Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

THƯ NGỎ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI CỦA NHÀ VĂN TẠ DUY ANH; CHỊ DẬU VÀ CỤ KÌNH

Tạ Duy Anh

Thứ bẩy ngày 22 tháng 4 năm 2017 5:33 AM



Hà Nội ngày 21-4-2017
 Kính gửi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội!

Qua báo chí, tôi được biết sáng mai ông sẽ đích thân đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm,
huyện Mỹ Đức để trực tiếp đối thoại với bà con, nên tôi mạo muội viết lá thư ngỏ này gửi đến ông, trước hết để bày tỏ sự cảm kích của cá nhân tôi với ông (về cả một loạt việc mà ông đã làm), sau nữa xin được nói với ông mấy điều gan ruột.
Tôi thông thuộc vùng quê hiền lành và đôn hậu ấy, bởi nó nằm kề sát với quê tôi là huyện Chương Mỹ. Nó cũng là quê tôi, là một phần kí ức tuổi thơ đẹp đẽ nhất của tôi. Người dân ở đấy hiền lành, tốt bụng và giầu lòng tự trọng. Vì thế, ngày mai ông hãy đi bộ về làng. Đường làng an bình và cũng đẹp lắm, hẳn là ông biết rõ hơn ai hết. Ông không cần phải có cán bộ huyện, cán bộ xã tháp tùng làm gì. Ông hãy bỏ ngoài tai bất cứ lời báo cáo nào của họ trước khi đến với bà con. Họ luôn có sẵn những lời dối trá để lừa cấp trên và biện hộ cho những việc làm của mình dẫn đến việc biến những người dân hiền lành nhất trần gian thành những người phải thể hiện ra mặt sự hung hãn. Chính họ là những kẻ đã kích động nên cuộc bạo loạn bất đắc dĩ của bà con thôn Hoành.
Ông cũng không cần tham vấn bất cứ ai trong số những người đang làm cho vấn đề đi vào ngõ cụt, bởi thái độ ngạo mạn và khả năng bóp méo sự thật trơ trẽn qua cách dùng ngôn từ đầy tự phụ, hèn mạt và đạo đức giả. Tôi cam đoan rằng, có tới 99,9 % người dân cả nước không tin cụ Lê Đình Kình phạm tội. Đó nhất định phải là một con người đáng kính trọng bởi tình yêu làng xóm sâu sắc và trách nhiệm với thế hệ tương lai. Ông hãy tưởng tượng đến lúc nào đó người nông dân không còn yêu đất nữa, không thiết tha với quê hương bản quán nữa, để mặc ai muốn làm gì thì làm, thì từ thảm họa có lẽ cũng chưa nói lên được điều gì! Mà yêu Tổ quốc, yêu Đất nước, với họ, chính là yêu mảnh vườn, thửa ruộng, căn nhà, làng xóm của mình. Khi họ sẵn sàng chết để bảo vệ những thứ máu thịt đó, chúng ta phải biết ơn họ, bởi như vậy đất nước còn có cơ hội trường tồn.
Ông Chủ tịch cứ thong dong đi một mình đến với bà con. Làng quê của tôi thanh bình và mến khách vô cùng. Ông sẽ tự cảm nhận thấy lẽ phải thuộc về ai mà không cần phải suy xét. Nếu tuyệt vời hơn nữa, thì ông hãy ở lại với bà con một đêm. Họ sẽ chọn những con gà ngon nhất, chọn những chai rượu gạo ủ lâu năm nhất, chọn những con cá sạch nhất, thay cho tấm lòng thơm thảo của họ, để làm cơm mời ông chủ tịch. Ngồi xếp bằng cùng với các bậc bô lão của làng, nếu có cả cụ Kình nữa thì nhất, hàn huyên với bà con, nghe họ bộc bạch về muôn nỗi ấm ức do bị các loại cấp dưới của ông, những kẻ chỉ biết vơ vét làm cho họ khốn đốn, ông sẽ khó mà cầm lòng được. Tôi cam đoan đấy. Và thay vì một viễn cảnh chỉ gồm những lời thóa mạ, những chai bom xăng, những củ đậu bay sẵn sàng đem ra sử dụng, sẽ là một thực tại đẫm nước mắt bởi oan khốc và bởi sự đa cảm của những người nông dân. Tôi tin rằng họ khóc không chỉ vì nói ra được những ấm ức với người đáng nói, mà còn vì cảm động trước tấm lòng chân thành của ông Chủ tịch.
Ông cứ thử đi sẽ tin tôi không hề tưởng tượng ra những điều đó. Mà có tưởng tượng cũng khó mà vượt qua được thực tế đời sống, như những gì ông và tôi đang chứng kiến.
Kính chúc ông chủ tịch có một chuyến vừa làm việc, vừa vãn cảnh làng quê đầy cảm xúc.
Kính thư!


Tạ Duy Anh

* Nhà văn Tạ Duy Anh nhờ trang TNc đưa lên điều gan ruột với quê hương mình

 


Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

 

Chị Dậu và Cụ Kình


Tạ Duy Anh 

Chị Dậu

Để khất thuế, giọng chị Dậu, con mẹ nhà quê, mới thảm thương, bi thiết làm sao. Có cảm giác bảo chị làm con chó liếm chân cho quan, chắc chắn chị cũng sẽ liếm, chỉ cốt sao chồng chị đang đau ốm không bị bắt, bị trói có thể dẫn đến chết. Mà nếu chẳng may anh Dậu chết vì đòn, thì với cái đám quan lại ngu, đểu và tham còn hơn chó ấy, làm sao vạch được trời mà kêu oan.

-Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho.

-Tha này, tha này!


Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch, rồi lại sấn đến trói anh Dậu.


Hình như tức quá, không thể chịu được, chị Dậu liền cự lại:

- Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ.

Cai lệ tát vào mặt chị cái bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu, chị Dậu nghiến hai hàm răng:

- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!

Sau đó chị Dậu vùng lên, người đàn bà hiền lành, nhân hậu nhất trần gian này trong phút chốc trở thành một con hổ dữ, sẵn sàng nuốt sống kẻ đã bức bách mình quá đáng.

Giờ, sau hơn bảy mươi năm, giả dụ thay chị Dậu vào cụ Kình, anh Dậu thay bằng con trai cụ Kình, thì đoạn đối thoại sau đây và đoạn đối thoại ở trên có khác gì nhau:

Cụ Kình:

-Thưa các quan trên, con nay đã tám mươi, đã sắp xuống lỗ, chả tính làm gì, nhưng van các quan, con cháu chúng con ngày ngày vẫn cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trông lên là trời xanh, trông xuống là vài mảnh ruộng may mà được tổ tiên để lại. Quả là chúng con mà không còn đất thì chẳng biết sống bằng gì? Các quan nhà nào cũng tiền rừng bạc bể, nứt đố nổ vách, con cái đều được ăn học tại những trường tốt nhất, chả thiếu thứ gì, mà các quan vẫn còn phải cắm mặt bòn vét ngày ngày. Vậy mà chúng con trăm khoản đều trông vào tí đất. Mỗi năm các loại thuế phí kín đặc cả mấy trang giấy khổ to. Đói, rét lắm các quan ạ. Xin các quan nới tay mà tha cho bách tính Đồng Tâm chúng con.
Quan trên các loại:

-Tha là tha thế nào? Đất là của Nhà nước. Nay Nhà nước thu hồi. Có giao đất không thì bảo? Lại còn đặt điều vu vạ, y chang luận điệu của thế lực thù địch. Gô cổ thằng già lại!

Cụ Kình bị bẻ tay, vặn cổ áp giải lên xe. Cái thân già da cóc xương khớp đều lỏng lẻo, chả biết có rời ra không. Tận mắt thấy vậy, thằng con trai cụ mới đuổi theo xe, đòi lại bố.

-Thả bố tôi ra! Thả bố tôi ra! Tôi van các ông, bố tôi như chuối chín cây, chạm mạnh là rụng…

Vừa gào thét, van xin, hắn vừa cố bám vào xe, làm huyên náo cả những người đi đường.

-Thả này! Thả này!

Những cú đấm, đạp, vụt tới tấp nện lên toàn thân anh ta. Bấy giờ “Hình như tức quá, không thể chịu được” anh ta mới hét lên”:

-Bố tao già ốm, chúng mày không được phép hành hạ.

Nhưng cụ Kình vẫn bị đưa đi trong bộ dạng của một người tàn tạ, giữa một rừng súng ống. Thằng con cụ xót bố (chỉ những thằng vô loài mới không xót bố trong trường hợp ấy), chỉ tay với theo:

-Chúng mày tống giam ngay bố tao đi, tao cho chúng mày xem!

Thế là anh ta chạy về làng, hô hào anh em con cháu, bà con lối xóm quyết chí vùng lên đòi đất, đòi người, dù biết rõ, y như anh Dậu biết và khuyên vợ “người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tù phải tội”.

Không phải vô cớ mà người ta gọi những loại như chị Dậu và cụ Kình là dân đen. Vì thời nào họ cũng trần trùi trụi và chỉ biết dựa vào Giời. May mà chưa khi nào Giời quay lưng lại với họ.

Thắng dân là dễ nhất vì họ chẳng có gì trong tay, nhưng từ cổ chí kim, đã có ai thắng được Giời.


Không có nhận xét nào: