Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Người dựa vào đức thì hưng, người dựa vào lực thì vong


Lật lại lịch sử cổ xưa có thể thấy, những cá nhân hay minh quân nào kính trọng trời đất, hiền lương, dùng đạo đức trị vì thì chắc chắn có thể thu được nhiều lợi ích. Gia đình của cá nhân ấy cũng bình an và dân chúng của vị vua ấy cũng nhờ đó mà được hưởng cuộc sống mưa thuận gió hòa, sung túc an vui. Trái lại, những cá nhân hay hôn quân nào dựa và bạo lực để cai trị thì bản thân người ấy, gia đình người ấy gặp họa, vương triều của vị Vua ấy chết yểu, dân chúng sống lầm than.
đạo đức Người dựa vào đức thì hưng, người dựa vào lực thì vong
Trong cuốn cổ thư “Sử ký” có ghi rằng: “Thị đức giả xương, thị lực giả vong”, nghĩa là người dựa vào đạo đức tốt lành nhất định sẽ được hưng thịnh, kẻ dựa vào bạo lực nhất định sẽ bị diệt vong. Trong “Tả truyện” cũng ghi: “Đức là nền tảng của đất nước”. Từ thời cổ đại đến nay, từ cá nhân hay các ngành nghề trong xã hội đều giảng phải coi trọng đạo đức. Người tinh thông võ thuật nhất định phải coi trọng võ đức. Người hành y tế thế giảng phải có y đức. Người làm ăn buôn bán cũng giảng phải có thương đức. Người dạy học phải có sư đạo. Đạo đức là nền tảng để một quốc gia hưng thịnh, phồn vinh, cũng là quy phạm căn bản làm người.

Trong “Lễ Ký” viết: “Con người tâm phục bởi đức, không phục bởi lực”. Các bậc hiền nhân, người có đạo đức cao thượng trong lịch sử đều khinh bỉ bạo lực.
Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử cũng viết: “Binh đao là vật không cát tường, người quân tử chẳng nên dùng nó, bậc thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng. Người quân tử ưa sống điềm đạm. Thắng không có mừng. Mừng vì thắng hẳn là tâm địa kẻ thích giết người. Kẻ thích giết người thì không thể cai trị thiên hạ.”
Bất luận là việc quốc gia đại sự hay đối nhân xử thế đều phải dựa vào đức hạnh cao thượng để thu phục lòng người. Việc dựa vào bạo lực mà làm thì có thể khiến người khác nhất thời khuất phục, nhưng cuối cùng chỉ có thể là “mua dây buộc mình”, tự rước lấy sự hổ thẹn mà thôi. Từ lịch sử có rất nhiều bài học làm minh chứng cho điều này.
Hoàng đế nhà Tùy, Tùy Dạng Đế, dùng chính sách bạo lực, từng lạm sát dân chúng, cuối cùng nhà Tùy trở thành vương triều yểu mệnh trong lịch sử.
Thương Trụ Vương, vị Vua cuối cùng của nhà Thương, hoang dâm vô độ, lạm sát bề tôi trung thành, giết hại dân chúng lương thiện mà khiến nhà Thương tiêu vong.
Cổ nhân có câu: “Đắc dân tâm giả đắc thiên hạ”, người được lòng dân thì được cả thiên hạ hay “muốn yên được thiên hạ thì phải có được lòng người.” Việc cai trị hà khắc khiến dân sợ hãi thì chớ có làm, bởi vì dù bách tính hiền lành, ngờ nghệch, có thể chịu nghèo đói, có thể chịu cúi đầu, nhưng vẫn luôn có giới hạn của nó. Vua là thuyền, dân là nước, “nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”.
Gia Cát Lượng lấy trí tuệ, nhẫn nại, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, bảy lần tha, cuối cùng khiến đối phương tâm phục khẩu phục, triệt để quét sạch ẩn họa cho nước Thục ở phía nam.
Đường Thái Tông Lý Thế Dân từng nói: “Lấy đồng làm gương thì có thể chỉnh sửa lại mũ áo; lấy lịch sử làm gương thì có thể biết được thịnh suy đổi thay; lấy người làm gương thì có thể minh bạch được mất.” Ông là một trong những vị Hoàng đế dựa vào đức hạnh mà tạo lập nhà Đường phồn thịnh, dân chúng an vui.
Khang Hy hoàng đế tám tuổi lên ngôi, làm vua trị vì đất nước suốt 61 năm, là một trong những nhà cai trị tại vị lâu nhất trong lịch sử thế giới. Thời gian tại vị của ông được xem là mở đầu của “Khang Càn thịnh thế” kéo dài hơn 100 năm. Có thể làm được điều ấy chính là bởi vì Khang Hy là vị vua lấy dân làm gốc, dùng đức cai trị đất nước.
Mỗi một triều đại hưng thịnh hoặc làm nên cơ nghiệp lớn trong lịch sử đều có yêu cầu nghiêm khắc đối với đức hạnh của người làm vua, làm quan. Đồng thời phải đặt đạo trị quốc “lấy dân làm gốc” lên hàng đầu. Còn sự lụi tàn của chúng trong lịch sử cũng đều là do sự bạc nhược, yếu kém, và sa đọa của triều chính. Đây cũng là bài học quý giá mà lịch sử nói cho hậu thế ngày nay.
An Hòa

Không có nhận xét nào: