Hải Võ |
Nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đã tiến vào vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên hồi cuối tuần qua, với tuyên bố "đáp trả thách thức trước đó" của Bình Nhưỡng.
Động thái diễn ra chỉ hơn 1 ngày sau khi quân đội Mỹ phóng 59 tên lửa Tomahawak vào căn cứ quân chính phủ Syria - sự kiện được cho là cũng mang thông điệp răn đe Triều Tiên, phát đi tín hiệu rằng Mỹ "sẵn sàng ra tay".
Trong khi Mỹ tuyên bố sẽ tấn công quân sự nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân, phản ứng của Bình Nhưỡng cũng hết sức cứng rắn.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho hay, những phán đoán gần đây của truyền thông thế giới về tình hình Triều Tiên đến từ một bức thư của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho, nói rằng ban lãnh đạo nước này nhận định cục diện bán đảo đang mất kiểm soát.
Đáng chú ý, nơi nhận thư hàm của ông Ri không phải là Liên hợp quốc hay một tổ chức của các nước lớn, mà là Ban thư ký ASEAN. Theo Tân Hoa Xã, Đại sứ quán Triều Tiên tại Jakarta, Indonesia đã chuyển thư tới Ban thư ký vào hôm 4/4.
Vì sao Triều Tiên gửi thư cho ASEAN?
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 8/4 lần đầu tiên xác nhận thông tin về lá thư gửi các nước ASEAN. Trong thư, Ngoại trưởng Ri Yong Ho chỉ trích cuộc tập trận quy mô lớn mà Mỹ và Hàn Quốc tiến hành từ tháng trước.
Ông Ri cáo buộc Mỹ-Hàn đã đưa lượng lớn vũ khí tấn công vào chương trình tập trận, bao gồm tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và các máy bay ném bom chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân. Ông lên án mục đích cuộc tập trận là "lật đổ chế độ ở Triều Tiên".
Ngoại trưởng Triều Tiên cũng tuyên bố rằng trong điều kiện như vậy, Bình Nhưỡng sẽ áp dụng các biện pháp đối đầu "quyết liệt nhất", bao gồm tăng cường khả năng kiềm chế bằng hạt nhân.
KCNA cho hay, Bình Nhưỡng kỳ vọng các nước ASEAN "quan tâm đến cuộc tập trận đang diễn ra của Mỹ-Hàn và đưa ra đánh giá công bằng", đồng thời đóng góp cho hòa bình và an ninh của bán đảo.
Tân Hoa Xã bình luận, động thái của Triều Tiên khiến giới quan sát khá bất ngờ khi họ "phớt lờ" Trung Quốc để tìm đến các nước Đông Nam Á. Điều này cũng hé lộ mức độ nghiêm trọng của tình hình khu vực.
AFP (Pháp) hôm 9/4 dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Herbert McMaster cho biết, Tổng thống Donald Trump yêu cầu được cung cấp "mọi lựa chọn" để "loại bỏ" mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, và bảo đảm việc điều tàu sân bay đến bán đảo là một phương án đề phòng.
Không phải lần đầu tìm tới Đông Nam Á
Theo Tân Hoa Xã, cho đến trước căng thẳng ngoại giao Triều Tiên-Malaysia từ tháng 2 bởi vụ công dân Triều Tiên Kim Chol bị sát hại ở Kuala Lumpur, quan hệ giữa Bình Nhưỡng với các nước Đông Nam Á vẫn phát triển ổn định.
Từ năm 2012, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền, Triều Tiên đã coi trọng quan hệ đối ngoại với ASEAN hơn nhiều.
Các diễn đàn ngoại giao song phương và đa phương của Đông Nam Á đã trở thành một trong các vũ đài quan trọng để Triều Tiên công bố chính sách của mình, bởi ASEAN hiện nay đã trở thành một tổ chức kinh tế, chính trị mạnh để hiện thực hóa mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực, dựa trên các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, không can thiệp nội chính và bình đẳng.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap năm 2012 từng nhận định Bình Nhưỡng "tập trung toàn bộ nguồn lực ngoại giao vào ASEAN".
Mỹ rất khó tái diễn "kịch bản Syria" với Triều Tiên
Nhà nghiên cứu Cao Hạo Vinh từ Trung tâm các vấn đề thế giới của Tân Hoa Xã, một chuyên gia về Triều Tiên, đánh giá hôm 10/4: "Tình hình bán đảo hiện nay tương đối nghiêm trọng. Dù là tàu sân bay Mỹ tiến về bán đảo, hay quân đội Mỹ tấn công Syria, đều là những tín hiệu cảnh cáo, gia tăng đe dọa Triều Tiên."
Nhưng ông cho rằng, "bóng đen" chiến tranh đã bao trùm khu vực, nhưng xung đột sẽ không bùng phát ngay.
"Động binh bằng cách nào? Phóng tên lửa có tiêu hủy được cơ sở hạt nhân Triều Tiên hay không? Có dẫn đến rò rỉ phóng xạ không?" - ông Cao cho rằng chính quyền Mỹ rất khó làm điều tương tự ở Syria đối với Triều Tiên.
Học giả Trung Quốc đánh giá động thái gửi thư tới ASEAN của Bình Nhưỡng "có thể lý giải". Nhưng ông Cao cho rằng với lập trường trung lập trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà ASEAN vẫn duy trì, các nước Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhấn mạnh phi hạt nhân hóa trên bán đảo.
Trong khi đó, Trung Quốc - đồng minh lâu năm và đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng - ngày 10/4 đã nhất trí với Hàn Quốc về việc áp dụng các biện pháp mạnh nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân hoặc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc hội đàm ngày 6-7/4 ở Florida, đã đồng ý với đồng cấp Mỹ Donald Trump rằng "phải có hành động đối với Triều Tiên".
theo Trí Thức Trẻ
Triều Tiên sẵn sàng phản ứng trước mọi kiểu chiến tranh mà Mỹ mong muốn
Triều Tiên lên án Mỹ điều một nhóm tác chiến tàu sân bay tới gần nước này là hành động “liều lĩnh”, tuyên bố sẵn sàng cho “chiến tranh” nếu căng thẳng leo thang.
Mỹ xác nhận nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson hủy chuyến thăm Australia vào cuối tuần này theo kế hoạch để di chuyển về gần bán đảo Triều Tiên phô diễn sức mạnh, đối phó mối đe dọa ngày càng tăng từ Bình Nhưỡng.
“Điều này cho thấy những động thái liều lĩnh của Mỹ nhằm xâm lược Triều Tiên đã bước vào giai đoạn nghiêm trọng”, KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên hôm nay cho biết. “Triều Tiên sẵn sàng phản ứng trước mọi kiểu chiến tranh mà Mỹ mong muốn”.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Herbert Reymond McMaster nói với Fox News ngày 9/4 rằng đây là hành động thận trọng trước những hành vi khiêu khích của Triều Tiên. Ông này đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý rằng việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận. Ông McMaster cho hay Tổng thống Trump đang xem xét tất cả các lựa chọn để loại bỏ mối đe dọa này. Trong một phát biểu sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh rằng mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chứ không phải nhằm “thay đổi chế độ ở Triều Tiên”.
“Chúng tôi sẽ có hành động đáp trả cứng rắn nhất bằng sức mạnh của vũ khí với những kẻ khiêu khích để tự vệ”, người phát ngôn cho biết thêm.
Giới chức Triều Tiên, đặc biệt là nhà lãnh đạo Kim Jong-un, từng nhiều lần ám chỉ Bình Nhưỡng sắp thử tên lửa đạn đạo hoặc có động thái tương tự, sớm nhất có thể là 15/4, kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà lập quốc Kim Nhật Thành. Tình báo Mỹ cảnh báo Triều Tiên chỉ cần chưa đầy hai năm nữa là có đủ khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ.
Hãng tin Reuters cho hay, quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn ra lệnh cho quân đội tăng cường theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của Triều Tiên, và đảm bảo liên lạc sát sao với đồng minh Mỹ.
“Có thể Triều Tiên sẽ có những động thái gây hấn lớn hơn, như thử hạt nhân trùng với thời điểm các ngày kỷ niệm, trong đó có cả sự kiện họp Hội đồng Nhân dân Tối cao” – ông Hwang Kyo-ahn nói.
Hôm nay (11/4), Triều Tiên tổ chức kỳ họp thứ năm của Hội đồng Nhân dân Tối cao khóa 13 tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ngày 11/4 cũng là dịp kỷ niệm tròn một năm ông Kim Jong-un được bầu làm Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên.
Theo KBS, sự kiện này thu hút sự chú ý lớn bởi Triều Tiên được cho là sẽ đưa ra các chính sách kinh tế, đối ngoại, song song với biện pháp xử lý các vấn đề cơ bản khác như dự thảo ngân sách, quyết toán ngân sách.
Do đây là hội nghị đầu tiên của Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên sau khi Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump ra mắt, ông Kim Jong-un được kỳ vọng sẽ đưa ra thông điệp đáng chú ý nào đó.
Thứ Bảy 15/4 sẽ là ngày kỷ niệm 105 năm ngày sinh lãnh tụ lập quốc Kim Nhật Thành, ông nội nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Một buổi duyệt binh quân sự dự kiến được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào ngày này.
Triều Tiên thường đánh dấu các ngày kỷ niệm quan trọng bằng những vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân.
Ngày 11/4, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ “tự vệ bằng vũ lực hùng mạnh” để đáp trả việc hải quân Mỹ triển khai nhóm tàu tấn công đến gần bán đảo Triều Tiên.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA trích thông báo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, việc triển khai nói trên cho thấy “hành động xâm nhập liều lĩnh đã đạt đến mức độ nghiêm trọng”.
“Chúng tôi sẽ buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả thảm khốc gây ra bởi hành động thái quá của họ. Triều Tiên sẵn sàng phản ứng trước bất kỳ hình thái chiến tranh nào mà Mỹ muốn. Việc triển khai của hải quân Mỹ cho thấy Triều Tiên có quyền phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ hoặc sử dụng trong những cuộc tấn công phủ đầu” , tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên viết.
Reuters cho hay, Triều Tiên được cho là đã sẵn sàng để thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 bất cứ lúc nào. Ảnh vệ tinh đã phát hiện các hoạt động tại bãi phóng Punggye-ri.
TinhHoa tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét