ENTERNEWS.VN Tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Tính đến cuối quý 1/2020, tỷ lệ này đã ở mức 317% và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc chạm mức 3.600 tỷ Nhân dân tệ (518 tỷ USD), tăng 400,4 tỷ Nhân dân tệ (58 tỷ USD) so với đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc ở mức 2,1%.
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng Trung Quốc đối mặt nguy cơ mất thanh khoản, trong đó điển hình là Ngân hàng Baoshang. Cụ thể, lợi dụng sự quản lý yếu kém, Tomorrow Group đã vay trái phép 156 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 22,3 tỷ USD) của Ngân hàng Baoshang khiến ngân hàng này sụp đổ vì mất thanh khoản.
Phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, về thực trạng của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
- Thưa ông, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Tuy nhiên theo báo cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này đến cuối tháng 6 chỉ ở mức 2,1%. Theo ông, tỷ lệ này đã phản ánh thực chất bức tranh nợ xấu ngân hàng Trung Quốc?
Do tác động của đại dịch COVID-19, nên nợ xấu của các ngân hàng thương mại Trung Quốc tăng rất mạnh. Dù PBoC công bố tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này chỉ ở mức 2,1%, nhưng trên thực tế tỷ lệ này lớn hơn nhiều. Bởi tỷ lệ nợ xấu có thể được “che dấu” bằng các biện pháp như cơ cấu lại nợ, chuyển nhóm nợ...
Ngay tại Việt Nam cũng vậy, tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo với NHNN. Bởi các ngân hàng được phép cơ cấu lại nợ, được phép không trích lập dự phòng rủi ro, điều đó dẫn đến tài sản được làm cho đẹp hơn, sạch hơn. Ngay cả lợi nhuận cũng có phần lợi nhuận “ảo” trong đó.
- Theo ông, rủi ro nào đang tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc?
Thứ nhất, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang có xu hướng tăng mạnh. Báo cáo mới nhất của S&P Global ước tính, tình trạng dịch bệnh hiện nay có thể khiến tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc tăng gấp 3 lần lên khoảng 6,3%, tương đương tăng thêm khoảng 5.600 tỷ nhân dân tệ (hơn 800 tỷ USD).
Trung Quốc đã nới lỏng một số quy định về tiêu chuẩn xếp hạng nợ xấu để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Do đó, S&P Global nhận định, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng Trung Quốc có thể đạt 11,5% tổng dư nợ sau khi đại dịch kết thúc.
Thứ hai, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng Trung Quốc là khả năng mất tính thanh khoản của nhiều doanh nghiệp khách hàng do tác động tiêu cực của đại dịch. Có nghĩa khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ ngân hàng sẽ thổi bùng lên nợ xấu ở Trung Quốc. Nợ xấu tăng mạnh sẽ khiến nhiều ngân hàng đối mặt nguy mất thanh khoản. Trong trường hợp đó, có những ngân hàng có khả năng bị phá sản kỹ thuật.
Trong hệ thống ngân hàng, khả năng tạo ra hiệu ứng domino rất nhanh, khi một ngân hàng sụp đổ có thể kéo theo rất nhiều ngân hàng khác bị liên lụy, vì các ngân hàng cho nhau vay trong hệ thống liên ngân hàng.
- Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp gì để kiểm soát rủi ro trong hệ thống ngân hàng Việt Nam?
Để tránh tình trạng đổ vỡ hàng loạt, NHNN Việt Nam cần phải thanh, kiểm tra các ngân hàng theo định kỳ, nhất là trong bối cảnh NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Khi NHNN biết được tình trạng yếu kém của ngân hàng thì phải có biện pháp ứng biến kịp thời để cứu các ngân hàng. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay, vấn đề niềm tin của người gửi tiền rất quan trọng. Chính vì thế, nếu NHNN thấy một ngân hàng nào đang gặp vấn đề thanh khoản, cần kiểm soát đặc biệt tức thì.
Về phía các ngân hàng cần có một sổ phụ theo dõi các khoản nợ xấu được cơ cấu lại để phòng ngừa rủi ro. Chẳng hạn, một khoản nợ đang ở nhóm 2 đáng lý phải chuyển sang nhóm 3 để trích lập dự phòng là 20%, nhưng các ngân hàng được phép không chuyển nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch. Tuy nhiên, các ngân hàng cần có sổ phụ để theo dõi các nhóm khách hàng được giữ nguyên ở nhóm 2 mà đáng lý phải chuyển lên nhóm 3 song song với sổ chính. Sổ phủ phải trích lập dự phòng đúng quy định là 20%.
- Nợ trong nền kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm qua, đặc biệt trong mùa dịch này. Theo ông, tình trạng này có nguy cơ dẫn đến phát nổ "bom nợ" của Trung Quốc?
Theo Viện Tài chính quốc tế, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc đã tăng lên mức 317% trong quý 1/2020, tăng khá mạnh so với mức 252% năm 2018. Nguyên nhân chính khiến tốc độ nợ Trung Quốc tăng nhanh như vậy do tăng trưởng kinh tế của nước này chủ yếu dựa vào tín dụng. Hơn nữa, đa phần vốn tín dụng được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghiệp nặng do chính quyền địa phương hoặc do các doanh nghiệp Nhà nước quản lý. Do đó, tính hiệu quả của dòng vốn này là rất thấp. Đây cũng chính là lý do nợ của Trung Quốc tăng mạnh. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, khiến quốc gia này phải nới điều kiện tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, cũng làm cho tình trạng nợ của quốc gia này thêm trầm trọng.
Với thực trạng như trên, thì tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc có thể sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới, vượt xa mức 317% GDP tính đến cuối quý 1/2020.
Đáng chú ý, tình trạng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc đã có xu hướng tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2020. Theo Bloomberg, việc mất thanh khoản của Tập đoàn Hilong Holding đã nâng tổng giá trị của các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp bằng USD tại Trung Quốc lên 4 tỷ USD trong năm nay. Tính từ đầu năm 2020, thị trường trái phiếu bằng USD của Trung Quốc đã có 11 vụ vỡ nợ. Số vụ vỡ nợ trái phiếu Trung Quốc có thể còn tăng cao hơn nữa do tác động của đại dịch COVID-19.
Khủng hoảng nợ Trung Quốc có thể chưa diễn ra trong ngắn hạn, bởi Nhà nước vẫn đóng vai trò khá lớn trong sở hữu, bảo lãnh các khoản nợ của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Hơn nữa, các khoản nợ hộ gia đình ở Trung Quốc dù cao, nhưng chưa được chứng khoán hóa, nên vẫn an toàn. Ngoài ra, tỷ lệ nợ bên ngoài của Trung Quốc mới chỉ ở mức khoảng 14% GDP. Tuy nhiên, về dài hạn, nguy cơ khủng hoảng nợ vẫn rình rập Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét