2 giờ trước 811 lượt xem
Việt Nam lên tiếng trước việc Trung Quốc điều tiêm kích, tàu chiến ra đá Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam diễn tập trái phép.
Tuyên bố được bà Hằng đưa ra hôm 6/8 tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao khi trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam khi Trung Quốc điều máy bay chiến đấu và tàu chiến đến các thực thể ở Trường Sa của Việt Nam, thậm chí có video về việc máy bay đã được điều đến đá Subi để tiến hành diễn tập trái phép.
“Trước tiên xin khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bà Hằng nhấn mạnh thêm:
“Mọi hoạt động tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vô giá trị và không có lợi cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối.”
Trước đó, hôm 4/8, Haike News, ứng dụng tin tức thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đăng video cho biết Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của nước này đã triển khai nhiều phi cơ, bao gồm một tiêm kích Su-30 và một máy bay tiếp nhiên liệu trên không, tới đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để diễn tập hơn 10 giờ. Haike News không cho biết cuộc diễn tập được tiến hành khi nào.
Hôm 2/8, Trung Quốc đã điều tàu khu trục Type-054A và tàu hộ tống Type-056 đến đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo Benarnews.
Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền trên Biển Đông
Cũng trong phiên họp báo, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam khi đưa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào trong quy tắc kiểm tra kỹ thuật tàu biển nội địa theo luật định 2020.
“Tôi cho rằng việc Trung Quốc đưa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào trong quy tắc kiểm tra kỹ thuật tàu biển nội địa theo luật định 2020 đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, không có lợi trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác tại Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Trung Quốc mới đây lại có những hành vi bá quyền ở Biển Đông khi đưa ra bản quy tắc hàng hải sửa đổi. Theo đó, Trung Quốc gọi khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “vùng ven biển” chứ không phải “ngoài khơi”.
Đang xác minh thông tin Trung Quốc xây dựng hệ thống giám sát ở Biển Đông
Trước đó, hôm 5/8, trang web của tạp chí Forbes (Mỹ) đăng tải thông tin, Trung Quốc đang xây dựng một mạng lưới cảm biến phục vụ hoạt động do thám và thông tin liên lạc ở Biển Đông.
Theo tác giả bài viết, đây là hàng loạt trạm/máy móc phục vụ giám sát được rải rác khắp các khu vực ở Biển Đông, và được xem như một phần trong các nỗ lực hòng kiểm soát Biển Đông của Hải quân Trung Quốc.
“Khá nhiều trạm này nằm trong vùng nước của Trung Quốc, nhưng một số đang được thả trên vùng biển quốc tế”, bài báo nói.
Các trạm/máy móc do thám này nằm trong khuôn khổ “Mạng lưới thông tin đại dương xanh” của Trung Quốc. Một số thông tin về mạng lưới này đã được giới thiệu tại triển lãm Hàng hải và hàng không quốc tế Langkawi vào năm 2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét