Thái Văn
Cuộc chiến tranh
biên giới phía Bắc (1979 - 1989) kéo dài 10 năm, trọng tâm là Mặt trận Vị
Xuyên, Hà Giang; Cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương vùng tây bắc của Tổ quốc đã
khiến 5000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, (con số được báo chí công bố gần đây), đã có thời điểm bị lãng quên. Chính sử chỉ ghi được vài dòng, còn các nhà lãnh
đạo quốc gia, lấy lý do “vì đại cục” luôn tìm cách né tránh để duy trì “tình
hữu nghị” qua phương châm “mười sáu chữ vàng”.
Nơi biên ải tận
cùng Tổ Quốc, những chiến sĩ trận vong, thân xác nát tan bởi đạn pháo cày xéo, hồn
phách vất vưởng giữa ngàn lau hay vách đá cheo leo một thời tại những nơi từng được lính mệnh
danh là: “lò vôi thế kỷ”, “ đồi thịt băm”, “suối oan hồn”, “cửa tử”…
Cảnh tượng của trận chiến thư hùng giữa “hai người” một thời từng coi nhau là “anh em cùng chung ý thức hệ” vào nửa cuối thế kỷ XX; cuộc chiến đó xem ra còn khủng khiếp hơn nhiều những gì mà Đặng Trần Côn đã viết trong “Chinh phụ ngâm khúc”:
Cảnh tượng của trận chiến thư hùng giữa “hai người” một thời từng coi nhau là “anh em cùng chung ý thức hệ” vào nửa cuối thế kỷ XX; cuộc chiến đó xem ra còn khủng khiếp hơn nhiều những gì mà Đặng Trần Côn đã viết trong “Chinh phụ ngâm khúc”:
“Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?”*
Có thể nói, những năm tám mươi
của thế kỷ trước, vì sự phong tỏa thông tin có chủ ý ở vào thời kỳ chưa có
internet, chẳng những thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, mà ngay cả tầng
lớp cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước hầu như cũng rất mù mờ về cuộc chiến
này. Trí nhớ con người có hạn, thời gian đã lùi về dĩ vãng đến ba bốn mươi năm,
vì những gian truân vất vả của cuộc mưu sinh, các nhân chứng tham gia chống
giặc bành trướng dần dần về với tổ tiên để lại một khoảng trống lịch sử. Rất có
thể, rồi đây, cuộc chiến tranh bi tráng đầy máu và nước mắt của một thời bị xóa nhòa
trong ký ức dân tộc.
Hình như, có một thế lực nào đó
luôn tìm cách để các thế hệ người Việt lãng quên sự kiện 17/2/1979 và cuộc
chiến những năm sau đó tại chiến trường Vị Xuyên. Vì thế, suốt ba mươi năm, các
phương tiện truyền thông vốn rất hùng hậu đều im lặng, hoặc có đưa tin thì rất
dè dặt, thậm chí không dám gọi thẳng tên kẻ thù đã gieo rắc đau thương cho đồng
bào ta cả một dải biên giới phía Bắc.
Một chuyên gia nước ngoài chuyên
bình luận về các sự kiện chính trị, gọi đó là “Cuộc chiến tranh bị lãng quên” quả không sai. Tuy nhiên, có thể,
những ai đó cố tình lãng quên, thế nhưng thân nhân của những chiến sĩ đã bỏ
mình nơi địa đầu Tổ Quốc không bao giờ quên, bởi nó là niềm tự hào dân tộc đồng
thời cũng là nỗi đau thường trực trong tâm khảm những người còn sống. Phạm Viết
Đào là một trong số đó.
CCB Đặng Việt Châu và CCB F 356 thắp hương cho LS Phạm Viết Tạo tại tư gia
Là anh ruột của liệt sĩ Phạm Viết
Tạo (trung đội trưởng thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 876, sư đoàn 356) hy sinh
trên cao điểm 772 ngày 12 tháng 7 năm 1984 trong chiến dịch MB 84, nhà văn Phạm
Viết Đào đã hàng chục lần, trong nhiều năm lên chiến trường Vị Xuyên tìm hài
cốt em trai mình. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc tìm liệt sĩ, Phạm Viết
Đào còn có kế hoạch lớn hơn. Ông muốn tái hiện một cách tổng quát toàn cảnh
chiến trường Vị Xuyên, nhất là vào giai đoạn 1983 - 1985, nơi có những trận đấu
pháo lịch sử với hàng chục vạn quả chỉ trong mấy tiếng đồng hồ. Vào những thời
khắc bộ binh hai bên giao tranh khốc liệt trên những điểm cao: phía ta bị xóa
sổ cả hàng tiểu đoàn; phía Trung Quốc bị xóa hàng trung đoàn, sư đoàn…(Theo thông tin từ CCB F 313 Trần Ca, một lần
anh được Q. Sư trưởng F 313 Đại tá Bùi Như Lạc cho biết: Riêng Sư đoàn 313,
mệnh danh là Sư đoàn Tây Côn Linh đã tiêu diệt 5000 lính Trung Quốc-Chú thích
của Phạm Viết Đào)…
P.V.Đ và Tướng Lê Duy Mật-Nguyên Phó Tư lệnh QK 2; Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang; Ảnh chụp 1 tháng trước khi ông qua đời 10/2015)
Những hệ lụy của nó đối với đất
nước Việt Nam thời hậu chiến mà các cuốn quân sử chưa từng đề cập tới về phía
Việt Nam; Còn phía Trung Quốc các chính khách, tướng lĩnh hàng đầu đã đặt chân
tới Lão Sơn- là cách gọi của Trung Quốc về chiến trường Vị Xuyên…
(Chính khách, tướng lĩnh phía
Trung Quốc đặt chân, hoặc trực tiếp thap chiến tại chiến trường Lão Sơn như:
TBT Hồ Diệu Bang, nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền, Đại tướng Túc Dụ và
con trai Tướng Túc Nhung Sinh, Đại tướng Dương Đắc Chí, Hứa Thế Hữu, Thượng
tướng Lương Quang Liệt, Lưa Á Châu và hàng chục tướng lĩnh và trên 50 vạn binh
sĩ Trung Quốc can dự vào sự kiện Lão Sơn…
Trung Quốc đã làm phim, lập bảo tàng, viết sách rất nhiều
về Lão Sơn. Nhà văn-Thượng tướng Trung
Quốc Lưu Á Châu, con rể Chủ tịch TQ Lý Tiên Niệm, nhà văn Mạc Ngôn, Noobel văn
học của Trung Quốc; nữ ca sĩ nổi tiếng, tướng Bành Lệ Viên, hiện là vợ Tập Cận
Bình đều đã can dự vào chiến cuộc Lão Sơn…
Tính ra đã có khoảng trên dưới 70 chiến tướng Trung Quốc đã giáp chiến chiến trường Lão Sơn-Vị Xuyên. Họ đã vạch kế hoạc tấn công, phòng ngự; Họ đã viết sách, tiểu thuyết hoặc đem lời ca tiếng hát
tới khích lệ binh lính Trung Quốc tại chiến trường này… Điều khôi hài là: Trong
khi đề tài Vị Xuyên bị coi là cấm kỵ với giới cầm bút Việt Nam thì một nhà xuất
bản của Việt Nam lại cho xuất bản cuốn tiểu thuyết « Ma chiến hữu »
của Mạc Ngôn, cuốn tiểu thuyết viết về lính Trung Quốc đánh nhau tại Lão Sơn; Một tờ báo của Hội
Nhà văn VN đã dịch giới thiệu nhiều kỳ về cuốn tiểu thuyết của Tướng Lưu Á Châu, ca
ngợi tận mây xanh, lãng mạn hóa cuộc chiến đấu, hy sinh của binh sĩ Trung Quốc đánh ở Lão
Sơn… Chú thích của Phạm Viết Đào…)
Để viết được " VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG" DÀY 900 TRANG, Phạm Viết
Đào đã bỏ thời gian và công sức sưu tầm tư liệu chiến tranh biên giới phía Bắc
qua nhiều nguồn thông tin, nhiều nhân chứng. Ông đã tìm đến từ những binh nhì
mới nhập ngũ làm nhiệm vụ giữ chốt trên các điểm cao Vị Xuyên, hay lính vận tải
vũ khí, lương thực, thực phẩm và thương binh tử sĩ, đến những sĩ quan chỉ huy
trung đoàn, sư đoàn, thậm chỉ có cả các vị tướng chỉ huy mặt trận.
Họ là những người lính tham gia
chiến dịch MB 84, thoát chết trong gang tấc, thậm chí còn để lại một phần cơ
thể tại chiến trường, trở về với đời thường; Họ luôn ám ảnh về những cái chết
tức tưởi của đồng đội, nhưng không phải ai cũng có dũng khí nói ra sự thật. Nỗi
sợ hãi cố hữu đã làm cựu chiến binh, kể các các vị tướng, sau khi được phỏng
vấn chỉ trả lời chung chung, luôn né tránh phần cốt yếu với lý do lâu ngày đã
quên...
Bằng phương pháp loại trừ và tích
hợp, Phạm Viết Đào đã xâu chuỗi các sự kiện, bóc tách từng lớp tư liệu qua việc
thâm nhập, móc nối với các tổ chức cựu chiến binh, phỏng vấn kết hợp với điều
tra những chi tiết tồn nghi, cuối cùng, nhà văn đã viết loạt bài về « Mặt
trận Vị Xuyên » đăng tải dần trên trang blog của mình. Những bài phóng sự
điều tra hay bình luận của nhà văn xứ Nghệ đã gây tiếng vang lớn, làm thức dậy
những ký ức đang bị mai một của thế hệ cựu chiến binh chống Tàu làm cho cộng
động xã hội, lần đầu tiên thấy được những góc khuất của cuộc chiến mà người ta
cố tình muốn giấu đi. Có những video clip được đăng nhiều kỳ phỏng vấn những sĩ
quan cao cấp của quân đội như Tướng Lê Duy Mật-nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Tuyên, đại tá Quách Hải Lượng, trưởng phòng tác chiến Quân
chủng Phòng không làm người xem sửng sốt bởi sự hài hước của ngành Tuyên giáo.
Có những thông tin về mệnh lệnh rút quân khó hiểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
khỏi các cao điểm Vị Xuyên, khi quân ta đang chốt giữ; chiến dịch mang
mật danh MB 84 thất bại là bởi tình báo Hoa Nam đã cài người vào Bộ Quốc phòng, nắm được toàn bộ kế hoạch tác chiến của chiến dịch này .v.v.
Có lẽ nguyên nhân nhà văn Phạm
Viết Đào bị bắt và lĩnh án tù 15 tháng bắt đầu từ tháng 6 năm 2013 là ở loạt
bài đăng trên blog của ông. Bỏ tù Phạm Viết Đào đương nhiên là để răn đe những
ai muốn đơn phương lật lại hồ sơ chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 - 1989. Chẳng
thế mà, cho đến nay, sau bốn mươi năm, vẫn còn ba ngàn hài cốt liệt sĩ chưa
được quy tập về nghĩa trang. Đáng trách hơn là người ta còn cố tình đục bỏ những tấm bia kỷ niệm, xóa nhòa
những chứng cứ tội ác dã man của quân đội Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngay chiến dịch MB 84 mở ngày
12/7/1984, con số bộ đội hy sinh trong một ngày đêm của chiến dịch đã được báo
chí công bố xung quanh con số 1100 cán bộ, chiến sĩ; Thế nhưng, khi tác giả
Phạm Viết Đào đã vào Nghĩa trang Vị Xuyên để kiếm đếm thì chỉ thấy có khoảng
100 tấm bia mộ ghi tên và những bia mộ ghi chưa tìm thấy tên hy sinh trận
12/7/1984; Hiện Nghĩa trang Vị Xuyên đã quy tập được gần 2000 liệt sĩ.
Cũng tác giả Phạm Viết Đào trong
một bài điều tra: vào tháng 3/1985 anh lên Hà Giang và được nhân dân ở đây cho
biết: suốt 5-6 đêm bà con nghe tiếng ô tô chở thi hài liệt sĩ chạy suốt đêm qua thị xã Hà
Giang? Như vậy con số 100 này có chính xác không và có ai có ý dấu bớt sự thật
lịch sử đau thương này không? Một sự thật lịch sử liên quan tới tội ác của giặc
Tàu xâm lược. Và mảnh đất Vị Xuyên Hà Giang xứng đáng được vinh danh vào kho
tàng lịch sử dân tộc như một chiến địa anh hùng: Bạch Đằng, chiến tuyến
Sông Như Nguyết, Hàm Tử quan, như Chi Lăng, Đống Đa, Ngọc Hồi, Điện Biên Phủ…
Và cũng thật nực cười, trong khi
cuộc sống của đồng bào các dân tộc Vị Xuyên còn muôn vàn khó khăn, nơi an nghỉ
của các liệt sĩ còn khiêm nhường, thì một ông Phó Ban Đối ngoại trung ương lại tham
gia mang 200.000 USD (trong số 500.000) sang biên kia biên giới, giáp giới Vị
Xuyên “tặng” dân Mã Lật Pha để ... xóa đói giảm nghèo dịp 27/7/2018 (!?). Ma
Lật Pha là căn cứ hậu cần nơi Trung Quốc tập trung 50-60 vạn quân để đánh Vị
Xuyên từ 1979-1990…
Đó chính là những nguyên nhân thôi
thúc Phạm Viết Đào biên soạn cuốn sách “Vị Xuyên & thế sự Việt Trung”. Xét
đến cùng, đổi 15 tháng “nhập kho” để lấy cuốn sách xem ra là « khoản đầu
tư » vẫn còn quá rẻ, « có lãi » với Phạm Viết Đào ?! Bởi
lẽ, “Vị Xuyên & thế sự Việt Trung” là « tập đại thành » của cuộc
chiến biên giới dai dẳng 10 năm trên biên giới phía Bắc được nhìn nhận từ nhiều
phía, nhiều quan điểm chính trị khác nhau, kể cả cách nhận xét đánh giá từ các
nhà bình luận, các tướng lĩnh Trung Quốc.
Theo chúng tôi, cách làm này là
khách quan, công bằng. Và cũng chính bởi có tâm thế khách quan, công bằng, mới
có khả năng tìm ra sự thật đặng tiếp cận chân lý. Việc làm của Phạm Viết Đào,
đúng ra phải cần đến nhân sự của cả một Viện nghiên cứu Lịch sử chiến tranh với
những giáo sư, tiến sĩ có thực tài, thực học và trách nhiệm công dân cao. Những
chuyên gia này (nếu có) phải có đầu óc phân tích, tổng hợp xuất sắc, phải có
tinh thần phản biện sâu sắc, đồng thời lại phải như một bộ lọc công nghệ cao để
loại bỏ những dữ liệu giả dối, chỉ giữ lại những gì là thực chất...
Thật ra, trong thời điểm nóng
bỏng của những cuộc giao tranh, kể cả những vị tướng, chỉ có thể nắm được phần
tổng quát diễn ra trong phạm vi đơn vị mình. Đó là chưa nói đến các đơn vị tác
chiến cấp trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội. Thậm chí ngay cả vị tư lệnh chỉ huy
chiến dịch cũng ngồi trong hầm điều phối bằng bộ đàm hay đường dây hữu tuyến,
hoàn toàn không thể nắm được diễn biến phát sinh trong những hoàn cảnh cụ thể
của từng trận đánh. Vậy mà, cuộc chiến đã có độ lùi ba bốn mươi năm, cho dù có
trí nhớ của thiên tài cũng không thể tái hiện lại đúng với diện mạo của nó. Một nhà báo đã khuyên Phạm Viết Đào: Muốn tìm kiếm sự thật liên quan tới cuộc chiến Vị Xuyên, tác giả chỉ còn cách tìm đến những người lính bình thường và những ông Tướng đang sắp mất...thì may ra?!
Sự nan giải này đã được tác giả
giải quyết bằng bài toán huy động ký ức tập thể cựu chiến binh. Đây là phương
pháp duy nhất đúng nhưng cũng thập phần khó khăn. Và cũng chính những bài viết
về một thời máu lửa của các cựu chiến binh, những lời kể đứt nối của nhiều nhân
chứng sắp sang thế giới bên kia, đã góp phần làm nên sự thành công của cuốn
sách.
“Vị Xuyên & thế sự Việt
Trung” là một bản thảo đồ sộ, dày 900 trang, khổ 16 x 24,5 cm do tác giả tự in
bằng photo. Điều này dễ hiểu. Nếu nhà văn đã từng ngồi bóc lịch trong khám tù
một năm 3 tháng, không tự in và tặng bạn bè, người thân, chắc chắn không một
nhà xuất bản “quốc doanh” nào có đủ dũng khí cấp giấy phép. Bởi lẽ, cuốn sách
có nhiều tư liệu quý, nhưng mặt khác nó cũng chứa đựng không ít nguồn thông tin
“nhạy cảm”, những bí mật an ninh quốc phòng, những bí mật nội bộ lần đầu tiên được bạch hóa, làm cho
những nhóm lợi ích liên quan không thể ngồi yên.
Những sự việc khuất tất ngỡ như đã
bị đào sâu chôn chặt cùng hàng ngàn linh hồn liệt sĩ nơi chiến địa giờ, bỗng
nhiên có một gã “cha căng chú kiết” đòi lật lại lịch sử, truy vấn những đối
tượng đã bán cái xương máu dân tộc trong canh bạc chiến tranh, đương nhiên lắm
kẻ hằn học...
“Vị Xuyên & thế sự Việt
Trung” là cuốn sách do Phạm Viết Đào biên khảo gồm ba thể loại: bút ký, tiểu
luận và điều tra. Về nội dung, được chia làm bốn phần:
Phần một: “Vị Xuyên khúc ca bi tráng (từ trang 4 đến trang 250)
Phần hai: Tư liệu - Phóng sự - Điều tra (từ trang 251 đến trang
562)
Phần ba: Thế sự Việt -
Trung (từ trang 563 đến trang 804)
Phần bốn: Tự do và nhà báo (từ trang 805 đến trang 840)
( Đây là thông tin trong bản thảo in của Phạm Viết Đào mà tác giả Thái
Văn được đọc; Còn hiện nay theo nhà văn Phạm Viết Đào, bản thảo mới của ông đã
lên 900 trang và chắc chắn chưa phải là trang cuối cùng…)
Trừ phần bốn là những thông tin liên
quan đến Phạm Viết Đào, thông tin về thời gian ông bị tam giam do bị buộc tội
« vi phạm điều 258, đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích
của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”; ba phần đầu là
những bài viết của nhiều tác giả, được trích dẫn từ nhiều kênh thông tin từ
những cựu chiến binh trực tiếp tham gia trận đánh khốc liệt trên các điểm cao
Vị Xuyên, đến những bình luận của những học giả nổi tiếng trong và ngoài nước.
Đây là cách làm có phương pháp luận khoa học, dựa trên cơ sở nguồn thông tin đa
chiều, mục đích nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về cuộc chiến
tranh biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Phần một và phần hai tuy nhan đề
khác nhau nhưng nội hàm lại có nhiều nét tương đồng. Đó là: xen kẽ với những
bài phóng sự, bút ký do các nhân chứng lịch sử còn sống sau cuộc chiến ghi lại,
là loạt bài điều tra, bình luận của tác giả hoặc các chuyên gia, học giả trong
và ngoài nước. Bên cạnh đó, tác giả cũng cung cấp cho người đọc những tư liệu
về quân đội và các tướng lĩnh Trung Quốc tham gia cuộc chiến tranh biên giới của
8 trên 10 đại quân khu. Từ đó người đọc thấy được: bản chất diều hâu, dã man, tàn
bạo của nhà cầm quyền Trung Quốc và quân đội Trung Quốc đối với nhân dân Việt
Nam cho dù lúc nào họ cũng dùng thứ “kim khẩu” “mười sáu chữ vàng” làm phương
châm hành xử.
CCB Trần Nam Thái
Tổng số bài viết trong “Vị Xuyên
& thế sự Việt Trung” là 115, riêng tác giả có 49 bài, bao gồm cả bút ký,
phóng sự điều tra, trả lời phỏng vấn Đài BBC, RFA, RFI… và bình luận, trong đó
phần bình luận hầu hết là phân tích, đánh giá về tình hình chính trị, ngoại
giao, quân sự hai nước Việt Trung từ chiến tranh biên giới 1979 đến nay. Những
bài bình luận ấy vừa sắc sảo vừa có bằng chứng thuyết phục, với nhãn quan chính
trị nhạy bén, cách tư duy khoa học và sự phản biện đầy trách nhiệm công dân.
Ở phần thứ nhất “Vị Xuyên khúc ca bi tráng”, mở đầu là
các bài viết “Vị trí chiến lược của Hà
Giang” của nhà nghiên cứu Hồ Bạch
Thảo, bài “Sự thật về Đặng Tiểu Bình đưa
quân đánh Việt Nam” học giả Trung Quốc Trần Phá Không và “Các mê lộ ‘bát trận đồ’ tấn công Việt Nam
của Trung Quốc” của Tô Văn Trường. như một cái sườn cơ bản để dẫn dắt người
đọc vào nội dung chính qua 32 hồi ức dưới dạng ghi chép, bút ký, phóng sự và 4
bài bình luận, phỏng vấn.
Những tác giả tham gia viết hồi
ức chiến tranh biên giới tại mặt trận Vị Xuyên khá đông đảo, thành phần rất
phong phú, từ người lính có thâm niên giữ chốt bốn năm năm đến các tiểu đoàn
trưởng, trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng, thậm chí cả những vị tướng trong
ban chỉ huy chiến dịch MB84. Trong số đó, có thể kể đến Trần Nam Thái, Vũ Bình
Long, Trịnh Kiên Hạnh, Phạm Ngọc Quyền, Đặng Việt Châu, Nguyễn Đức Lưỡng, Vi
Hảo, Tô Thị Nhiêu, Nguyễn Lan, Nguyễn Minh Sơn, Vũ Tấn Long, Nguyễn Đẹp, Dũng Hà,
Lê Thành Công, Trần Duy Vỹ và Nguyễn Thành Lập… Người viết nhiều bài nhất là
cựu chiến binh Trần Nam Thái, nguyên lính đại đội vận tải 25, E14, F313.
CCB Phạm Ngọc Quyền
Trong số 32 bài ký ở phần này, có
không ít bài gây ấn tượng mạnh về sự dữ dội của chiến tranh. Nó còn khủng khiếp
hơn cả cuốn “Le Feu” (Lửa) của Henry
Barbusse viết về cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, đến nỗi một nữ phóng viên
đã phải thốt lên: “Đọc ‘Le Feu’ của ông
xong, tôi có cảm giác như vừa ở dưới chiến hào chui lên”. Bởi lẽ, Chiến
trường Vị Xuyên còn khốc liệt gấp nhiều lần “Le Feu”. Chưa cần đọc, chúng ta
chỉ mới nhìn cái tựa đề đã thấy nổi da gà. Đó là “Trận 12 tháng 7, chúng tôi đã đổ nhiều máu để giữ đất Vị Xuyên” và
“Những trận đánh chí tử trên cao điểm
685 - Lò vôi thế kỷ - ba ngày trước tế Ất Sửu” (Phạm Ngọc Quyền, C6, D2,
E876, F356); “Thung lũng của những linh
hồn và những đêm không ngủ”, dài 25 trang như một phóng sự chiến trường, chính
xác đến từng phút từ ngày 8 đến 28 tháng 7 năm 1984 của Đặng Việt Châu, nguyên
chính trị viên D3, E876, F356; “Không
tiếng kêu, tiếng khóc sau trận 12 tháng 7 năm 1984” và “Lính Vị Xuyên chia nhau
từng cọng rau muống già” (Trần Nam Thái, lính vận tải 25, E14, F313); “Em tôi, Phạm Viết Tạo hy sinh trong trận
12 tháng 7 năm 1984 qua hồi ức đồng đội” (Nguyễn Đức Lưõng và Đặng Việt
Châu kể); “Tôi đã không tìm lại được xác
đồng đội sau trận 12 tháng 7 (Nguyễn Minh Sơn, D3, E876, F356); “Sống dưới mưa đạn pháo quân thù” (Vũ Tấn
Long); “Bóng linh hồn tử sĩ đêm đêm vật
vờ trên chốt” (Nguyễn Đẹp); “Ghi
chép về những ‘cửa tử’ trước hang Làng Lò” (Trần Duy Vỹ, D1, E876, F356); “Hang Nà Cáy, trạm phẫu tiền phương, dấu
tích xương máu lính Vị Xuyên” (Phạm Viết Đào) và “Nhiều bộ đội hy sinh do sạt núi, sập hầm tại Vị Xuyên” (Nguyễn
Thành Lập)...
Đọc hồi ức của những tráng sĩ Vị
Xuyên, chúng ta mới ngộ ra: sức chịu đựng của con người quả thật là không có
giới hạn một khi bị đẩy đến bước đường cùng. Không một ai trong lớp trẻ ngày
nay có thể hình dung: bộ đội giữ chốt trên sườn núi đá Vị Xuyên ba tháng, thậm
chí sáu tháng mới thay phiên một lần. Muốn có nước phải xuống dốc hàng trăm mét
cõng lên dưới làn mưa pháo và hỏa lực từ các điểm cao quân Trung Quốc chiếm
đóng. Mùa hè, chiến sĩ buộc phải ăn cơm thiu với mắm kem, và may lắm, vài tuần
mới được vài cọng rau muốn già. Trong hoàn cảnh nằm hầm đá lâu ngày, khí lạnh
ngấm vào thân thể, nhiều chiến sĩ bị teo cơ...
Có vô vàn cái chết thương tâm với
những chàng trai trẻ mười tám đôi mươi trong các trận đấu pháo hay bộ binh xáp
lá cà. Kinh khủng nhất là trận 12 / 7/1984, khi đối phương tràn ngập các điểm
cao, cả thương binh lẫn tù binh đều bị quân Trung Quốc xả súng bắn chết rồi
tưới xăng đốt...
Phần thứ hai của cuốn sách gồm 40 bài với tựa đề “Tư liệu –
Phóng sự - Điều tra”. Nhìn một cách tổng quát, về bố cục có những nét tương ứng
với phần một, nhưng về nội dung lại có nhiều thông tin quan trọng được tác giả
tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Những tư liệu này là kết quả của quá trình
điều tra lâu dài, bền bỉ qua nhiều phương pháp tiếp cận, không loại trừ cả sự
mạo hiểm để tìm ra sự thật. Nếu tính theo số lượng thì phần này có 19 bài tư
liệu, 8 hồi ức, còn lại là các bài điều tra dưới hình thức ghi chép, phỏng vấn
các cựu chiến binh.
Mở đầu phần thứ hai là “Bị vong lục Bộ Ngoại giao CHXHCNVN”
công bố trên báo Quân đội nhân dân ngày 15 tháng 2 năm 1979 như là tiền đề cho
các bài viết tiếp theo. Bị vong lục có thể xem là bản cáo trạng của Nhà nước và
Nhân dân Việt Nam đối với tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải. Qua “Bị vong lục”,
chẳng những nhân dân Việt Nam mà cả cộng đồng thế giới đều hiểu sự nguy hiểm
của Chủ nghĩa bành trướng Đai Hán do đích thân Mao Trạch Đông khởi xướng và chỉ
đạo kể cả sau khi ông ta chết. Đường Lưỡi bò trên Biển Đông và Con đường tơ lụa
của Tập Cận Bình trong ảo tưởng “Giấc mộng Trung Hoa” ngày nay, cũng chính là
tư tưởng Mao Trạch Đông biến tướng. Vì thế, cái gọi là “Mười sáu chữ vàng” hay “Bốn tốt” do Đảng Cộng sản
Trung Quốc ban cho Việt Nam thực ra cũng chỉ là thư khẩu hiệu bịp bợm. Và đây
là phần mở đầu: “Từ năm 1957 đến năm
1977, bằng nhiều thủ đoạn xấu xa, họ đã chiếm lãnh thổ Việt Nam ở hơn 50 điểm
trên toàn tuyến biên giới gồm 6 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hoàng
Liên Sơn, Hà Tuyên và Lai Châu. Đó là chưa kể những vùng đất mà từ trước 1957
họ đã quản lý vượt quá đường biên giới lịch sử”. Một đoạn khác, “Bị vong
lục” viết: “Cũng trong thời gian từ năm
1975 đến năm 1977, tàu thuyền Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển Việt Nam trên
1500 lần chiếc, có vụ vào sâu chỉ cách các đảo của Việt Nam từ 2-5 km. Sự kiện
nghiêm trọng là ngày 20 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã dùng quân đội đánh
chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Họ còn đưa ra những đòi hỏi vô lý về
những hòn đảo khác của Việt Nam ở biển Đông”.
Có thể nói, tư liệu ở phần thứ
hai rất đậm dặc, hàm lượng thông tin cao, qua cách điều tra có phương pháp được
nâng lên hàng nghệ thuật của một nhà báo giầu kinh nghiệm và bản lĩnh. Trong số
17 bài trên tổng số 40, ngoài tư cách điều tra, phỏng vấn, Phạm Viết Đào còn có
những bài bình luận xoáy sâu vào những điểm nhạy cảm, những vết mờ nhòe của
cuộc chiến biên giới. Từ đó, bằng những dẫn chứng thuyết phục và luận cứ đanh
thép, tác gia bác bỏ những thứ “ngụy sử”, những lời “chạy tội” của những yếu
nhân từng là “phương diện quốc gia” một thời, đã hành động như những Trần Ích
Tăc, Lê Chiêu Thống, bán rẻ lợi ích dân tộc để đổi lấy sự vinh thân phì gia qua
sự bảo kê của các thế lực ngoại bang.
Như trên đã nói, những phóng sự
điều tra của Phạm Viết Đào rất có sức thuyết phục qua những nhân chứng lịch sử,
những người đã tham gia cả ba cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc như đại tá Phạm
Xuân Phương từng nhận xét: “Vì một lý do
nào đó, chúng ta chưa dám mạnh dạn tôn
vinh một cách xứng đáng những chiến công và tổn thất của cuộc chiến tranh này.
Kỷ niệm không kỷ niệm, tổng kết cũng không tổng kết. Trung Quốc là một đối
tượng tác chiến mới của chúng ta qua cuộc chiến tranh này... Sách giáo khoa
lịch sử có cuốn nào đề cập tới cuộc chiến tranh này đâu? Con em chúng ta bây
giờ nhiều em không biết...”, còn đại tá Phạm Phú Bằng cho rằng “Trung Quốc không đánh mà thắng”. Và đây
là một kỷ niệm nhớ đời của ông trong cuộc chiến biên giới Tây Nam: “Ông tận mắt chứng kiến trận một trung đoàn
anh hùng của Pol Pot, vào năm 1978, dưới sự chỉ huy của cố vấn Trung Quốc đã
bao vây, dồn một sư đoàn quân ta, cũng là một sư đoàn anh hùng, vào một chiếc
cầu độc mộc để tiêu diệt... Trận đánh kéo dài từ 10 giờ trưa hôm nay đến 10 giờ
trưa hôm sau. Trong trận này, 800 bộ đội ta đã ngã xuống tại chỗ, mặc dù quân
ta có xe tăng, có pháo binh, có trực thăng hỏa lực hơn hẳn quân Pol Pot...”.
Ông còn nói, về chính trị thì chúng ta đã rước về “mười sáu chữ vàng” là cả một điều nhục nhã, không ra cái gì... Khi Việt
Nam sắp có cuộc họp gì quan trọng, lập tức cán bộ cao cấp của họ sang hết thăm
dò, gợi ý, gây áp lực...”.
Trong khi đó, đại tá Quách Hải
Lượng, nguyên Trưởng phòng Tác chiến Quân chủng Phòng không, từng là Tùy viên
quân sự Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh (1981-1986) thì kể lại một câu chuyện khá
là khôi hài về thói “kiêu ngạo cộng sản” của các quan chức giám sát tư tưởng
công dân qua bài “Tới 17 tháng 2 năm 1979, Tuyên giáo nói ‘cho kẹo’ Trung Quốc
cũng không dám đánh Việt Nam (!?). Vậy mà, trước đó ít lâu, vào tháng 8 năm
1978, chính ông đã được nghe Tổng bí thư Lê Duẩn nói chuyện tại Học viện Quốc
phòng, rằng “Các đồng chí chuẩn bị đánh với 1,5 triệu quân Trung Quốc chuẩn bị
xâm lược ta”.
Đọc kỹ những phóng sự điều tra
của Phạm Viết Đào với các nhân chứng còn sống ở phần thứ hai này mới thấy:
cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã phơi bày những âm mưu thâm hiểm của kẻ
thù, sự khốc liệt của từng trận giao tranh và thái độ rất khó hiểu của Bộ Quốc
phòng Việt Nam. Đồng thời, cũng từ những bài viết đầy trách nhiệm và tinh thần
yêu nước này, người đọc hiểu thêm được những thông tin về sự mất đất, mất biển,
mất chủ quyền lãnh thổ từ mấy chục năm qua nhưng luôn bị bưng bít với danh
nghĩa “bí mật quốc gia”. Bài “Trung Quốc
lấn chiếm biên giới Vị Xuyên từ năm nào” là một trong số đó.
Ví dụ, theo CCB Tạ Văn Phòng, năm
1979 Trung Quốc đã đánh Hà Giang rồi. 4 giờ sáng ngày 17 tháng 2 Trung Quốc nổ
súng ở khu vực cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên. Còn cao điểm 1800A, 1800B, 872
mất năm 1980; cao điểm 1509 (Trung Quốc gọi là Lão Sơn) tháng 4 năm 1984 mất
hẳn. Cũng trong bài ghi chép này, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thanh cho
biết : trận đánh giữ cao điểm 1688, tiểu đoàn 8, sư 313, hai phần ba đơn
vị đã hy sinh.
Loạt ghi chép và phóng sự điều
tra có giá trị lịch sử của Phạm Viết Đào còn phải kể đến “Cao điểm 1509 thất thủ, bùng nổ cuộc chiến Vị Xuyên”; “Bắt trung úy
Uông Bân trong trận 28 tháng 4 năm 1984 tai cao điểm 1509; “Thông tin từ Nhật
Bản về các trận đánh ở Lão Sơn”, do Hà Minh Thành, Việt kiều tại Nhật biên
dịch gửi cho tác giả, bao gồm “Mạng
Trung Quốc viết về chiến dịch MB 84”; “Thông tin của Hà Minh Thành từ Nhật về
ngôi mộ tập thể bộ đội ta trên 1509”; “Nguyên nhân 47 đặc công bị pháo ta sát
thương trước cửa Hang Dơi 1984?”; “Đôi lời khép lại cuộc thảo luận về vụ Hang
Dơi”; “Sử dụng vũ khí Mỹ, hủy diệt quân Trung Quốc tại chiến trường Vị Xuyên”;
“Nguyên nhân thất trận chiến dịch M84” (12 tháng 7 năm 1984); “Tìm 2000 bộ đội
nghi mất tích trong các trận đánh luồn sâu trên đất Trung Quốc”; “Vị trí chiến
lược quân khu 2 - địa bàn phòng thủ quốc gia?”; “Ba lần lui quân trước Trung
Quốc, công hay tội của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh?”; “Tướng Lê Duy Mât:
Không lãng quên một cuộc chiến tranh”; “Tướng Nguyễn Đức Huy: Đề nghị tặng các
danh hiệu Nhà nước cao quý cho cựu chiến binh Vị Xuyên”; và cuối cùng là “Bản kiến nghị 5 điểm về một cuộc chiến
tranh có nguy cơ bị bỏ quên” do tướng Lê Duy Mật, 3 đại tá và nhà văn Phạm
Viết Đào ký tên gửi đến những cấp có thẩm quyền cao nhất của Đảng và Nhà nước
CHXHCNVN nhưng tất cả đều không có hồi âm.
Bên cạnh những phóng sự điều tra
của Phạm Viết Đào, ở phần hai còn có loạt hồi ức về các trận giao tranh dữ dội
trên toàn truyến biên giới Vị Xuyên. Trong số đó có thể kể đến những bài “Trận đầu trung đoàn 122 sư 313 đánh quân
Trung Quốc tại Lao Chải” của Ngọc Anh; “Những bông hoa gạo đỏ thắm vây
quanh cao điểm 1509” của Hồ Minh Quang; “Kỷ
niệm không bao giờ phai những ngày chốt giữ cao điểm 1800A- Lao Chải” của
Nguyễn Mạnh; “Chiến đấu ở bắc dãy Tây
Côn Lĩnh” của Vũ Bình Long (E122, F313); “Vị Xuyên, mùa đông ấm áp” của Tô Đình Ngữ (chỉ huy D3, E866, F31, QĐ3).
Để cung cấp cho bạn đọc cái nhìn
đa chiều về cuộc chiến Vị Xuyên, Phạm Viết Đào còn sưu tầm được khá nhiều bài
viết của các nhà bình luận chính trị nước ngoài từng đăng tải trên những tờ báo
có uy tín như “Sau ‘Lão Sơn’ và ‘Gạc Ma’,
quân đội Việt Nam ‘xuống hạng’ tại Châu Á” của nghiên cứu viên Nakamura
Masanori, Tùy viên quân sự, Sứ quán Nhật giai đoạn 1984; “Việt Nam học cách sống dưới ‘cái bóng’ của Trung Quốc” của
Sebastian Strangio.
Về phía Trung Quốc, đương nhiên
chúng ta không thể tin những gì họ công bố trên các phương tiên truyền thông,
tuy nhiên, cho dù hệ thống kiểm duyệt báo chí gắt gao, tại Đại lục, vẫn có
những bài “lọt lưới” nói lên một phần sự thật về cuộc chiến biên giới 10 năm.
Đó là cuốn sách “Chín lần xuất quân lớn”
của tác giả Sa Lực- Mân Lực, mô tả rất chi tiết trận đánh Lưỡng sơn (Cao điểm
1509 và 1250) khu vực Thanh Thủy, Thanh Đức, Vị Xuyên) hay bài báo “Lão Sơn thảm bại, Túc Nhung Sinh thăng
quan” của tác giả Lưu Gia Bình do Nguyễn Thị Anh Thư chuyển ngữ...
Với tiêu đề “Thế sự Việt -Trung”,
phần thứ ba có 36 bài bình luận. Ngoài các tác giả Nguyễn Vĩnh Long Hồ, Hồ Bạch
Thảo và Trần Nam Thái, Phạm Viết Đào có 30 trên tổng số 36 bài. Mục này tuy là
phần bình luận nhưng để tăng sức thuyết phục, các tác giả đã sử dụng rất nhiều
số liệu thống kê lịch sử để minh họa cho bài viết của mình. Đây là những bài
bình luận ở đẳng cấp cao, có tầm nhìn chiến lược nhưng không viển vông duy ý
chí mà bám sát thực tiễn, đồng thời đề xuất được những kiến giải khả thi trong bối
cảnh mối quan hệ phức tạp Việt Nam Trung Quốc. Đáng chú ý ở phần này là “Những tử huyệt của ‘Trung Hoa mộng”; “Tập Cận Bình đã đẩy Trung Quốc vào thế kỵ
hổ hạ nan”; “Bàn về ‘Độ tin cậy chính trị’ của quan hệ Việt – Trung”; “Lợi ích
chung của Việt - Trung lớn hơn bất đồng, một quyết toán gian?”; “Sự thật về sự ‘viện
trợ’ ác độc của Trung Quốc dành cho Việt Nam”...
Trong bài “Những tử huyệt của Trung Hoa mộng”, Phạm Viết Đào nêu ra 4 điểm
“chết người” của nền chính trị Trung Quốc, trong đó điểm mấu chốt là “thể chế Đảng
Cộng sản độc quyền lãnh đạo nhà nước” áp đặt sức mạnh “cứng” thay vì “hệ điều
hành nguồn lực mềm” của nhân loại tiến bộ. Ở tử huyệt thứ ba, rất tiếc tác giả
chỉ nêu hai trường hợp Napoleon Bonapart và Nikita Khrushchev mà không nhắc gì
đến Adolf Hitler, tên trùm phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Thực
chất hiện tại, Tập Cận Bình và tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh đang dẫm vào vết xe
đổ của Đức Quốc xã. Thất bại thảm hại của người Đức qua hai cuộc thế chiến há
chẳng phải là bài học nhỡn tiền cho những kẻ có tham vọng bá chủ thế giới bằng
bạo lực hay sao? “Bàn về ‘Độ tin cậy chính trị’ của quan hệ Việt - Trung” cũng
là bài bình luận sâu sắc, có chính kiến và logique. Theo tác giả, cái gọi là
“độ tin cậy” ấy chẳng khác gì chiếc vòng “kim cô” của Quan Thế âm bồ tát tròng
vào đầu Tôn Ngộ Không, vô hiệu hóa 72 phép thần thông của hắn. Đến bài “Sự thật
về sự ‘viện trợ’ ác độc của Trung Quốc dành cho Việt Nam” thì từ những bình
luận chính trị, tác giả kết hợp với các số liệu liên quan đến “viện trợ” của
Trung Quốc, mang đặt lên bàn cân, rồi phân tích, đánh giá mức độ lợi hại qua
bài toán kinh tế. Hóa ra, sự viện trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc không vô tư
trên tinh thần quốc tế vô sản như họ từng lớn tiếng tuyên bố. Sự thực, viện trợ
ấy là những cái bẫy, mỗi ngày lại đưa Việt Nam tiến dần vào sự phụ thuộc như
một nước chư hầu thời hiện đại.
Cũng trong phần này còn có bài
viết rất công phu của nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Long Hồ “Chiến lược bành
trướng của Tập Cận Bình: Nam tiến, Đông Bắc tiến và Tây tiến” với lời đề từ “Tình trang dân số Tàu cộng đã quá tải, cộng
với sự tăng trưởng kinh tế quá nhanh làm cho nước này phải đối mặt với các vấn
đề cực kỳ phức tạp ở chỗ, dân Tàu Hoa Lục sẽ không còn đủ đất để sống. Nước Tàu
sẽ không thể tồn tại trong các đường biên giới của nó hiện nay nếu không bành
trướng để chiếm đoạt các nguồn tài nguyên và lãnh thổ các quốc gia khác...”.
“Vị Xuyên & thế sự Việt
Trung” mới định dạng là bản thảo nhưng sẽ là một cuốn sách, không chỉ giới hạn
trong phạm vi bạch hóa những mảng khuất lấp của cuộc chiến 10 năm ở biên giới
phía Bắc chống quân bành trướng Trung Quốc, mà còn là tác phẩm biên khảo có hàm lượng trí tuệ cao, với những bài
bình luận sắc sảo về mối quan hệ Việt Trung
từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa ra đời đến nay. Trong phạm vi hạn hẹp, người viết bài này không thể đi
sâu vào chi tiết toàn bộ mà chỉ điểm xuyết qua những phần tiêu biểu. Muốn có
cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến Vị Xuyên, nhất là trận đánh thất bại mang mật
danh MB 84 ngày 12 tháng 7 năm 1984, xin hãy đọc toàn văn cuốn sách này.
HG, tháng 11 năm 2019
(Những ngày gió lạnh từ phương Bắc tràn về)
T.V.
* Nguyên tác một đoạn trong “Chinh phụ ngâm
khúc” (征婦吟曲)của Đặng Trần Côn (鄧 陳 琨), bản dịch được cho là của Đoàn Thị Điểm (段 氏 點)
祈 山 舊 塚 月 茫 茫
淝 水 新 墳 風 裊 裊
風 裊 裊 空 吹 死 士 魂
月 茫 茫 曾 照 征 夫 貌
征 夫 貌 兮 誰 丹 青
死 士 魂 兮 誰 哀 弔
Phiên
âm:
Kỳ sơn cựu trủng nguyệt mang mang
Phì thuỷ tân phần phong niểu niểu
Phong niểu niểu không xuy tử sĩ hồn
Nguyệt mang mang tằng chiếu chinh phu mạo
Chinh phu mạo hề thùy đan thanh
Tử sĩ hồn hề thuỳ ai điếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét