2 days trước 20,185 lượt xem
Tháng 2/1912, sau khi Hoàng thái hậu Long Dụ (1868 – 1912) của vương triều nhà Thanh (Trung Quốc) ban bố «Chiếu thư thoái vị» của Hoàng đế Phổ Nghi (6 tuổi), vương triều nhà Thanh đã kết thúc. Cuộc đời sau đó của Phổ Nghi là một chuỗi dài bi kịch…
Nhờ được Chính phủ Dân Quốc giúp đỡ, tuổi thơ Phổ Nghi vẫn được sống trong Tử Cấm Thành, sau trở thành con rối cho người Nhật Bản trên cương vị Hoàng đế vài năm. Sau khi Nhật Bản thất bại trong chiến tranh, Phổ Nghi lại bị Liên Xô bắt làm tù binh, đưa về giam tại Liên Xô. Sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng chính quyền, năm 1950 Phổ Nghi bị áp giải về Trung Quốc, bị bắt học tập và cải tạo tại Trại Quản lý Tội phạm Chiến tranh Phủ Thuận. Sau khi thấm nhuần quan điểm của ĐCSTQ, năm 1959 Phổ Nghi được ông Mao Trạch Đông ân xá, do nhu cầu thống nhất ĐCSTQ nên đã cho Phổ Nghi làm Ủy viên Chính hiệp toàn quốc, chuyên viên văn hóa – lịch sử, giúp đỡ Phổ Nghi kết hôn với bà Lý Thục Hiền (Li Shuxian, 1925 – 1997).
Nhưng chỉ vài năm làm công cụ cho ĐCSTQ, sau khi Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa, Phổ Nghi đã qua đời trong bệnh tật và sợ hãi.
Bị Hồng Vệ binh làm nhục
Theo sách «Thời khắc sinh tử của Hoàng đế triều đại cuối cùng Phổ Nghi» do Nhà xuất bản Nhân dân Thiên Tân xuất bản, sau khi được bổ nhiệm làm công tác Chính hiệp, Phổ Nghi luôn tích cực trong các phong trào chính trị, vì thế sau Cách mạng Văn hóa nổ ra năm 1966, Phổ Nghi vẫn được đối đãi ân cần. Nhưng cùng với hàng loạt quan chức và trí thức có trình độ học vấn cao bị đấu tố, tịch thu tài sản, những ai từng thân thiết và giúp đỡ họ cũng bị liên lụy, nỗi dày vò trong lòng Phổ Nghi ngày càng chồng chất.
Do cơ quan Chính hiệp toàn quốc ban hành điều luật: chuyên viên văn hóa – lịch sử không liên quan đến phong trào Cách mạng Văn hóa toàn quốc, vì thế mà lúc đầu Phổ Nghi tạm thời thoát nạn. Nhưng không bao lâu sau thì phe tạo phản phá bỏ quy định này, vậy là các chuyên viên văn hóa – lịch sử rơi vào tầm ngắm. Các cựu quan chức Quốc Dân đảng như Đỗ Duật Minh (Du Yuming), Khang Trạch (Kang Ze) và Thẩm Túy (Shen Zui) đã bị bọn trẻ con (người nhà của các lãnh đạo) làm nhục ngay trong trụ sở Chính hiệp, bị ném bùn nhão và nhổ nước miếng vào người; vợ của nhiều cựu quan chức Quốc Dân đảng cũng bị Hồng Vệ binh nhục mạ vì xem là “bà lớn của Quốc Dân đảng”…
Còn với Phổ Nghi, phe tạo phản tước quyền làm việc, tổ chức tạo phản dán cáo thị: giảm 50% lương đối với Ủy viên Chính hiệp cấp 1, giảm 30% lương đối với chuyên viên văn hóa – lịch sử cấp 1, bắt về nhà “học tập”.
Nhưng đây chỉ là màn khởi động. Không lâu sau, những thành viên phe tạo phản tay đeo phù hiệu Hồng Vệ binh kéo đến nhà Phổ Nghi khám xét, tuyên bố mục đích vì “phá tứ cựu”. Sau khi khám xong lại tuyên lệnh cho Phổ Nghi: “Phổ Nghi! Hãy đập nát mấy con sư tử đá ở phòng chính ngay!” Phổ Nghi trả lời rằng, nhà ở này là tài sản quốc gia, vì thế xin cho gọi điện hỏi phòng quản lý nhà cửa Chính hiệp, Hồng Vệ binh đồng ý nhưng tuyên bố sáng hôm sau sẽ đập nát và ném ra ngoài sân.
Hồng Vệ binh còn yêu cầu Phổ Nghi phải chuyển bộ ghế tràng kỷ và giường nệm ra ngoài, vì là “sản phẩm của giai cấp tư sản”. Vậy là Phổ Nghi đành gọi điện cho người của Chính hiệp đưa xe đến chở giường nệm và ghế tràng kỷ đi, thay vào đồ dùng đơn giản khác.
Khi Hồng Vệ binh trông thấy tấm hình chụp chung giữa Phổ Nghi và Mao Trạch Đông đặt trong buồng ngủ đã vô cùng tức giận, khiển trách Phổ Nghi rằng: “Ông là tội phạm chiến tranh, không được treo hình chụp chung với lãnh tụ vĩ đại, chúng tôi phải mang cái này đi, không để cho ông tự ý dát vàng lên mặt mình nhằm mê hoặc quần chúng”. Phổ Nghi lại phải ra sức đòi gửi lại nó cho cơ quan Chính hiệp.
Hồng Vệ binh lục tung mọi thứ trong nhà làm cho Phổ Nghi vô cùng hoảng sợ. Trong khi đó, người vợ Lý Thục Hiền của Phổ Nghi đi mua lương thực nhưng bị từ chối, nhân viên bán lương thực thông báo sau này chỉ cung ứng cho bột bắp, không cho bột mì và gạo. Cũng may khi đó có thể dùng phiếu lương thực ra phố đổi lấy bánh bao, giúp gia đình Phổ Nghi giải tỏa phần nào khó khăn về lương thực.
Chết trong lo sợ
Trò khủng bố của Hồng Vệ binh khiến Phổ Nghi vô cùng sợ hãi. Vốn vì trước đây khi làm vua Phổ Nghi từng cho người đánh tàn nhẫn một người tên Tôn Bác Nguyên khiến người này thiệt mạng, đến khi nổ ra Cách mạng Văn hóa, anh trai người chết là Tôn Bác Thành đã lật lại chuyện cũ, thường xuyên viết thư tố cáo Phổ Nghi, đòi trả mạng, bao nhiêu chuyện làm Phổ Nghi hoang mang và phải nhập viện.
Lúc này, “hoàng phi” của Phổ Nghi trước đây là bà Lý Ngọc Cầm (Li Yuqin, 1928 – 2001) cũng bị chỉnh đốn ở quê nhà, bị quy kết là “tàn dư của phong kiến”, nhưng bà Lý Ngọc Cầm khai bản thân là người bị hại, năm đó sau khi vào cung đã bị Phổ Nghi định tội và hành hạ theo Điều 21. Vì thế mà Lý Ngọc Cầm và người chị dâu Đỗ Tiểu Quyên thường đến bệnh viện gây chuyện, còn muốn Hồng Vệ binh mạnh tay hơn với Phổ Nghi.
Trong tình trạng cuộc sống đầy lo lắng bất an, bệnh tình Phổ Nghi ngày càng nặng, đến tháng 10/1967 thì qua đời.
Hoàng tộc đời mạt Thanh bị phê đấu và tịch thu gia sản
Nhà sử học Cổ Anh Hoa (Jia Yinghua) đã thu thập sử liệu và phỏng vấn hơn hai trăm chứng nhân từng trải qua thời kỳ cuối triều Thanh, viết thành hai bộ sách «Những ngày cuối cuộc đời Hoàng đế triều mạt» và «Phổ Kiệt truyện, em trai Hoàng đế triều mạt», khi trả lời phỏng vấn của tờ Sing Pao ông nhận định trình độ văn hóa nói chung của thành viên hoàng tộc triều mạt khá cao: Đa số mọi người biết vẽ tranh và viết văn chương, am hiểu phép tắc, sáng sớm họ luôn uống trà, họ không thích tiếp xúc người lạ vì xem trọng thân thế…
Đến thời Cách mạng Văn hóa, người cháu trai Phổ Nghi (con chị cả) khoảng 16 – 17 tuổi đã đích thân dẫn Hồng Vệ binh đến khám xét nhà những người trong hoàng tộc, công khai lên tiếng “đoạt tuyệt” với hoàng tộc. Nhà đầu tiên bị khám là nhà Phổ Nhậm (Pu Ren), em họ Phổ Nghi (con Thuần thân vương Tải Phong), Phổ Nhậm còn bị đánh roi da. Tiếp đến là nhà của thúc thúc Tải Đào (Zai Tao) của Phổ Nghi, không chỉ khám nhà và niêm phong đồ cổ, Hồng Vệ binh còn đạp người đàn ông ngoài bảy mươi tuổi này lăn lộn trên mặt đất khiến người thê thiếp Kim Hiếu Lan kinh sợ dùng dao cắt cổ tay tự sát.
Sau đó Hồng Vệ binh lại đến nhà người em vợ là Nhuận Kỳ Gia của Phổ Nghi và tịch thu toàn bộ «Khang Hy quan dao» gồm hơn trăm quyển.
Ngoài ra, nhà của bậc thầy hội họa và đàn nhạc là Phổ Tuyết Trai (1893-1966), cháu của Đôn Cần Thân vương Dịch Thông (1831 – 1889), cũng bị tịch biên, đàn cổ bị phá hủy, tranh chữ bị đốt, thư tịch bị cướp sạch. Sau khi bị phê đấu thê thảm, ông cụ 73 tuổi không chịu nổi nhục đã cùng con gái bỏ đi đâu mất tích.
Nhà thư pháp Khải Công (Qi Gong, 1912 – 2005) nổi tiếng là cháu thứ chín của Hoàng đế Ung Chính, trong phong trào chống hữu khuynh năm 1957 bị liệt vào phái hữu, đến Cách mạng Văn hóa bị đưa ra đấu tố, bắt giam thẩm tra, may nhờ có người vợ mưu trí và gan dạ giúp được chồng thoát nạn và bảo lưu được tranh chữ.
Cho đến khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, những thành viên hoàng tộc thời mạt Thanh vẫn còn chưa hết sợ hãi. Để tránh khỏi mối lo sợ sẽ lại trở thành đối tượng bị thanh trừng khi có phong trào chính trị mới, toàn gia tộc Ái Tân Giác La (Aisin Gioro) đã đổi sang họ Kim, đoạt tuyệt hoàn toàn với quá khứ lịch sử Mãn Thanh.
Nguyễn Đoàn
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét