Đến sáng nay (21-4), ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức, được thả, 18 cảnh sát cơ động đã được dân thả tối 17-4 như để đánh đổi cho việc công an phóng thích toàn bộ số người thôn Hoành bị bắt giữ.
Nếu tạm coi phản ứng tập thể ban đầu của người dân khi bắt giữ nhân viên công quyền là bột phát, khó kiểm soát, như một sự đáp trả với việc công an bắt người của họ thì dường như việc họ tiếp tục giam giữ 20 công an, cán bộ nhà nước trong bốn ngày qua là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Ngày 20-4, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đại diện Ban Dân nguyện của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Quốc phòng về huyện để đối thoại với đại diện của những người đang có hành vi bắt giữ người trái phép nhưng bị từ chối. Những người đang có hành vi vi phạm pháp luật ấy đòi hỏi ông Chung phải về gặp họ ngay tại thôn Hoành. Nhưng liệu họ có quyền đòi hỏi không, khi tại thời điểm này, họ là bên đang có lỗi?
Tại thời điểm ban đầu có thể nhiều người dân thôn Hoành hoặc thậm chí một bộ phận dư luận có phần thông cảm cho phản ứng bột phát. Nhưng theo thời gian, cái sự thông cảm ấy dần giảm xuống.
Ngay trong nội bộ thôn Hoành, nhiều người dân đã không còn tán đồng với việc tiếp tục bắt giữ công an lâu như thế. Nhưng dường như tiếng nói ôn hòa ấy đang bị thành phần cực đoan che phủ. Đã có thông tin về việc những người có ý kiến thả công an thì bị cách ly, canh chừng…
Tối 20-4, Chủ tịch Chung khẳng định sự kiên trì của chính quyền: Vẫn sẵn sàng đối thoại “trong thời gian tới, rất ngắn thôi, chỉ ngày mai ngày kia, chúng tôi sẵn sàng đối thoại với bà con”. Nhưng ông cũng nói “mỗi một việc làm đều có giới hạn nhất định”.
Sự việc ở thôn Hoành giờ không còn là phản ứng bắt giữ người trái pháp luật một cách bột phát, khó kiểm soát của số đông nữa. Sự việc ấy đang ngày một rõ dấu hiệu vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, được Bộ luật Hình sự định danh tại Điều 301 là tội bắt cóc con tin: “…bắt giữ, giam người khác làm con tin và đe dọa giết, làm bị thương hoặc tiếp tục giam, giữ người đó nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin…”. Hình phạt cho hành vi ấy 1-15 năm tùy tính chất, hậu quả.
Tại thôn Hoành, những người “chủ chiến” trong sự việc này, dù với biện luận nào, đều nhận thấy rủi ro pháp lý của mình và đó là nội dung quan trọng mà họ muốn đặt ra để “đàm phán” với chính quyền. Nhưng một điều rõ ràng là càng kéo dài thì rủi ro và trách nhiệm pháp lý sẽ càng tăng.
Lúc này, có lẽ quả bóng đang trong chân những người “chủ chiến” của thôn Hoành. Thành hay bại, rủi ro cao hay thấp, hậu quả pháp lý tới đây thế nào phần nhiều tùy thuộc vào họ. Sự thông cảm của bên ngoài dành cho người dân Đồng Tâm đang suy giảm dần. Và như Chủ tịch Chung nói: “Mỗi việc làm đều có giới hạn nhất định”.
NGHĨA NHÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét