21/02/20, 10:26 Trung Quốc 8,651
Kể từ khi tỉnh Hồ Bắc đóng cửa do sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán đến nay, nhà văn Phương Phương đã bắt đầu viết ra những gì cô thấy và nghe được ở Vũ Hán dưới dạng nhật ký. Những bài nhật ký ngắn này đã trở thành nhiều ô cửa sổ để cư dân mạng có thể nhìn thấy tình hình hiện tại ở Vũ Hán.
Các bài viết của cô đã được cư dân mạng lan truyền rộng rãi trên nhiều nền tảng xã hội trực tuyến, nhưng những dòng ghi chép rung động lòng người này đã động chạm đến những điều cấm kị của nhà cầm quyền, vì vậy cô đã bị cấm phát ngôn trên Weibo vào đầu tháng 2.
Gần đây, một đoạn nhật ký của Phương Phương được cư dân mạng yêu thích và lan truyền đã viết: “Nhóm bạn học trung học hôm nay đều khóc vì cô ấy, những người bạn học luôn hát vang bài ca hoàng kim, lần này lại nói rằng: ‘Không bắn chết một đám yêu tinh hại người, không thể nguôi được cơn phẫn nộ của người dân!'”.
Vào ngày 16/2, Phương Phương đã mô tả thảm họa hiện tại ở Vũ Hán như sau: “Tôi học tập, sinh sống ở Vũ Hán, bạn bè, hàng xóm của tôi ở đây. Các bài viết của tôi đều công khai, nếu tôi thêu dệt, họ không biết ư? Gia đình đạo diễn Thường Khải của xưởng phim Hồ Bắc, hết người này đến người khác qua đời. Những lời của ông lúc lâm chung, thê lương và bi thảm, khiến người ta đau xé ruột. Chẳng lẽ đó cũng là những tin tức bịa đặt?
Tai họa là cái xe chở thi thể tới nơi hỏa táng, trước đây một xe chỉ chở một thi thể, và có quan tài. Còn bây giờ là đưa thi thể vào chiếc bao, một xe chở mấy thi thể. Tai họa là không phải cả nhà chỉ một người chết, mà là chết toàn bộ chỉ trong vài ngày hoặc nửa tháng.
Tai họa là bạn mang cơ thể đau đớn vì bệnh tật gõ cửa các bệnh viện trong trời mưa lạnh giá, mong có một chiếc giường bệnh để nằm xuống, nhưng chẳng nơi nào tiếp nhận. Tai họa là khi bạn ở nhà chờ thông báo của bệnh viện nhưng khi thông báo đến, bạn đã ngừng thở.
Tai họa là người bệnh nặng vào viện, nếu chết, lúc vào viện chính là lúc vĩnh biệt người nhà, chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại. Bạn nghĩ rằng người chết còn được thân nhân tiễn đưa ở nhà tang lễ? Người chết còn được hưởng tôn nghiêm? Không còn. Chết là chết, lập tức được mang đi hỏa thiêu.
Giai đoạn đầu của dịch bệnh, thiếu người, thiếu giường, nhân viên y tế không được bảo hộ đầy đủ dẫn đến lây bệnh diện rộng. Nhân viên hỏa táng không đủ, xe chở thi thể không đủ. Thi thể có virus, buộc sớm hỏa thiêu. Các bạn biết điều đó không? Không phải người ta không tận tụy với công việc mà là tai họa ập đến, họ đã dốc hết sức thậm chí làm việc quá giới hạn… Trong tai họa, không có phút nào yên ả. Chỉ có người nhắm mắt không cam tâm, chỉ có người thân ruột đau như cắt…
Sự hỗn loạn của thời kỳ đầu đã đỡ. Theo tôi biết, đã có những báo cáo nhằm quan tâm hơn, nhân văn hơn với người chết vì viêm phổi lẫn thân nhân của họ. Trong đó có việc gìn giữ di vật của người chết, đặc biệt là điện thoại di động. Các báo cáo kiến nghị thu gom điện thoại, sau đó sát khuẩn. Giới chức sẽ căn cứ thông tin trên điện thoại để tìm cách liên hệ thân nhân người chết.
Thế giới này, điều làm tôi còn nuôi hy vọng, chính là nhờ những người lương thiện, sáng suốt đang nỗ lực, bận rộn mỗi ngày”.
Trong nhật ký của mình vào ngày 13/2, Phương Phương nói, hầu hết mọi người ở Vũ Hán đều bị tổn thương về mặt tâm lý. “Cho dù đó là một người khỏe mạnh (bao gồm cả trẻ em) đã ở trong nhà hơn 20 ngày, hay là một bệnh nhân bôn ba khắp nẻo đường trong cơn mưa lạnh lẽo, hay là các thành viên trong gia đình tiễn đưa người thân vào xe chở xác, và những nhân viên y tế nhìn từng bệnh nhân chết đi mà không thể cứu chữa…. Những tổn thương này có thể sẽ còn nhức nhối trong một thời gian dài. Sau khi dịch bệnh kết thúc, tôi nghĩ cần một số lượng lớn các chuyên gia tư vấn tâm lý đến Vũ Hán”.
“Mọi người cần phải trút ra, cần phải khóc lớn, cần phải phàn nàn, cần phải yên lòng. Nỗi đau của người Vũ Hán không thể được xoa dịu chỉ bằng những câu khẩu hiệu”, Phương Phương viết.
Phương Phương, người từng giữ chức chủ tịch Hội Nhà văn Hồ Bắc, trong nhật ký lần này cũng đã ghi lại một số hiện tượng xấu để giúp con người tỉnh ngộ.
Trong đó có một phần nhật ký mô tả một số quan chức được phái đến để hỗ trợ Vũ Hán, sau khi đến Vũ Hán, họ giương cao lá cờ đỏ và chụp ảnh tập thể, chụp xong liền ném quần áo bảo hộ vào thùng rác bên lề đường.
Video: Quan chức TQ chụp ảnh khoe công trạng rồi vứt đồ bảo hộ vào thùng rác
“Bạn bè nói, họ muốn làm gì vậy? Làm sao tôi biết được? Tôi nghĩ đây là thói quen của họ. Từ lâu họ đã quen với việc làm hình thức và khoe khoang trước tiên”.
Phương Phương tiếp tục viết: “Khi nào các quan chức đi làm mà không cầm cờ, không chụp ảnh lưu niệm, khi nào mới không có người hát bài ca cảm ơn và diễn trò khi có lãnh đạo kiểm tra, lúc đó mới gọi là hiểu được thường thức cơ bản, khi đó mới hiểu được cái gì gọi là thiết thực. Nếu không thì khổ nạn của người dân có thể hết được sao?”.
Minh Huy (Theo NTDTV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét