Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Tập Cận Bình, Biển Đông và Mar-a-Lago


Dinh cơ nghỉ mát Mar-a-Lago, nơi tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Tập Cận Bình trong hai ngày 6 và 7/04/2017.

« Mar-a-Lago » tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « Biển Hồ », hoặc « Biển trở nên hồ ». Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình có thể chú ý đến cái tên của dinh cơ ông Trump ở Palm Beach, nơi họ đang gặp gỡ để thảo luận về quan hệ Mỹ-Trung.
Theo giáo sư Donald K.Emmerson, trường đại học Stanford trên The Diplomat, từ « Biển Hồ » còn mô tả chính xác những gì Trung Quốc đang làm ở Đông Nam Á, khi Bắc Kinh tiếp tục đơn phương dùng vũ lực biến vùng biển này thành ao nhà của Trung Quốc.

Giáo sư Emmerson nhận định, Biển Đông là trái tim biển cả của Đông Nam Á. Quá trình quân sự hóa các thực thể ở đây rõ ràng cho thấy Trung Quốc muốn phát triển một mạng lưới căn cứ quân sự, có thể nhằm gây sức ép lên các nhà lãnh đạo Đông Nam Á để họ phải quỳ gối trước Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng hy vọng bằng cách này chặn đứng các cuộc tuần tra hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ tại vùng biển quốc tế kể từ thời chính quyền Obama. Đó các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa, năm ngoái đã được Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye công nhận là hải phận quốc tế.

Nếu chủ đề này không được nêu ra tại Mar-a-Lago, hoặc bị hạ thấp trong cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo, ông Tập sẽ quay về Bắc Kinh với niềm tin là ông Trump đã chấp nhận sự bành trướng của Trung Quốc. Tập Cận Bình cũng có thể nghĩ rằng ông ta dành cho Trump « phần thắng », khi tránh cho ông Trump việc lên tiếng cảnh báo Trung Quốc.

Qua việc nhượng bộ chút ít trong quan hệ kinh tế, Tập Cận Bình hy vọng đã trao cho Trump một « chiến thắng » chệch hướng. Chệch hướng, vì những nhượng bộ nho nhỏ về kinh tế của Trung Quốc có thể được mô tả là ông Trump đã đạt mục đích. Một thành công thật ra là thất bại, khi không đạt được bất kỳ tiến triển nào về vấn đề Biển Đông, bị bỏ lại một mình trong cuộc tranh cãi về chủ đề luôn bế tắc này.

Việc các máy bay và tàu dân sự cũng như quân sự được tự do đi vào Biển Đông là nằm trong lợi ích của Mỹ. Ngược lại, việc này không có lợi cho Trung Quốc một khi họ muốn điều tiết một cách chọn lọc, một mình làm chủ vùng biển này. Nhớ lấy điều ấy, trong cuộc gặp thượng đỉnh này hoặc sau đó, Washington nên và phải khuyến khích các quốc gia Đông Nam Á và các nước khác kể cả Trung Quốc, thực hiện các chuyến hải hành và phi hành tại Biển Đông – một cách đơn lẻ, phối hợp với nhau hoặc với Hoa Kỳ.

Các chuyến đi này có thể mang tính quân sự, hoặc không nhất thiết phải như thế. Có thể tiến hành cả các cuộc thao dượt về an toàn hàng hải, phòng chống thiên tai, thẩm định nguồn cá chẳng hạn. Điểm mấu chốt là hành trình và các hoạt động hải hành, phi hành ấy phải tuân thủ bản đồ khu vực phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài tháng 7/2016, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bản đồ này đã được công bố rộng rãi cho các quốc gia ven biển và xa hơn nữa.

Ông Trump không phải là người hăng hái ủng hộ cách tiếp cận đa phương. Nếu trước tiên ông nêu ra khái niệm « hợp tác tuần tra » song phương trên Biển Đông với người đồng nhiệm Trung Quốc và bị bác bỏ, thì sau đó vẫn có thể đề nghị với các nước liên quan. Một số nước - ít hay nhiều - có thể chấp nhận tiến hành mà không có Trung Quốc tham gia. Đã có những nước chuyển sang « gặt hái » những nhân tố của một Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó Hoa Kỳ vắng bóng.

Trong số 18 quốc gia thành viên của hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, và các nước ASEAN. Tại Mar-a-Lago, chính quyền Trump có thể đề nghị với Trung Quốc và các nước EAS dời lại chủ đề « hợp tác tuần tra » trên đây vào nghị trình của Diễn đàn AES thứ 12 sẽ diễn ra vào giữa tháng 11 tại Philippines.

Theo giáo sư Emmerson, có thể tại hội nghị thượng đỉnh lần này không đạt được đồng thuận về việc thảo luận đề nghị trên. Nhưng chỉ riêng việc đề xuất cũng có thể gây ra các phản ứng, ủng hộ hoặc chống đối. Ít nhất, việc phổ biến ý tưởng này có thể tạo sự chú ý đến nhu cầu phải có các hoạt động chung - dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, và gây thối chí đối với những kẻ muốn đơn phương dùng sức mạnh, vi phạm luật quốc tế.

Đưa ý định này đi xa hơn - ít nhất đến các cơ quan tư vấn, nếu không phải là các bộ ngoại giao - cũng giúp bảo đảm với các quốc gia châu Á liên quan, rằng Hoa Kỳ không để con đường hàng hải này rơi vào tay bất cứ cường quốc bá quyền nào, và cũng không muốn đóng vai trò người kiểm soát duy nhất.

Cuối cùng, chỉ đơn thuần nêu ra vấn đề, tranh luận và cải thiện ý tưởng có thể dẫn đến những phần tử quá tự tin ở Bắc Kinh phải đặt câu hỏi, liệu các nước khác - kể cả các nước láng giềng của Trung Quốc – có sẽ thụ động ngồi nhìn khi Trung Quốc biến vùng biển trung tâm của Đông Nam Á « từ biển thành hồ » hay không. Tác giả Donald K.Emmerson kết luận, cái tên « Mar-a-Lago » rốt cuộc sẽ được ghi nhớ như là một sự trùng hợp mỉa mai, nhưng không mang tính tiên tri.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170406-tap-can-binh-bien-dong-va-mar-a-lago

Không có nhận xét nào: