Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

Nguyễn Ngọc Chính - Điểm lại những trận đại dịch của nhân loại

Đại dịch xảy ra khi căn bệnh vượt qua biên giới quốc gia. Cách đây 10.000 năm, từ thời hồng hoang sinh sống bằng cách “hái lượm” rồi đến thời kỳ “nông nghiệp” cũng đã xảy ra những trận đại dịch.
Điểm lại những trận đại dịch của nhân loại

Nhân loại đã phải đương đầu với đủ loại bệnh dịch truyền nhiễm “giết người hàng loạt”. Từ sốt rét, lao phổi, phong cùi cho đến dịch cúm, đậu mùa, HIV/AIDS… đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Tại châu Âu, vào thế kỷ thứ 13, bệnh dịch hạch, còn được gọi bằng tên “Cái Chết Đen”, đã gây tử vong cho một phần ba dân số toàn châu Âu. Ở Tây Ban Nha năm 1918 dịch cúm làm chết khoảng 40 triệu người. Châu Á năm 1957 có dịch cúm do virut cúm A, đại dịch ở Hồng Kông năm 1968 cũng do virut cúm A. Gần đây nhất là Đại dịch cúm 2009 do virus cúm A H1N1 ở nhiều quốc gia.
Con người càng văn minh, càng tiếp xúc và giao thương với nhiều với quốc gia thì nguy cơ truyền nhiễm bệnh dịch lại càng dễ bùng phát. Trận dịch lâu đời nhất được sử sách ghi chép đã xảy ra tại Athens, Hy Lạp, vào năm 430 Trước Công Nguyên (TCN).

Đó là hậu quả của chiến tranh được gọi là “The Peloponnesian War”. Trận dịch bùng phát tại Libia, Ethiopia và Ai Cập ở châu Phi rồi vượt bức tường của thành Athens để vào châu Âu. Kết quả là 2/3 dân số thành phố này đã tử vong.

Triệu chứng chỉ gồm sốt cao, khát nước, cổ họng và lưỡi bị xuất huyết. Đó là triệu chứng của bệnh sốt thương hàn làm suy yếu sức khỏe của dân thành Athens và kết quả là người Spartans thôn tính thành phố này.

Trận dịch thứ hai vào năm 165 TCN có triệu chứng của bệnh đậu mùa xuất phát từ người Huns, lây lan sang người Đức rồi truyền sang người La Mã. Triệu chứng bao gồm sốt cao, đau cổ họng, tiêu chảy. Đến năm 180 TCN bệnh dịch tái phát, trong số nạn nhân có Hoàng đế Marcus Aurelius của La Mã.
Trận dịch hạch kế tiếp xảy ra vào năm 250 Sau Công Nguyên, mang tên “Dịch hạch Giám mục” vì Giám mục thành Carthage là nạn nhân. Bệnh dịch có các triệu chứng tiêu chảy, ói mửa, đau cổ họng, sốt cao, hoại thư vùng tay và chân. Cư dân Carthage tìm cách thoát khỏi vùng bị dịch và đó cũng là nguyên nhân khiến bệnh dịch lan rộng.

Ba thế kỷ sau, bệnh dịch này xuất hiện tại nước Anh làm suy yếu sự phòng thủ chống lại người Picts và Scots khiến nước Anh phải nhờ người Saxons cứu giúp. Kết quả là người Saxons kiểm soát toàn bộ hòn đảo này.

Năm 541 có bệnh dịch Justinian, xuất phát từ Ai Cập, lây lan sang Palestine, Đế quốc Byzantine rồi khắp vùng Địa Trung Hải. Justinian là tên của Hoàng đế thuộc Đế quốc La Mã, kế hoạch phát triển kinh tế của ông đã bị phá vỡ vì bệnh dịch này. Bệnh dịch hạch nói chung trong suốt 2 thế kỷ đã gây tử vong cho khoảng 50 triệu người. Bệnh có nguồn gốc từ chuột và lây lan qua bọ chét.

Vào thế kỷ thứ 11, châu Âu bị bệnh dịch phong cùi, phải xây dựng nhiều nhà thương để chữa bệnh này với triệu chứng gây đau đớn và biến dạng cơ thể. Thời đó, người ta tin rằng phong cùi là hình phạt của Thượng Đế, ngày nay bệnh được biết đến qua tên “Hensen”. Bệnh Hensen có thể được đều trị bằng kháng sinh.

Như đã nói ở trên, bện dịch hạch còn có tên là “Cái Chết Đen” đã cướp đi sinh mạng của 1/3 dân số thế giới vào năm 1350. Bệnh có xuất xứ từ châu Á và lan sang phía Tây qua các đàn lạc đà dùng trong việc giao thương.

Có thể nói, nạn nhân của bệnh dịch hạch chết đầy đường khiến người ta phải chôn trong những nấm mồ tập thể. Dịch hạch khiến nhiều quốc gia phải tuyên bố “đình chiến” trong các cuộc chiến tranh, người Vikings cũng tạm dừng các cuộc chinh phục những vùng đất mới. Bệnh dịch cũng làm suy yếu nền kinh tế thế giới khi dân số giảm sút

“Cái Chết Đen”

Người Tây Ban Nha đến vùng biển Caribbé cũng mang theo mầm mống của bệnh đậu mùa, bệnh sởi và bệnh dịch hạch. Kết quả là các thổ dân cũng bị chết vì các bệnh dịch mà trước đó họ chưa từng biết đến. Có đến 90% thổ dân vùng Bắc và Nam Mỹ đã tử vong vì các loại bệnh dịch này.

Có đến 7 lần bệnh dịch tiêu chảy xuất hiện trong vòng 150 năm. Bệnh xuất phát từ nước Nga, nơi có đến hàng triệu người đã tử vong. Bệnh có căn nguyên từ nước uống và thực phẩm bị nhiễm trùng. Bệnh cũng lan ra từ binh sĩ người Anh chiến đấu tại Ấn Độ khiến khoảng một triệu người Ấn tử vong.

Vương quốc Anh cũng là nguyên nhân truyền bệnh đến các nước Tây Ban Nha, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Đức và Hoa Kỳ. Khoảng 150.000 người bị chết tại các nước này. Dù năm 1885, một loại Vaccine đã được sản xuất nhưng bệnh dịch tả vẫn còn đang hoành hành tại nhiều nơi.

Nguồn nước uống là nguyên nhân của dịch tả

Dịch sởi Fiji xuất phát từ cuộc thăm viếng nước Úc của Hoàng gia Fiji. Họ đã đem về đảo quốc bệnh dịch sởi. Những người đầu tiên mắc bệnh là tù trưởng bộ lạc và nhân viên cảnh sát đã ra đón Hoàng gia khi về nước!

Bệnh lan ra một cách nhanh chóng và Fiji đầy xác người bị các động vật hoang dã tìm đến ăn thịt. Người ta phải đốt nguyên cả làng và đôi khi chính các bệnh nhân bị chết cháy. Tính ra có đến 40.000 nạn nhân bị chết, con số này chiếm 1/3 dân số Fiji!

Năm 1889 dịch cúm bộc phát tại nước Nga, bắt đầu từ vùng Siberia và Kazakhstan. Thủ đô Moscow cũng bị cúm và sau đó lan sang Phần Lan, Ba Lan và cuối cùng là khắp châu Âu. Năm sau, cúm vượt đại dương đến Bắc Mỹ và châu Phi. Vào cuối năm 1890, con số tử vong lên đến 160.000 người!

Năm 1918 lại xảy ra đại dịch cúm thông qua gia cầm tại Tây Ban Nha. Nguồn của dịch xuất phát từ những người lao động Trung Quốc được chuyên chở bằng đường sắt qua Canada rồi trực chỉ châu Âu.

Tại Bắc Mỹ, ca cúm đầu tiên xuất hiện tại Kansas năm 1918. Dịch cúm Tây Ban Nha kết thúc vào mùa hè năm 1919. Những người mắc bệnh sẽ trở thành miễn nhiễm với cúm hay tử vong vì cúm!


Dịch HIV/AIDS được xác định năm 1981. AIDS phá hủy khả năng miễn nhiễm của người mắc bệnh dẫn đến tử vong. Triệu chứng thường gặp rất đơn giản như sốt, nhức đầu nhưng khi mắc phải qua lây nhiễm, máu và tinh dịch đều bị nhiễm trùng.


Bệnh này thường được thấy trong cộng đồng những người đồng tính qua tiếp xúc theo đường tình dục. Đã có đến 35 triệu người tử vong vì AIDS trên thế giới và thuốc điều trị vẫn chưa được tìm ra.


Nguyễn Ngọc Chính Blog

Không có nhận xét nào: