Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Vi phạm Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo: Thủ tướng cùng Formosa đều có thể hầu tòa

Theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, thì người đứng đầu chính phủ sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm về việc tài nguyên và môi trường biển bị xâm hại (Điều 73). Như vậy bị can sẽ hầu tòa ở đây có thể là thủ tướng chính phủ đương nhiệm.


Thủ tướng cùng Formosa đều có thể hầu tòa

Bộ Luật hình sự năm 2015 đã tạm hoãn thi hành. Các vi phạm của Công ty gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Formosa) nếu chỉ xử lý hành chính và nhận tiền thỏa thuận 500 triệu USD, là đã bỏ lọt tội phạm khi các vi phạm của Hưng Thịnh Formosa đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; và Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, tại Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm, ghi:

“1. Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trái quy định của pháp luật. 2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố. 3. Lợi dụng việc điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. 4. Thực hiện các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại Điều 24 và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 của Luật này. 5. Hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo. 6. Nhận chìm vật, chất ở vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép, trái quy định của pháp luật. 7. Cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không đúng quy định của pháp luật. 8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo”.

Từ vụ việc Formosa cho thấy đây không phải là hành vi gây ra “lỗi” để có thể “xin lỗi”, mà là hành vi bị “nghiêm cấm”, nếu gây ra – bất kể là vô ý hay cố tình, đều phải bị xét xử theo các luật liên quan. Ở đây, có ít nhất là 3 luật có thể căn cứ: Bộ luật hình sự 1999, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015.

Lưu ý, theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, thì người đứng đầu chính phủ sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm về việc tài nguyên và môi trường biển bị xâm hại (Điều 73). Như vậy bị can sẽ hầu tòa ở đây có thể là thủ tướng chính phủ đương nhiệm.

Bị can thứ hai là ai?

Người đó hiện là ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, “Điều 164. Nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường”, cho biết nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân được quy định như sau: a) Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình; b) Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

Như vậy, mặc dù Bộ luật hình sự năm 2015 bị đình hoãn thực hiện, lẽ đó nên khó cáo buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội gây ô nhiễm môi trường” quy định tại Điều 235, song vẫn đủ điều kiện để chế tài các hành vi vi phạm pháp luật của Formosa.

Cũng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 - Chương XIX “Bồi thường thiệt hại về môi trường”, và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 - Chương VI “Kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc và nhận chìm ở biển”, việc đền bù các thiệt hại của Formosa phải được căn cứ theo các quy định và trình tự pháp luật. Con số 500 triệu USD như thông báo chỉ là một thỏa thuận song phương giữa chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư Đài Loan.

Thảo Vy

(Việt Nam Thời Báo)

Không có nhận xét nào: