(Quan hệ quốc tế) - 5h sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc chính thức mở cuộc chiến tranh xâm lược và nhân dân Việt Nam đã viết tiếp những trang sử hào hùng chống ngoại xâm.
Trung Quốc huy động hơn 60 vạn quân tấn công Việt Nam
Ngày 17/02/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc được sự yểm trợ của gần 800 xe tăng, xe bọc thép, trọng pháo, đã đồng loạt nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (từ trái sang phải theo tuyến biên giới là Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh).
Theo Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, cánh quân Quảng Tây (phía đông) do Hứa Thế Hữu chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân (TĐQ) 41, 42, 43, 54, 55 và TĐQ 50 (thiếu sư 149, phối thuộc cho cánh quân Vân Nam), tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng.
Trong đó, hướng Lạng Sơn do TĐQ 43, 54, 55 phụ trách, còn hướng Cao Bằng do TĐQ 41, 42, 50 đảm nhận nhiệm vụ tấn công.
Cánh quân Vân Nam (phía tây) do Dương Đắc Chí - tư lệnh Đại Quân khu Thành Đô chỉ huy, bao gồm các TĐQ 11, 13, 14 và sư 149/TĐQ 50 đảm nhiệm tấn công vào hướng tây bắc Việt Nam, với trọng điểm là Lào Cai (trước thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, nay tách ra thành Lào Cai và Yên Bái).
Hướng Hoàng Liên Sơn do TĐQ 13, 14 phụ trách tấn công; hướng Lai Châu có TĐQ 11; hướng Quảng Ninh, Hà Giang (trước thuộc tỉnh Hà Tuyên, nay tách thành Hà Giang, Tuyên Quang) mỗi nơi cũng có từ 1-2 sư đoàn.
Hai mũi tiến công chủ yếu của Trung Quốc sang lãnh thổ Việt Nam |
Tổng số quân Trung Quốc được huy động vào khoảng 620.000 quân, trong đó có hơn 300.000 quân chủ lực, được coi là thiện chiến nhất khi đó, núp dưới danh nghĩa bộ đội địa phương. Ngoài ra, còn khoảng hơn 300.000 dân binh, thuộc lực lượng quân dự bị.
Theo các nguồn tin của Trung Quốc, lực lượng tác chiến hỏa lực gồm có 6 trung đoàn xe tăng; 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không độc lập, với tổng số gần 800 xe tăng-thiết giáp (550 xe tăng), 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn.
Ngoài ra, hơn 200 tàu chiến của Hạm đội Nam Hải đã dàn trận ở Biển Đông và 1.700 máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc đã sẵn sàng yểm trợ ở các sân bay phía sau. Tuy nhiên, vì những lí do riêng, Hải quân và Không quân Trung Quốc đã không tham chiến.
Để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược, Trung Quốc đã huy động hàng chục vạn dân công ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch. Theo số liệu công khai, chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động.
Lực lượng tại chỗ Việt Nam
Vào thời điểm Trung Quốc nổ súng xâm lược, 3 trong số 4 Quân đoàn chính quy của Ta đang tập trung ở khu vực phía Nam, nên tuyến phòng thủ ở biên giới phía Bắc chỉ có một số sư đoàn chủ lực quân khu (phần lớn là tân binh) của Quân khu I và II cùng các đơn vị bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện; công an vũ trang (biên phòng), dân quân - du kích xã và tự vệ của các cơ quan Nhà nước.
Công an vũ trang - Bộ đội biên phòng của Ta bảo vệ vùng biên giới Việt Nam giáp với Trung Quốc năm 1979 |
Quân đoàn chủ lực duy nhất ở ngoài bắc là Quân đoàn 1 triển khai lực lượng xây dựng một phòng tuyến bảo vệ thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là Trung Quốc đột phá qua tuyến phòng thủ biên giới, tiến sâu xuống vùng châu thổ sông Hồng.
Lực lượng tinh nhuệ nhất của phía Việt Nam đứng chân trên khu vực biên giới Việt-Trung là Sư đoàn 3 (đóng ở Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại Sa Pa). Ngoài ra, còn có các sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong Thổ, Lai Châu.
Lực lượng độc lập của ta gồm các trung đoàn 141, 147, 148, 197, trung đoàn pháo binh 68, các trung đoàn quân địa phương 95, 121, 192, 254 và 741.
Đến ngày 18 và 19-2, chúng ta lần lượt bổ sung hai sư đoàn 327 của Quân khu III từ Quảng Ninh lên tiếp viện Quân khu I và sư đoàn 337 của Quân khu IV từ Nghệ An ra bắc, lên tiếp viện thẳng cho mặt trận chính ở Lạng Sơn.
Để đối phó với lực lượng tấn công tới 60 vạn quân của Trung Quốc, lúc đó lực lượng phòng thủ biên giới của chúng ta chỉ có tổng cộng khoảng 7 vạn quân.
Đến cuối giai đoạn 2 và đầu giai đoạn 3 của cuộc chiến (theo như kế hoạch của Trung Quốc), Việt Nam mới quyết định tung lực lượng chủ lực tham chiến.
Sư đoàn 316 và Sư đoàn 345 Việt Nam phòng thủ chống sự tiến công của 2 TĐQ Trung Quốc |
Ngày 27/2, Quân đoàn 2 chủ lực của Bộ quốc phòng được lệnh cơ động từ chiến trường biên giới Tây Nam lên miền bắc. Ngày 03/3, Bộ Quốc phòng đã quyết định sử dụng đến các đơn vị chủ lực cơ động chiến lược của Quân đoàn 1 (tức Binh đoàn Quyết Thắng) đang ở miền Bắc.
Tuy nhiên, do Quân đoàn 2 ở quá xa, Quân đoàn 1 mãi đến ngày 03/3 mới được lệnh lên biên giới nên khi các đơn vị chủ lực của ta triển khai xong thì Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 05/03, ngay sau khi Lệnh tổng động viên toàn quốc để quét sạch bè lũ xâm lăng của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được công bố vào ngày hôm đó.
Như vậy, về cơ bản là hơn 60 vạn quân chủ lực Trung Quốc chỉ phải đối đầu với lực lượng bộ đội địa phương và dân quân-tự vệ của Việt Nam, còn các lực lượng bộ đội chủ lực của Việt Nam chưa hề tham chiến, mà chủ yếu làm công tác truy kích, lập thế trận bảo vệ sau khi Trung Quốc rút quân.
Diễn biến chính và kết quả
Theo kế hoạch đã vạch sẵn, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam được Trung Quốc chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ ngày 17 đến 27/2); Giai đoạn 2 (từ ngày 27/2-5/3): Giai đoạn 3 (từ ngày 5 đến 18/3).
Trong giai đoạn đầu, quân đội Trung Quốc dự tính sẽ phá vỡ tuyến phòng ngự đầu tiên của Việt Nam và đánh chiếm các thị xã Cao Bằng và Lào Cai, các thị trấn biên giới quan trọng là Cam Đường và Đồng Đăng, cửa ngõ ra vào Lạng Sơn.
Quân Trung Quốc đang di chuyển tại Trà Lĩnh-Cao Bằng, dẫn đầu là xe bọc thép Type 63 |
Sang giai đoạn hai, lực lượng Trung Quốc ở Quảng Tây sẽ tập trung tấn công vào Lạng Sơn và các vùng phụ cận phía tây, trong khi các cánh quân vu hồi ở Vân Nam sẽ giao chiến với sư đoàn quân chính quy của Việt Nam ở vùng Tây Bắc Sa Pa, và Phong Thổ.
Trong giai đoạn cuối, quân đội Trung Quốc sẽ “nỗ lực truy quét để tiêu diệt nốt các lực lượng Việt Nam còn sót lại trong quá trình phá hủy hệ thống quân sự tại khu vực biên giới với Trung Quốc”, trước khi hoàn thành việc rút quân vào ngày 16 tháng 3 (thực tế là 18/3).
Các chiến dịch quân sự của Trung Quốc đã được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam dọc theo biên giới kéo dài đến 900 km từ đông sang tây. Trong 30 ngày, quân Trung Quốc đã tiến hành những trận đánh lớn nhất, nhưng đạt được mục tiêu hết sức khiêm tốn so với kế hoạch đã đề ra và phải hứng chịu những thương vong lớn nhất kể từ chiến tranh Triều Tiên.
Theo tuyên bố chính thức của phía Việt Nam (còn giữ nguyên cho đến ngày nay), thành tích chiến đấu của quân đội ta như sau:
Mặt trận Lạng Sơn: Diệt 19.000 lính Trung Quốc, phá hủy 76 xe tăng, thiết giáp và 52 xe quân sự, 95 khẩu pháo-cối và giàn phóng hoả tiễn, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 4 tiểu đoàn (có hơi khác biệt so với kí sự Sư đoàn Sao Vàng).
Mặt trận Cao Bằng: Diệt 18.000 lính Trung Quốc, phá hủy 134 xe tăng, thiết giáp và 23 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 7 tiểu đoàn.
Thông báo chiến thắng của Bộ Quốc phòng Việt Nam đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 20/3/1979 |
Mặt trận Hoàng Liên Sơn (Khi đó bao gồm Lào Cai và Yên Bái, chiến sự chỉ diễn ra ở Lào Cai): Diệt 11.500 lính Trung Quốc, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp và 189 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn.
Mặt trận Quảng Ninh, Lai Châu và Hà Tuyên: (Khi đó gồm Hà Giang và Tuyên Quang, chiến sự diễn ra ở Hà Giang) diệt 14.000 lính Trung Quốc, phá hủy 4 xe tăng, thiết giáp, 6 xe quân sự, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn địch.
Trên toàn tuyến biên giới: Tổng cộng quân đội ta đã diệt 62.500 tên địch (bình quân mỗi ngày có 1 trung đoàn Trung Quốc bị loại khỏi vòng chiến); phá hủy 280 xe tăng, xe thiết giáp và 270 xe quân sự các loại, 115 khẩu pháo cối và dàn phóng hỏa tiễn các loại. Trung Quốc đã tiêu hao mất 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 ngàn tấn đạn, 55 triệu viên đạn cá nhân.
Mặc dù cuộc chiến cũng đã gây ra cho chúng ta những thiệt hại nặng nề về quân sự và kinh tế, mà hậu quả của nó chúng ta đã phải mất tới hàng chục năm mới khắc phục được, nhưng bất cứ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nào cũng không thể tránh khỏi những đau thương và mất mát.
Hơn hết, với lực lượng chỉ bằng gần 1/10 của kẻ thù và phần lớn là dân quân du kích nhưng Việt Nam đã gây tổn thương nặng cho quân địch cả về tinh thần, lực lượng và trang bị, đẩy lùi quân xâm lược ra khỏi biên giới đất nước, bảo vệ an toàn miền Bắc, viết thêm một trang sử hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc.
Thiên Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét