Mai
An Nguyễn Anh Tuấn
GIỌT LỆ MO HỒN1
Truyện ngắn
Hai giờ chiều, để thực thi
một nhiệm vụ tối đặc biệt, Cư bỏ xe con công vụ, một mình nhảy xe ôm đi một
chặng đường dài, rồi xuống đò tới một trong những bản cuối cùng còn vướng mắc
giải tỏa: bản Púng Lầm.
Trên con thuyền đuôi én sứt
sẹo vượt sóng, Cư nhìn về phía thượng nguồn. Hàng chục cây số dọc bờ sông, cách
đây không lâu từng là những khu dân cư trù phú, giờ đã tiêu điều hoang vắng
dành cho lòng hồ thủy điện. Từ ngoài bến vào bản, lối đi trồi sụt, cỏ rậm rì.
Vài ba con khỉ rừng thập thò trong các mảnh vườn lút cỏ. Những cối giã gạo bằng
nước và bằng chân chỏng trơ đã mốc thếch. Vài túp lều dựng tạm bằng nilông, tôn
lợp, tre nứa... Có người quay về chỉ để
thu hoạch nốt vườn tược nương rẫy, có người khăn gói quay lại hẳn bản cũ. Và
cũng có người quyết không đi đâu cả! Tại đây, theo một nguồn tin, các gia đình
cố thủ còn dấu hai khẩu súng kíp, họ tung lên "tai rừng" những tuyên
bố đáng sợ! Ba lần cán bộ của Ban đã tới thuyết phục, rồi đều phải quay về, lắc
đầu. Một cuộc họp liên tịch căng thẳng. Cưỡng chế! Cư như bị á khẩu. Kinh
hoàng. Sao cứ phải gạch vỡ, nhà cháy, máu đổ?!... Nhưng tình hình quá nghiêm
trọng, lại trước một tập thể "cây đa cây đề", Cư tạm bó tay. Trước
đó, Cư và một số người trẻ trong Ban đã không chỉ làm "Dân vận" mà
còn phải làm "Quan vận" nữa! Chính anh là người kiến nghị để đồng bào
được di chuyển ngôi sàn đến nơi tái định cư, phù hợp với nguyện vọng, tập quán.
Và không chỉ một lần, Cư xin trực tiếp đến ăn ngủ tại những gia đình chây lỳ,
khiến vợ anh phải bồn chồn lo lắng cả đêm. Nhưng lần này...
Vợ Cư, một cô giáo người Thái dạy phổ thông trung học là
người đầu tiên được anh tâm sự về các diễn biến trong và sau cuộc họp ( Dĩ
nhiên là không có hai khẩu súng kíp!). Cư đã gặp trưởng Ban xin được giải quyết
êm thấm vụ này. Ông chỉ tay lên trên. Cư đã phải gõ vài cửa, bằng sự nhẫn nại
mà không hiểu vì sao anh có được, cùng những lời hứa như đinh đóng cột. Anh
được toại nguyện, kèm sự ái ngại không dấu diếm của những người "ra ơn lần
cuối" cho anh... Trước khi đi, thấy vợ lúi húi nhét ếp-khẩu2
còn lựng thơm nếp nương vào cặp, Cư xua tay: "Khỏi cần. Vào bản Thái
mà!" Chị cứ cài lại chiếc cặp căng phồng. Cư với túi thổ cẩm đang treo góc
nhà, phủi bụi, rồi lấy ếp-khẩu, tập sách truyện, cuốn sổ tay, chiếc đèn pin và
con dao găm từ cặp chuyển vào túi. Nghĩ sao, anh bỏ cuốn sách và con dao ra.
Chị lặng đi nhìn anh, không dấu được nỗi thảng thốt trong đáy mắt: "Anh
thận trọng nhé... Người bản ấy có súng...". Anh nói như quát: "Ai bảo
em thế?".
Lúc này, bên những vết tích còn lại của bản Thái hoang
tàn, Cư có cảm tưởng lạc vào nơi từng ghi dấu sự tích kể về cô gái con tạo bản
đã héo hon mà chết vì mong nhớ người yêu; nhưng mọi người không sao đem nổi xác
nàng ra khỏi nhà, bởi hồn nàng quyết không chịu rời đi. Bản bị hồn ma ám, không
ai dám ở. Còn chàng trai nghèo thất tình, khi trở về đã ôm ấp nàng suốt bảy
ngày đêm mà không biết đó là thi thể giá lạnh, giữa cái bản vắng tanh... Cư
sinh ra, lớn lên ở phố núi, học chuyên nghiệp xong vào cơ quan Nhà nước, phải
tới đận làm công tác di dân, anh mới thực sự được sống với vui buồn của người
dân bản. Lần đầu tiên anh mới có dịp thấm hiểu nỗi day dứt nhớ thương đàn gia
súc mà người phụ nữ vẫn hàng ngày chăm sóc, giờ phải chia xa: "Ở lại nhé, đàn vịt nhỏ thường đẻ trứng/ Đàn
gà nhỏ thường gáy của ta ơi!/ Chiều chiều ta không còn được nắm gạo xuống
chăm" 3... Cũng lần đầu tiên, khi tận mắt chứng kiến cảnh
phụ nữ già trẻ của một bản đều khóc ở lễ Lúng ta (Gội đầu) lần cuối bên đoạn
sông sẽ biến mất, Cư mới được cảm nhận bằng trực giác thế nào sự gắn bó của con
người với quê hương, xứ sở...
Một người đàn bà địu ngô từ nương bên kia sông về bản.
Trò chuyện đôi câu với chị, Cư vỡ lẽ, vì sao thầy dạy văn cũ của anh, một nhà
báo trung ương, tháng trước đã từ chối đề nghị của trò cũ đang là một quan
chức, không muốn đi cùng anh bằng phương tiện của Ban để tới các địa điểm giải
phóng lòng hồ. Ông vác máy quay đi một mình, lang thang nhiều ngày qua các làng
bản đã hay sắp di dời, ghi lại tâm tư của người dân. Chết thôi, phải lập tức đề
nghị ông giữ kín những tư liệu đó, để khi thành công thủy điện công bố cũng
chưa muộn. Nhưng chắc mình lo xa quá. Đúng là "cầm đèn chạy trước ô
tô"! Cư mỉm cười tự diễu. Song ngay lập tức, một nỗi lo sợ bủa vây anh.
Một nòng súng đang bí mật theo dõi mọi hành tung của anh, chỉ đợi chút gì thất
thố hay bất cẩn là sẽ tóe lửa. Rồi sau đó có thể là một, hai ngôi nhà bốc cháy
đùng đùng. Gai ốc bỗng nổi lên. Cư đứng lặng, hít một hơi thở thật sâu tự trấn
tĩnh. Khi đã bớt hoảng loạn, lòng thương vợ con chợt len lỏi tận ti vi huyết
quản. Tay anh bất giác sờ lên chiếc ếp-khẩu, dường để tìm một chỗ dựa cần
thiết. Giọt lệ giấu vội của vợ lúc quay ngoắt đi chập chờn ẩn hiện. Lúc này,
chắc cô ấy đang lo lắng đến tê dại. Anh chợt ân hận đã nói như quát khi tạm
biệt. Lần này, đâu phải như mọi lần... Nếu một cô gái gia đình cán bộ quen sống
từ bé ở đô thị, phải sống trong cảnh sắp rời bỏ ngôi nhà sàn như người con gái
của Xống chụ son sao: "Ở lại nhé,
nái lợn đen ở gầm sàn/ Chiều chiều ta không được xách đậu cám xuống cho
ăn", thì cô ấy sẽ nghĩ gì? Cư tỉnh táo trở lại. Đồng thời, một niềm
rưng rưng chợt dấy lên... Cư chưa được biết những tư liệu của thầy giáo cũ có
những gì, nhưng anh đã xem phóng sự "Giã biệt Cà Nàng" của ông, ở đó
anh đồng cảm với tình thương, sự mến phục nghẹn ngào trước sự hy sinh cho nghĩa
cả của đồng bào.
Mặt trời vừa lặn sau dãy núi bên kia sông. Núi liền sẫm
đen lại hung dữ. Sương mù ập xuống. Bên này sông, bản cũ hoang vu càng thêm
lạnh lẽo trong màn sáng lem nhem, mờ ảo. Cư đã quay lại bến sông, kịp hỏi han
ghi chép thêm tin tức qua mấy đứa trẻ trai đang bơi lội, đùa nghịch. Một đứa tỏ
ra biết kỹ: "Hai nhà bắc ván thông nhau. Cửa sổ có bao cát. Có cả súng kíp
mua của người Mông tận Co Tòng cơ!". "Thế các cháu không đi học
à?"- Cư ngắt lời nó như thể xóa bỏ cái ấn tượng khó chịu bởi sự hồn nhiên
của trẻ thơ trước tội ác chưa xảy ra. Hỏi xong mới thấy mình vô duyên. Trường
nào ở chốn này! Chúng nhìn lạ lùng. "Chú là cán bộ di dân à? Không phải,
vì không có cặp da!"- "Chú là ai thì cũng là khách của bản. Tập tục
người Thái ta thế nào?". Một đứa láu táu: "Chú vào nhà cháu, cháu mời
chú uống nước...- Nó ngần ngừ - Nhà cháu mấy hôm nay ăn cháo ngô rồi...- Mắt nó
sáng lên - Nhưng chú vào hai nhà ông Khem, ông Bình sẽ được mời cơm cá đấy! Họ
trữ lương thực để ở lại bản thật lâu mà". Cư bật hỏi: "Thế nếu nước
hồ dâng lên thì sao nào?". Đứa lớn nhất trạc tuổi con gái út anh, vẻ trịnh
trọng: "Họ bảo không thèm di vén lên, mà chìm cùng nước!". Một đứa đế
thêm: "Nhưng không chết đuối bởi thuồng luồng đâu nhé! Tự giết cả nhà để
nước làm mồ chôn". Cư thoáng rùng mình. Sực nhớ, anh lấy ếp-khẩu xôi đưa
cho lũ trẻ. Chúng rụt rè nhìn nhau. Chắc thấy anh khẩn khoản, đứa lớn nhất cầm
lấy. Rồi chúng lại nhìn nhau vẻ nghi ngại. Cư mỉm cười: "Chú không
đói.".
Bọn trẻ liền xúm quanh đứa cầm ếp-khẩu, mắt hau háu chờ
chia phần. Ánh sáng nhập nhoạng trên những gương mặt hốc hác, lam lũ trước tuổi
vì đói ăn và những ngày tháng sống hoang dại. Cư chợt nhớ câu chuyện mẹ kể
khiến anh thổn thức suốt thời thơ ấu: có một gia đình nghèo đông con, đúng năm
hạn lớn, người mẹ kiệt sức. Người chồng sang nhà tạo bản vay được một nắm gạo,
dành tới khuya nấu cháo cho vợ. Nhưng khi muôi bát lỡ chạm nhau, bọn trẻ đã
vùng dậy. Hai vợ chồng nhường các con cả nồi cháo, rồi đành gạt nước mắt, bí
mật đưa chúng vào rừng tự kiếm sống. Năm sau được mùa, họ vội vào rừng tìm các
con. Nhưng, "Cô chị cả đã hoá thành khỉ kêu/ Cô chị hai
thành vượn hót mặt đỏ/ Còn thằng Căng và thằng Khằng đã thành con dím, con dũi
đào đất làm ổ sâu"5... Cư lặng lẽ rời bọn trẻ, đi sâu vào
bản hoang, lòng xáo động bởi câu chuyện vừa sống dậy sau nhiều năm quên lãng...
Nhưng chiếc túi thổ cẩm giờ nhẹ tênh, bước chân anh sao trĩu nặng. Anh có quyền
quay trở về. Vẫn còn kịp. Không ai trách móc, phê bình hết. Thậm chí, có người
sẽ vỗ tay hoan hỷ... Còn vợ anh thì sẽ chỉ cấu véo trách yêu vì đã để chị mất
oan một đêm lo âu thót tim! Cái vụ này, quả là mình ăn gan Trời. Mặc dù vẫn lễ
phép, nhẫn nhịn, song cái ý chí sắt đá của mình khi đề nghị bỏ cưỡng chế, đã
khiến không ít vị chưng hửng, thậm chí kinh ngạc. Hôm đó, sao mình hăng thế.
Còn thề thốt đủ thứ... Nhưng ai dám bảo là mình đã sợ hãi? Dớ dẩn! Cư lấy ra
chiếc đèn pin, sốc lại chiếc túi thổ cẩm nhẹ hều trên vai, thầm tiếc đã bỏ cuốn
sách và con dao ra. Bạn Cư làm luận văn thạc sĩ về kịch Sê-khôp, từng kể một
nguyên lý kịch học: nếu có một khẩu súng treo ở đầu cảnh một, thì tới cảnh năm,
nhất định nó phải nổ súng. Nhưng đó là kịch! Con dao sẽ chỉ cần thiết cho đúng
khoảnh khắc này, chỉ giúp làm nặng thêm cái bờ vai không phải lúc nào cũng đủ
tự tin như mình... Dớ dẩn nốt! Cư nảy cảm giác liều lĩnh, bất cần. Những ánh
mắt thương hại, sự dè bỉu coi thường của mọi người trong Ban, kể cả của vợ con
anh nữa, bỗng dưng khiến anh sôi tiết. Cư soi chúc đèn pin, khum bàn tay che
bớt sáng, chậm rãi bước về phía hai ngôi nhà mà vài giờ trước anh quan sát được
từ xa. Ve rừng bắt đầu nhưng nhức hòa âm giữa không gian đen kịt. Loài ve đã
nhập vào các phi bản, phi mường (hồn ma) đây, định dọa ta chắc? Đừng có hòng!
Nhưng một tiếng chim đêm cô độc cất lên khắc khoải khiến Cư chợt nao lòng, rã
rời ý chí... Một bà mẹ đi đào củ mài, vì quá mệt và đói nên cắm đầu chết trong
hố củ. Đứa con nhỏ ngồi chờ phía trên cứ gọi mãi, giục mãi mẹ về cho em bú, rồi
nó biến thành con chim đêm. Có phải là loài chim này không? Đừng hủy hoại nốt
lòng dũng cảm ta vừa vun lại được! Cư tắt đèn pin, nấp sau một gốc cây để lấy
lại tinh thần, và để mắt quen với đêm tối, quan sát địa hình. Anh căng mắt nhìn
ánh đèn dầu hắt qua các cửa sổ của hai ngôi nhà sàn truyền thống, trong đó một
nhà từng được phá để di dời, rồi chính nó được dựng lại sát kề nhà hàng xóm
thành thế liên kết, dù mong manh vẫn là đáng kể. Chúng xếp hàng ngang trước
mắt, vì thế anh không thể nhìn thấy bốn cửa ra vào phía bốn đầu hồi, trong đó
có một cửa bên quản, một cửa bên chan phải được nối với nhau bằng ván- nếu bọn
trẻ nói đúng. Ở mấy cửa sổ, hình như nổi lên các bao cát để kê nòng súng, và để
tránh đạn. Trẻ con không biết bịa! Chà! Thành một vế tục ngữ mới được đấy, kiểu
như: "Trẻ con không biết mệt, con gái không biết đói"... Ờ, làm người
ai mà chẳng biết đói, biết mệt! Nhưng ở các vùng quê nghèo quen tự cung tự cấp
xưa nay, mối quan tâm hàng đầu là “khẩu đón, tón pa khao”(gạo trắng, miếng cá
bạc), mà hoàn cảnh lại khắc nghiệt, thì vô tình phụ nữ và trẻ con bao giờ cũng
phải chịu đựng, chịu thiệt thòi nhiều nhất... Mai về, đọc câu tục ngữ cổ này
cho vợ nghe, xem gái Thái mang danh trí thức hiểu tới đâu? "Ngày mai"
lập tức kéo anh một cách phũ phàng về đáy thực tại "Ngay lúc này". Cư
dụi mắt để có thể quan sát kỹ hơn hiện trạng "pháo-đài-nhà-sàn" chưa
từng có ở vùng này, kể từ thời mưa máu chinh chiến vùng Thập châu. Ừ, mà sao
mình lại có vẻ dấm dúi thế? Hãy làm khách đường hoàng. Chuyện gì xảy ra chưa
biết, nhưng trước tiên hãy để họ có cơ hội thể hiện là người dân miền núi quý
khách, trọng khách như luật tục bao đời. Cư bước tới giữa hai ngôi nhà, cất
giọng nói to:
- Có ai ở nhà không ạ?
Ánh sáng đèn dầu lay động. Tiếng dẫm sàn nứa cót két. Một
tiếng nói trầm trầm tựa dưới Âm ty vọng ra từ mép cửa sổ:
- Ai vậy ?
Nghe giọng đoán tuổi, Cư đáp:
- Ải lung (bác, anh) , em ở mường xa tới, xin miếng cơm
ngụm nước!
- Vậy à? Mời lên sàn.
- Lên thang nào đây ạ ?
Nếu tự cho là khách quý, lên đằng quản !
May rồi, như thế là mình sẽ
được tận mắt nhìn thấy tấm ván liên kết phòng thủ của hai nhà. Sẽ chủ động khi
xảy ra sự cố. Và có dữ liệu cụ thể cho bản báo cáo... Cư bước tới giữa hai ngôi
nhà, chậm rãi bước lên thang quản ngôi nhà bên phải, anh nhìn thấy một tấm ván
lớn lao từ bên quản nhà này sang chan nhà hàng xóm một cách chắc chắn. Quả là
một sự đoàn kết sống mái, không kém mọi cuộc uống tiết ăn thề!
Bữa cơm rượu đãi khách được
bưng ra trên một mâm gỗ lên màu thời gian trộn bồ hóng. Dòng rượu táo mèo phản
chiếu đèn dầu hỏa và lửa bếp sàn sóng sánh tựa mật ong. Chủ nhà không hỏi anh
từ đâu đến, làm gì, ông chỉ lặng lẽ uống và nhiệt tình rót như lâu ngày mới có
khách tới thăm. Ông hàng xóm cũng được mời sang ngồi mâm. Sau mấy chén, họ mới
trò chuyện dè dặt. Khi biết chủ nhà vốn là một ông mo, Cư hơi nao núng. Trời ạ,
thuyết phục sao nổi một người đang làm chủ văn hóa cả mường bản!... Ông kể, ông
chia một nửa gia đình tới vùng tái định cư cách đây gần trăm cây số để thăm dò
trước. Nhưng nơi đó quá lạnh, lại ở nhà làm toàn bằng bê tông nên càng lạnh,
vườn tược không có. Gia đình được phân một lô chè và hai con bò sữa. Sau hơn
nửa năm bỡ ngỡ trong lĩnh vực làm ăn hoàn toàn mới, lại chưa được hướng dẫn kỹ
thuật đầy đủ, bò ốm chết, gạo tạm ứng hết sạch, đành phải kéo nhau về, kết với
một gia đình cùng cảnh ngộ ăn thề trụ lại. Còn mấy gia đình khác cũng quay về,
chấp nhận cảnh di vén theo mực nước, bất kể nơi đó có điện, nước, trạm xá,
trường học hay không; nhưng họ không nằm trong diện bị cưỡng chế...
Khi chủ khách đã ngà ngà, ở
buồng giữa chăng màn đen, lời “khắp” của một người đàn bà vọng ra: “À…ới…ì... Rượu này là rượu tình rượu nghĩa,
không phải là rượu phản rượu thù...”
Cư giật mình bay hết rượu. Câu hát có ẩn ý gì đây ? Họ đoán được mục đích của mình? Không phải!
Mình trở nên đa nghi, cảnh giác từ bao giờ vậy? Nhưng đó là bài hát đầu cuộc
rượu, sao đến lúc này mới hát? Một đòn tâm lý thăm dò? Cư vội lắc đầu nhẹ để tự
xóa bỏ cái ý nghĩ có phần thiếu lương thiện. Chính mình là kẻ đã đến đây trong
tâm địa dò tìm địch thủ trước, trong khi lẽ ra phải là một người bạn chỉ mang
tới điều họ hằng khao khát: tình và nghĩa. Việc họ phải trang bị cả súng cho
việc cố thủ, có lẽ chỉ là một phản ứng tuyệt vọng, bị dồn tới cùng đường, sẵn
sàng buông hết cho số mệnh...
Trong
lúc Cư đang miên man với bao ý nghĩ dằng xé gay gắt, ông mo đã từ góc nhà quay
lại, mang theo trên tay mấy cuốn vở học sinh. Ông hàng xóm cáo lỗi ra về. Lúc
ông ta đứng lên chào, Cư có cảm giác hai người làm dấu hiệu gì đó với nhau.
Những bao cát phía sau lưng Cư là đồng lõa nham hiểm, chúng lầm lỳ lắng nghe để
giải mã lời chủ nhân:
-
Về Mường Húa, tôi ghi lại được một bản chiêu hồn quý lắm nhé! Cậu thích nghe
không?
-
Em chưa được biết văn bản này của người Thái ta, nên chắc cái gì cũng lạ, cũng
thích...- Cư hồi hộp, nghe rõ từng hơi thở của mình.
Thế là ông vừa đọc vừa hát
bằng cái giọng khê nồng song truyền cảm, về hành trình chiêu hồn của một ông mo
mường xưa từ các tầng của mường Trời
tới nhiều nơi dưới trần gian... Đúng nghề đúng việc cũ, lại gặp người thích
nghe, không coi lời Mo khuôn là vô bổ, nhàm chán, ông có thể hài lòng sống qua
một đêm chờ đợi dường vô tận.
Các trai và đoàn gái ta ơi
Niết Bàn dù cao sang chớ ở
Không cùng lứa đôi chớ nằm với nhau
Ma chia ruộng cho chớ làm
Ma chia rẫy chia nương chớ lấy
Ma phần phai cho chớ ngăn...
Người dân ai cũng muốn phân
biệt rõ hồn ma tốt hồn ma xấu để soi lại cõi đời mình; và người hướng đạo phần
hồn - các ông mo, hơn ai hết phải nhận chân sự thật nhằm giúp cho hồn dù ở trên
trời hay nơi hạ giới, cả người chốn dương gian tránh bớt rủi ro, bất hạnh...
Đối tượng của Cư lâu nay chính là những con người vốn có mơ ước cuộc sống bình
dị, như các hồn của "Mo Khuôn" kia đang dung dăng dung dẻ đi qua
sướng khổ của kiếp người, kiếp ma, với niềm tin chất phác: những ai đã làm điều
thiện khi sống, thì lúc chết, không trước rồi sau sẽ được hóa thành vì sao
sáng; còn những kẻ làm trái đạo người sẽ bị Then Xội trừng trị, bị nhốt vào cõi
u minh vĩnh viễn... Ở cảnh ngộ nào, họ cũng lạc quan: "Dù miếng ăn còn nắm
đầy nắm vơi, nhưng lúa gạo ở dưới đất, thức ăn ở trong rừng...". Nhưng anh
và các cộng sự đã có đủ khả năng thuyết phục nổi những người đã mang nặng tâm
lý bao đời: "Mười bản không bằng bản rụng rốn, mười mường chẳng bằng mường
chôn nhau"?
Ngừng đọc một chút, ông cất
giọng buồn hơn cả tiếng pí-thiu5 đêm vắng:
- Cậu biết không, nhiều nơi
đẹp đẽ hồn đi qua, và cả nơi sinh ra bản Mo hồn này cũng sẽ chìm mãi trong nước
lạnh...
Cặp mắt mờ đục của ông ư ứ
nước. Ý chí Cư bị quật ngã, anh nôn nao say sóng. Phải chăng, đây mới là nguồn
cội chính của mọi việc?... Ông chủ nhà chợt cắt ngang tâm tư xáo trộn của Cư:
- Cậu nghe nữa không? Lúc
nãy là hành trình mường Trời. Giờ mới là hành trình Hạ giới...
Cư gật đầu lia lịa.
- Vâng, vâng, ải lung chưa
mệt thì em còn muốn nghe. Ít khi em có dịp...
Ông lại khề khà, nửa đọc cho
người nửa cúng ma cho hồn với đầy đủ lễ vật, kèn pí-lao, đèn nến lung linh
trước mặt một mo mường. Trong khi hồn được dẫn qua các địa danh cả xa lạ lẫn
quen thuộc đối với Cư - Mường Khiêng, bản Hốc, đồng Pụa, Mường Bon, bản Mòn...,
Cư chợt hình dung cảnh những con bò sữa đã biến thành bò rừng gầy guộc run rẩy,
đi ngơ ngác giữa những ngôi nhà xây cứng đờ theo kiểu doanh trại, không hề có
những mảnh vườn thân thiết với phụ nữ, trẻ em, những lô chè mướt xanh hóa lùm
cây dại, cỏ hoang trùm lấn... Hiện trạng này thực ra cũng đã được khắc phục khá
nhiều. Nhưng nơi đó còn biết bao gian nan đang đón đợi. Nhiều điểm tái định cư
khác tuy có thuận lợi hơn, song chuyện xóa đói giảm nghèo thực sự, vẫn còn là
nỗi đau đầu. Rồi những kẻ bất lương cấu kết với không ít cán bộ đã lưu manh
hóa, tuồn hàng rởm, hàng Tàu kém chất lượng tràn ngập nhiều làng bản chưa kịp
hồi sinh, nhẫn tâm vơ vét những đồng tiền ít ỏi được đền bù của dân, ăn chặn đồ
viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ, khiến đời sống của họ đã bấp bênh lại
càng thêm cơ cực, khốn khó...
- Này, cán bộ!...
Tiếng của một người phụ nữ
tựa tiếng thanh la xóc vào tai Cư. Anh choàng tỉnh. Chị tuổi ngoài năm mươi,
dáng sắt lại như lõi cây rừng, mái tóc tằng-cẩu6 gọn ghẽ chắc chưa
hề được gỡ ra đêm nào suốt những ngày qua. Chị đăm đăm như soi vào mắt Cư.
- Cậu vừa khóc đấy à? Sao
lại khóc ở nhà anh chị?
Giọng chị bớt căng, và
chuyển sang lối xưng hô thân mật gia đình của người Thái. Cư ngỡ ngàng vì điều
đó, mà cũng vì xấu hổ. Đúng là anh đã chảy nước mắt tự lúc nào. Cư vội lấy tay
quệt hai má.
- Dạ... Chắc là do khói bếp đấy ạ...
- Cậu đừng giấu chúng tôi!
Cậu là người của Ban di dân tái định cư! Cậu tới đây để lại vận động chúng tôi
chứ gì?- Giọng người phụ nữ bỗng đanh lại.
Cư chết lặng. Anh đã lộ chân
tướng. Một cách bị động. Một cách nhục nhã. Cư muốn hét lên: "Phải đấy!
Thế thì sao? Anh chị có biết sự ngoan cố của anh chị đã khiến bao người thêm
vất vả, biết bao thời giờ quý báu bị mất, nước hồ thì sắp dâng lên...".
Nhưng Cư bị chẹn ngang họng. Một con thú mắc bẫy giương mắt nhìn người săn.
Giọng người phụ nữ trở nên nhẹ nhàng, song Cư có cảm tưởng chị đang bỡn cợt một
con dũi trong lồng trước khi lôi ra làm thịt:
- Có đứa trẻ báo... Nó được
trả công hàng ngày mà! Chúng tôi đếm từng khắc chờ cậu đến, nhưng không mong
chờ cậu sẽ lại tuyên truyền những thứ ai cũng thuộc làu đâu!
Như đọc được ý nghĩ của Cư
vừa lóe lên, người đàn ông tiếp lời:
- Chúng tôi cũng không chờ
đợi sự đe dọa lẫn những lời hứa hẹn. Mà cần ai đó hiểu cho: chúng tôi mệt mỏi
lắm rồi. Cũng sợ chứ! Sợ đổ máu. Sợ phạm pháp... Nhưng hai tuần qua, ngày một
thất vọng. Lại nghe ngóng là sẽ cưỡng chế, nên bảo nhau chuẩn bị sẵn sàng cùng
sống chết...
Mồ hôi Cư toát đầm lưng áo.
Ông chủ nhà thủng thẳng:
- May là cậu không nói ra
những điều chúng tôi chẳng mong đợi...
Người phụ nữ tranh lời
chồng:
- Có đấy, có điều chẳng mong
đợi đấy!
Cư ngước mắt nhìn chị. Chị
mỉm cười, nụ cười mệt mỏi còn hằn vết lo âu, sợ hãi nhiều ngày qua:
- Chính là nước mắt của cậu
đấy!...
Và chị cũng chảy nước mắt thương cả
cho mình nữa.
Cư bật đứng dậy, lóng ngóng
nhét lại áo vào thắt lưng để kìm nén một cảm xúc đột ngột khiến anh mất tư thế-
điều thực không xứng đáng đối với một cán bộ không còn trẻ trung gì nữa, lại
trước người dân dù sao cũng đang "có vấn đề". Anh lúng búng:
- Em... Em quấy rầy anh chị
lâu quá rồi... Anh chị và bà con yên tâm. Sẽ không bao giờ có một cuộc cưỡng
chế nào hết! Nhưng...- Cư ghìm lại được, và thầm tiếc chót nói từ "bà
con" đậm tuyên huấn trước đông người - Nhưng... sao em không thấy con cháu
anh chị ở nhà?
- Một nửa trực nhà, chúng
đang đi săn... Một nửa đến những lều canh nương. Đang vụ mà - Bà chủ nhà nhanh
nhảu.
Bỗng một tiếng súng nổ dội
vào vách đá chát chúa. Cư giật bắn mình. Ông chủ nhà cau mày:
- Chắc thằng út hạ được cầy
bay rồi... Lâu lắm, chúng mới về bản! - Ông quay bảo vợ- Tôi đã nói mà chúng nó
không nghe à? Nếu có đi săn, thì bằng nỏ và bẫy thôi nhé!
Rồi ông đứng lên nói với Cư
:
- Cậu cứ về đi đã!
- Thế gia đình anh chị sẽ di
dời chứ?- Cư nóng ruột.
Ông chủ nhà quắc mắt, hơi sẵng giọng:
- Cậu cẩn thận đấy! Về nhà
đi! Mọi việc đâu có đó!- Ông chợt trầm ngâm- Chúng tôi đến chỗ nào cũng được,
miễn là nơi đó áp dụng được lời có vần của ông cha: "Mất của dễ tìm, mất
lòng khó kiếm..."
Khi xuống sàn, Cư mới có dịp quan sát, dù chỉ trong vài giây- khẩu súng
kíp treo sát cửa sổ. Và lần đầu tiên anh mới thấy khâm phục, tự hào trước kỹ
thuật kỳ lạ cùng sự kiên nhẫn phi thưòng của người vùng cao: cái nòng thép đã
được khoan bằng sức nước chảy ngày đêm suốt một năm ròng...
Viết thêm
Cuộc cưỡng chế đã không diễn ra, bởi Cư
đã có cam kết với lãnh đạo thế nào đó. Mười ngày sau, ông mo Khem mang lên nộp
hai khẩu súng kíp và thuyết phục được tất cả các gia đình bản Púng Lầm còn lại
tới nơi tái định cư. Và Cư phải viết báo cáo. Nhưng anh chật vật cả tuần liền.
Anh không biết phải kể lại những gì. Về mối thương tâm của đôi vợ chồng nhìn
các con biến thành thú vật trong rừng, hay về cô gái bỏ chồng thản nhiên dạo
chơi chẳng che vú trong những câu hát đưa hồn giúp anh lật ngược thế cờ? Về
thái độ kiêu ngạo của một số người máy mê tín khẩu hiệu tuyên truyền, hay nỗi
xót xa căm giận của anh trước những việc hủy hoại lòng tin của người dân đã
nghèo đến độ không còn gì nữa ngoài niềm tin?... Dù sao thì anh cũng không thể
viết như mọi khi được nữa, như mọi người vẫn viết và mong nhận được từ anh.
___________________________
1.
Tức Mo Khuôn- một tác phẩm cổ nổi tiếng của dân tộc Thái Tây Bắc (Vương Trung
dịch)
2.
Vật đựng cơm xôi làm bằng giang, mây
3.
Trường ca dân gian Thái "Xống chụ xon sao" (Tiễn dặn người yêu- Mạc
Phi dịch)
4.
Dân ca Thái Tây Bắc (Cầm Trọng kể)
5.
Một loại sáo dọc của người Thái
6.
Theo phong tục, phụ nữ Thái đen có chồng búi tóc lên cao, gọi là tằng cẩu.
Tây
Bắc- Hà Nội, cuối năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét