Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Không thu hồi được 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng vì đã hết tài sản (!);Việt Nam đứng trong nhóm các nước tham nhũng được cho là nghiêm trọng; Chuyện động trời tại quận 7 (TP HCM): Dùng hơn 300 sổ đỏ giả chiếm đất công cộng?

Dân trí Trả lời phóng viên Dân trí tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 12/4, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết đã ra quyết định không có điều kiện thi hành án đối với khoản tiền trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch Vinalines vì xác minh thấy “không còn tài sản”.
 >> Lại ta thán việc thu hồi tài sản của Dương Chí Dũng
 >> “Lên dây cót” thu hồi tài sản các vụ án lớn, phức tạp

Ông Lê Quang Tiến đang trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí (Ảnh: Thế Kha)
Ông Lê Quang Tiến đang trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí (Ảnh: Thế Kha)
Tại cuộc họp báo chiều 12/4, ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã “than khó, kể khổ” trong quá trình thi hành án, thu hồi tài sản của các đương sự trong vụ án xảy ra tại Vinalines.
Ông Tiến cho biết, bản án của toà buộc Dương Chí Dũng phải bồi thường Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) 110 tỷ đồng, trong đó 10 tỷ đồng do phạm tội Tham ô tài sản, 100 tỷ đồng do phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đến nay gia đình Dương Chí Dũng đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả gần 7,5 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã xử lý 3.900 USD tạm giữ thu được trên 82 triệu đồng; xử lý căn hộ số 10, tầng 8 tòa nhà Pacific 83 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm thu được gần 4,4 tỷ đồng; xử lý căn hộ số 2901, tầng 29, tháp B tòa nhà Skycity 88 Láng Hạ, quận Đống Đa, thu trên 4,9 tỷ đồng. Ngoài ra, ngôi nhà số 2 ngõ 26, đường Nguyên Hồng, quận Đống Đa đã được bán cho người được quyền ưu tiên mua theo quy định.
“Ngoài những tài sản đã được cơ quan tiến hành tố tụng kê biên trên thì Dương Chí Dũng không còn tài sản nào khác. Căn cứ vào Luật Thi hành án dân sự 2014, cơ quan thi hành án đã ra quyết định không có điều kiện thi hành với khoản tiền trên 88,5 tỷ đồng còn lại của Dương Chí Dũng. Chỉ khi nào xác định Dương Chí Dũng có điều kiện thi hành án, còn tài sản thì cơ quan thi hành án tiếp tục thực hiện. Việc này đã được chúng tôi đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) và Cục Thi hành án dân sự Hà Nội rồi”- ông Tiến thông tin.
Trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng có nguy cơ không thu hồi được.
Trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng có nguy cơ không thu hồi được.
Cũng liên quan đến thu hồi tài sản trong vụ Vinalines, Chi cục Thi hành án dân sự quận Đống Đa đã tiến hành xác minh làm rõ về tài sản tại nơi cư trú và hộ khẩu thường trú của ông Trần Hữu Chiều - cựu Phó Tổng giám đốc Vinalines tại địa chỉ số 16 Ngõ 35 Thái Thịnh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội là tài sản chung vợ chồng, nên đã thẩm định giá trên 1,5 tỷ đồng và bán ưu tiên cho vợ ông Chiều. Đến nay vợ ông Chiều đã nộp được 761 triệu.
Khoản còn phải thi hành trên 38 tỷ đồng, Chi cục Thi hành án dân sự quận Đống Đa đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành vì hiện giờ ông Chiều không còn tài sản nào khác.
Bản án của toà cũng tuyên Mai Văn Khang- cựu Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines phải bồi thường 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua quá trình xác minh điều kiện thi hành án, hiện nay Mai Văn Khang đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam Hà Nam, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, tài sản chung của vợ chồng Khang chỉ có một căn hộ tại địa chỉ A1, tầng 2, lô 3B, ngõ 62 đường Trường Chinh, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân - hiện nay mẹ, vợ và hai con đang sinh sống.
Do giá trị tài sản rất nhỏ so với tổng số tiền phải thi hành 12 tỷ đồng nên chấp hành viên đã tiến hành kiểm tra hiện trạng và ra quyết định kê biên, xử lý tài sản.
Trong khi đó, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng được giao tiến hành thu hồi tài sản của Bùi Thị Bích Loan - nguyên Kế toán trưởng Vinalines phải bồi thường cho Vinalines 6 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay bà Bùi Thị Bích Loan đang ở nhờ nhà con rể tại chung cư 27 phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà Loan đang mắc bệnh hiểm nghèo và phải điều trị hóa chất, tia xạ tại Bệnh viện K (Hà Nội) nên rất khó thi hành án. Chính vì thế, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án với Bùi Thị Bích Loan.
Một trường hợp khác có số tiền phải thu hồi rất lớn là Mai Văn Phúc - cựu Tổng giám đốc Vinalines, phải bồi thường cho Vinalines số tiền trên 98 tỷ đồng và lãi suất. Đến nay Chi cục Thi hành án dân sự quận Tây Hồ đã tống đạt văn bản, quyết định thi hành án và đang tiếp tục xác minh nhà đất và tài sản trên đất tại số 72B Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội.
“Nếu là tài sản chung thì xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu nhà đất và tài sản trên đất tại 72B Thụy Khuê không phải tài sản chung thì tiếp tục xác minh điều kiện thi hành án khác. Nếu không còn thì ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án”- ông Lê Quang Tiến thông tin với phóng viên Dân trí.
Trước đó, bản án phúc thẩm của TAND Tối cao được công bố chiều 7/5/2014 đã giữ nguyên án sơ thẩm với hình phạt tử hình đối với Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và buộc Dũng nộp 110 tỷ đồng. Dương Chí Dũng phạm hai tội là Tham ô và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Thế Kha


Việt Nam đứng trong nhóm các nước tham nhũng được cho là nghiêm trọng

Dân trí Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2016 của Tổ chức minh bạch Quốc tế (TI) dựa trên cảm nhận của doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công cho thấy, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 133/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu, nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng.


Đó là những con số mà các diễn giả đã đưa ra trong Hội thảo “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể” diễn ra sáng nay (12/4) tại Hà Nội.
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo
Theo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) 2016 đánh giá quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam về tham nhũng, 38% người được hỏi cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp (DN) là một trong ba nhóm có mức độ tham nhũng cao nhất bên cạnh nhóm cán bộ thuế và cảnh sát (lần lượt là 48% và 57%).
Tình trạng tham nhũng tại Việt Nam đã và đang ngày càng phổ biến, đe dọa tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội.
Trong nhiều năm gần đây, Nhà nước đã thể hiện rõ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các biện pháp như cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng. Tuy nhiên, các nỗ lực này chưa đạt hiệu quả cao do mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực đăng kí thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư…
Vì thế, nhằm nỗ lực hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã triển khai Đề án 12 với mục tiêu, hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng DN cùng hợp tác hành động thực hiện liêm chính trong kinh doanh (gồm cả DN trong nước và nước ngoài) cùng hợp tác hành động, thực hiện liêm chính trong kinh doanh trong giai đoạn từ năm 2015 – 2019.
Bà Đinh Thị Bích Xuân, Điều phối viên Đề án 12 cho biết: “Nguyên tắc hoạt động của Đề án dựa trên 3 định hướng: Thúc đẩy xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ tốt trong doanh nghiệp; tăng cường chủ động hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự trong phòng chống tham nhũng. Đồng thời, đề xuất với chính phủ hoàn thiện các quy định chính sách pháp luật và cải cách thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.”
Trao đổi về lý do vì sao hành động tập thể quan trọng trong việc thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản trị xã hội (CENSOGOR) cho rằng, doanh nghiệp được nhìn nhận đóng vai trò như một “mắt xích kép” trong thực trạng tham nhũng hiện nay. Cụ thể, doanh nghiệp vừa là nạn nhân nhưng cũng vừa là tác nhân gây ra tình trạng tham nhũng.
Dẫn chứng cho điều này, bà Viễn cho biết, có đến 66% doanh nghiệp dân doanh trong nước đã phải chi trả các chi phí không chính thức và 59% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải trả chi phí chính thức khi làm thủ tục hải quan tại Việt Nam. Đồng thời, 61,5% doanh nghiệp có hành vi biếu tiền và hầu như tất cả các doanh nghiệp đều có hành vi “lại quả” cho đối tác.
“Hình ảnh lãnh đạo doanh nghiệp đang bị đi xuống trong con mắt của người dân Việt Nam. Đã có đến 38% người dân Việt Nam khi được hỏi đã đánh giá rằng, các lãnh đạo doanh nghiệp là 1 trong 3 nhóm đối tượng tham nhũng nhiều nhất”, bà Viễn cho biết.
Trước những thực trạng kể trên, trong những năm gần đây, Chính phủ đã có cái nhìn tích cực hơn về vai trò của DN, từ đó khuyến khích các DN áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng với những quy mô khác nhau. Xuất phát từ chính trong nội bộ doanh nghiệp, cũng như phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cùng hành động để đẩy mạnh hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.
Thế Hưng

Chuyện động trời tại quận 7 (TP HCM): Dùng hơn 300 sổ đỏ giả chiếm đất công cộng?

Cập nhật: 11/04/2017 07:29

(Thanh tra)- Ngày 7/4/2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về xác minh, làm rõ khiếu nại của công dân Huỳnh Văn Cò, ngụ tại nhà 231A/8, đường Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TP HCM liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) có dấu hiệu giả mạo, đại diện Cục III đã tiếp nhận thêm nội dung kiến nghị của ông Cò về hàng trăm ngàn m2 đất công cộng bị chiếm đoạt với hơn 300 phôi sổ đỏ, không có hồ sơ gốc, được cấp sai đối tượng tại quận 7.


    Chuyện động trời tại quận 7 (TP HCM): Dùng hơn 300 sổ đỏ giả chiếm đất công cộng?
    Hàng trăm ngàn m2 đất công cộng, sát tường rào dự án nhà ở Him Lam, phường Tân Hưng, đã được hợp thức hóa sai đối tượng bằng 300 phôi sổ đỏ. Ảnh: Giáng Thăng
    Dùng phôi sổ đỏ chiếm đất công cộng
    Từ các hồ sơ thu thập được trong hơn 9 năm qua, ông Cò đã phát hiện hàng trăm phôi sổ đỏ, đáng lẽ phải hủy vì không đúng mẫu của Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát hành. Tuy nhiên, hơn 300 phôi sổ này được hợp thức hóa thành sổ đỏ để sử dụng trong giai đoạn 1994 - 1995, với hình thức đánh máy thêm vào diện tích, thêm tên người sử dụng, cũng như tên người ký sổ để hợp thức hóa hàng trăm ngàn m2 đất đường giao thông, đất ven kênh rạch. Những khu đất đã được quy hoạch là cảng sông ông Lớn, ven tường rào khu nhà ở Him Lam, thuộc địa bàn phường Tân Hưng, quận 7. Hầu hết cá nhân có tên trên 300 sổ đỏ này đều không phải là đối tượng được giao, cấp đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ.
    Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, một lãnh đạo Thanh tra TP HCM cho rằng: Nếu đối chiếu với Quyết định số 201/QĐ/ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục Địa chính về quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp thì hơn 300 sổ đỏ mà ông Cò kiến nghị làm rõ (có ngày ký là 30/12/1994, và 30/12/1995), về thẩm quyền là không đúng quy định, vì Ủy viên UBND huyện Nhà Bè không đủ thẩm quyền ký, không thể hiện thời gian sử dụng đất, không có hồ sơ gốc. Trước đây, Thanh tra TP HCM khi được giao xác minh một số vụ việc khiếu nại giá đền bù đất tại một số phường tại quận 7, đã phát hiện nhiều sổ đỏ bất thường và có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý kỷ luật nhiều cán bộ thuộc UBND quận 7, cũng như thu hồi, quản lý diện tích đất cấp sai đối tượng.

    Quán nhậu Thủy Mộc tại số 300 đường Lê Văn Lương, là 1 trong 8 thửa đất trong sổ đỏ có tên ông Thống, nằm cách phần đất mà ông Cò khiếu nại hơn 1km. Ảnh: Giáng Thăng


    Liên quan đến khiếu nại của ông Cò về Sổ đỏ số 387/QSDĐ, có tên ông Nguyễn Đức Thống, có ghi ngày cấp là 30/12/1995, có tên người ký là ông Trần Ngọc Hùng với tư cách là Ủy viên Ủy ban huyện Nhà Bè, với 33.903m2 đất nông nghiệp, gồm 8 thửa nằm cách xa nhau hàng trăm thửa, lãnh đạo Thanh tra TP HCM cũng đã có Báo cáo số 782/BC-TTTP ngày 27/12/2016 với nội dung phân tích đầy đủ pháp lý của sự việc để xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM.
    Để xử lý dứt điểm vấn đề này, theo Cục trưởng Cục III Võ Văn Đồng, nếu đất giao thông, đất ven sông rạch là công thổ quốc gia nhưng được cấp sổ đỏ cho các cá nhân khác không đúng pháp luật thì các cơ quan thanh tra, cơ quan bảo vệ pháp luật phải làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Ngoài việc thu hồi sổ đỏ đã cấp, các cơ quan chức năng của TP HCM phải tiến hành quản lý toàn bộ diện tích đất này, sau đó phân loại từng trường hợp để có chính sách xử lý phù hợp.

    Khu đất mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, dù đang bị gia đình bà Phạm Thị Lụa khiếu nại, nhưng Cty TNHH Điện tử Tiến Đạt vẫn cho thuê làm quán nhậu, làm phòng khám. Ảnh: Giáng Thăng


    Theo chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý địa bàn, Cục III đã tiếp nhận kiến nghị của công dân Huỳnh Văn Cò để xác minh, làm rõ, sau đó có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM xử lý nghiêm sai phạm trong quản lý, sử dụng đất công cộng tại quận 7.
    Cấp trên quyết liệt, cấp quận buông xuôi
    Khi đi tìm câu trả lời vì sao 8 thửa đất nằm cách xa nhau hàng trăm thửa nhưng lại được tồn tại trên Sổ đỏ số 387/QSDĐ mang tên ông Thống, trong đó có cả phần đất 13.000m2 và phần mộ của gia tộc, ông Cò lại phát hiện ra sự thật giật mình khác. Đó là cá nhân ông Thống, cũng như Cty TNHH điện tử Tiến Đạt thời điểm ông Thống làm Giám đốc đã có tên trên nhiều sổ đỏ với hàng chục ha đất, trong đó có đất lộ giới giao thông, đất sông rạch. Khi hạ tầng giao thông quận 7 phát triển, hàng loạt khu đất này đã được cho thuê hoặc chuyển nhượng với giá hàng chục triệu đồng/m2, trong đó có khu đất mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, dù đang bị gia đình bà Phạm Thị Lụa khiếu nại nhưng Cty TNHH điện tử Tiến Đạt vẫn cho thuê làm quán nhậu, phòng khám.
    Hơn 9 năm qua, ông Cò vẫn kiên trì đề nghị Chủ tịch UBND quận 7 tiếp công dân, cũng như xác minh một cách khách quan về quyền sử dụng 13.000m2 đất tại ven sông ông Lớn. Phần đất này do gia đình ông Cò khai phá từ năm 1960 và sử dụng qua nhiều thời kỳ biến động nhà đất tại địa phương, trên đất vẫn còn nhiều phần mộ của gia tộc họ Huỳnh nhưng lại bị biến thành 5 thửa đất nông nghiệp trên Sổ đỏ số 387/QSDĐ, có tên ông Thống, ghi ngày cấp là 30/12/1995.

    Văn phòng Chính phủ ngày 14/3/2017 đã có văn bản chuyển đơn của công dân Huỳnh Văn Cò đến Chủ tịch UBND TP HCM để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Ảnh: Giáng Thăng


    Đến nay, ông Cò chỉ nhận được thông báo của Phó Chủ tịch UBND quận 7 Đào Gia Vượng là hết thời hiệu giải quyết, còn nội dung tố cáo ông Thống về hành vi xâm phạm mồ mả thì lại bị Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình trả lời là không có cơ sở giải quyết vì cán bộ văn thư UBND phường Tân Hưng làm thất lạc đơn và hồ sơ liên quan.
    Liên quan đến sự việc này, Văn phòng Chính phủ ngày 14/3/2017 đã có Văn bản số 2303/VPCP-V.I, chuyển đơn của công dân Huỳnh Văn Cò đến Chủ tịch UBND TP HCM để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
    Ngoài ra, trong tháng 3/2017, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cũng đã có văn bản giao Cục III xem xét, giải quyết các nội dung khiếu nại của công dân Huỳnh Văn Cò để hạn chế tiếp khiếu vượt cấp.
    Giáng Thăng

    Không có nhận xét nào: