Thủ tướng: 'Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!'
Thủ tướng cho rằng, cần gỡ các rào cản thể chế để các nhà đầu tư tư nhân yên tâm, từ đó thu hút các nguồn lực trong dân đầu tư vào dự án công mà nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư. Theo Thủ tướng, phải có luật PPP nhà đầu tư mới làm, vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tƯ
"Ông muốn chúng tôi đầu tư, vậy có pháp luật gì không?"
"Ông muốn chúng tôi đầu tư, vậy có pháp luật gì không?"
Sáng 11/11, thảo luận tại tổ về dự thảo luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin, cho đến nay, Đảng, Quốc hội đều thấy cần phải xã hội hóa, song các nhà đầu tư đều hỏi: "Ông muốn chúng tôi làm vậy, vậy có luật pháp gì không?"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại thảo luận tổ sáng 11/11. Ảnh: Gia Hân.
|
Theo Thủ tướng, hiện các quy định về đầu tư theo phương thức PPP đã quy định ở cấp nghị định nhưng các nhà đầu tư không tin vào nghị định, họ chỉ tin vào luật. “Phải có luật thì họ mới làm, vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho hay, đầu tư theo phương thức PPP là để kêu gọi nhiều nguồn lực để phát triển. Đây là hướng đi hết sức cần thiết vì vai trò của nhà nước trong một số lĩnh vực cần phải thấp xuống, vai trò tư nhân phải cao hơn trong một số lĩnh vực mà chúng ta không cần thiết phải đầu tư công.
“Tôi đi các địa phương, người dân rất bức xúc về đầu tư, công trình, dự án từ to đến nhỏ (thiếu vốn đầu tư các dự án, công trình - PV). Các nước phát triển người ta đầu tư xong rồi, chỉ còn hưởng lợi thôi. Mình bây giờ vừa sản xuất kinh doanh, vừa đầu tư hạ tầng, hàng loạt vấn đề đặt ra”, Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, nguồn lực trong dân còn rất lớn, nhưng chưa có luật pháp bảo vệ họ thì họ chưa bỏ tiền ra đầu tư. Thủ tướng nhấn mạnh đây là lý do cấp bách mà tại kỳ họp này, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều thúc đẩy luật PPP ra đời.
Nhà nước và tư nhân đều có lợi
Thủ tướng cho rằng, nguyên tắc quy định tại dự thảo luật phải là hai bên nhà nước và tư nhân đều phải có lợi, hướng như vậy mới có thể kêu gọi người dân, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. Theo Thủ tướng, hướng giải quyết là phải nhanh về thủ tục, thuận lợi trong quản lý và phải minh bạch, khách quan.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, hiện nay, do chồng chéo, vướng mắc về luật pháp nên nhà đầu tư chưa nhiệt huyết khi đầu tư vào Việt Nam.
“Tôi nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được. Thể chế, thể chế và thể chế. Nhà kinh tế học Robinson đã nói: một quốc gia thịnh vượng hay không thì vấn đề đầu tiên chính là thể chế”, Thủ tướng phân tích.
“Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ. Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng”, Thủ tướng nói thêm.
Thủ tướng nêu ví dụ, khi quyết định danh mục đầu tư thì quyền lợi nhà nước và tư nhân đều cần được bảo đảm. Thủ tục nên thuận lợi, mang tính thị trường. “Quan điểm thị trường này phải rất rõ trong luật mới được. Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa cái chính nằm ở đây”, ông nói.
Theo Thủ tướng, tất cả các lĩnh vực quan trọng đều phải mở ra để thu hút doanh nghiệp, trừ những việc là yết hầu của nền kinh tế mà nhà nước phải nắm như tiền tệ, quốc phòng, an ninh… còn lại nói chung nên hư động vốn tư nhân.
Dẫn ví dụ luật Điện lực quy định nhà nước độc quyền truyền tải điện nhưng thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng muốn làm và có thể làm, Thủ tướng lưu ý: “Chúng ta độc quyền quản lý thôi chứ độc quyền cả đầu tư thì làm sao được? Tập đoàn Điện lực không có tiền, vay quá hạn mức rồi. Chúng ta ngồi đây không hiểu hết, tính hết sự đa dạng đó thì sau này cụ thể hóa sẽ vướng mắc và khó khăn”.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị luật này chỉ nên quy định những nguyên tắc quan trọng để nhà đầu tư yên tâm, còn lại giao cho Chính phủ quy định những việc khác cho thông thoáng.
Ông cũng đề nghị Quốc hội, ưu tiên cho những vùng xa xôi, khó khăn, hướng vào vùng khó khăn để thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư cho vùng khó khăn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét