Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Chuyện bất ngờ về cây mít đại lão cổ thụ đất Bình Liêu, có năm cả làng hái quả ăn không hết

 Thứ bảy, ngày 04/07/2020 07:10 AM (GMT+7)

Aa Aa+
Cây cũng có linh hồn. Chúng tôi nghiệm ra điều đó dưới tán của những cây cổ thụ ở huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh).
 Bình luận 0
“LINH HỒN” CỦA BẢN LÀNG
Đến Bình Liêu, hỏi cây gì to nhất, chúng tôi được một bà chị làm văn hoá chỉ đến cây mít đại lão cổ thụ nằm ở trung tâm bản Ngàn Vàng Giữa, xã Đồng Tâm, ngay cạnh đường đi. 
Hỏi tuổi cây mít thì tất cả đều lắc đầu chỉ biết rằng lấy tuổi của cụ Nình Hỷ Ngân, già nhất bản ra để làm thước đo cho một đoạn đời của cây mít.
Chuyện bất ngờ về cây mít đại lão cổ thụ đất Bình Liêu, có năm cả làng hái quả ăn không hết - Ảnh 1.
Không mang theo thước, Trưởng bản Ngàn Vàng Giữa đo gang đến mỏi tay mới hết chu vi của cây mít.
Cụ Ngân năm nay đã ngoại bát tuần. Cụ kể rằng lúc lớn lên đã thấy cây mít to lắm rồi. Không biết cây có tự bao giờ nhưng ít nhất 3 đời cụ cố, ông, cha của cụ Ngân đều kể về cây mít này với niềm tôn kính. Cụ bảo rằng, cây có thần. 

Cứ năm nào cây bị gẫy cành chìa về hướng nào là điềm báo những hộ dân ở phía đó làm ăn sẽ vất vả khó khăn. Hỏi cụ sao không ai đặt bát hương để thờ thì cụ xua đi chỉ vào ngực mình ngầm ý rằng hồn cây đã “ở trong cái bụng” của những người dân bản.
Cụ Ngân không biết ai trồng cây mít nhưng hiện giờ cả bản cùng quản lý cây mít. Đến mùa hái quả mỗi nhà lại đến chia nhau. 
Anh Trần Văn Trình, Trưởng bản Ngàn Vàng Giữa, ước đoán một năm cây ra một nghìn quả. Chưa năm nào cây không ra quả. Cách đây mấy năm cây sai lắm đến mùa thu hoạch cả 54 hộ ra chia mỗi người 4 gánh kĩu kịt mang về. Ai mang bán thì bán còn ai ăn thì ăn. Nhưng thật ra chẳng nhà nào ăn hết cả.
Cây mít đúng là một “mảnh hồn làng” của bản Ngàn Vàng Giữa. Thời Pháp thuộc, cán bộ cách mạng đến họp ở cây mít này. Thời hợp tác xã rồi cả sau này nữa, mọi công việc chung dù lớn dù bé cũng đều họp bàn và triển khai ở dưới gốc mít này cả. 
Một điều thú vị là cây mọc ngay bên đường tán xoè rộng đủ che chở cho dân bản. Tháng sáu giữa hạ mà ngồi dưới gốc cây còn sướng hơn nằm phòng điều hoà. Chúng tôi đoán khi xưa tiền nhân đã có ý trồng cây để cho con cháu đời sau nương tựa. 
Dưới gốc cây còn có những phiến đá rộng để dân bản gặp gỡ tâm tình. Nhiều đôi trai gái bản đã về ở với nhau sống đời vợ chồng từ những phút tâm tình khi ngang qua cây mít.
Và vì đó là mảnh hồn làng nên bà con nhân dân quyết tâm bảo vệ. Không có ai được trả thù lao hay được phân công nhưng mỗi người dân bản đều tự nguyện làm điều đó. 
Dân bản phòng và chữa bệnh cho cây. Không chỉ xua đuổi những kẻ xâm phạm có mưu đồ xấu đã đành, dân bản còn kiên quyết không đánh đổi điều gì đó lấy cây mít.
Ông Trần Phương Tăng kể rằng, mấy năm trước, có một đại gia đến ngỏ ý mua cây với giá rất cao kèm theo lời thoả thuận sẽ làm con đường bê tông khang trang vào bản. Nhưng vị đại gia nọ đã không nhận được một cái gật đầu nào của bất kỳ người dân bản. 
Người ở bản Ngàn Vàng Giữa bảo cây là cuộc đời của họ, của cha ông họ. Một già làng râu tóc bạc phơ ra đuổi: “Không bán đâu. Mày về đi! Dân tao không bán hồn làng”.
Trưởng bản Ngàn Vàng Giữa thì kiên quyết: “- Tiền tiêu rồi cũng hết. Đường thì dân làng chịu khó làm ăn sẽ khá lên rồi sẽ làm được. Còn cây mít này thì trồng đến bao giờ? Ai cho bao nhiêu tiền dân bản tôi cũng không bán”.
 Vị trưởng bản cũng cho biết, dân bản không những dự định làm đường ngang qua đây mà còn sẽ xây dựng một điểm đến nghỉ chân dưới tán cây mít.
Cây là hồn làng, cây còn là “những người chép sử”. Ngày xưa, cổ nhân chép sử lên thân tre trúc, bây giờ, người Bình Liêu hồi ức về những ngày đã qua bằng cách tính tuổi những cây đa. Cây đa ở đình Lục Nà, xã Lục Hồn là chứng nhân lịch sử cách mạng của huyện Bình Liêu. 
Ngày 20-11-1945 tại khu vực cây đa Lục Hồn và đình Lục Nà đã diễn ra cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức để tuyên bố thành lập Chính quyền Cách mạng Lâm thời huyện Bình Liêu. Sau đó ít lâu, Uỷ ban Hành chính huyện, lực lượng Vệ quốc Đoàn huyện cũng được thành lập tại đây. 
Bây giờ, cây đa mẹ đã không còn nữa do bão lật. Cây hiện tại là hậu duệ của cây xưa kia. Cũng ở Lục Hồn này, còn có cây đa ở bản Cốc Lồng hiện đã rất già nua, gẫy nhiều cành. Gần đó có miếu thờ thành hoàng làng. Dân bản đồn rằng, hễ có ai xâm phạm vào cây là đêm về cứ mơ thấy bị trâu đuổi húc. Đến khi nào chịu làm lễ tạ tội thì cơn ác mộng mới qua đi.
Chuyện bất ngờ về cây mít đại lão cổ thụ đất Bình Liêu, có năm cả làng hái quả ăn không hết - Ảnh 3.
Một bà lão hoài niệm bên cây hoa sở cổ thụ. Ảnh: Đức Hiếu
CỘI CÂY VẪY GỌI
“Hồn” của Ngàn Vàng là cây mít, của Lục Hồn là cây đa vậy của cả Bình Liêu là cây gì. Không gì khác chính là cây sở. Theo một cách nào đó bình dị nhất, loài hoa đã đi vào tâm thức của những người dân Bình Liêu và để lại ấn tượng khó quên với những du khách có dịp đến nơi đây.
Hoa sở có một vẻ đẹp gì đó rất khó diễn tả. Cánh trắng muốt, nõn nà, bung xoè điểm xuyết nhụy vàng. Thật có lý khi cho rằng hoa sở tượng trưng cho sự mộc mạc, mang nét văn hoá đặc trưng của những con người nơi biên giới Bình Liêu xa xôi. 
Hoa sở nhắc nhở con người ta nhớ về cảnh sắc thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, lãng mạn của huyện miền núi này. Tôi đoán rằng, có lẽ xuất phát từ ý tưởng đó mà 2 năm nay, Bình Liêu đã tổ chức Lễ hội hoa sở tôn vinh văn hoá dân tộc, xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư. 
Năm ngoái là Lễ hội hoa sở quy mô cấp xã ở Đồng Tâm. Năm nay, Hội hoa sở đã nâng lên quy mô cấp huyện, trung tâm của Hội hoa sở ở Đồng Tâm nhưng còn mở rộng ra các hoạt động phụ trợ khác ở Lục Hồn, Đồng Văn và Húc Động. 
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ ngay ngày khai mạc, hội hoa sở Bình Liêu đã thu hút hàng ngàn bước chân du khách viếng thăm. Trong đó, có cả những du khách ở bên kia biên giới.
Trong một cuộc trò chuyện gần đây với chúng tôi, ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, Bình Liêu đã xác định quan điểm phát triển du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, đường biên giới, bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn như: Thác Khe Vằn xã Húc Động, đỉnh Cao Ba Lanh, thác Sông Moóc, thác Khe Tiền, Di tích lịch sử đình Lục Nà và cây đa Lục Hồn. 
Điều đó sẽ tạo sản phẩm du lịch mới không chỉ cho Bình Liêu mà còn cho tỉnh Quảng Ninh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Quan điểm đó càng đúng đắn hơn khi mà Bình Liêu có đến hơn 73% diện tích là rừng với gần 35.000ha. Trong đó, có hơn 2.600ha là rừng tự nhiên với nhiều loài cây gỗ quý, cây cổ thụ. Những rừng hồi, rừng quế, rừng sở thơm ngát, ngút ngàn đã trở thành một phần không thể thiếu của Bình Liêu, tạo ra những điểm khác biệt mà du khách muôn phương muốn khám phá.
Không hiểu sao đầu óc tôi cứ hình dung mỗi thân cây ở Bình Liêu là một con người, một số phận. Mỗi chiếc lá cây là một bàn tay vẫy gọi. Mỗi bông hoa là một nụ cười mến khách. Tất cả đang chào mời nhiều hơn nữa những bước chân lữ khách đến với Bình Liêu.
Chuyện bất ngờ về cây mít đại lão cổ thụ đất Bình Liêu, có năm cả làng hái quả ăn không hết - Ảnh 4.
Người ta sẵn sàng tìm phương án nắn đường để tránh cây đa Lục Hồn.
CÒN ĐÓ NHỮNG BĂN KHOĂN
Trưởng bản Ngàn Vàng Giữa bảo chúng tôi rằng đã thấy rất nhiều người chơi sinh vật cảnh hoặc thợ gỗ đến hỏi. Còn ông Trần Tiến Bảo thì băn khoăn: “- Chưa thấy chuyên gia văn hoá, bảo tồn di sản nào đến khảo sát cả”. 
Trong khi đó, ở huyện Tiên Yên lân cận đã đánh số cho những cây cổ thụ kèm lý lịch trích ngang và có biện pháp bảo vệ. Một số địa phương trong nước còn làm hồ sơ xin công nhận cây di sản cho những cây cổ thụ gắn với di tích lịch sử văn hoá. 
Anh Vi Ngọc Nhất, Phó Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bình Liêu, cho biết: Cây cổ thụ ở đây nhiều lắm. Hiện tại, dân bản ở các nơi đều tự nguyện bảo vệ. Ngoài ra, trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, các hương ước cũng có những mục phải bảo vệ cảnh quan môi trường, cây cối. Về vấn đề cây di sản, chủ yếu là cộng đồng bảo vệ chứ ngành văn hoá huyện nhà chưa có đề án này.
Không phải là chuyên gia lâm sinh hay là nhà văn hoá nhưng không hiểu sao chúng tôi vẫn thiết tha đi tìm cây sở cổ thụ để tôn xưng là cây sở tổ. Chúng tôi lang thang qua nhiều bản làng Bình Liêu để nghe các cụ cao niên kể về loài cây này. 
Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Phương (hiện ở bản Cáng Bắc, xã Lục Hồn) cho chúng tôi biết rằng, ở bản có cây sở cổ lắm rồi. Khi cụ còn lẫm chẫm biết đi, đã thấy cây rất to. Cây sở lớn lên, già đi sần sùi hơn cùng cuộc đời những người con của bản thuộc thế hệ cụ Phương.
Chị Hà Thị Ngọc, cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện, cho rằng có lẽ, cây sở gần nhà cụ Phương là cây có tuổi đời cao nhất. Phải chăng hãy đề xuất để chọn cây đó là cây sở tổ. Hải Dương có cây vải tổ, Hưng Yên có cây nhãn tổ thì tại sao Bình Liêu lại không có cây sở tổ?
Tôi băn khoăn nghĩ vậy khi lang thang dưới rừng sở Bình Liêu đang mùa trổ hoa. Có lẽ, cũng vì quá yêu Bình Liêu, yêu thiên nhiên hoang sơ cuốn hút nên khi chia tay mảnh đất này, những phóng viên nhiều chuyện như chúng tôi mới đặt ra nhiều băn khoăn đến thế!
Huỳnh Đăng-Dương Trường (Báo Quảng Ninh)

Không có nhận xét nào: