20/04/2017 11:16 GMT+7
TTO - Trò chuyện với Thế giới sách kỳ này về cuốn sách Cõi người - Chân dung Trần Huy Liệu, tác giả - nhà văn Trần Chiến, cũng là con trai út của nhà sử học Trần Huy Liệu (1901-1969), mang lại nhiều bất ngờ thú vị.
Ông Trần Chiến - Ảnh: T.L. |
* Ý định viết sách về cha mình - một nhân vật của lịch sử với nhiều cương vị quan trọng của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - đến với nhà văn Trần Chiến từ lúc nào?
- Ban đầu tôi không định viết sách về bố mình, chỉ là muốn tìm hiểu ông. Tư liệu vác về để đấy cho đến khi NXB Kim Đồng đặt viết cho trẻ em trong tủ sách danh nhân.
Cõi người chính thức ra năm 2009. Lần này năm 2017, sách ra ở NXB Trẻ, ghi thêm Chân dung Trần Huy Liệu dưới tên cũ. Sách mới có thêm ảnh, bài “Cảm tính bổ sung” tôi viết cuối những năm tám mươi. Nội dung có thêm một số thư Trần Huy Liệu gửi các bạn bè, đồng chí...
Trong kháng chiến, tuyên truyền là một nhiệm vụ, nhưng hòa bình về, bố tôi ở vị trí “sử quan”, tôi nghĩ ông muốn sòng phẳng về sự thực, cái gì có thể diễn ra, cái gì thì không thể. Điều này hay làm tôi nghĩ đến câu “lịch sử luôn luôn phải được viết lại”, đâu như của Engels.
* Trần Huy Liệu mất năm 1969, năm ấy anh 18 tuổi, từ đó đến nay lịch sử đã đi một con đường rất dài. Vậy anh chuẩn bị như thế nào cho cuốn sách về cha mình?
- “Lịch sử đã đi một con đường rất dài” nhưng cuộc đời Trần Huy Liệu đã chấm dứt. Nghĩa là ông không thể “nếu như”, “giá như” để rồi thay đổi gì nữa. Còn tôi, chỉ đơn giản là đưa những tư liệu ở dạng mộc nhất, nối chúng với nhau.
Như trên đã nói, tôi không hề nghĩ mình sẽ viết sách về bố mình, chỉ muốn tìm hiểu về ông. 18 tuổi thì chưa có nhu cầu đó. Rồi “nó” mọc ra, thôi thúc, diễn ra trong một quá trình dài, gắn với nhận thức của tôi và hoàn cảnh bên ngoài.
Khi bố tôi mất, tất cả bản thảo, nhật ký, thư từ, lai cảo đều đem về Văn phòng Trung ương Đảng, độ hai năm sau trả lại, rồi anh tôi đưa sang Viện Sử. Khoảng năm 1987, tôi đến đây đọc, ghi chép, sau người thủ thư cho đem về nhà.
Rất tiếc là không đủ tiền, tôi chỉ photocopy được những phần chính: nhật ký từ 1946-1956, bản tổng kiểm thảo 1952. Càng đọc tôi càng thấy gần và thương bố hơn.
Rất phong phú, phức tạp, thăng trầm..., một cá tính mạnh, khó thích nghi, luôn “ngọ nguậy” trong nhận thức. Có vẻ như ông tự “chuốc” cho mình cái khổ tâm.
Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: P.Vũ |
* Nhưng dù có nhiều tư liệu thì vẫn là “con viết về cha”, anh có tin mình đủ khách quan để không... chủ quan?
- Khi đã chọn một nhân vật, ai cũng đã có chủ quan vào rồi. Tôi cũng thấy những “này nọ” của bố chứ, nhưng thời mình với thời ông khác hẳn, nhìn cái gì cũng không thể bỏ qua hoàn cảnh lịch sử được. Gia đình tôi có “cấu trúc” “con anh con em con chúng ta”. Mẹ tôi là vợ hai, tôi không ở với bố, liên hệ tình cảm không như các anh chị bên mẹ già.
Tôi nhớ những đêm ngủ với bố chỉ là trong các đợt công tác của ông. Đây là xuất phát của tâm thế ngắm nghía bố mình không như một người con bình thường. Nghĩa là tôi có độ lùi nhất định để ít nhiều không “duy cảm”.
Khi được đặt viết, trước hết tôi coi ông là “đối tượng mô tả”, cố gắng khách quan, không để tình cảm chi phối. Như là nhận xét ông không được đào tạo bài bản về sử học, phương pháp không khỏi lốm đốm, bù lại đã trực tiếp trải qua rất nhiều sự kiện, có quan hệ với các nhân vật lớn.
Cũng không quá khó khăn khi tách mình ra như vậy vì bản thân ông với những sự kiện, quan hệ, sự từng trải... đứng về mặt nhân vật đã rất lý thú.
Tôi không quá bộc lộ chủ quan mình trong sách. Bản thân tư liệu (được in nghiêng) đã rất hùng hồn. Những chuyện như cải cách ruộng đất, bạn bè, vợ con, nghị quyết 9... thật phức tạp, cứ đưa nguyên vậy còn hay hơn.
Vả lại, chuyện “bếp núc” của giới sử tôi cũng không đủ tầm đánh giá. Sau này, một nhà nghiên cứu nhận xét: “Tiếc là không nhận xét, mổ xẻ nhiều thêm”. Tôi trả lời: “Sắc sảo thế nào cũng không bằng tư liệu được, tôi không đủ tầm và cả gan góc để “phán”, tốt nhất là nối các mảnh tư liệu lại với nhau cho ngọt”.
Cuộc đời sôi động và ưu tư của Trần Huy Liệu
Tác giả đã cố hết sức để lùi xa, dựa vào sử liệu mà nhìn cha dưới nhiều góc độ: một nho sinh lỡ thời trước làn sóng Tây học, u uất vì mất nước; một nhà báo năng nổ thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương; một nhà cách mạng đầy say mê những ngày đầu của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa; một nhà sử học đầy ưu tư và hoài nghi bị buộc phải bước qua những dặm đường ngổn ngang, nghiệt ngã của thời cuộc.
Trần Huy Liệu trăn trở tìm cách bảo vệ gia đình, bảo vệ những trí thức đồng nghiệp giữa những sai lầm... Thì ra đây mới là cái lõi bên trong của những dòng sử ký tên Trần Huy Liệu vốn mang rất đậm cảm xúc, sự tự tin hồn hậu của một người trong cuộc.
Những đoạn trích “Thư gửi anh Chiến” chỉ ra những sai lầm của cải cách ruộng đất, đấu tranh giai cấp, chủ trương hợp tác hóa; “Thư gửi anh Tô” (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng) góp ý nạn hội họp, khẳng định nhu cầu thiết yếu của người trí thức; và mảng đời riêng nhiều giằng xé, phân vân, vất vả... đều đã tái hiện trước những người đương thời một nhà sử học luôn đau đáu với từng trang viết của mình, đau đáu với sự thật và tính công bằng, khách quan của lịch sử.
Mấy mươi năm trôi qua, thế thời nhiều thay đổi. Lịch sử cần thêm nhiều người, nhiều công cuộc tìm kiếm, đào xới, soi rọi, chiêm nghiệm. Không thể không tìm phần lịch sử dung chứa trong cuộc đời sôi động và ưu tư của Trần Huy Liệu và như thế, Cõi người mới chỉ là bước chân mở đầu.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét