Tháng 7 vừa qua, một liên minh các tổ chức và nhà hoạt động nhân quyền đã gửi một bức thư ngỏ tới Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr, kêu gọi ông Barr gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia” (transnational criminal organization).
Bức thư ngỏ là một động thái táo bạo nhằm buộc ĐCSTQ phải giải trình những vụ việc được các quan chức Hoa Kỳ cho là tội phạm, từ trộm cắp tài sản trí tuệ, buôn nội tạng, cho tới cố ý lây lan đại dịch COVID-19 ra toàn cầu.
Phần lớn nội dung bức thư là do luật sư nổi tiếng về quyền con người và tôn giáo cũng như phúc lợi trẻ em, bà Liz Yore (Elizabeth Yore) soạn thảo, dựa trên đóng góp của nhà hoạt động và doanh nhân Hồng Kông Viên Cung Di (Elmer Yuen), của tổ chức phi lợi nhuận “Cứu những người Cơ đốc bị Bức hại” (Save the Persecuted Christians) và của “Ủy ban về Nguy cơ Hiện tại: Trung Quốc” (Committee on the Present Danger: China).
Những người soạn thảo bức thư đã trích dẫn sắc lệnh 13773 của chính quyền Tổng thống Trump, đưa ra một khuôn khổ pháp lý hỗ trợ việc xác định ĐCSTQ là một tổ chức tội phạm với những tội ác nghiêm trọng, trong nhiều thập kỷ, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà trên toàn thế giới.
Sắc lệnh 13773 được Tổng thống Trump ký vào ngày 9/2/2017, trong đó tuyên bố rằng đó là “chính sách của cơ quan hành pháp… nhằm tăng cường thực thi luật Liên bang để ngăn chặn các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và các tổ chức nhánh của nó, bao gồm các băng nhóm tội phạm, băng đảng, tổ chức gian lận, và các nhóm khác tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp đe dọa đến an toàn công cộng và an ninh quốc gia.”
Sắc lệnh trích dẫn “tham nhũng, tội phạm mạng, lừa đảo, tội phạm tài chính và trộm cắp tài sản trí tuệ” là những hành vi dính líu tới việc này, bao gồm cả việc che giấu hoặc chuyển lợi nhuận bất hợp pháp từ các tổ chức này đến nơi khác.
Việc tuyên bố ĐCSTQ là “Tổ chức tội phạm xuyên quốc gia” không chỉ là vấn đề ngôn ngữ, mà liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng, mang tính quyết định đến sự tồn vong của ĐCSTQ:
1. Nhà tài phiệt Hồng Kông Viên Cung Di, người đã đến Hoa Kỳ để vận động hành lang sau Luật an ninh quốc gia Hồng Kông, giải thích: Đạo luật Tổ chức tội phạm xuyên quốc gia (Transnational Criminal Organization Act), từng được sử dụng để đối phó với các nhóm buôn bán ma túy ở Nam Mỹ. Nếu một nhóm được mô tả là một “tổ chức tội phạm”, các thành viên của nó sẽ trở thành “tội phạm”. Từ đó nếu Hoa Kỳ xác định rằng ĐCSTQ là một nhóm tội phạm, thì 90 triệu đảng viên của ĐCSTQ sẽ trở thành tội phạm.
2. Việc thực hiện các hành vi chế tài các thành viên của ĐCSTQ có liên quan tới việc che giấu hoặc chuyển lợi nhuận bất hợp pháp từ các tổ chức này đến nơi khác. Do đó không chỉ các thành viên ĐCSTQ bị chế tài, mà cả các thân nhân, gia đình, những người có liên quan đến tài sản có được từ tham nhũng và các tội ác liên quan của các Đảng viên ĐCSTQ tại nước ngoài đều có thể bị chế tài. Tài sản ngầm của những quan chức này tại nước ngoài theo đó cũng bị đóng băng.
Kỳ thực trong việc Hoa Kỳ tuyên bố chế tài 11 quan chức Hồng Kông và ĐCSTQ (Xem bài: Hoa Kỳ tuyên bố chế tài 11 quan chức Hồng Kông và ĐCSTQ) thì cũng đã đồng thời tuyên bố tài sản của họ tại Hoa Kỳ bị đóng băng. Điều này là quan trọng, chẳng hạn đối với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người bị tuyên bố chế tài, thì con trai thứ hai là Lâm Yêu Hy (Lam Yeuk-hei) đang học tiến sĩ toán học tại Đại học Harvard. Các quan chức của ĐCSTQ có rất nhiều người có người thân và tài sản ở Hoa Kỳ, Canada, Anh quốc cùng các quốc gia phương Tây khác.
Bức thư ngỏ của các nhà hoạt động gửi Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr cũng liệt kê chuỗi các tội ác của ĐCSTQ:
1. Gọi cách hành xử trong đại dịch COVID-19 của ĐCSTQ là tội ác, “làm suy yếu sức khỏe và kinh tế” của Hoa Kỳ và trên khắp thế giới, “cố tình và độc ác không cảnh báo thế giới về COVID-19… che giấu sự lây lan và tính chết người của bệnh dịch”.
2. ĐCSTQ từng hack và thu thập dữ liệu của công dân Hoa Kỳ, chẳng hạn vụ hack dữ liệu của 145 triệu công dân Hoa Kỳ từ Equifax năm 2017 và 383 triệu khách hàng của Marriott vào năm 2019.
3. Theo Giám đốc FBI Christopher Wray, cứ mỗi 10 giờ, FBI lại có một trường hợp phản gián liên quan tới Trung Quốc. Trong số 5.000 vụ phản gián hiện có trong sổ sách của FBI, gần một nửa có liên quan đến Trung Quốc .
4. ĐCSTQ phạm rất nhiều tội ác chống lại loài người, mới đây nhất là việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung tại Tân Cương, tiến hành cưỡng bức phá thai và triệt sản. (Xem bài: Nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ lên án thảm cảnh tại Tân Cương)
5. Bức thư cũng dẫn lại kết luận của Tòa án Nhân dân độc lập tại London, kết luận về tội ác thu hoạch nội tạng ở quy mô công nghiệp của ĐCSTQ và cho rằng đây là “một trong những hành động tàn bạo tồi tệ nhất” trên thế giới. (Xem bài: Tòa án: Trung Quốc thu hoạch nội tạng, phạm tội ác Chống lại loài người)
Ông Viên Cung Di cũng nói về ý nghĩa của việc trực tiếp gọi ĐCSTQ là “Tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”: “Bạn biết đấy, nếu Tổng thống [Trump] gọi ĐCSTQ là tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, đây sẽ là một hành động gây chấn động toàn cầu.”
“Mọi người không ngừng nói về tất cả các tội ác” mà ĐCSTQ đã gây ra, “nhưng không ai tập hợp tất cả lại và gọi đó là tội phạm có tổ chức”, ông Viên Cung Di bình luận.
Nhà tài phiệt Viên Cung Di cũng giải thích sâu hơn về nguyên nhân phải giải quyết triệt để ĐCSTQ đứng từ góc nhìn chuyên môn của ông. Theo đó, sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung giống như những chiếc vòi bạch tuộc.
“Ở Trung Quốc, với mỗi công ty có hơn ba đảng viên, bạn phải thành lập một chi bộ Đảng, sẽ có bí thư riêng, vì vậy mọi công ty ở Trung Quốc đều do Đảng Cộng sản kiểm soát”, ông Viên nói. “Nếu bạn cố gắng kinh doanh tại Trung Quốc và [ĐCSTQ] là một tổ chức tội phạm, và bạn biết rằng bạn đang kinh doanh không phải với một công ty, bạn đang làm việc với ĐCSTQ, thì bạn sẽ phải tham gia cuộc chơi với tâm thế hoàn toàn khác.”
“Nếu một nhóm ngân hàng đầu tư muốn cho một tổ chức tội phạm vay tiền, họ sẽ suy tính lại. Hoặc nếu họ muốn mở một công ty và họ phát hiện ra, ồ, bên trong nội bộ có một chi bộ Đảng, họ sẽ suy tính lại nhiều hơn. Đó là một cảm giác hoàn toàn khác”, ông Viên Cung Di nhận xét. Ngoài ra, việc xác định ĐCSTQ là “Tổ chức tội phạm xuyên quốc gia” cũng đồng thời giúp Hoa Kỳ có cơ sở pháp lý để chế tài bất cứ đối tác kinh doanh nào của ĐCSTQ vì làm ăn với tội phạm.
Lời kêu gọi của các nhà hoạt động trong bức thư ngỏ gợi nhớ đến hành động của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan vào năm 1983. Theo đó, trước Hiệp hội Phúc âm Quốc gia Hoa Kỳ, giữa cuộc Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Reagan đã trực tiếp gọi Liên bang Cộng sản Xô Viết là “Đế chế tà ác”. Sau này, diễn văn của Tổng thống Reagan cũng được đặt tên là diễn văn “Đế chế tà ác”, và đi vào lịch sử thế giới như một ví dụ điển hình và nổi bật nhất về chính nghĩa.
Sức mạnh của diễn văn “Đế chế tà ác” không phải là để cảnh báo cho mọi người rằng Liên bang Cộng sản Xô Viết là tà ác về bản chất, và là một thế lực tà ác trên trường quốc tế. Thế giới biết điều đó, kể cả những người phủ nhận điều đó vì lợi ích của họ. Tuy nhiên, điều khác biệt là Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Ronald Reagan đã sẵn lòng lên tiếng về điều này, giữa lúc toàn thể thế giới phương Tây tự do im lặng.
Thảm họa Chernobyl của Liên bang Xô Viết xảy ra 3 năm sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đọc diễn văn “Đế chế tà ác”. Bấy giờ, khi đọc diễn văn này, ngài Tổng thống đã phải chịu nhận sự chế giễu của các cơ quan ngoại giao quốc tế. Thế nhưng 6 năm sau đó, Châu Âu đã giành độc lập, tách rời khỏi đế chế Xô Viết, và 2 năm tiếp theo nữa thì Liên bang Xô Viết sụp đổ. Những người bất đồng chính kiến dũng cảm phía sau Bức màn Sắt tại Liên Xô đã tiết lộ rằng việc Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan thẳng thắn lên án Liên bang Xô Viết là một “đế chế tà ác” đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng. (Xem bài: Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan)
Minh Nhật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét