Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân về vấn đề an ninh nguồn nước

 22:44 | 13/11/2019

(Xây dựng) – Sáng 13/11, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng bên hành lang Quốc hội về vấn đề an ninh nguồn nước, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: “Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải cam kết trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về an ninh nguồn nước, phải thể hiện được quan điểm, hành động với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành pháp để xử lý các sai phạm xảy ra, chứ không được phép bao che cho các sai phạm, bao che cho các câu chuyện hại nhau, lợi ích nhóm và các thủ đoạn tàn độc mà cần phải chỉ đạo các cơ quan vào cuộc để xem xét”.
dai bieu quoc hoi luu binh nhuong chu tich ubnd thanh pho ha hoi phai chiu trach nhiem truoc dang nhan dan ve van de an ninh nguon nuoc
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trả lời bên hành lang Quốc hội.
Trước vụ việc nguồn nước của Công ty nước sạch Sông Đà bị đầu độc chưa được xử lý triệt để lại có việc Công ty nước mặt Sông Đuống chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ sự lo ngại và yêu cầu người đứng đầu thành phố Hà Nội cần có trách nhiệm thẳng thắn về vấn đề này.  

“Theo tôi, trước hết phải trả lời được những điều mà người dân đặt ra. Chủ tịch UBND là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước người tiêu dùng Hà Nội về hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trên địa bàn Hà Nội để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố”, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.
Ông cũng nhấn mạnh, đây là địa bàn Thủ đô nên không chỉ liên quan tới người tiêu dùng thông thường mà còn là các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, các du khách quốc tế. 
“Do đây là vấn đề an ninh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải cam kết trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về an ninh nguồn nước, phải thể hiện được quan điểm, hành động với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành pháp để xử lý các sai phạm xảy ra, chứ không được phép bao che cho các sai phạm, bao che cho các câu chuyện hại nhau, lợi ích nhóm và các thủ đoạn tàn độc mà cần phải chỉ đạo các cơ quan vào cuộc để xem xét. Đó là chức trách của đồng chí Chủ tịch UBND và theo tôi trách nhiệm của người đứng đầu là quan trọng nhất. Chứ không nên đổ lỗi cho các phòng, ban, sở. Xét cho cùng họ chỉ là những cơ quan tham mưu”, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói.
Về giá nước cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung (phía Công ty nước sạch Sông Đà là trên 5000 đồng/khối), Công ty nước mặt Sông Đuống là trên 10.000 đồng/khối, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Thứ nhất, tôi thấy dư luận rất bức xúc bởi vì ở đây sẽ nảy sinh so sánh. Giá nước đắt hay rẻ thì cần đặt trên một mặt bằng. Không thể cùng một người Hà Nội nhưng ở phía Đông thì hưởng một giá, phía Tây lại hưởng một giá. Nhà máy này bán giá này, nhà máy kia bán giá khác. Như vậy thì quản lý của Nhà nước về giá như thế nào để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng? Đây là vấn đề người ta phải đặt ra”.
Ông cũng đưa quan điểm: Giải thích giá cao là để bù đắp phần lỗ là coi thường xã hội. Câu chuyện lỗ lãi là câu chuyện của nhà máy. Còn ở đây là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Anh bắt người tiêu dùng trả lỗ cho anh hay sao? Nếu như thế thì tốt nhất không nên vận hành nữa. Anh xây dựng nhà máy anh cam kết thế nào? 
Trả lời về việc Công ty nước mặt Sông Đuống bán 34% cổ phần cho đại gia Thái Lan, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ: Ở đây liên quan tới vấn đề an ninh nước. Vấn đề đặt ra ở đây là giá đầu tư, tổng giá trị đầu tư vào nhà máy có thực sự là như vậy hay không. Tôi sợ các vấn đề mà người dân đặt ra không được trả lời một cách đàng hoàng, đầy đủ sẽ dẫn đến người dân đặt vấn đề này với các cơ quan quản lý Nhà nước. 
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, hiện nay vấn đề xã hội hóa rồi quốc tế hóa là một vấn đề xu thế. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều cử tri, người ta rất băn khoăn về việc để người nước ngoài chiếm hữu, sở hữu, khống chế một số dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế quốc dân, mà ở đây là nước sạch. Họ lo ngại nếu chúng ta không tự chủ được vấn đề này, các cơ sở đứng ra xây dựng các dự án này chỉ vì câu chuyện lợi nhuận đặt ra rồi rút và bàn giao lại.
Vì vậy, việc quy định về người nước ngoài phải hết sức chặt chẽ đối với các dịch vụ thiết yếu này. Đặc biệt việc lựa chọn ai, quá trình giao dịch ấy như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu, công tác quản lý để đảm bảo không có sự cố xảy ra như thế nào. Tất cả phải được pháp chế hóa. Nếu chúng ta không có thể chế hay kiểm soát vấn đề này, người chịu hậu quả đầu tiên là người dân chứ không phải cơ quan Nhà nước.
Trả lời về việc nhà máy nước Sông Đuống chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ: Về nguyên tắc, dự án nước Sông Đuống phải được kiểm định đầy đủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn mới đưa vào để vận hành sử dụng và cung cấp nước sạch cho người dân.
Còn dự án nước sông Đà đã đủ tiêu chuẩn. Sự cố mới đây là do có người hại chứ không phải họ gây nên. Theo tôi, cần phải xử lý cán bộ quản lý Nhà nước, không thông báo kịp thời hay không tỏ thái độ, rất chậm chạp, lúng túng trong quá trình quản lý. 
Hà Nội “chi” gần 200 tỷ bù lỗ giá nước
Năm 2019, Nhà máy nước mặt Sông Đuống bán, phân phối nước sạch ở Hà Nội với lưu lượng hơn 100.000m3/ngày đêm. Để mua được giá này, liên ngành thành phố Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội phương án cấp bù dự kiến gần 200 tỷ đồng cho phần chênh lệch giá bán buôn.
Theo liên ngành tài chính - xây dựng Hà Nội, giá bán nước sạch bình quân của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho người dân chỉ hơn 9.700 đồng/m3. Sau khi trừ tỉ lệ hao hụt chỉ còn hơn 7.900 đồng/m3. Nếu phải mua nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống với giá 10.246 đồng/m3 thì với mức nước tiêu thụ khoảng 80.000m3/ngày đêm, tương đương 29,2 triệu m3/năm sẽ khiến Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội dự kiến lỗ hơn 192 tỷ đồng/năm. Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội cũng sẽ lỗ trên 58 tỷ đồng/năm.
Trước tình hình trên, liên ngành tài chính và các đơn vị đã có tờ trình đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán buôn nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống là 7.700 đồng/m3. Đồng thời đề xuất phương án cấp bù lỗ cho hai đơn vị mua nước của Công ty nước mặt Sông Đuống cũng như cho chính công ty này.
Trên cơ sở tính toán chi phí lưu thông nước của các đơn vị, liên ngành thống nhất đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét chấp thuận tạm thời thanh toán cho Công ty nước mặt Sông Đuống bán với giá hơn 8.800 đồng/m3.
Cụ thể, số tiền liên ngành đề nghị cấp bù trong năm 2019 cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội khi mua 80.000m3/ngày đêm là hơn 118 tỷ đồng; cấp bù cho Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội gần 38 tỷ đồng. Liên ngành cũng đề nghị Hà Nội cấp bù cho Công ty nước mặt Sông Đuống khoảng 43 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà liên ngành đề xuất UBND thành phố Hà Nội dự kiến cấp bù giá (phần thua lỗ do chênh lệch giá bán, mua) cho 3 đơn vị nêu trên trong năm 2019 là gần 200 tỷ đồng.
Kim Thoa

Không có nhận xét nào: