(Quan hệ quốc tế) - Trong cuộc chiến tranh xâm lược tháng 2/1979, Trung Quốc đã vạch một kế hoạch đánh chiếm Điện Biên Phủ.
Ngày 14/02/2020, trang web của Trung Quốc là “Sohu.com” đã có một bài viết về cuộc chiến tranh tháng 2/1979 với những thông tin mở rộng.
Lý do Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định đưa quân đánh sang miền bắc Việt Nam là để thực hiện “một hoạt động trừng phạt quy mô hạn chế”, vì Việt Nam (nằm ở phía Nam Trung Quốc) đã ngả theo phía Liên Xô (ở phía Bắc), đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của nước này.
Bài viết cho biết, vào ngày 17/02/1979, Quân đội Trung Quốc đã phát động một cuộc “phản công” chống lại Việt Nam để bảo vệ biên giới của mình. Cuộc phản công được tổ chức theo hai hướng Đông và Tây, lần lượt tương ứng với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc.
Hướng Quảng Tây là cánh quân phía đông (còn được gọi là Mặt trận phía Đông), thiết lập Sở chỉ huy tiền phương của Quân khu Quảng Châu tại Nam Ninh – thủ phủ của tỉnh Quảng Tây; đứng đầu là Tư lệnh Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) và Chính ủy Hướng Trọng Hoa (Xiang Zhonghua). Đối thủ của cánh quân này là các lực lượng của Quân khu 1 Việt Nam; chiến trường tác chiến là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Cao Bằng.
Hướng Vân Nam là cánh quân phía tây (còn được gọi là Mặt trận phía Tây), thiết lập Sở chỉ huy tiền phương của Quân khu Côn Minh ở Mông Tự, đứng đầu là Tư lệnh Dương Đắc Chí (Yang Dezhi) và Chính ủy Lưu Chí Kiên (Liu Zhijian). Đối thủ của cánh quân này là các lực lượng của Quân khu 2 Việt Nam, chiến trường tác chiến chính là các tỉnh Lai Châu, Hoàng Liên Sơn (nay tách thành Lào Cai và Yên Bái) và Hà Tuyên (nay tách thành Hà Giang và Tuyên Quang).
Trung Quốc dự định chiếm biểu tượng chiến thắng của Việt Nam
Điều ít được biết đến là trước khi cuộc chiến nổ ra, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã căn cứ vào sự thay đổi của tình hình quốc tế để đề xuất một kế hoạch chiến tranh lớn, với sự tham gia của hai quân đoàn chủ lực Trung Quốc thuộc Mặt trận phía Tây, đánh vào thị trấn chiến lược Điện Biên Phủ, thuộc huyện Điện Biên (lúc đó thuộc tỉnh Lai Châu).
Đây là thị trấn thung lũng nổi tiếng ở tầm thế giới, là một biểu tượng chiến thắng của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nếu Trung Quốc chiếm được, nó sẽ có ý nghĩa tinh thần rất lớn.
Trước khi nổ súng xâm lược ngày 17/02/1979, Quân đội Trung Quốc đã vạch kế hoạch đánh vào Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu của Việt Nam |
Tuy nhiên, việc tiến đánh vào Điện Biên Phủ là điều rất khó khăn, bởi thung lũng này nằm cách khu vực biên giới Trung Quốc thuộc tỉnh Vân Nam tới hơn 110km, trong khi chỉ cách biên giới Lào chưa đầy 10km. Nếu tấn công từ phía Bắc xuống thì sẽ mất thời gian rất lâu mới có khả năng đánh đến Điện Biên Phủ.
Do đó, Quân đội Trung Quốc dự định sẽ sử dụng hai quân đoàn chủ lực tiến từ bàn đạp đứng chân ở Châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp (Xishuangbanna) ở phía tây nam tỉnh Vân Nam, xuyên qua lãnh thổ phía bắc của Lào để đánh vào Điện Biên Phủ.
Để thực hiện kế hoạch này, Trung Quốc dự định mở một chiến dịch thọc sâu quy mô lớn tại tỉnh Phông-Xa-Lỳ (Phongsaly) ở Bắc Lào, đánh vào sườn phía Tây của Điện Biên Phủ.
Sau khi chiếm được Điện Biên Phủ, cánh quân này sẽ đánh ngược lên phía bắc từ sau lưng lực lượng phòng thủ biên giới của Việt Nam, phối hợp với mũi tấn công từ hướng chính diện của lực lượng chủ lực của Quân khu Côn Minh (Quân đoàn 13 và 14) đánh xuống phía nam, để giáp công tiêu diệt toàn bộ quân đội Việt Nam ở khu vực tây bắc.
Quá trình chuẩn bị của Quân khu Côn Minh
Ngày 31 tháng 12, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã đưa ra quyết định: Để cứu lực lượng Pol Pot, Trung Quốc phải mở rộng quy mô cuộc chiến trên lãnh thổ Việt Nam, với yêu cầu “phải tiêu diệt 5 sư đoàn địch, trước mắt phải tiêu diệt trước 2 sư đoàn, thời gian tác chiến có thể kéo dài từ 15-20 ngày”.
Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng xác định rằng, nếu tiếp tục mở rộng quy mô cuộc chiến, hai quân đoàn nữa sẽ được điều đến Vân Nam để tiếp tục tấn công từ hướng Lào.
Vào ngày 5 tháng 1 năm 1979, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã gửi một bức điện tín đến các Quân khu Thành Đô, Quân khu Vũ Hán và Quân khu Côn Minh với nội dung: Hai Quân đoàn 50 và Quân đoàn 54 (thuộc lực lượng Lục quân của Quân khu Thành Đô và Quân khu Vũ Hán) lập tức làm tốt công tác chuẩn bị cho các nhiệm vụ chiến đấu, đợi lệnh đến tập kết tại tỉnh Vân Nam, ở các khu vực giáp biên giới Việt-Trung và Trung-Lào.
Giới tướng lĩnh Trung Quốc đã tổ chức trinh sát thực địa để chuẩn bị tấn công Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Theo mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hai quân đoàn này sẽ chịu sự chỉ huy trực tiếp của Quân khu Côn Minh; phối hợp chặt chẽ với Quân đoàn 13 và Quân đoàn 14 của Quân khu này, để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trên Mặt trận phía Tây.
Ngày hôm sau, Quân khu Côn Minh đã tổ chức cuộc họp để thảo luận về việc triển khai và hỗ trợ hậu cần cho Quân đoàn 50 và Quân đoàn 54 tại Vân Nam theo lệnh của Quân ủy Trung ương, đồng thời quyết định thành lập Sở chỉ huy Tiền phương cánh phía Tây của Quân khu Côn Minh.
Lãnh đạo Sở chỉ huy Tiền phương này gồm có: Tư lệnh Tra Ngọc Thăng (Phó Tư lệnh Quân khu Côn Minh), Chính ủy Sử Cảnh Ban (Phó Chính ủy Quân khu); Tham mưu trưởng Vương Phi (Phó Tham mưu trưởng Quân khu); Chủ nhiệm Chính trị Vương Truyền An (Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu); trưởng phòng Hậu Cần Biên Khắc Tín (Cục phó Cục Hậu cần Quân khu).
Quá trình chuẩn bị của Quân đoàn 50 và 54
Sau khi nhận được lệnh của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Quân đoàn 54 thuộc Quân khu Vũ Hán ngay lập tức triển khai công tác sẵn sàng chiến đấu. Vào ngày 10 tháng 1, Tư lệnh Hán Hoài Trí thống lĩnh tất cả các sư đoàn trưởng, trung đoàn trưởng và nhân viên hữu trách của các cơ quan quân đoàn, sư đoàn; tổng cộng 36 người đã bay từ Trịnh Châu đến Côn Minh trên một chiếc máy bay HS-121 Trident.
Tối hôm đó, Dương Đắc Chí, người vừa nhậm chức chỉ huy của Quân khu Côn Minh, đã tổ chức một bữa tiệc để vinh danh Hán Hoài Trí và nhóm sĩ quan tùy tùng.
Ngày hôm sau, tham mưu trưởng Quân khu Côn Minh Tôn Can Khanh đã giới thiệu địa thế chiến đấu và tình hình quân đội của đối phương, cùng với tình hình kinh tế xã hội có liên quan trên biên giới Trung-Việt, đồng thời đề xuất một kế hoạch hành động cho Quân đoàn 54 tiến vào Vân Nam.
Theo kế hoạch hoạt động của Quân khu Côn Minh, sau khi Quân đoàn 54 đóng quân ở Vân Nam, nó đã sẵn sàng phát động cuộc tấn công từ huyện mãnh Lạp (Mengla) của Tây Song Bản Nạp thẳng đến Điện Biên Phủ. Sau đó phối hợp với mũi tấn công từ hướng chính diện của Quân đoàn 13 và 14 cùng tiêu diệt quân Việt Nam ở vùng tây bắc.
Điện Biên phủ cách Mãnh Lạp, thuộc Khu tự trị Tây Song Bản Nạp của tỉnh Vân Nam-Trung Quốc khoảng 150km |
Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc cho rằng, Điện Biên Phủ là nơi mà cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam đã giành được chiến thắng quyết định nên nếu quân đội Trung Quốc đánh chiếm được thung lũng này, chắc chắn sẽ tạo ra một cú sốc tầm cỡ quốc gia đối với Việt Nam và gây ra một ảnh hưởng cực lớn trên trường quốc tế.
Một tuần sau đó, Tư lệnh Hán Hoài Trí và nhóm sĩ quan tùy tùng của ông ta đã đến khu vực Mãnh Lạp để khảo sát địa hình, tìm hiểu điều kiện đường xá và nắm vững binh yếu địa chí có liên quan. Trước khi xuất quân, các cơ quan quân đoàn đã chỉ rõ trên bản đồ vị trí các địa điểm tập kết và cửa khẩu, đường xuất biên cho các đơn vị bộ đội; sau đó tổ chức riêng biệt nhiều toán cán bộ các sư đoàn lần lượt đi trinh sát thực địa, nắm vững địa điểm tập kết của các đơn vị trực thuộc.
Cũng trong thời điểm đó, Tư lệnh Quân đoàn 50 Trương Chí Lễ cũng thống suất 19 sĩ quan tùy tùng đến Vân Nam trinh sát thực địa, đồng thời gặp gỡ các sĩ quan của Quân khu Côn Minh và Quân đoàn 54 để bàn bạc về kế hoạch tác chiến. Việc chuẩn bị trước cho chiến tranh được Quân đoàn 13, 14 và các đơn vị khác thuộc Quân khu Côn Minh; cùng với Quân đoàn 50 và Quân đoàn 54 tiến hành hết sức khẩn trương
Bỏ kế hoạch đánh Điện Biên Phủ là may cho Trung Quốc?
Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng hai quân đoàn đánh xuyên qua Bắc Lào, trực tiếp xâm nhập vào Điện Biên Phủ, chọc thủng phòng tuyến trung tâm phía tây bắc của Việt Nam, cuối cùng đã không được thực hiện. Lý do chính là quân đội Việt Nam đã có những bước tiến thần tốc trên chiến trường Campuchia, nằm ngoài dự đoán của Trung Quốc.
Trước thực tế tình hình ở Campuchia là “không thể đảo ngược”, cùng với đó là tư tưởng chỉ đạo về một cuộc chiến tranh trừng phạt có quy mô giới hạn về chiều sâu của chiến dịch (giới hạn là 50km), nên kế hoạch triển khai một chiến dịch xuyên phá vào khu vực tây bắc Việt Nam đã bị hủy bỏ và Sở chỉ huy Tiền phương cánh phía tây của Quân khu Côn Minh cũng đã bị giải tán.
Nếu Trung Quốc đánh vào Điện Biên Phủ, thất bại của họ sẽ còn nặng nề hơn nữa |
Các lực lượng của Quân đoàn 50 và 54 ban đầu dự kiến sẽ tiến vào Vân Nam nhận lệnh ở lại Quảng Tây. Ngoại trừ Sư đoàn 149 của Quân đoàn 50, vốn được chỉ định là lực lượng dự bị chiến dịch cho Quân khu Côn Minh và khi đó đã đến Vân Nam (sau đó tham chiến ở Mặt trận phía Tây), đại bộ phận binh lực của quân hai quân đoàn này được đưa vào làm lực lượng dự bị cho Quân khu Quảng Châu, sau đó trực tiếp tham chiến ở Mặt trận phía đông.
Ở toàn tuyến biên giới, quân Trung Quốc bị sa lầy trong thế tranh chiến tranh nhân dân của ta, tính riêng ở Lai Châu, mãi đến ngày ngày 3/3, quân Trung Quốc mới chiếm được thị trấn Phong Thổ, Pa Tần và đến 5/3 mới chiếm được Dào San (cách biên giới Việt-Trung chưa đầy 20km), nhưng gặp phải sự phản công quyết liệt của ta, đến 10/3 địch rút khỏi mặt trận Lai Châu về bên kia biên giới.
Nếu giới tướng lĩnh ở Bắc Kinh liều lĩnh mở chiến dịch đánh Điện Biên Phủ, cách huyện Mãnh Lạp (Tây Song Bản Nạp, Vân Nam) trên biên giới Trung-Lào khoảng 150km và cách biên giới Việt-Trung đoạn gần nhất ở Vân Nam, Trung Quốc là hơn 110km, thì hai cánh quân của họ sẽ không thể phối hợp tác chiến vì cách nhau quá xa, nên lực lượng Trung Quốc đánh Điện Biên Phủ sẽ bị sa lấy ở đây và hoàn toàn có thể bị tiêu diệt sạch, hoặc may mắn là bỏ chạy qua Lào về nước. Có thể đây chính là lý do Trung Quốc phải hủy bỏ hướng tấn công này.
- Thiên Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét