Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Dân Việt Nam sẽ phải gánh lỗ hàng nghìn tỷ cho hai hãng hàng không nhà nước Vietnam Airlines và JetStar?

Mới đây, một cuộc chiến đã bùng nổ giữa các hãng hàng không khi Cục hàng không đưa ra dự thảo lấy ý kiến việc áp giá sàn. Dư luận đặt ra nghi vấn cho rằng động thái này có liên quan đến con số lỗ tích lũy hàng nghìn tỷ của hai hãng hàng không “gà nhà”. Hóa ra, không chỉ hãng máy bay tư nhân VietJet đang phải yếu đuối chống chọi trước hai ông lớn được nhà nước bảo trợ, mà cả người dân Việt cũng sẽ phải gồng mình gánh nợ cho việc làm ăn thua lỗ của hai hãng này.

Người dân Việt Nam sẽ phải gánh lỗ hàng nghìn tỷ cho hai hãng hàng không nhà nước Vietnam Airlines và JetStar?
Không phải ngẫu nhiên mà hai hãng hàng không có sự chống lưng của nhà nước lại khơi mào cho cuộc chiến “áp giá sàn”. Báo cáo tài chính quý IV/2016 của Vietnam Airlines cho thấy hãng này lỗ đậm 443,8 tỷ đồng, trong khi đó Jetstar hiện đang lỗ lũy kế tới 3.658 tỷ đồng tính đến hết ngày 30/9/2016 (theo báo cáo tài chính giai đoạn từ 1/1/2016 đến 30/9/2016). Những con số trên cũng đủ cho thấy việc đưa ra dự thảo lấy ý kiến của Cục hàng không chỉ là “điệp khúc” của sự ưu ái đặc biệt mà nhà nước đang dành cho hai hãng này nhằm đối phó với vấn nạn làm ăn thua lỗ.

Đáng lưu ý, người phải gánh lỗ nặng nhất cho hai hãng máy bay này chính là Nhà nước, mà vốn này từ đâu mà ra, là từ tiền đóng thuế của người dân? Việc các nhà chức trách đề xuất áp giá sàn trong thời điểm này, khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng tiền thuế hiện nay không đủ để bù đắp lỗ nên Nhà nước buộc phải áp giá sàn, từ tiền vé thu được cộng với tiền đóng thuế, bù vào số tiền lỗ do việc làm ăn bê bết của hai hãng máy bay?

Bên cạnh đó, sự phát triển không ngừng của VietJet cũng là lý do khiến hai hãng hàng không nhà nước mất đi lượng lớn khách hàng và nguồn thu nhập. Do đó, việc thông qua “người chống lưng” nhằm đưa ra một quyết định hành chính phi thị trường để hạ bệ VietJet đều có lợi cho cả hai phía, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và thúc đẩy sự phát triển cho “gà nhà”. Chính JetStar cũng thừa nhận sở dĩ hãng đề xuất giá sàn nhằm “tăng hiệu quả kinh doanh”. Trong khi đó, cùng là hàng không giá rẻ, VietJet lại đang phát triển rất mạnh và thu về lợi nhuận cao. Thay vì tự thân chịu trách nhiệm, tự tái cơ cấu loại bỏ các cơ chế lỗi thời của bộ máy quản lý cồng kềnh, JetStar lại như “đứa trẻ quen thói vòi vĩnh mẹ”, muốn nhà nước hậu đãi mình để đưa ra yêu sách áp giá sàn, cạnh tranh không lành mạnh với đối thủ giàu có là VietJet.

Tính đến hết ngày 30/9/2016, Jetstar đang lỗ lũy kế tới 3.658 tỷ đồng
Trong cuộc cạnh tranh này, không thể không kể tới người anh em chí cốt với JetStar là Vietnam Airlines. Từng chiếm lĩnh thị trường hàng không, lại được ưu đãi khủng từ nhà nước, cớ sao Vietnam Airlines vẫn thua lỗ nặng nề? Thời gian gần đây, Vietnam Airlines liên tiếp gánh chịu nhiều cuộc tấn công mạng của tin tặc khiến hãng tê liệt và bị cô lập. Không loại trừ khả năng hệ thống an ninh thông tin yếu kém của hãng đã tạo cơ hội cho tin tặc cài cắm backdoor, đánh cắp tài khoản của hành khách, làm thất thoát số lượng lớn tiền của. Là một doanh nghiệp nhà nước, Vietnam Airlines đang dựa hơi “ông lớn” để lơ là, thiếu trách nhiệm trước việc bảo vệ thông tin khách hàng, dẫn đến thiệt hại kinh tế nặng nề. Sau cùng, không ai đứng ra chịu trách nhiệm, nhưng nhà nước và cả doanh nghiệp buộc phải tìm cách bù lỗ. Đúng lúc này, việc áp giá sàn được đưa ra, phải chăng cũng là mục đích giải quyết vấn đề này?

Nhớ lại hồi đầu năm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã lên tiếng bày tỏ “lo lắng giá vé máy bay ngang bằng ngành đường sắt, và ảnh hưởng đến ngành đường sắt”. Dư luận khi đó đã ngạc nhiên về tư duy “kinh tế thị trường” của ông Bộ trưởng, nhưng vẫn nghĩ rằng đây chỉ là lời xoa dịu, biện bạch cho sự yếu kém của ngành đường sắt, đã được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng trong mấy năm qua, nhưng vẫn làm ăn bê bết.

Trước bức xúc của dư luận, cùng hàng loạt ý kiến phản đối của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa ngày 7/4 công bố sẽ không áp giá sàn vé máy bay.
Vậy mà mới đây, Cục hàng không thuộc Bộ GTVT lại trình đề xuất theo ý của ông Bộ trưởng, đi ngược với nền kinh tế thị trường là vận hành theo quy luật cung và cầu. May sao, trước bức xúc của dư luận, cùng hàng loạt ý kiến phản đối của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa ngày 7/4 công bố sẽ không áp giá sàn vé máy bay. Phải chăng chính sức mạnh của dư luận và truyền thông đã giúp người dân chống lại hệ quả gánh nợ từ sự quy hoạch thiếu tầm nhìn do các vị lãnh đạo gây ra?

Qua cuộc chiến này có thể thấy rằng, nếu nhà nước tiếp tục dung dưỡng cho sự ỷ lại của “gà nhà”, nhân danh nhà nước can thiệp vào thị trường, sẽ chỉ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm cớ “cài cắm” chính sách để trục lợi và làm méo mó thị trường. Cơ chế này còn được áp dụng, thì không chỉ là ngành hàng không, các doanh nghiệp nhà nước ở nhiều ngành nghề khác như điện, nước cũng sẽ ỷ lại, tạo ra tiền lệ xấu và người đứng ra gánh hậu quả sau cùng vẫn lại là người dân.

Mai Nguyên

(Blue)

Không có nhận xét nào: