(Kiến Thức) - Quá trình kiểm tra hiện trường và xử lý sự cố môi trường sau vụ cháy, Sở TN&MT xác định khu vực cuối xưởng xảy ra cháy của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt có 1 lò hơi đang sử dụng, có thể đang thực hiện các hoạt động sản xuất hóa chất “chui”.
Liên quan vụ cháy nhà kho của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt trong cảng Đức Giang (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) vào sáng 30/6, mới đây, Sở TN&MT Hà Nội đã báo cáo thành phố dấu hiệu sản xuất hóa chất khi chưa được cấp phép.
Theo đó, quá trình kiểm tra hiện trường và xử lý sự cố môi trường sau vụ cháy, tổ kiểm tra của Sở TN&MT xác định khu vực cuối xưởng xảy ra cháy của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt có 1 lò hơi đang sử dụng, có thể đang thực hiện các hoạt động sản xuất hóa chất. Trong khi đó, theo giấy phép đủ điều kiện kinh doanh hóa chất do Sở Công thương Hà Nội cấp cho Công ty Cường Việt, doanh nghiệp này chỉ được kinh doanh hóa chất, không được sản xuất hóa chất.
Từ những dấu hiệu sản xuất hóa chất được phát hiện qua vụ cháy, Sở TN&MT Hà Nội đề nghị UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất của Công ty Cường Việt. Đồng thời, chỉ đạo kịp thời xử lý các vi phạm về an toàn, kinh doanh và sản xuất hóa chất của Công ty Cường Việt do công ty này có dấu hiệu sản xuất hóa chất, lĩnh vực chưa được Sở Công thương cấp phép.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu Công ty Cường Việt sản xuất hóa chất ‘chui’, sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, sản xuất hóa chất là một hoạt động kinh doanh có điều kiện, theo đó cơ sở, đơn vị sản xuất hóa chất phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp được cấp cho cá nhân, tổ chức sản xuất hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 13/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
Theo quy định của Luật hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp như sau: Là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật, có ngành nghề sản xuất hóa chất;
Cơ sở vật chất – kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong sản xuất theo quy định tại Điều 12 của Luật hóa chất; Điều 4; khoản 1, 2 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP;
Diện tích nhà xưởng, kho chứa phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cơ sở sản xuất có đủ diện tích để bố trí dây chuyền sản xuất phù hợp với công suất thiết kế, đảm bảo các công đoạn sản xuất, đáp ứng yêu cầu công nghệ;
Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất; Các đối tượng quy định tại Điều 32 của Nghị định 113/2017/NĐ-CP phải được huấn luyện an toàn hóa chất.
Ngoài ra, sản xuất, kinh doanh hóa chất đều phải đáp ứng điều kiện về phòng chống cháy nổ. Hóa chất có thể bao gồm là những chất độc hại, nguy cơ cháy nổ cao nên việc sản xuất, kinh doanh các loại hóa chất đòi hỏi phải có sự quản lý của nhà nước, đảm bảo an toàn cho người và môi trường xung quanh.
Luật sư Cường đánh giá, vụ cháy kho hóa chất của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt là rất nghiêm trọng. Do đó, ông Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân của vụ cháy, làm rõ mức độ ảnh hưởng của vụ cháy này đến môi trường và những hậu quả khác là vụ cháy này đã gây ra đối với người và tài sản. Làm rõ những yêu cầu, điều kiện, đảm bảo về phòng cháy chữa cháy của cơ sở kinh doanh này để có căn cứ xác định trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt không được phép sản xuất hóa chất, không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy nhưng cố tình thực hiện gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với tổ chức và cá nhân, trong đó có thể xem xét đến tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra nếu xác định có hành vi gây ô nhiễm môi trường đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân về hành vi này. Vấn đề này cơ quan chức năng phải xác minh làm rõ, nếu hành vi đến mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội có thể cấu thành tội phạm thì sẽ xem xét trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp hành vi có sai phạm nhưng không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội danh nào thì có thể xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp những hóa chất độc hại rò rỉ, phát tán ra môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người dân xung quanh, phải mất chi phí khắc phục môi trường, vụ cháy ảnh hưởng đến tài sản của các hộ dân xung quanh thì Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt phải bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét