Xưa nay, rất nhiều người cho rằng khi đạt được thứ gì thì đó là phúc và khi mất đi thì là họa. Nhưng có rất nhiều sự tình trong cuộc đời, được chưa hẳn đã là phúc, mất chưa hẳn đã là họa.
Trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều người lấy góc độ được mất của bản thân để đo lường sự việc là tốt hay xấu, là phúc hay họa. Lại có những người mỗi ngày đều vì được mất một chút lợi nhỏ mà vui hay buồn. Nhưng bởi vì mọi người đều chỉ là nhìn thấy biểu hiện bên ngoài của sự tình mà không nhìn thấy hết được quan hệ họa phúc chuyển đổi đằng sau đó. Kỳ thực, có rất nhiều sự tình xảy ra, người ta không thể lập tức phán đoán được đó là họa hay là phúc. Vả chăng người ta không có sự suy sụp sẽ không có được trí tuệ, không có sự trả giá thì sẽ không có được thu hoạch. 
Trong chương 58 cuốn Lão Tử có viết: “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa, họa và phúc là nương tựa vào nhau mà tồn tại và có thể chuyển hóa được cho nhau” (Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục). Họa là điều kiện tiên quyết để tạo thành phúc, còn phúc lại hàm chứa cả nhân tố của họa. Hay nói cách khác, việc tốt và việc xấu là có thể chuyển hóa được cho nhau. Ở vào điều kiện nhất định, phúc sẽ biến thành họa và họa cũng có thể trở thành phúc. Loại biến hóa này sâu không lường trước được, ai cũng khó có thể đoán biết.
Một ví dụ minh họa rõ nét nhất về việc phúc họa chuyển hóa cho nhau chính là câu chuyện “Tái ông thất mã, yên tri phi phúc”. Câu chuyện được ghi trong sách Hoài Nam Tử Nhân gian huấn.
Tranh vẽ dựa trên câu chuyện “Tái ông mất ngựa” kể về việc trong họa có phúc, trong phúc lại tiềm ẩn họa. Tưởng là mất ngựa là họa, hóa ra nó lại đi gọi thêm đàn về, tưởng là có thêm ngựa thì tốt nhưng con trai Tái ông vì cưỡi ngựa mới mà ngã gãy chân, lại tưởng rằng anh ngã gẫy chân là họa, nhưng hóa ra lại tránh được việc đi lính bị quân nhà Hồ tàn sát (ảnh: storytellingforeveryone).
Bởi vậy có thể thấy, đời người có rất nhiều chuyện mà ở trong sâu thẳm dường như đều đã tự có an bài. Một việc là phúc hay là họa thường không giống như biểu hiện bề ngoài và cũng không thể dễ dàng phán định được.
Trong thơ cổ viết: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ / Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”, ý tứ là: giữa cảnh núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên ở ngay trước mắt, phát hiện thấy trong bóng râm rặng liễu xanh mát và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu, còn có một thôn làng. Cho nên, trong cuộc sống, khi làm một sự tình nào đó thành công không cần phải dạt dào đắc ý, khi gặp phải khó khăn, suy sụp cũng không cần phải chán nản thất vọng.
Chúng ta đều biết rằng, trên thế giới này không có gì gọi là tuyệt đối, phúc và họa đều có tác động tương hỗ lẫn nhau. Nó không phải là hai mặt của một đồng tiền (nhị nguyên) mà là hai nửa của một hòn bi (hình khối) lăn tròn. Vì phúc tận là họa, họa tận là phúc.
Một số người vì mong muốn có được cuộc sống thuận buồm xuôi gió, nên mỗi ngày đều cầu Thần bái Phật, hy vọng được ban phước và gặp may mắn. Trên thực tế, phúc và họa đều tự bản thân chúng ta mà ra. Người nào muốn có vận mệnh tốt, càng nên tìm hiểu rõ 3 câu nói này để cuộc sống ngày càng may mắn thuận lợi hơn.

“Phúc từ mình phát, họa từ mình sinh”

Nguồn gốc của mọi phúc và họa trong đời đều từ chính bản thân ta từng làm. Ngày nay trong xã hội có rất nhiều người khi mắc lỗi không biết tự nhìn lại bản thân, xem lại chính mình mà luôn nghĩ cách đổ lỗi cho người khác. Khi một người không ý thức được lỗi lầm của chính mình, sẽ không bao giờ có thể thành công. Họ sẽ gặp phải càng nhiều tai họa, phúc khí tự nhiên cũng dần rời xa, chỉ còn lại một mớ chuyện rắc rối làm bạn đau khổ mệt mỏi mỗi ngày.
Vì vậy, khi gặp phải chuyện không được như ý, khi ai đó làm bạn bực mình hãy xem lại những thiếu sót của bản thân và tự mình sửa lỗi. Đừng nên tìm cách đổ lỗi cho người khác, cần giữ thái độ lạc quan vui vẻ đối diện với cuộc sống. Tục ngữ có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Nếu muốn vận may luôn mỉm cười với mình, hãy học cách hành thiện tích công đức, hãy ghi nhớ rằng phúc họa trong đời đều tự bản thân ta mà ra.

“Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”

Trong cuộc sống thường ngày ta có thể dễ dàng cảm nhận được, rằng vận may không phải lúc nào cũng gõ cửa, nhưng thảm họa thì luôn xuất hiện. Cuộc đời của mỗi người cũng giống như một bàn cờ, chỉ đi sai một nước thì sẽ kéo theo mọi bước sai phía sau. Một số người khi đại nạn tới gõ cửa thì hoảng loạn lo lắng tới không thể bình tĩnh suy nghĩ biện pháp giải quyết, từ đó dẫn đến một loạt rắc rối. Vì vậy, giữ tâm thái bình tĩnh, thản nhiên đối diện với mọi chuyện xảy ra quanh mình là điều rất quan trọng. Bất kể điều gì xảy đến hãy học cách đối đãi với nó một cách thận trọng. 
Ảnh: Shutterstock.
Phúc khí không thể tách rời với những nỗ lực cá nhân. Lại có những người luôn tự hào về một số thành tích của bản thân, mong muốn được càng nhiều hơn trong khi thực lực không theo kịp sự mong đợi, từ đó mà thất bại. “Là phúc thì không phải là họa, còn là họa thì tránh không được”. Cho dù là phúc khí hay tai họa đến với mình, đều nên học cách để mọi thứ tùy kỳ tự nhiên, bình thản đón nhận.

“Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của họa”

Họa và phúc là nương tựa vào nhau mà tồn tại và có thể chuyển hóa được cho nhau. Theo quy luật tự nhiên, thì phúc họa có tính ngẫu nhiên và quân bình, nửa này nửa kia vận động (quay) như quả đất quay. Ta chỉ biết sáng tối nhưng không biết đầu ngược xuôi vì ta đã dính chặt vào sức hút của quả đất. Trong phúc có tiềm ẩn họa, trong họa lại có cái nhân của sự tốt lành. Đây chính là quy luật Nhân quả trong Đạo Phật đề cập. Dân gian ta có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” là vậy.
Đây là quan điểm, quy luật tối cao của sự bình đẳng của thị-phi, thiện-ác, tốt-xấu, sống-chết… mà con người phải luôn nhớ, không thể giành lấy phần hơn về mình. Bởi vì khi ta thấy rằng nó tốt thì nó đã xấu rồi (Thiên hạ giai tri mỹ vi mỹ tư ố hĩ). Đây là cách nhìn biện chứng. Trang tử đã dành hẳn một chương Tề vật luận để diễn giải cái nguyên lý không thay đổi này của vạn vật, nguyên tắc tùy thuộc, lợi dụng tự nhiên, phát triển bền vững… để cân bằng phúc họa.
Phúc và họa tác động qua lại tương hỗ lẫn nhau. Vì phúc đến mà làm ta dương dương tự đắc thậm chí trở nên tự mãn, từ đó phúc dễ chuyển thành họa. Xưa có câu: “Kẻ tài trí giả như ngu dốt, kẻ dũng mãnh giả như khiếp sợ” (Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp). Lão Tử cũng giảng: “Tiếng lớn ầm ầm như không có tiếng, hình lớn hiện ra như không có hình” (Đại âm vô thanh, đại tượng vô hình), đều là có ý nói rằng người có tài trí cao nhưng luôn khiêm tốn, không để lộ tài năng, vẻ ngoài biểu hiện ra giống như một người ngu dốt, nhưng thực ra lại là người có trí tuệ phi phàm. Đó là thể hiện ra công phu và bản lĩnh của bậc quân tử tài trí.
Tranh vẽ Lão Tử (ảnh: Syyqg).
Có nhiều người vì để cố gắng mưu cầu đắc phúc khí may mắn mà việc gì cũng muốn thử nếm trải. Tuy nhiên, cưỡng cầu quá mức chỉ tự chuốc họa cho bản thân. Hãy học cách để mọi thứ tùy kỳ tự nhiên. 
Đời người tựa như nước chảy mây trôi, những thứ đã qua đi giống như nước đổ khó hốt, cái chúng ta có chỉ là hiện tại. Thế nên, đừng ôm giữ quá khứ, đừng theo đuổi tương lai, hết thảy hãy cứ để tự nhiên, sống vì giây phút hiện tại. 
So đo tính toán quá nhiều sẽ tạo thành một loại ràng buộc, mê lạc quá lâu sẽ trở thành một kiểu gánh nặng. Đường đời “mưa gió gập ghềnh”, không trải qua gió mưa, sao có thể nhìn thấy cầu vồng. Thành công cũng tốt, thất bại rồi cũng trôi qua, tất cả sự tình đều tự nhiên đến. Đời người trăm phương nghìn dạng, thuận kỳ tự nhiên là tâm cảnh thích đáng nhất. 
Kiên Định
Theo Aboluowang