt Nam - Oman (VOI), đã xin tham gia nhận chuyển nhượng phần vốn tại cảng Hải Phòng. Được biết, VOI là một doanh nghiệp rất lớn, có công ty mẹ là Quỹ dự trữ quốc gia Oman (SGRF) sở hữu 84,16% vốn điều lệ.
Cũng theo tìm hiểu của VietnamFinance, "mặt hàng" sân bay dường như tỏ ra hấp dẫn doanh nghiệp hơn cả khi Sun Group xây dựng sân bay Vân Đồn hoặc Tập đoàn Rạng Đông đầu tư theo hình thức BOT khu hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết.
Mới đây nhất, tháng 7/2020, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất cho phép tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý vận hành sân bay Chu Lai tương tự như sân bay Vân Đồn.
Chưa dừng lại ở đó, bản thân các doanh nghiệp hàng không cũng mong muốn được đầu tư sân bay riêng như: Vietjet xin xây dựng sân bay Điện Biên và xây dựng nhà ga hành khách thứ 2 tại sân bay Cát Bi.
Tuy nhiên, cách trả lời của Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh tỏ ra khá rõ ràng: "Sân bay thì có hạn, lại là tài sản quốc gia nên không thể bán nhượng quyền, hoặc xin 'tấc đất cắm dùi' được, nếu cứ mỗi hãng hàng không đều xin vậy thì ACV sẽ khó có thể đáp ứng".
Nhiều rủi ro khi "nhượng, bán" sân bay, cảng biển
Theo ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khó khăn nhất trong việc nhượng, bán cảng biển, sân bay trong thời gian qua là khung chể chế cần thiết chưa thật rõ ràng.
"Việc chuyển nhượng với giá nào, xác định giá ra sao chưa thực sự minh bạch để mọi người có thể kiểm soát, tránh thất thoát tài sản. Ngoài ra, đặc thù sân bay của nước ta khác với các nước khác vì là sân bay lưỡng dụng (vừa có chức năng dân dụng và quân sự), vì vậy, cần sức cẩn trọng, tránh rủi ro", ông Cung nói.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng từng chia sẻ: "Một số trường hợp từ ngữ dùng chưa chính xác như 'bán' sân bay, 'bán' bến cảng nên đã gây hiểu lầm, lo ngại. Từ chính xác ở đây là nhượng quyền khai thác. Và không phải chúng ta 'bán' hết cả sân bay hay bến cảng. Trong nhượng quyền, phải phân loại tài sản, có chọn lọc chứ không phải cái nào cũng cho nước ngoài khai thác".
“Tuy nhiên, sau khi nhượng quyền khai thác, không để chủ khai thác nâng phí vô tội vạ trên những con đường mà dân, doanh nghiệp bắt buộc phải đi”, ông Phúc nói.
Rõ ràng, trong lộ trình nhượng, bán các sân bay, cảng biển, đường cao tốc... Bộ GTVT từng là những đơn vị đi tiên phong. Trong thời điểm các điều luật chưa hoàn thiện, việc triển khai không tránh khỏi những sai lầm, đặc biệt, ngay cả Chính phủ cũng tỏ ra lúng túng dẫn đến những sai phạm trong quản lý nhà nước.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (kỳ 2011 - 2016) bị kỷ luật cảnh cáo do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác; Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét