“KHI NHÀ VĂN BUỘC PHẢI CẦM BÚT THAY THẾ CHO NHÀ VIẾT SỬ THÌ ĐẤT NƯỚC ĐÓ ĐÃ BẮT ĐẦU ĐIÊU LINH”! (Sử gia Yamamoto Tatsuo Nhật Bản)
Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020
“Thủ phạm” khiến Trung Quốc gánh lũ lụt tồi tệ hàng năm
LĐO|
Cánh đồng ngập nước ở huyện Phù Nam, thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc. Ảnh: CGTN
Lũ lụt ở Trung Quốc kể từ đầu tháng 6 đã diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng ở các tỉnh Hồ Nam, An Huy, Hồ Bắc và Giang Tây, nhưng đây không phải là lần đầu tiên.
Theo Bộ Thủy lợi, trong mùa lũ năm nay, cả nước Trung Quốc có 443 con sông bị ngập lụt, ảnh hưởng đến hơn 37 triệu người.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc trải qua đợt lũ lụt trên diện rộng như thế này. Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, lũ lụt luôn là thảm họa thiên nhiên gần như định kỳ.
Trung Quốc có 5 vùng khí hậu, và hầu hết các phần phía đông và phía nam nằm trong khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới gió mùa, khiến mùa hè nóng và ẩm ướt. Mặc dù nắng nóng và lượng mưa cao có thể giúp cây trồng phát triển, nhưng lượng mưa lớn và thường xuyên xảy ra từ tháng 5 đến tháng 9 cũng làm tăng khả năng lũ lụt.
Năm nay, lượng mưa ở các khu vực phía đông và nam đã tăng lên đáng kể so với các năm trước. Tại lưu vực sông Dương Tử, lượng mưa trung bình chạm mức cao nhất trong vòng 60 năm qua, khiến lũ lụt trở nên tồi tệ vào mùa hè này.
Địa mạo
Địa mạo của Trung Quốc được tạo thành từ các cao nguyên, đồng bằng, bồn địa, chân đồi và núi, cao hơn ở phía tây và thấp hơn ở phía đông, giống như một bậc thang ba bậc. Bậc thang cao nhất nằm ở phía tây, trong khi bậc thang thấp nhất, được hình thành bởi đồng bằng rộng và đồi thấp, nằm ở phía đông Trung Quốc.
Theo báo cáo của Cục Khí tượng Trung Quốc năm 2012, khoảng 738.000m2 đất, bao gồm hầu hết các khu vực phía nam và phía đông của Trung Quốc, thấp hơn mức lũ của các con sông chảy qua đồng bằng ở phía đông.
Giai đoạn lũ của sông được xác định là độ cao được thiết lập cho một vị trí nhất định mà ở đó mực nước tăng lên bắt đầu gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản hoặc thương mại. Vị trí nằm dưới mực nước lũ có nghĩa là nếu lượng mưa lớn trong mùa mưa khiến mực nước các sông đạt ngưỡng thì các khu vực này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Phân bố dân cư
Nếu vẽ một đường thẳng từ thành phố Hắc Hà ở tỉnh Hắc Long Giang, phía bắc Trung Quốc tới thành phố Đằng Xung ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc trên bản đồ, sẽ được một đường gọi là “Đường Hồ” (Hu Line), đặt theo tên của Hồ Hoán Dung (Hu Huanyong), một nhà địa lý và nhân khẩu học Trung Quốc, người đã khám phá ra ranh giới vô hình nhưng quan trọng chia cắt Trung Quốc thành hai phần này. Gần 94% dân số của đất nước nằm ở phía đông Đường Hồ, trong khi diện tích khu vực này chỉ chiếm 1/3 Trung Quốc.
Trung Quốc có lịch sử nông nghiệp hàng nghìn năm. Người Trung Quốc cổ đại sống phụ thuộc vào nông nghiệp và vì vậy họ phải sống bên cạnh sông hoặc gần hồ, nơi đất đai màu mỡ mang lại mùa màng bội thu. Do đó, những khu vực sông lớn chảy qua có nhiều người định cư hơn những khu vực khác trong lịch sử.
Do phần lớn các hồ và lưu vực sông của Trung Quốc, chẳng hạn như lưu vực sông Dương Tử và hồ Bà Dương, được phân bố ở phía đông của “Đường Hồ”, xu hướng phân bố dân cư ở Trung Quốc cổ đại đã được hình thành.
Sự phân bố dân cư sau khi Trung Quốc bước vào kỷ nguyên công nghiệp và thông tin vẫn như vậy. Các thành phố với dân số hơn 10 triệu người, bao gồm Thượng Hải, Trùng Khánh và Quảng Châu, đều nằm ở phía đông của “Đường Hồ”. Là nơi sinh sống của hàng triệu người và nhiều tài nguyên, lũ lụt ở những khu vực này có thể gây ra thiệt hại lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét