Donald Trump-Tập Cận Bình: Cùng đối ngoại để đối nội
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump.REUTERS/Toby Melville/Lucas Jackson/tư liệu
Cuộc gặp đầu tiên giữa nguyên thủ hai siêu cường trên thế giới, Donald Trump - Tập Cận Bình là tâm điểm phần trang thời sự quốc tế các tờ báo Paris ngày 06/04/2017. La Croix và Les Echos cùng nói đến không khí « căng thẳng » tại khu nghỉ dưỡng Mar A Lago trong những giờ tới. Với Le Monde và Libération, bên cạnh những bất đồng hay khác biệt về phong cách, hai nguyên thủ này « cùng trong tình cảnh khá giống nhau ».
Tổng thống Mỹ đang cần củng cố uy tín trước một quốc gia mà từ trước tới nay ông từng coi là một « mối đe dọa đối với quyền lợi của người dân Hoa Kỳ ». Libération nói rõ hơn : sau nhiều thất bại ê chề trong chính sách đối nội, nhất là trong kết hoạch cải tổ luật bảo hiểm y tế, ông Trump cần « ghi một bàn thắng về mặt ngoại giao », đặc biệt là với Trung Quốc.
Tìm một sân chơi chung, có lợi cho cả đôi bên ?
Để làm được điều này, thì tổng thống Mỹ cần tránh mọi sơ xuất về mặt lễ tân. Chính vì thế mà từ nhiều tuần qua, nhân viên Mỹ và Trung Quốc đã ráo riết làm việc cùng với nhau. Bắc Kinh rất lo ngại tổng thống Mỹ làm Tập Cận Bình mất mặt chẳng hạn như không bắt tay nguyên thủ Trung Quốc trước ống kính của báo chí, như điều từng xảy ra khi chủ nhân Nhà Trắng tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng trước.
Về phía chủ tịch Trung Quốc, vài tháng trước đại hội Đảng, ông Tập Cận Bình phải chứng minh với công luận ở Bắc Kinh rằng ông biết cách nói chuyện, ngay cả với một người tính khí bất thường như tân chủ nhân Nhà Trắng, mà không nhượng bộ quá nhiều. Mục tiêu của ông Tập là « bảo đảm ổn định » trong chính sách của Washington với Bắc Kinh mà ở đó nguyên tắc « một nước Trung Hoa duy nhất » phải là ưu tiên hàng đầu.
Báo kinh tế Les Echos chờ đợi chủ tịch Trung Quốc sẽ nhượng bộ tổng thống Mỹ trên một vài hồ sơ mang tính tượng trưng : làm vừa lòng ông Trump với một vài hứa hẹn đem vốn Trung Quốc đầu tư vào Mỹ hay đặt mua vài chiếc máy bay của tập đoàn Boeing.
Phần thắng nghiêng về Tập Cận Bình ?
Libération gọi những tính toán đó là chiêu bài để hai ông « Donald Trump và Tập Cận Bình thử ve vãn nhau tại bang Florida » lần này.
Tỏ thái độ hòa hoãn, nhã nhặn đề chiều lòng nhau là một chuyện, nhưng Le Monde báo trước : đừng chờ đợi trông thấy hình ảnh chủ tịch Trung Quốc đánh golf với tổng thống Hoa Kỳ trong thời gian ông Tập dừng chân ở bang Florida như thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe hồi tháng 2/2017. Lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ không ngả lưng tại Mar A Lago, khu nghỉ dưỡng riêng của nhà tỷ phú New York Donald Trump trong hai ngày làm việc.
Đối thoại giữa lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới lại càng thêm phức tạp sau khi Bắc Triều Tiên bắn tên lửa, như « khúc nhạc dạo đầu » cho buổi làm việc đầu tiên giữa hai ông Trump và Tập. Thái độ của Bình Nhưỡng đặt chủ tịch Trung Quốc vào thế khó xử trong lúc Washington liên tục kêu gọi Trung Quốc khuyên bảo Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Chưa kể là ngoài vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, Biển Đông và hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ đặt tại Hàn Quốc là hai các gai khác trong quan hệ song phương. Có điều, như ghi nhận của báo Les Echos, « nhượng bộ của phía Trung Quốc nếu có, chỉ mang hình thức bề ngoài, bởi vì Bắc Kinh không thể nào bỏ rơi chế độ Kim Jong Un và Bình Nhưỡng luôn là một lá chủ bài trên bàn cờ địa chính trị của Trung Quốc ».
Còn trong cuộc đọ sức thương mại, không có gì bảo đảm là tổng thống Trump sẽ giành lấy phần thắng. Đơn giản là Mỹ không thể giải quyết nhập siêu với Trung Quốc. Le Monde nhắc lại, năm 2016 nhập siêu của Mỹ với bạn hàng Trung Quốc lên tới 347 tỷ đô la. Libération đưa ra thêm một bằng chứng minh họa cho điều này : làm găng với Bắc Kinh bất lợi cho kinh tế Mỹ.
« Theo thống kê của bộ Thương Mại Hoa Kỳ, xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới cho phép bảo đảm hơn 900.000 công việc làm cho người lao động Mỹ. Rõ ràng Trung Quốc có phương tiện để trả đũa ».
Để kết luận, Le Monde cho rằng tương quan lực lượng Mỹ - Trung có phần bất lợi cho tổng thống Donald Trump. Chính chủ nhân Nhà Trắng như ý thức được điều này, khi ông viết trên Twitter : « Tranh chấp thương mại có thể sẽ được đề cập đến vào một dịp tới ».
Trump « trở mặt » với Bachar al Assad
Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria là đề tài quốc tế thứ nhì nổi bật trong ngày. Báo chí Pháp chú ý đến phản ứng của Mỹ : Washington hoàn toàn thay đổi quan điểm về tổng thống Syria Bachar al Assad.
« Donald Trump lên giọng với Assad » tựa của tờ Le Figaro. Ở bên dưới là hình ảnh đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, hai tay cầm hai tấm ảnh trẻ em Syria chết vì chất độc hóa học. Tổng thống Mỹ trong cuộc họp báo chung với quốc vương Jordani tuyên bố : Hành động này « không thể dung thứ » và ông đã « thay đổi quan niệm trên hồ sơ Syria ». Tờ báo nhắc lại từ năm 2012 đến 2014 chính Donald Trump đã gửi hàng chục Twitter kêu gọi tổng thống Obama đứng ngoài xung đột Syria vì đấy « không phải là chuyện của nước Mỹ ».
Le Monde nhìn thái độ của tổng thống Trump về thảm họa ở Khan Cheikoun hôm mồng 04/04/2017 dưới một lăng kính khác trong bài : « Trump chỉ trích Bachar Al Assad nhưng lại quy trách nhiệm cho Obama ».
Trong một thông cáo của phủ tổng thống, ông Trump ghi nhận : hành động kinh tởm của chế độ Damas là « hậu quả từ thái độ nhu nhược và thiếu cương quyết của chính quyền trước (...) Tổng thống Obama, năm 2012 tuyên bố đặt ra một lằn ranh đỏ chống sử dụng vũ khí hóa học, để rồi không làm gì cả ». Cùng nội dung này, bức hí họa của báo Libération vẽ cảnh tổng thống Syria đứng sau lưng ông Trump than khóc : « Thiên hạ lại tố tôi phạm tội ác chiến tranh ». Phía trước, tổng thống Mỹ, quả quyết « nhưng thủ phạm chính là Obama ».
Trang nhất của tờ báo đăng ảnh xác trẻ em ngổn ngang ở bên dưới hàng tựa lớn : « Những đứa trẻ của Bachar Al Assad ». Libération không quên lên án cộng đồng quốc tế từ hai năm qua đã để xung đột Syria chìm vào quên lãng.
Nước Pháp trong bối cảnh bầu cử, chẳng thấy ai trong số 11 ứng viên tổng thống lên tiếng về thảm họa nhân đạo kéo dài tại Trung Đông này. Nhật báo công giáo La Croix nói đến sự « phẫn uất và bất lực » của cộng đồng quốc tế. Nhưng ngoài những tuyên bố suông, về thực chất thế giới có thể làm được những gì để không bao giờ trẻ em và thường dân vô tội phải chết vì vũ khí hóa học nữa ? Câu trả lời của La Croix không chút lạc quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét