Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

12 dự án yếu kém: "Tang thương nhất là có nhà máy phải bán sắt vụn"

Dân trí Chia sẻ quan điểm tại phiên làm việc sáng nay (21/4), ông Nguyễn Trọng Thừa - thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong số 12 dự án yếu kém ngành công thương, có những dự án ethanol đã đầu tư sai chủ trương, quản trị kém dẫn đến thua lỗ triền miên, mà tang thương nhất là có nhà máy đành phải bán sắt vụn!
 >> Đã có phương án xử lý 12 dự án nghìn tỷ đồng "đắp chiếu"
 >> Sắp có phương án xử lý 12 dự án kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ
 >> Hàng chục nghìn tỷ đầu tư công “đắp chiếu”, nợ công không tăng mới lạ

Sáng nay (21/4/2017), Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương.
Trong số 12 nhà máy, dự án có 6 nhà máy đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ, bao gồm: Đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, công ty đóng tàu Dung Quất, nhà máy thép Việt Trung.
Có 3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn, gồm: Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, dự án bột giấy Phương Nam.
Ba nhà máy còn lại đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ- PVTex).
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần của Thủ tướng là tạo mọi điều kiện để các dự án hoạt động trở lại (ảnh: BD)
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần của Thủ tướng là tạo mọi điều kiện để các dự án hoạt động trở lại (ảnh: BD)
Muốn phá sản, bán dự án cũng phải giải quyết khâu khó nhất là quyết toán
Phát biểu tại phiên làm việc, thành viên Tổ công tác, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, việc xử lý 12 dự án yếu kém này đang được dư luận rất quan tâm, cần phải báo cáo cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và từ đó có cơ sở để báo cáo với Bộ Chính trị và Quốc hội vào kỳ họp tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.
Đây cũng là những dự án mà dư luận đặt ra những vấn đề về quản lý, về đầu tư và ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Chính vì vậy, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty 189 nhiệm vụ. Đến nay, có 120 nhiệm vụ đã hoàn thành (115 nhiệm vụ hoàn thành đúng hạn, 5 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn); 54 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn và xem xét 15 nhiệm vụ chưa hoàn thành đã quá hạn.
Thông tin được các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty báo cáo với Tổ công tác tại phiên làm việc cho thấy, trong 12 dự án thì có tới 6 dự án ký hợp đồng EPC và phần lớn là ký hợp đồng với tổng thầu Trung Quốc.
Ông Mai Tiến Dũng nhìn nhận, các dự án có ký hợp đồng EPC bị chậm nhiều đến từ nguyên nhân nhưng có nguyên nhân rất căn cơ là do các tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện hết nhiệm vụ nêu trong hợp đồng. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, có những nội dung về tổng mức đầu tư, trang thiết bị phải chỉnh sửa và thay đổi... Do những công đoạn này làm không chặt chẽ, thiếu thủ tục đến dẫn đến lúc quyết toán không thực hiện được.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương lên lãnh đạo Chính phủ, trong số những dự án trên, có dự án đã bị âm vốn chủ sở hữu, có dự án lỗ lũy kế còn lớn hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều, chưa kể cộng với nợ phải trả.
"Tinh thần của Thủ tướng là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, kể cả bảo hộ sản xuất trong nước, giải quyết những vấn đề về thuế giá trị gia tăng... để tạo điều kiện cho các nhà máy hoạt động trở lại. Nhưng nếu như các nhà máy này không hoạt động trở lại được thì phải có phương án. Hiện tại, Bộ Công Thương đã báo cáo phương án đối với từng nhà máy, trong đó có tính đến phương án phá sản, bán dự án. Dù vậy, muốn thực hiện phương án nào thì cũng phải quyết toán xong thì mới thực hiện được, mà đây là quyết toán có kiểm toán" - ông Dũng nêu vấn đề.
Toàn cảnh phiên làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty về 12 dự án yếu kém ngành công thương (ảnh: BD)
Toàn cảnh phiên làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty về 12 dự án yếu kém ngành công thương (ảnh: BD)
Cần xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân
Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Thừa, có những nhiệm vụ được giao nhưng thực hiện rất chậm, mà trong đó, nếu không làm sớm thì sẽ ảnh hưởng đến việc xử lý cả 12 dự án.
Theo ông Thừa, trong những vấn đề vướng mắc được các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty đưa ra, cần phải xem xét hết sức khách quan. Những vấn đề nào xử lý được về mặt hành chính, chuyên môn thì làm gấp, còn vấn đề nào thấy rằng không xử lý được thì cần phải kiến nghị lùi thời hạn hoàn thành, chẳng hạn như: vấn đề nào cần phải xử lý hình sự, vấn đề nào cần phải kiểm tra, kiểm toán, thanh tra ngay thì làm rõ và có đánh giá.
“Có những dự án đầu tư quá định mức nhưng giờ cứ đợi phải quyết toán được thì phải xem ai ra quyết định đầu tư? Đầu tư có đúng không? Hay là cứ làm, cứ ra hợp đồng ký tắt, cứ quyết toán vênh lên? Vấn đề này phải làm rõ”, ông Thừa đề nghị.
Vị thành viên Tổ công tác này cũng cho rằng, trong những dự án này dứt khoát có trách nhiệm của tập thể và cá nhân, vấn đề là phải xem, vấn đề nào cần rút kinh nghiệm, vấn đề nào phải kiểm điểm, xử lý.
“Tôi từng đến thăm một số nhà máy ethanol, tang thương lắm các đồng chí ạ! Đầu tư sai cả chủ trương. Trong khi thị trường tiêu thụ xăng sinh học chưa đâu vào đâu, vùng nguyên liệu chưa có thế mà triển khai đầu tư cả một loạt dự án hàng nghìn tỷ đồng như vậy, để rồi đắp chiếu và thua lỗ. Có những nhà máy hoạt động rồi thì quản trị có vấn đề, quản trị không chuyên nghiệp, lỗ liên tục, cộng với lãi suất ngân hàng, bây giờ khó xử lý. Tang thương nhất là có những nhà máy phải bán sắt vụn”, ông Thừa chia sẻ.
Tại phiên làm việc, ông Thừa cũng đưa ra đề nghị, các bộ ngành cùng phối hợp và đồng thuận cao để xử lý vì đây là những dự án rất lớn, liên quan đến nhiều bộ ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thanh tra Chính phủ, ngân hàng… thậm chí có những vấn đề phải xin ý kiến Thủ tướng.
Trước đề nghị của một số đơn vị, bộ ngành xin được lùi thêm thời hạn đến 30/6, có nhiệm vụ xin lùi đến 30/9, Tổ trưởng Tổ công tác - ông Mai Tiến Dũng cho biết, Tổ công tác chỉ tiếp thu ý kiến và báo cáo lại lãnh đạo Chính phủ, không có thẩm quyền cho phép gia hạn. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, các đơn vị nên bắt tay vào khẩn trương xử lý, tích cực trao đổi lẫn nhau để đẩy nhanh tiến độ, bởi chắc chắn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ -Trưởng Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém sẽ không đồng ý cho gia hạn.
Mặc dù vậy, một số vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, do khối lượng công việc lớn, hồ sơ dự án phức tạp nên phải thực hiện một cách thận trọng, để quyết toán nhanh rất khó.
"Dẫu biết là được Trưởng ban Chỉ đạo giao nhiệm vụ, thế nhưng, việc thực hiện phải tùy thuộc vào thực tiễn. Thú thực là rất khó. Chúng tôi chỉ có thể hứa với Tổ công tác là tuần sau tháng sau làm rồi cố gắng thôi. Có thể Phó Thủ tướng sẽ không đồng ý gia hạn, chúng tôi đành xin nhận khuyết điểm, chứ không thể nào làm nhanh được", ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinachem nói.
Bích Diệp

Không có nhận xét nào: