Ngay từ khi triển khai và thực hiện dự án Nhà máy giấy Lee & Man của Công ty TNHH giấy Lee & Man (HongKong-Trung Quốc, đặt tại cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang) đã có nhiều bất cập.
TỪ LÁ ĐƠN CẦU CỨU
Ngày 16-6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) có công văn gởi Quốc hội, Chính phủ kiến nghị rà soát công nghệ xử lý nước thải và công tác giám sát môi trường Nhà máy giấy Lee & Man. Công văn trên ghi rõ: “Mới đây, người dân và các doanh nghiệp thủy sản hội viên VASEP tại ĐBSCL lại hoang mang trước thông tin Dự án (DA) xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hongkong- Trung Quốc) sắp đi vào hoạt động ở cặp bờ sông Hậu (hạ nguồn Mekong). Quy mô nhà máy này lớn nhất Việt Nam, đứng thứ 5 trên thế giới”.
VASEP khẳng định: “Được biết, công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH) là nhiều nhất, đứng hàng thứ hai sau cyanuya, thạch tín. Hiện khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tẩm đảm bảo yêu cầu an toàn. Từ năm 2007, khi biết thông tin DA, VASEP đã có báo cáo gởi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bởi doanh nghiệp thủy sản rất lo ngại DA này có thể hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng ĐBSCL”.
Trong khi đó, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất, xuất khẩu thủy sản, chiếm trên 70% diện tích thủy sản, 40% sản lượng nuôi trồng và 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước. Vì vậy, VASEP đề nghị Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo việc kiểm tra, rà soát công nghiệp xử lý nước thải của DA; chỉ đạo yêu cầu thực hiện đầy đủ và đồng bộ hoạt động giám sát xả thải của Nhà máy LEE & Man bao gồm cả đầu cơ thiết bị, cơ chế giám sát và thực thi…
Theo giấy phép xả thải, công ty xả 50.000 m³ nước thải/ngày đêm ra sông Hậu từ trạm xử lý nhưng trạm xử lý chỉ 20.000 m³.
Công văn trên được dư luận chú ý. Hàng loạt bài báo về DA được đang tải. Đây là một trong những DA “rùa” nhất miền Tây. Năm 2007, DA Nhà máy giấy Lee & Man cho rằng sẽ khởi công vào tháng 8-2007 với diện tích 80 ha, tổng mức vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.
Nhà máy bao gồm 2 hạng mục chính: Nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng công suất 330.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp công suất 420.000 tấn/năm đặt tại cụm công nghiệp Phú Hữu A (huyện Châu Thành, Hậu Giang). Theo thiết kế, tổng lượng nước thải của nhà máy bột giấy là 143.478 m³/ngày đêm, nhà máy giấy bao bì là 79.130 m³/ngày đêm.
Công ty Lee & Man dẫn các cơ quan chức năng tham quan nhà máy
Nhà máy phải cần NaOH trong quy trình xử lý nước thải, ít ra cũng gần 30 tấn/ngày. Để sản xuất 330.000 tấn bột giấy, mỗi năm nguồn nguyên liệu trồng rừng lên đến hơn 600 ha. Sau 14 tháng, giai đoạn 1 DA sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, khởi công xong, DA dừng lại.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thúc mãi, năm 2014, Công ty Lee & Man mới khởi động lại. Đến nay, DA đã xây dựng cơ bản hoàn chỉnh đối với Nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm. Dự kiến tháng 8-2016 vận hành thử nghiệm. Nhà máy Bột giấy tẩy trắng sản lượng 330.000 tấn/năm, dự kiến năm 2017 triển khai và thử nghiệm tháng 10-2018.
HÀNG LOẠT BẤT NGỜ… ĐƯỢC TIẾT LỘ
Qua kiểm tra, phóng viên phát hiện hàng loạt bất ngờ xung quanh DA. Từ khi triển khai đến quá trình thực hiện và chạy thử nghiệm đều thể hiện sự tắt trách của cơ quan chuyên môn. Ngày 6-9-2007, Cục Lâm nghiệp đã có công văn: “Quyết định của Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại Đồng bằng Sông Cửu Long’.
LỜI HỨA ẢO
Tổng giám đốc Công ty Lee & Man Chung Wai Fu cam kết, công ty không sử dụng hóa chất xút trong công nghệ sản xuất giấy và không sản xuất bột giấy. Ông Chung cũng cho biết do không nằm trong vùng nguyên liệu nên nguyên liệu sản xuất giấy chủ yếu là nhập khẩu. Ông Chung cho rằng hệ thống xử lý chất thải của nhà máy có công nghệ hiện đại, công suất xử lý 20.000 m3/ngày đêm, nhưng chỉ thải ra môi trường có 10.000 m³/ngày đêm.
Hệ thống xử lý sẽ qua 9 công đoạn để khi xả chất thải đạt chuẩn loại A. Khi nhà máy hoạt động, hệ thống xử lý nước thải này sẽ kết nối với hệ thống quan trắc của Sở TN-MT Hậu Giang và một đơn vị quản lý do Bộ TN-MT chỉ định để các đơn vị này giám sát. Tuy nhiên khi nhà máy chuẩn bị vận hành, trạm quan trắc vẫn chưa được xây dựng.
|
Thời điểm này, một vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối việc xây dựng nhà máy giấy ven sông Hậu bởi đây là vùng vựa lúa của cả nước, vựa thủy sản và là vùng trái cây của huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Hơn nữa, Nhà máy giấy lại cạnh nhà máy nước Cần Thơ cung cấp nước sinh hoạt cho gần 500.000 dân ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy. Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng DA vẫn được khỏi công.
Trước quy mô DA, dù thuộc thẩm quyền xem xét đánh giá tác động môi trường, lúc bấy giờ, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ TN-MT lập Hội đồng thẩm định. Ngày 27-7-2008, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tổ chức họp và nhất trí thông qua báo cáo của chủ dự án.
Bảy năm sau (tức ngày 11-12-2015), Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai ký giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 3216/GP-BTNMT theo Đơn đề nghị của Công ty TNHH Lee & Man và Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ trưởng Bộ TNMT quyết định cho phép Công ty Lee & Man xả nước thải từ Trạm xử lý nước thải tập trung công suất 50.000 m³/ngày đêm ra sông Hậu (thuộc ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang).
Báo cáo số 72/BC-UBND ngày 17-6-2016 của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, phía nhà máy phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra sông. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với công suất thiết kế 420.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất bột giấy tẩy trắng công suất 330.000 tấn/năm đã được phê duyệt, Công ty Lee & Man xây dựng trạm xử lý nước thải 155.000 m³/ngày đêm, đầu tư thành 2 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 xây dựng nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) công suất 50.000 m³/ngày đêm và giai đoạn 2, xây dựng NMXLNT công suất 105.000 m³/ngày đêm.
Điều khá bất ngờ, khi Lee & Man chuẩn bị đi vào hoạt động thì chỉ mới xây dựng NMXLNT công suất 20.000 m³/ngày đêm (!?). Còn lại 30.000 m³ nước thải chưa xử lý sẽ xả ở đâu ? Theo các nhà khoa học, công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm hơn cả công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản xuất và việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại.
Dự kiến ngày 1-7, Tổng Cục môi trường chủ trì phối hợp với Sở TN-MT Hậu Giang, Phòng Cảnh sát MT tỉnh Hậu Giang và các cơ quan có liên quan tiến hành thanh tra, xem xét và đánh giá việc chấp hành về bảo vệ MT của Công ty Lee & Man theo chỉ đ8ạo của Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà. Dư luận đang chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng trước nguy cơ bức tử dòng sông Hậu.
Ông Trần Công Chánh – Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang: “Xung quanh DA nhà máy giấy, có ý kiến cho rằng, Hậu Giang nghèo nên lấy môi trường đổi dự án. Thực ra, không phải vậy. Khi đồng ý cấp giấy phép DA, chúng tôi đề nghị Bộ TNMT lập Hội đồng đánh giá tác động môi trường. Mới đây, Bộ TNMT đã ký giấy phép cho công ty xả thải từ Trạm xử lý ra sông Hậu. Đến thời điểm hiện nay, nhà máy vẫn chưa hoạt động. Địa phương sẽ thực hiện đúng theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn đối với quá trình kiểm tra tại Công ty Lee & Man”.
|
Ông Hoàng Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hậu Giang: “Ban đầu, đánh giá tác động MT thuộc thẩm quyền của tỉnh theo Luật bảo vệ MT năm 2004. Đây là DA có quy mô lớn, UBND tỉnh đã có văn bản gởi Bộ TN-MT lập Hội đồng thẩm định năm 2007. Đến nay, công ty được Bộ TN-MT cấp giấy phép xả thải. Theo quy định Luật môi trường năm 2014, đánh giá tác động MT của DA trên thuộc thẩm quyền của Bộ TN-MT. Nhưng luật không quy định rõ, những DA trước đó chưa thực hiện xong thì phải dựa vào quy định nào. Do đó, chúng tôi không bắt buột công ty làm lại”.
|
Ông Ngô Văn Đồng, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang: “Thời gian qua, nhiều DA đã phải trả giá môi trường khi đi vào hoạt động. Xung quanh Nhà máy giấy, hiện nay trung ương và địa phương đang tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt và xử lý trước khi nhà máy đi vào hoạt động. Tôi không dám nghĩ đến việc sẽ xảy ra sự cố về môi trường khi nhà máy hoạt động. Sở đang quy hoạch vùng cá da trơn với quy mô 250 ha; trong đó, môi trường nước sông Hậu hết sức quan trọng. Dĩ nhiên, nguồn nước ô nhiễm dự án của chúng tôi gắn với nhiều hộ dân sẽ không thực hiện”
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét