Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

CUỘC CHIẾN XÂM LƯỢC CỦA TÀU NĂM 1979 & LÒNG 'VỊ THA - NHÂN TỪ ' CỦA MỘT SỐ NGƯỜI VN

1. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Đặng Tiểu Bình ra lệnh mở cuộc tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Việt Trung. Trước đó không lâu, trong chuyến thăm Hoa Kỳ, để lấy lòng giới chức Mỹ vẫn chưa nuốt trọn nỗi đau Việt Nam, họ Đặng tuyên bố tại Mỹ rằng ' Việt Nam là kẻ côn đồ, phải dạy cho Việt Nam một bài học '.
Chính quyền TQ huy động 600.000 quân, tấn công toàn tuyến biên giới của chúng ta. Lịch sử các cuộc chiến xâm lược Việt Nam của người Tàu chưa từng có cuộc điều quân nào có quy mô quân số lớn và các hướng tấn công rộng khắp như cuộc chiến năm 1979.
Lính Trung Quốc tiến tới đâu là làng xóm, phố thị bị san bằng, dân lành vô tội bị giết hại. Tội ác của lính Tàu khiến trời không dung, đất không tha! Rất nhiều tài liệu xác thực và tin cậy chứng minh tội ác của giặc xâm lăng Trung Quốc. Những ai có lương tri không thể không biết điều này.
Ban đầu Việt Nam có phần bị bất ngờ, nhưng ngay sau đó, quân đội của chúng ta chặn đứng các mũi tấn công của địch, diệt và bắt sống nhiều lính Tàu. Vì thế, họ Đặng phải cử Hứa Thế Hữu, một viên tướng khát máu thay Dương Đắc Chí làm tổng chỉ huy cuộc viễn chinh xâm lăng Việt Nam.

Lo ngại trước sự đáp trả bằng vũ lực của Liên Xô để bảo vệ đồng minh được ghi thành điều khoản bảo vệ nhau trong Hiệp ước Hòa bình - Hữu nghị Việt Xô (1978), Đặng Tiểu Bình rút quân sau gần một tháng tấn công Việt Nam.
Nhưng việc rút quân không có nghĩa kết thúc cuộc chiến. Trung Quốc không buông tha Việt Nam. Giới chức Trung Nam Hải muốn Viêt Nam suy kiệt và buộc phải rút quân khỏi Cambodia bằng cách gây ra cuộc chiến không tuyên bố, gặm nhấm đất đai của chúng ta ở vùng biên giới và cưỡng chiếm biển đảo của ta ngoài biển Đông suốt mười năm sau đó.
Năm 1984, hàng ngàn lính Việt Nam ngã xuống ở mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đây là trận đánh đẫm máu nhất trong hàng trăm trận đụng độ giữa quân đội hai nước sau cuộc đại tấn công năm 1979 của giăc Tàu.
Năm 1988, họ Đặng xua quân cưỡng chiếm bảy đảo và bãi đá chìm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Đảo Gạc Ma là nơi lính xâm lược Trung Quốc xả súng đại liên vào 64 chiến sĩ công binh hải quân của chúng ta, coi bộ đội Việt Nam như những bia sống để chúng nã đạn vào.
Cuộc chiến thâm hiểm này chỉ chấm dứt khi các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng ký Hiệp ước Thành Đô ngày 3/9/1990.
2. Sau Hội nghị Thành Đô, hai nước Việt Trung mở rộng các mối liên hệ chính trị, kinh tế, văn hóa. Điều này phù hợp với chính sách của Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, không phân biệt các chế độ chính trị. Tuy nhiên, điều khác thường là, người ta muốn quên đi cuộc chiến với người anh em cùng ý thức hệ cộng sản. Báo chí và truyền thông ở Việt Nam không đề cập tới sự kiện đẫm máu này nữa, các bài hát, bản nhạc ca ngợi tình thần yêu nước chống giặc Tàu xâm lược được lưu kho, một số nghĩa trang liệt sĩ chống Tàu bị đục bỏ bia mộ. Trong khi đó các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ được tuyên truyền mà không gặp bất kỳ sự cấm cản nào.
Sách giáo khoa lịch sử soạn dạy học trò chỉ ghi vài dòng về câu chuyện bi hùng này. Lịch sử bị lãng quên!
Điều lạ lùng là một số người Việt đã quên, hay cố quên, tội ác của nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra cho đồng bào mình, dồng chí, đồng đội mình. Họ quay sang ca ngợi kẻ giết hại dân mình chỉ mới 20 năm trước.
Một số nhà xuất bản ở Việt Nam cho dich, in và tái bản các sách người Tàu viết ca tụng Đặng Tiểu Bình như vĩ nhân không chỉ của Trung Quốc mà là của nhân loại. Ôi trời! Chuyện gì đang xảy ra? Mấy người làm điều trái khoáy kia có còn là con dân nước Việt?
Ông Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN hiện thời, nhà báo Hồ Quang Lợi có 30 năm làm việc ở Báo QĐND, trước khi đươc điều đến Báo Hà Nội Mới, nắm chức TBT vào năm 2008, đã cho in những bài báo ca ngợi tướng Hứa Thế Hữu, coi y là danh tướng là học trò xuất sắc của Mao Trạch Đông !
3. Đức Phật dạy học trò và phật tử đức từ bi, nhưng Ngài chưa bao giờ dạy chúng ta ca tụng kẻ giết người.

Không có nhận xét nào: