Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Gió thổi vi vu Dịch thủy lạnh, tráng sĩ một đi không trở về…

“Gió thổi vi vu, Dịch thủy lạnh. Tráng sĩ một đi không trở về”, đây là một câu thơ bắt nguồn từ điển cố Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng. Đằng sau câu thơ này lại ẩn chứa một câu chuyện vô cùng bi tráng vào 2.000 năm trước.

tan thuy hoang, kinh kha, am sat,
Tần Vũ Dương mang theo tấm bản đồ có giấu sẵn dao găm bên trong. (Nguồn: iFuun)
Kinh Kha là người nước Vệ, tổ tiên là người nước Tề, khi di cư sang Vệ, người Vệ gọi là Khánh Kha. Sau đó sang nước Yên, người nước Yên gọi là Kinh Kha.
Kinh Kha thích đọc sách, đánh kiếm, bàn chuyện kiếm thuật. Không được Vệ vương trọng dụng, Kinh Kha buồn chán mới tìm đến Hàm Đan chơi. Ở đây, ông kết bạn với một người bán thịt chó và một người tinh thông đàn trúc tên Cao Tiệm Ly.
Ngày ngày, cùng nhau chơi đàn, hoạ thơ, hát vui, cười khóc với nhau ở giữa chợ, xem như bên cạnh không có người. Tính tình cảm khái, thích đi đó đây, đến nước chư hầu nào Kinh Kha cũng tìm kết bạn với những bậc hiền nhân, trưởng giả ở đó. Khi sang tới nước Yên, nhân sĩ nước Yên là Điền Quang tiên sinh cũng mến mộ đãi ngộ chu đáo.
Lúc bấy giờ, thái tử nước Yên là Đan đang làm con tin ở Tần quốc trốn về. Thái tử Đan đã có lần làm con tin ở Triệu, mà vua Tần Doanh Chính lại sinh ra tại đó nên ngày nhỏ vẫn thường làm bạn với nhau. Đến khi Tần Doanh Chính được làm vua, thái tử Đan lại trở thành con tin ở Tần, lúc này vua Tần đối đãi với bạn không tử tế nên thái tử Đan giận trốn về, tìm cách báo thù.
Cùng lúc, tướng Tần là Phàn Ư Kỳ có tội với vua, chạy trốn sang Yên. Cúc Võ vốn là thầy học của thái tử Đan mới can, e sợ việc dung nạp Ư Kỳ sẽ là hành động khiêu chiến với vua Tần nhưng thái tử Đan cương quyết gạt đi.
Thấy không lay chuyển được thái tử Đan, Cúc Võ mới bàn việc mời Điền Quang đến để bàn đại sự. Thế nhưng Điền Quang lại một mực chối từ, lấy lý do tuổi cao sức yếu, mới giới thiệu Kinh Kha cho thái tử Đan. Sau khi khích lệ Kinh Kha, Điền Quang liền tự sát để tỏ rõ nghĩa khí của mình.
tan thuy hoang, kinh kha, am sat,
Tần Thuỷ Hoàng, một trong những vị vua bị coi là mục tiêu hành thích nhiều nhất của lịch sử Trung Hoa. (Ảnh: cdpengchen)
Thái tử Đan đón tiếp Kinh Kha rất nhiệt thành, nhờ Kinh Kha vì bá tánh trăm họ giúp trừ khử Tần Thủy Hoàng. Kinh Kha từ chối: “Tôi hèn kém, e không làm nổi việc ấy”.
Thái tử Đan dập đầu cố xin rằng: “Vì trọng tấm lòng có nghĩa của ngài, Đan này xin uỷ sinh mệnh vào ngài đó, xin chớ chối từ”.
Kinh Kha ban đầu còn từ chối, nhưng nghe thái tử Đan bàn đến chuyện an nguy của bá tánh mấy nước chư hầu mới quyết định nhận lời.
Kinh Kha nói: “Theo lời Thái tử, thần nguyện đi yết kiến vua Tần. Chuyến đi lần này nếu không có vật làm tin, thì e rằng không thể đến gần vua Tần được. Nay vua Tần muốn mua thủ cấp của Phàn tướng quân với giá nghìn vàng, vạn hộ dân. Nếu có được thủ cấp của Phàn tướng quân và bản đồ Đốc Cương dâng lên vua Tần, vua Tần ắt sẽ phải gặp thần, vậy thần mới có thể giúp Thái tử được”.
Thái tử Đan nói rằng việc trao bản đồ Đốc Cương thì hoàn toàn không tiếc, nhưng chuyện lấy thủ cấp của tướng quân Ô Kỳ e là không được.
Nghe thái tử Đan nói vậy, Kinh Kha bảo thái tử cứ chuẩn bị tấm bản đồ trước, còn mình sẽ lo việc thủ cấp của tướng quân Ô Kỳ. Nói rồi, Kinh Kha bèn đi một mạch tới bái kiến Phàn Ô Kỳ. Ông nói:
“Nước Tần đối đãi với tướng quân có thể gọi là thâm độc. Cha mẹ họ hàng đều bị giết, nay nghe nói họ mua cái đầu của tướng quân nghìn vàng, ấp vạn nhà. Nay tôi có một lời, có thể cứu nguy cho nước Yên, báo thù cho tướng quân. Chỉ có điều, muốn thực hiện được nhất thiết phải xin cái đầu của tướng quân để hiến vua Tần. Vua Tần thế nào cũng mừng rỡ tiếp kiến tôi. Nhân cơ hội đó tôi sẽ nhanh chóng hành thích ông ta”.
Phàn Ư Kỳ nghe vậy, mới ngửa cổ lên trời, vái lạy tổ tiên rồi tự sát. Thái tử Đan nghe vậy, đau xót ruổi ngựa đến, khóc rất thảm thương nhưng không làm khác được nên bỏ đầu Ư Kỳ vào hòm và niêm phong lại. Sau đó lại cho người đi tìm trong thiên hạ được cái chùy thủ sắc của Từ phu nhân nước Triệu, mua mất trăm lạng vàng, sai thợ tẩm thuốc độc, hễ đâm vào người, máu chảy ra như sợi tơ cũng đã đủ lấy mạng người đó.
tan thuy hoang, kinh kha, am sat,
Rốt cuộc vụ ám sát không thành, để lại một câu chuyện lịch sử bi tráng, đặt định cơ sở văn hóa lịch sử của nhân loại. (Ảnh: Novesoft.com)
Nước Yên có một võ sĩ tên Tần Vũ Dương, năm 12 tuổi đã từng sát nhân, không ai dám xem thường anh ta. Thái tử Đan liền phong Tần Vũ Dương làm phó tướng.
Đến sông Dịch Thủy, mọi người bày tiệc tiễn khách. Cao Tiệm Ly gảy đàn trúc, Kinh Kha hát theo, tiếng hát chưa dứt, quân sĩ đều chảy nước mắt. Lại hát tiếp rằng: “Gió thổi vi vu, Dịch thủy lạnh. Tráng sĩ một đi không trở về!”. Sau đó ông lên xe đi, không hề nhìn ngoái lại.
Trong Kinh Kha ám sát Tần Thủy Hoàng có ghi chép rằng, Kinh Kha mang theo đầu của Phàn Ô Kỳ và tấm bản đồ nước Yên, cùng với dũng sĩ Tần Vũ Dương đến gặp vua Tần.
Tần Vũ Dương mang theo tấm bản đồ có giấu sẵn dao găm bên trong, Kinh Kha bưng đầu của Phàn Ô Kỳ được đựng trong chiếc hộp. Tần Vũ Dương là dũng sĩ, nhưng trong hoàn cảnh này cũng không khỏi khiếp sợ đến biến sắc mặt.
Rốt cuộc vụ ám sát không thành, Kinh Kha và Tần Vũ Dương đều bị giết chết. Để lại một câu chuyện lịch sử bi tráng, đặt định cơ sở văn hóa lịch sử của nhân loại, câu thành ngữ “Đồ cùng chủy hiện” (Ý đồ cuối cùng đã lộ ra) cũng ra đời từ câu chuyện này.
Kinh Kha chết, vua Tần bèn cả giận ra lệnh cho Vương Tiễn đem quân đánh Yên. 5 năm sau (năm 222 trước Công nguyên) nước Tần diệt gọn nước Yên.
TinhHoa tổng hợp

Không có nhận xét nào: