Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Nguyên soái Dmitry Yazov nói thật, yêu cầu đăng khi qua đời

Nguyên soái Dmitry Yazov nói thật, yêu cầu đăng khi qua đời

(Hồ sơ) - Vị Nguyên soái cuối cùng của Liên Xô trả lời phỏng vấn báo “Sự thật Komsomol”- và yêu cầu chỉ đăng sau khi ông qua đời.


Nguyen soai Dmitry Yazov noi that, yeu cau dang khi qua doi
Vị Nguyên soái cuối cùng của Liên Xô, Dmitry Yazov, vừa qua đời.               Ảnh: Alexey Druzhinin / TASS
Vị Nguyên soái cuối cùng của Liên Xô, Dmitry Timofeevich Yazov, đã qua đời ngày 25 tháng 2 tại Moscow sau một thời gian dài bị bệnh.
Dmitry Timofeevich Yazov cũng là Bộ trưởng Quốc phòng cuối cùng của Liên Xô. Ông giữ chức vụ này từ 1987 cho đến 1991, khi Liên Xô sụp đổ.
Trước ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của Nguyên soái Yazov, phóng viên báo “Sự thật Komsomol” Victor Bôronets đã có cuộc phỏng vấn ông. Khi tác giả mang bài báo đến để xin ý kiến, ông nói: "Vài hôm nữa anh hẵng tới nhé".

Yazov sau đó đã gạt bỏ rất nhiều phần nói về Gorbachev và Yeltsin, về Putin và Serdyukov ... Còn phiên bản đầy đủ của bài phỏng vấn, vị nguyên soái nở một nụ cười hơi buồn và nói: “Sau khi tôi chết hãy đăng... Hiện giờ, tôi sẽ giữ im lặng về một số tình tiết và một số người. Bởi vì thể nào cũng sẽ có những tranh cãi, sẽ có người phật ý. Còn ở vào hoàn cảnh của tôi, không thể tham gia vào các cuộc tranh luận được nữa rồi”.
Và đây cuộc trò chuyện ban đầu với Dmitry Yazov – đúng như lời di huấn của ông… 
Rời ghế nhà trường là ra luôn mặt trận
PV: - Vì sao ông tham gia chiến tranh trước tuổi?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Tôi sinh ngày 8/11/1924. Khi chiến tranh bắt đầu, tôi chưa đầy 17 tuổi. Tôi cùng các bạn cùng lớp chạy lên Hội đồng tuyển quân, nhưng ở đó, chúng tôi không được tiếp nhận vì chưa đủ tuổi. Sau đó, tôi nói dối là sinh năm 1923. Thế là, họ ghi tên tôi vào danh sách. Thế là tôi phải chạy vạy lo làm lại giấy tờ tùy thân.
PV: Nhưng ông có thẻ đoàn viên Komsomol cơ mà?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Có. Nhưng tôi không đưa cho họ xem. Vì vậy, suốt 50 năm trời tôi công tác với năm sinh là 1923.
PV: - Sau khi trúng tuyển quân sự, ông làm gì?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Tôi được gửi đến thành phố Novosibirsk. Trường quân sự Moscow mang tên Xô viết Tối cao đã được sơ tán tới đó. Chúng tôi tập bắn, tập bò, học đào công sự, rồi học cách gài mìn diệt xe tăng. Trong vòng 2 tháng, chúng tôi phải học tất cả những thứ mà người ta thường phải học mất 3 năm.
Sau đó, chúng tôi được đưa đến Moscow, đến nhà ga Kursk. Chúng tôi đi bộ đến Lefortovo. Ở đó có một ngôi trường quân sự, nhưng tất cả đã ra mặt trận, nên trong khuôn viên của trường, người ta thành lập các đơn vị dân quân tự vệ.
Vào tháng Bảy, chúng tôi ra trường với quân hàm Trung úy. Chiến dịch "Iskra" đã được chuẩn bị. Một tiểu đoàn của chúng tôi đến Mặt trận Leningrad, tiểu đoàn thứ hai - đến Volkhovsky.
Tới Volkhovsky, chúng tôi được biên chế vào sư đoàn 177. Mặc dù đã là một sĩ quan, nhưng khi đó tôi còn quá trẻ! Trong khi, nhiều chiến sỹ trong sư đoàn đã tầm 45-50 tuổi.
PV: - Và chính xác là khi đó đơn vị ông đóng ở đâu?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Ở Pogost gần Leningrad. Tiểu đoàn của chúng tôi hành quân bộ 50 km từ Đại bản doanh mặt trận đến Pogost. Phải cuốc bộ trong tình trạng bụng đói cồn cào. Ba người được phát một gói hạt mạch, gọi là khẩu phần lương khô.
Chúng tôi nhai hạt mạch rồi đi ngủ để sáng hôm sau báo cáo ra mắt với chỉ huy sư đoàn. Chỉ huy sư đoàn không có ở đó. Chúng tôi đành báo cáo với Tham mưu trưởng sư đoàn.
Họ dẫn chúng tôi vào rừng, ở đó đã có 400 sĩ quan, chiến sỹ của sư đoàn đang tập hợp trên một khoảng trống rộng lớn. Chúng tôi được xếp đứng vào sườn bên trái.
Đứng trước hàng quân là chỉ huy và chính ủy sư đoàn, công tố viên, thẩm phán và người ta bắt đầu đọc lệnh: xử bắn thiếu úy Stepanov vì anh này đã rời vị trí khi quân Đức tấn công... Người này bỏ chạy, nhưng trung đội của anh ta đã đẩy lùi được cuộc tấn công của quân Đức. Khi đó, mênh lệnh số 227 của Stalin cũng vừa mới ban hành.
PV: Không được lùi một bước!
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Đúng thế. Ngày hôm đó, chúng tôi, những trung úy trẻ, vừa đến kịp để dự buổi xử tử viên thiếu úy Stepanov này.
Người ta đào một cái huyệt, dưới đó chứa đầy nước rỉ sét. Họ bắn vào sau gáy, anh ta ngã xuống. Người ta ném những nắm rêu xuống đó, thế là xong ...
Nguyen soai Dmitry Yazov noi that, yeu cau dang khi qua doi
Dmitry Timofeevich Yazov duyệt binh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại.                               Ảnh: Kho lưu trữ ảnh TASS
"Nghỉ phép" trong chiến hào
PV: Cuộc chiến đầu tiên của ông diễn ra ở đâu?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Ở nhà ga Progoste. Sư đoàn 177 của chúng tôi đang chuẩn bị tấn công. Chúng tôi có nhiệm vụ phải vượt qua hàng phòng thủ của kẻ thù. Tôi dẫn trung đội của mình tới đó. Một quả đạn của Đức rơi xuống đầm lầy, nhấc bổng tôi lên kèm theo một tiếng nổ xé tai... Tôi có cảm giác như mình bị thương ở chân. Tôi được đưa vào bệnh viện dã chiến tại nhà ga Gulalevo.
Khi trở về đến trung đoàn, đồng chí Tham mưu trưởng sư đoàn mừng rỡ: “Chà, Yazov! Thật may là cậu đã về! Và tiếp theo là một tiếng thở dài: "Kostya Soloviev đã hy sinh rồi!"
Trung úy Soloviev và tôi cùng học và tốt nghiệp một khóa, chúng tôi cùng về sư đoàn với nhau. Tham mưu trưởng nói: "Cậu hãy tiếp nhận đại đội của Soloviev nhé" Tôi đến tiếp nhận đại đội. Thay vì nghỉ phép dưỡng thương, phải lao vào ngay trận chiến ...
PV: - Đại đội của ông khi đó có bao nhiêu người?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Khoảng 13 người. Còn theo biên chế phải là - 100. Binh sỹ bị tổn thất nặng nề. Và chúng tôi lại chuẩn bị tấn công. Mỗi trung đội đều có súng máy. Có rất nhiều súng máy, nhưng chả có người để sử dụng! Bởi vì mỗi ngày quân Đức lại xẻo đi một ít quân lính của ta. Có khi, một ngày – mất một phần ba người chết và bị thương.
Và một đại đội thưa thớt như vậy phải chắn giữ cả một cây số dọc theo mặt trận. Chúng tôi phủ quanh các ụ súng bằng những túi cao su dày. Cao su làm cho đạn bị nảy ra, không xuyên qua được. Và khi cần phải bò lên phía trước, chúng tôi giữ những lá chắn bọc thép trước mặt.
PV: Những tấm lá chắn đó có nặng không?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Khoảng 10-15 kg. Nhưng đến tháng Giêng, mọi việc trở nên dễ dàng hơn vì đầm lầy đã đóng băng. Chúng tôi bắt đầu cuộc tấn công vào ngày 12 tháng 1 năm 1943. Và rồi chúng tôi cũng phá vỡ được vòng phong tỏa Leningrad. Và trong những trận chiến đấu ở đây, tôi bị thương lần thứ hai vì mảnh lựu đạn.
Thấy một tên lính Đức ném lựu đạn, tôi cúi gập người xuống. Miệng vừa hét lên để cảnh báo cho quân lính của mình thì quả lựu đạn phát nổ. Ở đây, ngay dưới mắt tôi vẫn còn mảnh lựu đạn cho đến giờ.
PV: - Tại sao ông không làm phẫu thuật để gắp ra?Nguyên soái Dmitry Yazov: - Dây thần kinh của mắt đi qua đó. Không khéo có thể bị mù. Tôi được điều trị trong trạm quân y tiểu đoàn. Những lúc thay băng phải chạy vội từ tiền duyên về, vì tôi vẫn còn phải chỉ huy đại đội. Và các vết thương không đến nỗi quá nặng để phải nằm viện.
Tháng 3 năm 43 tôi đã được gửi đi học khóa đào tạo nâng cao dành cho cán bộ chỉ huy. Khi đó tôi đã là thượng úy. Và sau đó, phó tư lệnh mặt trận, Tướng Sukhomlinov, đã đến kiểm tra xem công việc huấn luyện cán bộ chỉ huy như thế nào.
Ông ra lệnh cho tôi đọc thuộc lòng nhiệm vụ của trung đội trưởng. Tôi đọc lại rõ ràng mạch lạc. Sukhomlinov nói: “Những sĩ quan có trình độ như thế này nên giữ lại để hướng dẫn cho mọi người”. Và thế là người ta đã giữ tôi lại để huấn luyện cho các khóa học.
Và cho đến tháng giêng năm thứ 44, khi quân ta còn chưa tiến hành một cuộc tấn công mới, tôi đã ở lại đó. Và sau đó, tôi được phân vào Sư đoàn Cận vệ 63. Và tôi đã chiến đấu ở đó cho đến khi kết thúc chiến tranh.
“Chỉ nên chửi thề ở nông trang thôi”
PV: - Ông cảm thấy thế nào khi giết những người Đức?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Tôi không giết người Đức, mà tôi giết những tên phát xít.
PV: - Ở ngoài mặt trận, người ta vẫn học nhau cách chửi thề, hút thuốc, uống vodka.
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Tôi thì chả học cái gì cả – Tôi không uống rượu, không hút thuốc ...
PV: - Và cũng không chửi thề?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Chửi thề chỉ phù hợp ở nông trang tập thể, khi những con bò đực không nghe lời thôi. Còn đối với con người thì không được làm thế.
PV: Cuộc chiến đấu cuối cùng của ông là ở đâu?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Ở Courland. Tháng 5 năm 45. Ở đó, quân Đức đã có một đội quân hơn 200 nghìn người. Chúng tôi cùng với Hạm đội Baltic có nhiệm vụ ngăn không cho chúng quay về Berlin.
Chúng tôi đã dồn chúng ra biển. Ở đó, đã diễn ra trận đánh cuối cùng của tôi, tôi đã bắn phát súng cuối cùng ... và tôi cũng đã đón mừng tin chiến thắng ở đó.
PV: - Làm sao ông biết được quân ta đã chiến thắng?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Quân Đức ngừng bắn, tiến hành trinh sát tích cực, rồi thoát ra khỏi lòng chảo ...
PV: - Ông đã đón ngày 9 tháng 5 năm 1945 ở đâu?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Ở Mitau, thuộc vùng Baltic. Sư đoàn của chúng tôi đóng quân ở đó. Tôi phục vụ trong trung đoàn 19. Đầu tháng 5, Shapshaev, chỉ huy trung đoàn, bị thương nặng, phải cắt cụt một cánh tay. Tôi cùng mấy sĩ quan khác đến bệnh viện để thăm anh ấy.
Vừa lúc đó có tin chiến tranh đã kết thúc, quân Đức đã đầu hàng, Chiến thắng rồi! Và chúng tôi cũng mang một vài thứ khi đến chỗ Shapshaev ... để ăn mừng chiến thắng. Và chúng tôi đã ăn mừng chiến thắng ở đó, ngay trong bệnh viện quân y.
Khắp nơi vang lên những loạt súng! Người ta bắn bằng súng lục, súng máy, bằng súng carbines. Và, tất nhiên là có uống rượu mừng.
Nói về Zhukov và Stalin
PV: - Thái độ của ông với Nguyên soái Zhukov như thế nào?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Cá nhân tôi hết sức tôn trọng Nguyên soái Zhukov dựa trên cơ sở ông đã chỉ huy hai mặt trận (Leningradsky và Volkhovsky) vượt qua sự phong tỏa Leningrad, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
PV: Người ta đã nói gì về Zhukov trong chiến hào?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Thường xuyên có câu: ở đâu có Zhukov, ở đó có chiến thắng.
PV: Thái độ của ông đối với ông ấy không hệ̀ thay đổi?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Không. Sau khi tôi rời quân đội (sau đó lại được phục hồi) và trở thành chủ tịch ủy ban tưởng niệm Zhukov, tôi càng thấy yêu quý ông hơn.
PV: - Ông cảm thấy thế nào về những gì một số nhà văn mặt trận viết về Zhukov?
Nguyên soái Dmitry Yazov: - À, là những người gọi là ở mặt trận nhưng chỉ ngồi trong hầm trú ẩn phía sau và bám váy đàn bà ấy ư?
PV: - Những người gọi Zhukov là "Đồ tể" ...
Nguyên soái Dmitry Yazov: - Tôi có đọc ... Những anh chàng làm nghề viết lách này chỉ là lính trơn hay hạ sỹ quan gì đó mà dám chỉ trích Zhukov rằng ông "đã làm sai cái này, sai cái nọ", tấn công "không đúng lúc" ... Rằng ông chỉ huy mặt trận rất xoàng.
Tôi rất dễ mất bình tĩnh khi thấy các “chuyên gia” ngoại đạo vừa ngạo mạn, vừa tự kiêu cho phép bản thân thảo luận về các vấn đề chiến lược toàn cầu ... Nhất là lại nói về một nhân vật khổng lồ như Zhukov.
"Đồ tể ... Họ muốn nói đến những tổn thất lớn" ... Sao, cuộc chiến tranh nào mà chả có thiệt hại về người? Còn "Zhukov đã chiến đấu một cách tầm thường" ư?
Nếu Zhukov chiến đấu chống lại Hitler tầm thường, tại sao Zhukov lại treo cờ trên nóc nhà Quốc hội Đức, mà không phải là Hitler treo cờ trên nóc điện Kremlin, hả?
(Còn nữa)
  • Tất Thịnh (Dịch)

Không có nhận xét nào: